Chị gái phải lòng em rể nhưng bị cả gia đình ngăn cấm kịch liệt, chuyên gia khẳng định: "Không có gì sai"

Lyly
Chia sẻ

Vì chuyện này, chị A trăn trở mãi, không biết nên giải quyết thế nào.

Chị A (31 tuổi) lớn lên trong một gia đình không trọn vẹn. Bố mẹ ruột qua đời vì tai nạn khi chị còn nhỏ, sau đó chị được một gia đình nhận nuôi. Nhưng cuộc sống trong ngôi nhà mới không hoàn toàn êm đềm. “Bố mẹ nuôi đón tôi về từ lúc còn nhỏ, nhưng tôi không cảm nhận được tình yêu thương. Tôi từng nghe lén được mẹ nuôi nói rằng bà xem bói thấy tuổi tôi hợp với bà, giúp ích cho việc làm ăn nên mới nhận nuôi", chị A chia sẻ.

Khi về sống trong gia đình mới, chị đã có một người em gái nuôi, nhỏ hơn hai tuổi. Hai chị em lớn lên gắn bó, yêu thương nhau như ruột thịt. Khi trưởng thành, em gái lấy chồng nhưng không may mắc bệnh hiểm nghèo lúc đang mang thai. Dù biết bệnh nặng, em vẫn quyết tâm giữ lại đứa bé. Khoảng 4 tháng sau khi sinh con, em gái chị A qua đời.

Sự ra đi của em gái khiến gia đình rơi vào cú sốc. Bố mẹ nuôi chị A đón cháu ngoại về nuôi vì lo lắng con rể không đủ khả năng chăm sóc. Chị A lúc này phụ bán cà phê tại nhà, cũng dành phần lớn thời gian chăm cháu, coi cháu như con ruột.

Chị gái phải lòng em rể nhưng bị cả gia đình ngăn cấm kịch liệt, chuyên gia khẳng định: "Không có gì sai" - 1

Chị A chia sẻ câu chuyện của mình với Tiến sĩ Tâm lý Đinh Đoàn.

Ngoài ra, chị còn phụ trách việc đưa cháu sang thăm nhà nội và dần nảy sinh tình cảm với em rể. “Tôi thường đưa bé sang thăm bố bên nội, từ đó gặp em rể nhiều hơn. Lúc nào không rõ, tôi bắt đầu nảy sinh tình cảm. Mỗi lần thấy hai bố con gặp nhau, không có mẹ bên cạnh, nhìn tôi thương lắm. Nhìn cảnh anh ấy nựng nịu con, bế bồng con bế con, tôi trỗi lên cảm xúc khó tả lắm. Tôi không nỡ. Tôi chỉ muốn trở thành người thay em gái mình để chăm sóc hai bố con anh ấy”, chị A bộc bạch.

Hai năm sau khi em gái mất, chị A và em rể chính thức bắt đầu mối quan hệ yêu đương. Gia đình bên nhà trai không phản đối, bởi chị A chỉ là con nuôi, không có quan hệ huyết thống với người đã mất. Thế nhưng, phía gia đình nuôi của chị A lại kịch liệt phản đối.

“Khi biết chuyện, mẹ nuôi dùng những lời lẽ cay nghiệt nhất để nói tôi. Bà mắng tôi không ra một cái gì khiến tôi vô cùng tổn thương. Bà nói tôi sống lỗi với người đã khuất, với cả em gái mình. Bà cấm tôi sang nhà em rể, và thậm chí còn hạn chế việc tôi gặp cháu bé – đứa trẻ tôi coi như con ruột", chị A nghẹn ngào chia sẻ. Vì chuyện này, chị A trăn trở mãi, không biết nên giải quyết thế nào.

Clip: Chị A chia sẻ câu chuyện của mình 

Tiến sĩ tâm lý Đinh Đoàn khẳng định: “Về mặt pháp luật, không có gì sai. Hai người đều là người trưởng thành, không phạm luật hôn nhân hay vi phạm đạo đức". Tuy nhiên, theo ông, điều khiến gia đình bên chị A phản ứng gay gắt là vì tâm lý còn đang bị tổn thương bởi cái chết của con gái.

Tiến sĩ cho rằng nếu người đàn ông, tức em rể, thực sự nghiêm túc, trưởng thành và có kế hoạch rõ ràng thì mối quan hệ này hoàn toàn có thể tiến xa. Tuy nhiên, nếu chỉ là cảm xúc nhất thời nảy sinh từ sự thiếu thốn tình cảm thì dễ dẫn đến đổ vỡ.

Điều chị A cần lúc này, theo Tiến sĩ Đoàn, là một cuộc sống độc lập. Việc phụ thuộc kinh tế và sinh hoạt vào bố mẹ nuôi càng khiến mối quan hệ tình cảm bị nhìn nhận khắt khe hơn. "Nếu cháu có thể ra ngoài làm việc, thuê nhà riêng, có thu nhập ổn định thì mọi chuyện sẽ khác. Mối quan hệ sẽ được nhìn nhận nghiêm túc hơn khi cháu không còn là ‘người ở nhờ’ trong mắt người khác", ông phân tích.

Việc yêu em rể, một người đàn ông goá vợ, không phải là điều đáng lên án nếu cả hai thật lòng yêu thương và có trách nhiệm. Quan trọng là cần xây dựng lộ trình rõ ràng, nhận được sự tôn trọng từ hai phía gia đình.

“Nếu người đàn ông đủ bản lĩnh để đứng ra thưa chuyện với hai bên gia đình, thể hiện mong muốn gắn bó và có kế hoạch chăm sóc cho cả con nhỏ lẫn bạn gái, thì chẳng có gì là sai trái. Đôi khi thời gian sẽ giúp những người phản đối hiểu và chấp nhận hơn", Tiến sĩ nói.

Trong câu chuyện này, chị A không sai. Nhưng việc chị bước tiếp như thế nào sẽ quyết định tất cả, mối quan hệ có được bảo vệ và phát triển hay không, bản thân chị có thoát khỏi vòng luẩn quẩn của cảm xúc, tổn thương và phụ thuộc hay không. “Phải xác định rõ: mình muốn gì, có sẵn sàng trả giá để đi đến cùng hay không. Nếu đã yêu thật lòng, thì hãy biến tình yêu đó thành một hành trình có trách nhiệm, với chính mình, với người mình yêu, và với đứa trẻ đang lớn lên trong câu chuyện này", Tiến sĩ Đinh Đoàn nhấn mạnh.

Chia sẻ

Lyly

Tin cùng chuyên mục

Vừa chuyển khoản 5 triệu cho mẹ chồng chăm cữ, tôi chết lặng khi nhìn mâm cơm đầu tiên

Vừa chuyển khoản 5 triệu cho mẹ chồng chăm cữ, tôi chết lặng khi nhìn mâm cơm đầu tiên

Tôi sinh bé đầu lòng vào một ngày mưa tầm tã cuối tháng. Vượt cạn xong, tôi nằm trên giường bệnh, người rã rời, đầu óc mơ hồ. Điều duy nhất khiến tôi an tâm là chồng tôi có mặt từ đầu đến cuối. Anh nắm tay tôi thật chặt lúc lên bàn sinh, rồi bế con vào lòng, ánh mắt rưng rưng hạnh phúc.