Xã đảo Minh Châu là nơi bao đời nay người dân sống dựa vào nghề chăn nuôi với những chuồng trại lợn, bò, mùi hôi từ chất thải gia súc. Và rồi, có một người phụ nữ nhỏ nhắn đang mạnh dạn góp sức để biến Minh Châu thành một điểm du lịch xanh, sạch trong tương lai. Đó chính là bà Ngô Thị Thanh Vân – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ và Dịch vụ Bảo vệ môi trường Minh Châu Organic Farm.
Tuy không sinh ra và lớn lên tại Minh Châu, nhưng chị Vân luôn trăn trở trước thực trạng môi trường bị ô nhiễm nặng do chăn nuôi. Chất thải chăn nuôi không được xử lý đúng cách, xả trực tiếp ra môi trường khiến nguồn nước ô nhiễm. Đặc biệt, với mong muốn phát triển du lịch sinh thái tại Minh Châu, việc bảo vệ môi trường là điều kiện tiên quyết. Nhận thấy những khó khăn này, chị Vân đã quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ và Dịch vụ Bảo vệ môi trường Minh Châu Organic Farm với mục tiêu giải quyết triệt để vấn đề chất thải chăn nuôi, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân.
Thời điểm mới bắt đầu, chị Vân gặp không ít khó khăn trong việc thuyết phục bà con thay đổi thói quen xả thải. "Lúc đó, nhiều người chưa hiểu được lợi ích của việc xử lý chất thải đúng cách, vẫn giữ nếp xả thẳng ra ngoài. Nhưng tôi nghĩ, chỉ cần kiên trì, bà con sẽ dần thay đổi", chị Vân chia sẻ.
Chị Ngô Thị Thanh Vân tại cánh đồng hoa hướng dương trên xã đảo Minh Châu
Với phương châm "làm trước, nói sau", HTX của chị Vân đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý phân thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ ngay tại Minh Châu. Đồng thời, HTX triển khai thu mua chất thải chăn nuôi của người dân với giá 4.000 đồng/thùng, khuyến khích bà con thu gom thay vì xả thải. Trung bình mỗi tháng, HTX thu mua lượng phân trị giá khoảng 300 triệu đồng, giúp giảm thiểu hàng trăm tấn chất thải ra môi trường. Không chỉ giúp giảm ô nhiễm, mô hình này còn tạo thêm thu nhập cho bà con và việc làm cho lao động địa phương.
Không dừng lại ở việc xử lý chất thải, chị Vân còn vận động người dân trồng hoa, cây xanh trên những khu đất trống để biến Minh Châu thành một xã đảo xanh sạch, thu hút du khách. HTX đã sử dụng 20ha đất công thực hiện cho công tác vệ sinh môi trường để trồng hoa, tạo điểm nhấn du lịch và tăng thêm giá trị kinh tế. Hiện nay, mô hình này bước đầu đã thu hút sự quan tâm của nhiều du khách đến check-in, mở ra tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng trong tương lai.
Ngoài ra, HTX còn tổ chức các buổi hội thảo tuyên truyền về sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, phát hơn 3.000 thùng cho các hộ chăn nuôi để thu gom chất thải chăn nuôi. Phát hơn 1.400 thùng cho tất cả các hộ gia đình, trường học để phân loại rác hữu cơ. Hỗ trợ thu gom rác hữu cơ và ủ chế phẩm sinh học để biến rác thành phân bón cho cây trồng, giảm lượng rác cần chở đi xử lí mỗi ngày giảm được khoảng 1 tấn rác. Những hoạt động này không chỉ giúp thay đổi nhận thức của bà con mà còn lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường đến nhiều người.
Hướng đến tương lai, chị Vân đặt mục tiêu thu mua, xử lý toàn bộ chất thải chăn nuôi của bà con Minh Châu, đồng thời mở rộng mô hình xử lý cống rãnh, bùn ao hồ để tạo ra phân bón hữu cơ. Xa hơn, chị mong muốn nhân rộng mô hình này trên toàn địa bàn huyện Ba Vì, biến nơi đây thành một điểm sáng về bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững. Cùng với đó, chị sẽ cùng nhân dân địa phương phát huy tiềm năng nghề trồng rau, các cây trồng ăn quả như: Táo, ổi, chuối, nhãn, vải… góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Dám nghĩ, dám làm và kiên trì với mục tiêu, chị Ngô Thị Thanh Vân không chỉ góp phần làm thay đổi diện mạo môi trường Minh Châu mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ về sự quyết tâm và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Người phụ nữ nhỏ nhắn ấy đã và đang viết nên một câu chuyện đẹp về sự cống hiến và đổi thay.