Khi mang thai nhiều mẹ rất lo sợ bị mắc cúm, tuy nhiên với những người phụ nữ làm thụ tinh ống nghiệm, mắc cúm khi đang chuẩn bị chuyển phôi liệu có ảnh hưởng gì không? Trường hợp nào nên trì hoãn và trường hợp nào thì vẫn được chuyển phôi?
Chào bác sĩ!
Em bị hiếm muộn nên không có thai tự nhiên được, sau khi kích trứng, chọc trứng và tạo phôi, giờ em đang chuẩn bị niêm mạc để chuyển phôi thì bị nhiễm virus cúm A. Em đang rất lo lắng, xin hỏi bác sĩ trường hợp của em có cần phải hoãn chuyển phôi không ạ?
Xin cảm ơn bác sĩ!
Bác sĩ Hồ Văn Thắng đang tư vấn cho một cặp vợ chồng hiếm muộn.
BSCK I Hồ Văn Thắng - Chuyên ngành Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội trả lời:
Chào em!
Cúm A là một bệnh lý nhiễm trùng cấp tính ảnh hưởng đến đường hô hấp gây ra bởi virus cúm, khi bị nhiễm cúm A thì các bạn có thể có biểu hiện những triệu chứng sau nhất là sốt đau đầu, đau cơ khớp, mệt mỏi, viêm họng, sổ mũi, buồn nôn tiêu chảy… Đa phần những triệu chứng này ở thể nhẹ và cúm thường khỏi sau khoảng 1 đến 2 tuần. Khi bị cúm nếu nhẹ, bạn có thể theo dõi tại nhà, uống thuốc hạ sốt thông thường sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển của niêm mạc tử cung cũng như khả năng tiếp nhận phôi của niêm mạc tử cung.
Trường hợp trong quá trình canh niêm mạc, các bạn bị cúm nhưng ở các triệu chứng nhẹ thì các bạn hoàn toàn vẫn có thể canh niêm mạc và chuyển phôi được. Nhưng nếu diễn biến nặng của cúm như là khó thở thở nhanh tim đập nhanh đau ngực kéo dài hoặc là nôn tiêu chảy kéo dài… Khi đó sức khỏe người mẹ không đảm bảo, sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận phôi của nội mạc tử cung.
Trường hợp cúm có biểu hiện nặng như vậy các bác sĩ khuyến cáo người mẹ nên đi điều trị cúm khỏi hẳn, sức khỏe người mẹ tốt nhất mới canh niêm mạc để chuyển phôi trở lại. Mục đích để làm sao đảm bảo khi đưa phôi vào cơ thể mẹ được tốt và an toàn nhất.
Khi sức khỏe của người mẹ đạt trạng thái tốt nhất sẽ giúp tăng tỉ lệ có thai, cũng như là giảm các cái biến chứng ảnh hưởng của cúm đến khả năng tiếp nhện phôi cũng như là thai kỳ.