Xin phép bố chồng ra ở riêng, ông có một hành động với con trai khiến nàng dâu tái mặt

Lyly
Chia sẻ

Lần đó, chị B đã không im lặng nữa. Sau nhiều năm dồn nén, chị đã phản ứng lại.

Trong những mối quan hệ nhà chồng, người ta thường hay đề cập đến mẹ chồng hoặc chị/em chồng. Tuy nhiên, với chị B (62 tuổi, làm nghề thợ may tại TP.HCM), người khiến chị day dứt và khổ tâm nhất lại là bố chồng.

Chị kết hôn vào năm 1992 sau 2 năm yêu. Vì chồng chị là con trai duy nhất trong gia đình nên từ nhỏ đã được bố mẹ chiều chuộng hết mức. Tưởng rằng bước vào làm dâu trong một gia đình thương yêu con sẽ là điểm tựa vững chắc cho cuộc sống hôn nhân, nhưng thực tế đã không như chị nghĩ. Chị B sớm phải đối mặt với một người bố chồng nghiêm khắc, gia trưởng, bảo thủ và độc đoán. “Mọi việc trong nhà phải theo ý của bố, không ai được trái lời bố. Bố nói sao là phải nghe theo răm rắp”, chị B kể.

Trong chương trình Người thứ 3, chị B kể rằng thời điểm mới cưới, vợ chồng chị xin phép ra riêng để thoải mái, nhưng bố chồng lập tức phản đối gay gắt, thậm chí ông còn đánh con trai ngay trước mặt nàng dâu. Chính từ lúc đó, chị B mới thấm thía sự khó tính của ông. 

Ngay cả chuyện bếp núc hàng ngày cũng bị kiểm soát chặt chẽ. Từng món ăn phải nấu đúng theo ý ông, không được sai lệch. “Có một hôm tôi chiên cá bị cháy, xém xíu nữa là ông hất cả mâm cơm. Lúc đó tôi sợ lắm, mặt mày tái mét”, chị B kể thêm.

Xin phép bố chồng ra ở riêng, ông có một hành động với con trai khiến nàng dâu tái mặt - 1

Chị B chia sẻ câu chuyện của mình trong chương trình Người thứ 3.

Không chỉ với nàng dâu, bố chồng còn khó khăn cả với vợ. Vì thế, chị vừa thương xót mẹ chồng, vừa hoang mang và sợ hãi, lo lắng cho chính bản thân mình trong chính ngôi nhà của mình. "Một lần, tôi dẫn mẹ chồng đi mua vải để may áo. Khi về bố chồng nhìn thấy, ông lôi mẹ ra giữa nhà đánh đập và bắt quỳ, cắt hết đống vải thành từng mảnh vụn vì ông không muốn bà sửa soạn, ăn diện", nàng dâu nói.

Mẹ chồng cũng từng tâm sự với chị B rằng từ khi lấy chồng, bà chưa một lần được về quê ngoại ăn Tết. Tết đến là phải ở lại nhà lo việc thờ cúng và tiếp đón họ hàng bên nội. Cảnh ấy tiếp tục lặp lại với chị B khi chị cũng không được phép về ngoại đón Tết.

Có lần, bố chồng hứa cho vợ chồng chị một mảnh đất phía sau nhà. Tuy nhiên, lời hứa ấy chỉ tồn tại trên đầu môi chót lưỡi. Khi chồng chị ngỏ lời xin phép xây nhà ra ở riêng trên mảnh đất sau nhà mà ông hứa cho, ông lại nổi trận lôi đình, mắng nhiếc, rồi động tay chân với cả con trai. Không những vậy, ông còn quay sang chị B, gằn từng lời: “Phụ nữ đàn bà trong nhà này không có quyền! Đã lấy chồng thì phải phục tùng gia đình chồng, tề gia nội trợ”.

Lần đó, chị B đã không im lặng nữa. Sau nhiều năm dồn nén, chị phản ứng lại vì thấy bất công. Tuy nhiên, sự phản kháng của chị chỉ khiến mọi việc thêm căng thẳng. Bố chồng tiếp tục lăng mạ, thậm chí nhục mạ cả bố mẹ ruột chị khiến chị tổn thương sâu sắc. Chồng chị vì quá sợ bố nên chọn cách im lặng, còn chị chỉ biết nuốt nước mắt vào trong.

Không dừng lại ở đó, ông còn buộc chị B ký giấy từ chối mọi quyền lợi trong gia đình, chỉ vì lo sợ chị sẽ tranh giành tài sản. Sau hơn 30 năm sống chung, cống hiến và gồng gánh mọi thứ, lo mọi việc trong nhà, bao gồm cả chi phí sinh hoạt nhưng đổi lại là một tờ giấy cam kết không tranh giành tài sản, chị B đã phản ứng lại, phân tích cho bố chồng hiểu nhưng không được. Cuối cùng, chị đã quyết định nhờ sự can thiệp của chính quyền. Về chuyện này, mẹ chồng cũng đứng về phía chị.

Sau vụ việc, mối quan hệ giữa chị B và bố chồng trở nên lạnh nhạt, gần như không nói chuyện hay ăn chung mâm trong một thời gian dài. Cuối cùng, chính chị là người chủ động hòa giải, nhờ đó không khí trong gia đình dần trở lại bình thường.

Xin phép bố chồng ra ở riêng, ông có một hành động với con trai khiến nàng dâu tái mặt - 2

Khi được hỏi về chuyện con cái, chị B cho hay mình cảm thấy may mắn vì đứa con đầu lòng là con trai – cháu đích tôn của dòng họ. Còn cô con gái thứ hai thì không được ông nội yêu thương bằng. 

“Nhiều lúc tôi rất buồn, khóc một mình và muốn rời khỏi cuộc hôn nhân này. Nhưng rồi tôi tự an ủi mình, nghĩ rằng mình còn chồng và mẹ chồng yêu thương mình nên cố gắng. Hơn nữa, nhiều năm quá rồi nên tôi cũng dần quen với sự khó khăn của bố chồng”, chị B chia sẻ.

Lắng nghe câu chuyện của chị B, Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A cho rằng điều then chốt trong câu chuyện không nằm ở bố chồng mà chính là người chồng. Bởi, bố chồng đã khó tính từ trước khi chị B về làm dâu. Chồng yêu chị, cưới chị về thì anh phải đóng vai trò là người tạo ra "một dấu gạch nối" giữa nhà chồng và nàng dâu, đảm bảo vợ mình cảm thấy yên tâm trong hôn nhân. 

"Vấn đề lớn nhất trong cuộc sống gia đình này là thiếu sự chủ động quyết định từ cả chồng và vợ. Mỗi gia đình đều có khác biệt, nhưng nếu người phối ngẫu biết đồng hành, biết làm cầu nối giữa hai bên gia đình, thì hạnh phúc vẫn có thể giữ được. Và nếu không thể dung hòa, người chồng cần có vai trò bảo vệ vợ mình trước những điều tiêu cực từ gia đình. Trong trường hợp của chị B, người bố chồng không dừng lại không phải vì quá tàn nhẫn, mà vì không ai dám đấu tranh, không ai dám cất tiếng nói để bảo vệ bản thân. Chính sự im lặng ấy lại là thứ tạo nên tổn thương sâu sắc nhất’’, Tiến sĩ Tô Nhi A nói thêm. 

Chia sẻ

Lyly

Tin cùng chuyên mục

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.