Nghệ An có phiên chợ nằm giữa biên giới ai cũng tò mò tìm đến chơi, bán đủ món đặc sản 2 nước Lào - Việt

H.M
Chia sẻ

Từ sáng sớm tinh mơ, khi bản làng còn chìm trong mây mù và hơi lạnh, chợ phiên biên giới Nậm Cắn ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã thu hút người dân từ các nơi tìm về.

Chợ biên giới Nậm Cắn là nơi giao thương hàng hóa, cũng là nơi giao lưu những nét đẹp văn hóa giữa 2 nước Việt - Lào. Vì lý do đó, ai cũng háo hức được một lần tham quan và thưởng thức những gì khác lạ tại phiên chợ biên giới này.

Trước đây, chợ họp mỗi tháng 2 phiên vào ngày 14 và 29. Nhưng từ năm 2019 tới nay, với việc tăng cường giao lưu văn hóa cũng như giao thương giữa 2 nước Việt Nam - Lào nói chung và tỉnh Nghệ An với Xiêng Khoảng nói riêng, cùng đó “cung - cầu” hàng hóa ngày càng tăng, nên chợ đã nâng số phiên trong tháng, tổ chức vào Chủ nhật hàng tuần.

Chợ Nậm Cắn nằm cạnh cửa khẩu với nước bạn Lào, vì vậy, còn có tên là chợ Đoàn Kết. Mỗi phiên chợ giống như ngày hội đối với bà con ở các bản làng vùng biên 2 nước. Chợ cách thành phố Vinh chừng 270 km, cách phố núi Mường Xén của huyện Kỳ Sơn chừng 25 km.

Nghệ An có phiên chợ nằm giữa biên giới ai cũng tò mò tìm đến chơi, bán đủ món đặc sản 2 nước Lào - Việt - 1

Sôi động, nhộn nhịp nhất từ lúc mờ sáng là khu vực hàng quán bán đồ chín, các món ẩm thực của đồng bào vùng cao. Tại các hàng quán này, bên những lò than đỏ hồng nghi ngút khói và mùi thơm lừng của các món ăn, du khách dễ dàng bắt gặp những món đặc trưng của đồng bào dân tộc: Thịt gà, lợn nướng, lòng lợn nướng, bún, phở, cơm lam, thịt sấy khô… cùng các loại bánh và nhiều thứ rượu được chưng cất từ nông sản.

Khu ẩm thực thu hút khá nhiều vị khách, họ gặp nhau ở phiên chợ, rủ nhau vào quán để gặp gỡ, hàn huyên, hỏi thăm tình hình sức khỏe và chia sẻ với nhau những kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế, xây dựng bản làng ấm no.

Vào trung tâm chợ phiên biên giới Việt - Lào, du khách sẽ cảm nhận rõ khung cảnh tất bật, sôi động và nét sinh hoạt đặc trưng của đồng bào các dân tộc vùng cao Nghệ An. Thu hút đông đảo các thiếu nữ là những gian hàng bán trang phục truyền thống của đồng bào Mông, Thái, Lào... Tại đây, người dân đi chợ lựa chọn, giúp nhau thử các sản phẩm váy, khăn, mũ… Tiếng nói cười, trò chuyện rôm rả. Các hoạt động thêu thùa, may vá trang phục truyền thống được thực hiện bởi bàn tay khéo léo của các chị, các mẹ…

Nghệ An có phiên chợ nằm giữa biên giới ai cũng tò mò tìm đến chơi, bán đủ món đặc sản 2 nước Lào - Việt - 2

Là chợ phiên chủ yếu quy tụ đồng bào các dân tộc của 2 nước Việt - Lào, nên hàng hóa ở đây khá phong phú, đa dạng, phục vụ nhu cầu mua sắm cho người dân. Các sản vật được bà con dân bản trồng, các vật nuôi, ẩm thực địa phương, quần áo thổ cẩm, nông cụ, thực phẩm tươi sống, hàng tạp hóa… đều được bà con 2 nước mang ra trao đổi, mua bán. Bên cạnh đó, còn có khách du lịch, không chỉ trong nước mà còn có cả nước ngoài đến tham quan, khám phá nét văn hóa đặc sắc của người dân rẻo cao biên giới.

Đến phiên chợ, bạn sẽ không gặp cảnh mời chào chèo kéo mua hàng, mà chỉ thấy những gương mặt thuần phác trong bộ quần áo dân tộc sặc sỡ, họ đến chợ ngoài mục đích mua bán còn là để vui với chợ, vui với khách đi chợ.

Nghệ An có phiên chợ nằm giữa biên giới ai cũng tò mò tìm đến chơi, bán đủ món đặc sản 2 nước Lào - Việt - 3

Phiên chợ biên giới Nậm Cắn có một không gian khác nhiều so với những phiên chợ ở miền xuôi. Đó là một không gian đa âm, đa sắc màu, đa ngôn ngữ, yên vui, náo nức và đầm ấm. Hàng bán tại những phiên chợ biên giới từ lâu đã trở thành đặc trưng. Bởi lẽ, những hàng hóa được bày ra ở chợ phiên đều là những sản vật do đồng bào vùng cao tự làm ra và mang xuống trao đổi, mua bán. Đó là những loại rau xanh non trồng trên núi cao, gạo nếp, gạo đỏ, bầu, bí… và các loại hạt dùng để làm gia vị được hái từ cây rừng.

Bên cạnh đó là các sản phẩm tươi sống như gà bản, thịt lợn đen, trâu, bò địa phương... Các mặt hàng nông cụ phục vụ sản xuất như dao, cuốc, xẻng… do người vùng cao làm ra cũng được khách quan tâm nhiều.

Nghệ An có phiên chợ nằm giữa biên giới ai cũng tò mò tìm đến chơi, bán đủ món đặc sản 2 nước Lào - Việt - 4

Phiên chợ biên giới Việt - Lào được mở với mục đích ban đầu là phục vụ nhu cầu mua sắm, giao thương của bà con hai bên biên giới, vừa là nơi giao lưu văn hóa nhưng hiện tại, quy mô các chợ không ngừng phát triển. Các gian hàng bày san sát và hàng hóa rất đa dạng. Ngoài đến chợ với mục đích mua bán, trao đổi hàng hoá, rất nhiều người đến chợ để thăm thú, vui chơi bởi phiên chợ biên giới luôn hấp dẫn, là sự hội tụ của nhiều sắc màu văn hóa của nhiều dân tộc.

Gần trưa, phiên chợ biên giới Nậm Cắn thưa người dần, cũng là lúc những chuyến xe ô tô tải mang biển kiểm soát Việt Nam và Lào chất đầy hàng hóa sau một buổi thu mua nông sản; trên tay mỗi người đều xách túi lớn túi nhỏ, trở về nhà trên các nẻo đường.

Hình ảnh của những người bán hàng chân thật, hào sảng, không nói thách, không mặc cả, "ưng cái bụng" là bán in đậm trong tâm trí những ai từng có dịp đi chợ phiên Nậm Cắn. Phiên chợ biên giới Việt - Lào dành cho đồng bào vùng cao là thế, giản dị và nồng hậu như chính những con người cần cù, dũng cảm, lớn lên giữa gió núi, mây ngàn.

Chia sẻ

H.M

Tin cùng chuyên mục

Sức hút về đêm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Sức hút về đêm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Các sản phẩm du lịch đêm sử dụng công nghệ, hướng đến phát triển bền vững trong khai thác và phát huy giá trị di tích được đưa vào khai thác ở Hà Nội nói chung, Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng đã đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành điểm đến hàng đầu của cả nước về phát triển du lịch thông minh.

Loại củ xưa mọc hoang nay là đặc sản chị em săn lùng, cực hiếm nên cứ rao bán là hết sạch

Loại củ xưa mọc hoang nay là đặc sản chị em săn lùng, cực hiếm nên cứ rao bán là hết sạch

Củ niễng là đặc sản của vùng đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt phổ biến ở một số tỉnh như Nam Định, Thái Bình, Hải Dương,... Niễng vốn là một loại củ mọc hoang, gần các khu nước, đầm lầy, góc ao hay ven sông, chỉ rộ vào vào 1 tháng duy nhất mỗi năm. Vừa ngon lại vừa hiếm, nên đó là lý do tại sao dân địa phương cũng phải săn đón khi mùa niễng đến.