Đến với Tiền Giang, bạn không chỉ được tham quan những điểm đến đẹp tuyệt mà còn được thưởng thức những đặc sản vô cùng ngon miệng.
Hủ tiếu Mỹ Tho
Cùng với hủ tiếu Nam Vang và hủ tiếu Sa Đéc, hủ tiếu Mỹ Tho cũng nổi tiếng không kém gì đối với người dân Nam Bộ. Hủ tiếu Mỹ Tho có sợi bánh hủ tiếu màu trắng, nhỏ, khô dai và giòn giòn đặc trưng. Món này còn có thêm tôm, mực, thịt heo, thịt gà, lòng, tim…tùy vào sở thích của du khách và dùng thêm cả hẹ, xà lách, giá, cần tây,…
Điều làm nên sự khác biệt của món hủ tiếu ở các vùng khác nhau là nước lèo. Nước lèo của món hủ tiếu Mỹ Tho này được nấu từ nước hầm xương, thêm chút vị mặn của tôm khô, mực nướng, củ cải. Người nấu hầm tất cả những nguyên liệu trên thật lâu để có nồi nước lèo đậm vị.
Chuối quết dừa
Chuối là một trong những trái cây nổi tiếng ở Tiền Giang. Khi chín có thể đem chế biến thành nhiều món ngon khác nhau. Chuối quết dừa là một hương vị nổi danh của vùng đất này và cũng chính là một món đặc sản Tiền Giang mà thực khách không thể bỏ lỡ khi đi du lịch.
Người dân thường chọn loại chuối sứ xanh, tuy già nhưng tròn trịa và giữ được độ dai. Chuối sau khi được luộc xong, đem trộn cùng dừa nạo, loại dừa xiêm có lớp cơm ngọt, nêm nếm cùng gia vị rồi giã nhuyễn. Lúc hỗn hợp đã sánh lại thì đổ ra đĩa và rắc đậu phộng lên rồi thưởng thức.
Tưởng là đồ ngọt ăn chơi, nào ngờ cách ăn ở đây cũng lấy làm lạ. Ăn chuối quết dừa cùng rau sống rồi đem chấm vào nước mắm tỏi ớt, một hương vị độc đáo ắt sẽ khiến bạn nhớ mãi không quên.
Bún gỏi già
Đặc sản Mỹ Tho Tiền Giang có món bún gỏi già, món này thì không khác gì với món bún nem nướng. Tuy nhiên, nước súp của món lại được nấu từ mắm, nên chỉ cần húp một hai muỗng đầu thì bạn sẽ hài lòng ngay. Do cách phát âm của người miền Tây gọi “và” thành “già” nên món ăn này mới có tên gọi là bún gỏi già.
Món ăn mang hương vị đặc trưng của me chua, tôm và tương xay. Nguyên liệu làm món bún gỏi già gồm: giá, rau, bún, đậu phộng rang, nước dùng, dừa khô nạo, tương xay, nước me, mắm nêm, thịt heo ba rọi, tôm tươi ngò gai.
Nước dùng hầm không chỉ bằng xương heo thịt ba rọi, tôm mà còn cho thêm đường và nước me chua… Để món bún đúng vị thì nước mắm chấm đặc biệt phải là nước cốt mắm cá linh nguyên chất thơm ngon, đậm đà. Sợi bún trắng ngần, tép luộc chín đỏ au dừa khô nạo trắng đục cộng thêm màu trắng ngà của thịt luộc, màu đỏ tươi của ớt màu xanh của các loại rau đã làm nên món bún gỏi già đặc biệt, ăn một lần khiến người ta nhớ mãi.
Cháo cá lóc rau đắng
Lại là một món ăn nữa tới từ cá lóc. Cháo cá lóc rau đắng không chỉ là món ăn hàng ngày của người dân địa phương, nó đã trở thành đặc sản nức tiếng của tỉnh Tiền Giang.
Được chọn lọc từ những con cá thịt chắc và thơm, đun cùng cháo cho ngọt nước. Sau đó, đầu bếp sẽ thêm chút gia vị, hành khô, tương hột, ngò rí là bát cháo của chúng ta đã có “vị Tiền Giang” rất đặc trưng rồi đó. Đương nhiên món cháo cá lóc không thể thiếu đĩa rau đắng trứ danh. Đây là một loại rau khá đặc biệt. Lúc mới ăn sẽ đắng ngắt đến tê cả đầu lưỡi, thế nhưng khi nhai lâu lại ngọt lịm. Vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa thơm bùi ngòn ngọt, còn ngần ngại gì nữa mà không thử nhỉ?
Khô cá bông lau
Cá bông lau có thể chế biến thành nhiều món ngon như: cánh cá bông lau, lẩu cá bông lau.. Tuy nhiên, món ăn đặc sản Tiền Giang đậm đà hương vị nhất đó chính là món khô cá bông lau.
Khô cá bông lau được người dân Tiền Giang chế biến thành các món thơm ngon, đậm chất miền Tây như: canh chua ca bông lau nấu bần, khô cá bông lau chiên giòn ăn kèm với cơm nóng, hay món khô cá bông lau kho với nước dừa nghe thôi đã thấy thèm. Đặc biệt, món ngon miền Tây này rất hay xuất hiện trên bàn nhậu, ăn một miếng khô cá cùng gỏi xoài, nhấm nháp một ly rượu đế miền Tây thì không gì tuyệt vời bằng.
Ốc gạo Tân Phong
Đến với Tiền Giang mà bỏ qua những món ốc thì quả thực là thiếu sót lớn. Và sẽ càng đáng tiếc hơn nếu bạn không thưởng thức món ốc gạo Tân Phong. Đây chính là một trong những món ăn vặt điểm danh vào danh sách vàng của đặc sản Tiền Giang.
Ốc được làm sạch rồi đem luộc lên, hương thơm đánh thẳng vào khứu giác thực khách, mỹ quan thu về là đĩa ốc con nào con nấy vàng ươm. Ốc ăn ngọt thịt, béo ngậy, ăn kèm với nước mắm chanh ớt thêm vài lát gừng, không hề gây ngán. Nếu ăn ốc đúng vào mùa sinh sản của ốc thì bên trong ruột thường có nhiều con ốc nhỏ như hạt gạo, khi nhai thì rất giòn.
Nếu không muốn ăn ốc luộc,bạn hoàn toàn có thể lựa chọn các món ốc khác như ốc om nước dừa, ốc gạo xào tỏi ớt, ốc gạo cuốn bánh tráng,… Món nào cũng ngon, cũng đậm vị. Ăn ốc mà có thêm đôi ba chén rượu đế mắt mèo nhâm nhi kèm, vị rượu quyện hòa vị ốc càng thấm đượm hương vị trữ tình của miền Tây sông nước.
Bánh vá (còn gọi là bánh giá)
Bánh vá được làm từ những nguyên liệu quen thuộc và đơn giản như bột năng, bột gạo, heo nạc, tôm đất, đậu xanh, nấm rơm, óc heo, giá… Khi ăn nóng sẽ cảm nhận được vị giòn rụm ngon nức lòng. Loại bánh này được ăn kèm với rau sống, dưa leo, bún và nước mắm tỏi ớt của người Tiền Giang. Màu sắc xanh đỏ hòa quyện với nước chấm cay nồng, bánh vá xứng đáng là một đặc sản nức tiếng Tiền Giang.