Ung thư đại trực tràng đang trở thành gánh nặng y tế toàn cầu, đứng thứ 3 về tỷ lệ mắc và thứ 2 về tử vong theo thống kê GLOBOCAN 2022. Tại Việt Nam, căn bệnh này ngày càng trẻ hóa.
Nguyên nhân gây bệnh
Thực tế, tỷ lệ mắc bệnh tăng nhanh do hai yếu tố: Lối sống và di truyền. Lối sống “tây hóa” với chế độ ăn nhiều thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, ít chất xơ, kèm theo thói quen hút thuốc, uống rượu và ít vận động là tác nhân hàng đầu. Đáng chú ý, bệnh không chỉ gặp ở người cao tuổi mà đang trẻ hóa, nhiều trường hợp dưới 45 tuổi đã mắc.
Trong đó, các yếu tố nguy cơ có thể tạm chia làm hai nhóm. Nhóm không thể thay đổi: Tuổi (trên 45), tiền sử viêm ruột mạn tính (viêm đại trực tràng chảy máu, Crohn), xạ trị vùng bụng, hoặc gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng, đa polyp tuyến. Khoảng 5% trường hợp liên quan đến đột biến gen như hội chứng Lynch.
Nhóm có thể thay đổi: Thừa cân, đái tháo đường type 2, chế độ ăn không lành mạnh, lạm dụng rượu bia, thuốc lá.
Ảnh minh họa
Làm sao để giảm nguy cơ mắc
Không có cách nào đảm bảo 100%, nhưng chúng ta có thể kiểm soát bằng hai hướng.
Thứ nhất: Thay đổi lối sống bằng việc giảm cân (nếu thừa cân). Tăng cường hoạt động thể chất giúp làm giảm nguy cơ ung thư đại tràng và polyp. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh như ăn nhiều hoa quả, rau, ngũ cốc nguyên hạt, ăn ít thịt đỏ và thịt chế biến sẵn. Giảm hoặc ngừng rượu bia, bỏ thuốc lá.
Thứ hai: Sàng lọc định kỳ. Đây là "chìa khóa vàng" phát hiện sớm polyp tiền ung thư. Nếu cắt bỏ polyp kịp thời, nguy cơ ung thư giảm tới 90%. Sàng lọc ung thư đại trực tràng thường xuyên là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa ung thư đại trực tràng.
Hầu hết các ung thư đại trực tràng đều phát triển từ polyp tiền ung thư. Polyp phát triển từ nhỏ, tới lớn, sau đấy loạn sản và ung thư hóa. Từ thời điểm các tế bào bất thường đầu tiên bắt đầu phát triển thành polyp, thường mất khoảng 10 đến 15 năm để chúng phát triển thành ung thư đại tràng. Với sàng lọc thường xuyên, hầu hết các polyp có thể được tìm thấy và cắt bỏ trước khi chúng có cơ hội biến thành ung thư. Sàng lọc cũng có thể phát hiện ung thư đại tràng ở giai đoạn sớm hơn, chưa lan rộng và có thể dễ điều trị hơn, giúp cải thiện tiên lượng bệnh và thời gian sống thêm.
Thời điểm nảo nên sàng lọc?
Theo khuyến cáo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, người từ 45 tuổi nên sàng lọc dù không có triệu chứng. Với người có yếu tố nguy cơ cao (tiền sử cá nhân ung thư đại trực tràng hoặc polyp đại trực tràng, tiền sử gia đình ung thư đại trực tràng, tiền sử bệnh ruột viêm, nghi ngờ mắc hội chứng ung thư đại trực tràng di truyền, tiền sử xạ trị vùng bụng hoặc chậu), cần sàng lọc sớm hơn, thậm chí từ 20-30 tuổi. Triệu chứng như đau bụng, rối loạn tiêu hóa kéo dài, đi ngoài ra máu… thường xuất hiện khi bệnh đã tiến triển. Do đó, đừng chờ đến lúc có dấu hiệu mới đi khám.
Hiện nay có 3 phương pháp sàng lọc. Thứ nhất là xét nghiệm miễn dịch hóa học phân (FIT), sử dụng kháng thể để phát hiện máu trong phân, xét nghiệm được khuyến cáo thực hiện hàng năm; xét nghiệm hồng cầu ẩn trong phân dựa trên guaiac độ nhạy cao (gFOBT) hàng năm. Thứ hai là xét nghiệm FIT-DNA: Kết hợp FIT với xét nghiệm phát hiện DNA bất thường trong phân. Test được thực hiện 3 năm 1 lần.
Thứ ba là chụp CT đại tràng, giúp phát hiện các tổn thương ở đại tràng, nhưng phương pháp này không cắt bỏ được polyp hoặc lấy mẫu sinh thiết. Ngoài ra, nội soi đại tràng còn giúp quan sát các tổn thương ở đại tràng, có thể cắt bỏ các polyp hoặc ung thư giai đoạn sớm, hoặc lấy mẫu sinh thiết trong trường hợp nghi ngờ ung thư mà không thể cắt qua nội soi. Trong trường hợp các xét nghiệm không xâm nhập ở trên dương tính, bước tiếp theo bệnh nhân nên được nội soi đại tràng toàn bộ đánh giá tổn thương.
Có thể nói, ung thư đại trực tràng hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu chúng ta chủ động. Hãy xây dựng lối sống lành mạnh, kiểm soát cân nặng và đừng bỏ qua sàng lọc dù chưa có triệu chứng.