Nhớ tàu điện Hà Nội

Giang Nam
Chia sẻ

Hà Nội là đô thị hội tụ vẻ đẹp truyền thống và hiện đại, nơi kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc. Trong dòng chảy bất tận của thời gian, tàu điện đã ghi dấu một phần trong đó, khẳng định sức sống mạnh mẽ, lâu bền. Cho đến ngày nay, những tuyến tàu điện dường như vẫn đang thầm lặng làm nên phong vị riêng có của mảnh đất kinh kỳ.

Một thuở leng keng

Nhắc đến tàu điện ở Thủ đô, cho đến nay thế hệ những người sinh năm 1960 trở về trước hẳn nhớ rất rõ. Đó là tiếng leng keng vẳng xa suốt những ngày hạ, là những gánh hàng rong bán trên tàu điện. Cũng đôi khi, tàu điện là nơi mưu sinh của những gánh hát xẩm. Ở trên tàu điện, người ta có thể vẳng nghe được những câu hát vọng về nỗi nhớ xa xăm và nỗi buồn nơi trần thế.

Trong đận trò chuyện với Giáo sư Sử học Lê Văn Lan, ông kể với tôi rằng, tàu điện có từ khoảng những năm 1900. Khi đó, người Pháp cho khánh thành tuyến tàu điện đầu tiên ở Hà Nội chạy từ Bờ Hồ đến Thụy Khuê. Ga tàu điện trung tâm của Hà Nội trước kia tọa lạc bên cạnh Hồ Hoàn Kiếm. Hồ Hoàn Kiếm đã sớm được người Pháp quy hoạch chọn là trung tâm, bởi thế ngoài ga tàu còn có tòa đốc lý, bưu điện…

Có một điểm ít ai biết, đó là việc người Pháp sở dĩ chọn Bờ Hồ để mở ga tàu vì tuyến đường này qua chợ Đồng Xuân, Hàng Ngang, Hàng Đào, Quán Thánh - là những nơi buôn bán thịnh vượng, sẽ mang lại lãi suất cao.

Nhớ tàu điện Hà Nội - 1

Hình ảnh tàu điện Hà Nội xưa. Ảnh tư liệu

Thấy được sự hiệu quả của tàu điện, người Pháp phát triển thêm mạng lưới này. Chẳng thế mà, chỉ đến năm 1906, Hà Nội đã lại có thêm tuyến tàu điện từ Thụy Khuê lên tới đường Bưởi – nơi có chợ Bưởi, chợ lớn rất sầm uất bấy giờ. Thêm ít thời gian nữa, tuyến tàu điện đi từ Bờ Hồ đến Thái Hà ấp, rồi từ đây tới Hà Đông với chiều dài 11km lại được xây dựng.

Sau đó, Hà Nội có thêm tuyến thứ 3, thứ 4 từ Bờ Hồ đi chợ Mơ, Cầu Giấy... Tuyến thứ 5, bắt đầu làm từ 1928 đến 1943 từ Bạch Mai chạy qua trung tâm lên đến đê Yên Phụ. Và đây cũng là tuyến người ta dùng lại các cửa ô của Thủ đô.

Ông Nguyễn Đức Hà, nhà ở Bạch Mai kể, tuổi thơ của ông gắn liền với ký ức của những chuyến tàu. Đến nay, khi đã ngoài 60 tuổi, mỗi lần bật tivi kênh truyền hình Hà Nội lên xem, tình cờ đến đoạn nhạc nền bài hát “Nhớ về Hà Nội” của Hoàng Hiệp là ông lại nhớ về kỷ niệm cũ. Ông bảo, mỗi lần xa Hà Nội, khi đoàn tàu Thống Nhất chạy đến địa phận Hà Nam, lời bài hát ngân vang “Nhớ những con đê thành lối xe/ Bước chân năm tháng đi về/ Và nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya/ Hướng ra Đống Đa, Cầu Giấy”… là lòng ông thấy nao nao.

Với ông Hà, giờ ông thấy vui nhất là Hà Nội nay đã thay đổi rất nhiều dù cho tiếng tàu điện chỉ còn lưu lại trên những bức ảnh và trong hoài niệm của những người sinh ra những năm 1960 về trước. Hà Nội đã có những tuyến xe buýt hiện tại, những tuyến Metro tàu điện xứng tầm… Đấy là điều từng một thời ông và những người bạn của mình nghĩ chỉ có trong tưởng tượng.

Nhắc đến tàu điện, chuyên gia giao thông Lê Trung Hiếu - nguyên Chủ tịch Công đoàn Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội chia sẻ, điều đáng tiếc là hiện nay những ký ức, nét đẹp hoài cổ của tàu điện leng keng đang dần phai nhạt. Ngày càng ít người biết đến tàu điện Bờ Hồ và tiếng leng keng gần gũi của nó.

Chuyên gia giao thông Lê Trung Hiếu cho rằng, nếu không muốn ký ức đẹp đó một ngày nào sẽ hoàn toàn tan biến, hồn cốt Hà Nội thực sự mất đi một nét cổ kính, lãng mạn, Thành phố cần phải có một nơi lưu giữ những hình ảnh, hiện vật, thậm chí là tiếng leng keng tàu điện. Tàu điện Bờ Hồ - nét đẹp nao lòng của quá khứ cần một nơi để neo lại, một con đường để chạy xuyên qua thời gian, trường tồn cùng Thủ đô.

Tàu điện khẳng định vị thế

Theo các chuyên gia giao thông nhận định, dân số Hà Nội đến năm 2030 tăng lên khoảng 11,5 triệu người, ùn tắc giao thông diễn biến ngày càng phức tạp, sẽ tiếp tục tạo ra các gánh nặng, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Từ kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới, để giải quyết căn cơ vấn đề ùn tắc giao thông thì không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nghiên cứu, áp dụng mô hình TOD (mô hình được định nghĩa là một mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm, tăng khả năng, sự thuận tiện cho người dân tiếp cận các điểm trung chuyển, các ga đường sắt đô thị, qua đó giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng và tạo ra các khu đô thị bền vững, thân thiện với môi trường – PV).

Nói cách khác, việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị nhằm đảm bảo tính tổng thể, tầm nhìn dài hạn của phát triển đô thị theo hướng bền vững, trong đó giao thông công cộng trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn là giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và vấn đề ô nhiễm môi trường tại nhiều đô thị lớn như Hà Nội.

Nhớ tàu điện Hà Nội - 2

Hiện nay, ở Hà Nội, tàu điện từng bước khẳng định vị thế là "xương sống" của vận tải hành khách công cộng.

Vậy là, Hà Nội đã tìm lại đúng giá trị của tàu điện. Không ít người dân Thủ đô cũng vui mừng khi biết Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống đường sắt đô thị có 10 tuyến với trên 410km. Cùng với đó, Thành phố đang điều chỉnh Quy hoạch chung, bổ sung 5 tuyến đường sắt dài 200km. Như vậy, mục tiêu đến năm 2045 tầm nhìn đến năm 2065, Hà Nội sẽ có 15 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 617km.

Theo chuyên gia giao thông Vũ Hồng Trường, với việc phát triển đường sắt đô thị như đề ra là một thách thức của Thủ đô. Nói như vậy là bởi, sau nhiều năm nỗ lực triển khai đầu tư, đến thời điểm này, Hà Nội mới có tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông dài 13km và đoạn trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội dài 8,5km hoạt động.

Dù là thách thức song mạng lưới đường sắt đô thị hay còn được người dân gọi nôm na là tàu điện đã nhanh chóng khẳng định vị thế là "xương sống" của vận tải hành khách công cộng. Hiệu quả từ việc vận hành tuyến Cát Linh - Hà Đông đã cho thấy điều đó. Cụ thể, từ khi tàu Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác vận hành từ ngày 6/11/2021, qua khảo sát của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, hơn 60% hành khách từ bỏ xe máy để đi tàu điện. Con số này phản ánh đúng với những lợi ích mà tàu điện đem lại, đó là an toàn, thuận tiện và quan trọng là đúng giờ.

Nhìn ở góc độ văn hóa, chuyên gia giao thông Lê Trung Hiếu chia sẻ, Hà Nội cũng đang dần hình thành những tuyến đường sắt đô thị mới. Mỗi chuyến tàu điện có thể chở hàng nghìn người, đi trên cao hoặc đi ngầm. Khác với vẻ đẹp trầm lắng của tàu điện mặt đất, tàu điện trên cao, tàu điện ngầm lại mang vẻ đẹp hiện đại đến cho Hà Nội.

Rõ ràng, nếu được khai thác một cách toàn diện, tàu điện không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, mạng lưới đó cũng được kỳ vọng sẽ là mạch nối những trục không gian văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội, góp phần nâng tầm vị thế đô thị trung tâm của Việt Nam và khu vực. Dễ thấy nhất, tại nhiều nước phát triển như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Đức..., ga tàu điện ngầm vừa phục vụ vận tải, vừa là những công trình kiến trúc tuyệt đẹp, không gian sáng tạo nghệ thuật, trung tâm thương mại đáp ứng nhu cầu của người dân. Đây là điều Thủ đô có thể học tập và phát triển, để từ đó thúc đẩy du lịch, nâng cao vị thế của Hà Nội.

Chia sẻ

Giang Nam

Tin cùng chuyên mục

Nữ Chủ tịch Hội giàu lòng nhân ái

Nữ Chủ tịch Hội giàu lòng nhân ái

Những năm gần đây, Hội LHPN xã Xuy Xá là điểm sáng trong công tác hội và các hoạt động an sinh xã hội ở huyện Mỹ Đức. Kết quả đó có sự đóng góp tích cực của chị Lê Thị Khuyến, Chủ tịch Hội LHPN xã.

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

Xã đảo Minh Châu là nơi bao đời nay người dân sống dựa vào nghề chăn nuôi với những chuồng trại lợn, bò, mùi hôi từ chất thải gia súc. Và rồi, có một người phụ nữ nhỏ nhắn đang mạnh dạn góp sức để biến Minh Châu thành một điểm du lịch xanh, sạch trong tương lai. Đó chính là bà Ngô Thị Thanh Vân – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ và Dịch vụ Bảo vệ...

Chăm sóc da tay đúng cách

Chăm sóc da tay đúng cách

Da tay là vùng da quan trọng trên cơ thể nhưng thường bị lãng quên. Hầu hết chúng ta thường chỉ tập trung vào chăm sóc da mặt mà quên mất rằng da tay cũng là vùng da rất dễ bị tổn thương, lão hóa.