Những người cha chạy trốn nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con

Thu Giang
Chia sẻ

Trợ cấp nuôi con sau ly hôn là chuyện đương nhiên của các bậc cha mẹ đối với con cái. Nhưng không phải ai cũng thực hiện nghĩa vụ đó đầy đủ và suôn sẻ cho đến khi con trưởng thành. Và câu chuyện những bà mẹ đi đòi tiền trợ cấp ròng rã hết năm này đến năm khác từ chồng cũ, rồi chuyện các ông bố trốn tránh nghĩa vụ với trăm ngàn lý do tưởng như đùa mà lại nhức nhối hơn bao giờ hết.

Thân còn lo chưa đủ làm sao nuôi nổi con

Chị Nguyễn Thị Tuyết Lê trú tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết vợ chồng chị ly hôn hơn ba năm nay. Khi ly hôn, hai đứa con gái của chị: Một tròn tám tuổi, một lên năm tuổi. Không muốn hai con phải sống xa nhau, lại biết rõ chồng chỉ muốn con trai không thích con gái nên trước toà chị nhận nuôi cả hai, anh chồng có trách nhiệm phải trợ cấp nuôi con mỗi tháng ba triệu đồng cho đến khi các con trưởng thành.

Án tuyên là vậy nhưng khi mỗi người mỗi ngả, anh chồng cũ của chị gần như chạy trốn, bỏ mặc ba mẹ con tự lo liệu cuộc sống. Khoản trợ cấp nuôi con cũng vì thế mà bặt vô âm tín luôn. Chị làm công nhân vệ sinh môi trường, lương thấp, cuộc sống của ba mẹ con khó khăn hơn. Ban đầu vì nghĩ giữ thể diện cho nhau, chị nhẹ nhàng nhắn tin, bảo anh gửi tiền trợ cấp nuôi con cho chị để đóng tiền học cho các con. Nhắn một lần, hai lần rồi ba lần cũng chẳng thấy chồng cũ hồi đáp, chị đánh liều tìm đến chỗ anh ở hỏi. Đến lấn thứ nhất, anh chồng cũ còn “lịch sự khất nợ”, hẹn cuối tháng gửi cho chị tất cả số tiền cần gửi cho con lâu nay chưa gửi. Chị chờ mãi đến cuối tháng vẫn chẳng thấy đâu nên tìm đến lần thứ hai thì chồng cũ trốn không gặp mặt. Đến lần thứ ba, anh ta tuyên bố không có tiền để đưa cho chị. Thế là chị đòi hết năm này qua năm khác, anh ta cũng không bỏ ra một xu, trước sau bảo không có tiền trong khi hai đứa con ăn học lên cao dần cần tiền nhiều hơn. Cực chẳng đã chị đưa đơn ra toà kiện.

Nhưng rồi hành trình đi kiện của chị cũng chẳng khác gì đi hỏi tiền trợ cấp trước đây. Lần thứ nhất, toà triệu tập hai người đến, yêu cầu anh chồng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn. Cũng ứng xử giống như với chị trước đây, chồng cũ của chị đứng trước toà hứa lên hứa xuống sẽ thực hiện nghĩa vụ làm cha của mình. Rồi anh ta giải thích thời gian qua “lơ là” trách nhiệm này là do còn khó khăn trong công việc. Nhưng rồi ra khỏi toà, anh ta để lại lời hứa ấy ở phòng xét xử.

Những người cha chạy trốn nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con - 1

Minh họa sưu tầm

Lần thứ hai chị làm đơn tố cáo. Lần này, anh ta chẳng ngượng ngùng bảo muốn đóng tiền nuôi con đỡ vợ cũ nhưng thân mình còn lo chưa đủ lấy đâu tiền để đóng nuôi con. Hoá ra, từ ngày ly hôn đến nay, anh chồng thất nghiệp, công việc không ổn định. Thu nhập chỉ đủ nuôi thân chẳng dư giả được đồng nào, tài sản chỉ có mỗi cái xe máy làm phương tiện đi lại. Trước sự cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con của Toà, anh ta bán chiếc xe máy được 6 triệu đưa cho chị nuôi con. Tính ra số tiền đó chẳng là bao nhưng có còn hơn không.

Những năm sau, chị vẫn gian nan trong cuộc chiến đòi tiền cấp dưỡng nuôi con. Chẳng thể nhờ đến pháp luật mãi, chị chơi chiêu đòi nợ cấp dưỡng nuôi con theo kiểu “ăn vạ”. Lần nào bận quá, chị sai con đi tìm bố hỏi tiền đóng học. Chỉ khổ hai con bé thỉnh thoảng tìm đến bố, cứ tưởng được bố yêu thương đón mời, ai ngờ vừa vào đến ngõ là bố nó không xua đuổi thì cũng đóng cửa chặt không ra mặt gặp con. Có hôm, chúng còn bị bố “tét vào mông”, quát không được sang gặp đòi tiền nữa. Hai đứa trẻ cứ thế nước mắt lưng tròng về báo cáo với mẹ việc đi “đòi nợ” bố thất bại.

Có tài sản nhưng là của ... người khác.

Không có tiền để thực hiện nghĩa vụ mà phải trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con đã đành, có trường hợp dù tài sản còn vẫn cố tình bảo không có để "thoát nghĩa vụ làm cha" đối với con cái sau ly hôn. Chỉ vì "ghét" người vợ cũ không chung thuỷ, sau khi ly hôn anh Nguyễn Văn T (Hoàng Mai, Hà Nội) để đứa con trai năm tuổi cho vợ là chị Lê Thảo H nuôi. Toà tuyên mỗi tháng anh phải có nghĩa vụ trợ cấp nuôi con 20 triệu đồng. Thế nhưng đã gần hai năm nay, anh T không hề đưa cho chị H một đồng nào. Giận anh chồng "bạc nghĩa" với cả con, chị gọi điện đến đòi nhưng năm lần bảy lượt, anh T đều trốn tránh. Chị H phải đưa đơn kiện ra toà.

Trước toà, anh T thừa nhận sau ly hôn, chia tài sản vẫn có nhưng đầu tư vào làm ăn thua lỗ hết. Hiện tại đã kết hôn nhưng anh ta vẫn đang thất nghiệp ở nhà bán hàng phụ vợ, tài sản hiện có tính ra tiền tỷ nhưng đều của riêng vợ mới, anh không thể lấy ra để trợ cấp nuôi con. Cô vợ mới cũng hùng hồn đứng lên tuyên bố chồng cô "tay trắng" trước khi đến với cô. Thế là dù muốn nhưng chị H cũng chỉ nhận được lời hứa suông của anh T là khi nào làm ra tài sản riêng sẽ thực hiện nghĩa vụ trợ cấp nuôi con đầy đủ. Chẳng biết đến khi nào nhưng thỉnh thoảng chị H lại cùng con đến nhà chồng cũ hỏi nợ, để rồi sau đó mẹ con lại thất thểu ra về tay không. Mỗi lần đòi không được nợ chỉ H lại chì chiết với con về sự bạc nghĩa, keo kiệt của bố nó. Thằng bé còn nhỏ không biết cuộc chiến của bố mẹ thế nào nhưng dần dần lớn lên nó nghe lời mẹ cùng với những gì mắt thấy tai nghe cũng sinh lòng oán hận bố không thương mình. Sống giàu sang thế mà lúc nào cũng bảo không có tiền để cho con mua sách vở học hành.

Những người cha chạy trốn nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con - 2

Minh họa sưu tầm

Tương tự, anh Trần Văn M và chị Lê Thị Kh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) sống với nhau được gần mười năm thì ly hôn. Ra tòa, việc thoả thuận nuôi con cũng được tính toán sòng phẳng như phân chia tài sản. Chị nhận nuôi hai con, anh M có trách nhiệm cấp dưỡng. Ra toà đường ai nấy đi, ân oán rạch ròi. Sau khi ly hôn, biết rõ điều kiện sống của chị Kh không được tốt lắm lại thường xuyên ốm đau nhưng anh M vẫn điềm nhiên lờ hẳn đi phần trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con. Lý do duy nhất khiến anh M dửng dưng với trách nhiệm làm cha là vì quá "hận" chị Kh. Trong suy nghĩ của anh nếu giúp đỡ con tức là giúp đỡ vợ cũ, mà điều đó thì anh không bao giờ nghĩ đến do trước đây chị Kh đã “sống lỗi” với chồng và gia đình chồng.

Trường hợp người cha trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con không hiếm trong cuộc sống. Nhiều người khi bị toà đến cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ đã cố tình che giấu tài sản riêng của mình bằng cách bảo đó là tài sản của người khác. Nếu sống chung với bố mẹ đẻ thì bảo tài sản của bố mẹ, sống cùng với vợ mới thì nói tài sản riêng của vợ mới, bản thân mình còn "sống nhờ ăn bám" nên không thể thực hiện được nghĩa vụ với con. Khi họ chứng minh được mình "tay trắng" thì toà dù muốn cưỡng chế cũng khó. Do vậy, trong thực tế, thực hiện án trợ cấp nuôi con thì pháp luật quy định thôi chưa đủ mà còn cần đến tình cảm của những người trong cuộc. Bởi nếu một khi người cha nào muốn dứt tình hẳn sẽ tìm đủ mọi cách để trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ trợ cấp nuôi con sau ly hôn.

Chia sẻ

Thu Giang

Tin cùng chuyên mục