Bi kịch “lấy được chồng giàu”

Nguyễn Hoàn
Chia sẻ

Ngày Thương lấy chồng cả xóm xuýt xoa khen cô số sướng, lấy được chồng giàu, đúng là “chuột sa chĩnh gạo”. Bởi một cô gái sinh ra ở vùng núi, gia cảnh mấy đời chưa xây được cái nhà lợp ngói lại lấy được chồng giàu ở thành phố hẳn hoi.

18 tuổi, Thương theo người quen ra Hà Nội làm nghề giúp việc. Con gái nhà quê, thật thà chất phác, chịu thương chịu khó nên giúp việc cho nhà nào Thương cũng được nhà chủ yêu mến. Dần dần, Thương trở thành giúp việc “có tâm” được nhiều chủ nhà ca ngợi, tin cậy. Nhà nào có con nhỏ thuê Thương làm một thời gian, khi con đến tuổi đi học không cần nữa thì lại giới thiệu cô cho bạn bè, người thân. Cơ duyên Thương đến với chồng khi cô được giới thiệu đến làm giúp việc chăm sóc cho bà nội anh bị tai biến nằm liệt một chỗ. Sau hơn 1 năm, vẻ xinh đẹp, dịu dàng, chăm chỉ tận tâm trong công việc của Thương không chỉ khiến bố mẹ anh hài lòng và bản thân anh cũng đem lòng yêu mến. Sau đó, được sự vun vén của bố mẹ, anh đã ngỏ lời yêu đương với Thương.

Mãi đến tận sau này, người làng của Thương vẫn còn ấn tượng với chuyện cưới chồng của cô. Lễ ăn hỏi được nhà trai bê đến 7 mâm lễ vật với đoàn ôtô kéo về nhà Thương náo nhiệt cả làng xóm. Lễ cưới lại càng như trong mơ. Người ta bảo nhà chồng Thương giàu lắm, nghề nghiệp thì chỉ làm đại lý buôn bán gas nhưng đất cát ông bà để lại nhiều. Ở Hà Nội giờ mà lắm đất cũng đồng nghĩa là tỷ phú rồi. Bằng chứng là sau lễ cưới, vợ chồng Thương đã mang tiền về xây hẳn một ngôi nhà 5 gian lợp ngói cho bố mẹ.

Bi kịch “lấy được chồng giàu” - 1

Ảnh minh họa

Cưới xong, bố mẹ chồng bán đất để lấy tiền mở thêm cửa hàng lớn, tuyển thêm nhân viên. Công việc hàng ngày của Thương là dọn dẹp nhà cửa, lo cơm nước cho nhân viên. Những việc này đối với Thương nhẹ như lông hồng và quá đỗi quen thuộc. Hàng ngày, vợ chồng cô sống chung với bố mẹ chồng, chuyện chi tiêu đều do mẹ chồng nắm quyền, Thương chỉ việc chăm sóc chồng con, lo nội trợ cho tốt là được. Cuộc sống của cô tương đối bình yên. Đã có lúc Thương nghĩ cuộc đời mình đúng là may mắn “chuột sa chĩnh gạo” thật.

Khi hai con, đứa lên 3 đứa lên 5, bố mẹ chồng cho vợ chồng Thương ở riêng. Vì nhà chỉ có hai đứa con trai nên ông bà bảo chia điều đất đai cho mỗi đứa. Điều đó cũng có nghĩa là vợ chồng Thương sẽ có gia tài mà nếu quy ra tiền ước khoảng hơn chục tỷ đồng. Đó là một khối tài sản khổng lồ đối với vợ chồng Thương lúc bấy giờ. Sau khi ra sống riêng, chồng Thương cắt một ít đất bán lấy tiền làm nhà và mở cửa hàng, tách ra làm riêng không làm chung cùng với bố mẹ như trước. Công việc của Thương vẫn ở nhà phụ chồng bán hàng và chăm con, cơm nước. Cứ nghĩ ra sống riêng, chồng sẽ để cho Thương nắm kinh tế, lo việc chi tiêu trong gia đình giống như mẹ chồng. Ai ngờ, khi Thương nhắc đến điều ấy, anh chồng buông thõng:

- Việc quản kinh tế sẽ do tôi. Mỗi tháng cô cứ hoạch định chi tiêu hết bao nhiêu tôi đưa. Ở nhà quanh quẩn cơm nước với con cái thì biết gì mà quản kinh tế.

Không muốn gây thêm mâu thuẫn, Thương chấp nhận mỗi tháng chồng đưa cho mấy triệu chi tiêu trong nhà. Tuy nhiên khi đã sống ở thành phố lâu, Thương cũng có chút hiểu biết về quyền lợi của người vợ theo pháp luật. Khi chồng bán đất rồi dồn tiền mua thêm mấy mảnh khác để kiếm lời, Thương nhẩm tính sơ sơ, vợ chồng cô đã có bốn mảnh đất, vừa có của ăn của để cho con cái sau này. Thương nói đến chuyện quyền đứng tên cùng sở hữu của mình khi chồng làm giấy tờ đất đai. Đầu tiên là chuyện đứng tên sổ đỏ ngôi nhà mà vợ chồng cô đang ở. Khi mang giấy tờ về ký, chồng cô gạt phắt tên của vợ ra. Thương thắc mắc, anh ta bảo đây là đất là nhà của bố mẹ cho riêng một mình con trai nên Thương không có quyền đứng tên trong đó. Thương bảo đã là vợ chồng rồi thì tài sản chung phải để cả vợ cả chồng cùng đứng tên, pháp luật quy định như thế.

Thấy vợ làm căng, anh ta gọi cả bố mẹ sang nói chuyện. Trước mặt ông bà, Thương hỏi số tài sản ấy ông bà cho hai vợ chồng hay chỉ cho riêng một mình chồng. Nếu ông bà đã coi cô là dâu con thì phải để hai vợ chồng cùng đứng tên sở hữu. Không ngờ bố mẹ chồng nghe xong chuyện liền mắng Thương tham của, tính chuyện đòi hỏi để mang tài sản nhà chồng về cho bố mẹ đẻ. Đất đai của ông bà thì nghiễm nhiên là để lại cho con trai họ, con dâu có quyền gì mà có quyền sở hữu. Vả lại chồng cô đã để cho cô đói khổ ngày nào chưa?

 Thương xót xa nhưng không dám cãi lý với bố mẹ chồng. Vậy là chuyện đứng tên sở hữu nhà cửa đất đai của cô đã thất bại. Sau lần ấy, mấy mảnh đất mua tiếp chồng Thương cũng một mình đứng tên. Dù số tiền ấy có một phần công sức của Thương đóng góp nên. Thậm chí có lần Thương quyết liệt đòi hỏi thì chồng cô ngang nhiên bảo cô có phần nhưng anh ta cứ không cho cô đứng tên cùng, cô làm gì được. Thân cô thế cô, chẳng lẽ Thương lại làm đơn kiện chồng về tội không cho mình cùng đứng tên cùng sở hữu tài sản? Giả sử có đi kiện đi chăng nữa thì Thương cũng chẳng biết đường biết lối. Người ta khuyên Thương thôi thì cứ nhịn cho êm cửa êm nhà, nếu sống đời sống kiếp với nhau thì đó là tài sản của con cháu mình sau này, có mất đi đâu mà sợ.

Bi kịch “lấy được chồng giàu” - 2

Ảnh minh họa

Đấu tranh chẳng được nên Thương đành chấp nhận nghe theo lời mọi người khuyên. Cô nghĩ thôi thì cứ làm tốt công việc gia đình, chăm sóc chồng con chu đáo thì như các cụ bảo “gái có công chồng không phụ”. Thế nhưng, cái điều mà Thương phập phồng lo sợ ấy cũng đến. Đó là khi chồng Thương không còn xem trọng tình nghĩa vợ chồng, nảy sinh tật xấu lăng nhăng với phụ nữ khác bên ngoài. Hôn nhân đang hạnh phúc bỗng nổi giông gió. Thương cũng như bao người phụ nữ khác tìm mọi cách để giữ chồng, nhưng cũng chẳng thể nào kéo được người đàn ông đang u mê trong tình ái ấy quay về với vợ con như xưa. Làm căng lên, vợ chồng ly hôn, cô chẳng được gì mà con cái lại sống cảnh gia đình ly tán. Thế là Thương nuốt mọi bất hạnh, bất công vào trong lòng, nhẫn nhịn chờ đợi chồng chơi chán mệt mỏi bên ngoài thì sẽ quay về toàn tâm với vợ con.

Nhưng Thương chẳng đợi đến được ngày ấy. Sự nhu nhược, sai lầm của Thương trong việc để chồng “một bến hai thuyền”, bất hợp pháp ấy đã tạo cơ hội cho người phụ nữ bên ngoài có điều kiện để đòi hỏi quyền lợi của mình cao hơn. Sau khi vòi vĩnh chồng Thương mua cho căn chung cư, cô ta lại tiếp tục tiến tới kéo chồng Thương về sống bên đó ngày một nhiều hơn, kinh tế cũng đưa về cho “vợ bé” nhiều hơn “vợ lớn”. Bằng nhiều thủ đoạn, cô ta còn bắt chồng Thương ly hôn vợ để hợp thức hóa danh phận cho mình. Người đàn ông ấy tiếp tục u mê về nhà ruồng rẫy vợ con và đưa đơn ly hôn ra tòa. Một phụ nữ thân cô thế cô như Thương, lại không biết cách tìm đến pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho mình đã phải bước ra khỏi cuộc hôn nhân mà bao nhiêu năm mình vất vả xây dựng nên.

Điều đau khổ hơn là khi vợ chồng Thương ly hôn, Toà căn cứ vào điều kiện kinh tế của chồng nên đã ra quyết định giao hai đứa con cho chồng nuôi. Thương có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con (tùy tâm vì chẳng có kinh tế, anh ta cũng không yêu cầu Thương cấp dưỡng). Vậy là mấy năm làm dâu nhà giàu, lấy được chồng giàu, Thương bước ra khỏi cuộc hôn nhân với hai bàn tay trắng. Làm lại cuộc đời khi tuổi đã bước sang ngưỡng 40, Thương bảo giá như cô hiểu biết pháp luật nhiều hơn, biết cương quyết đấu tranh ngay từ đầu khi chồng vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng thì có lẽ cuộc đời cô đã chẳng rơi vào bi kịch đau đớn như ngày hôm nay.

Chia sẻ

Nguyễn Hoàn

Tin cùng chuyên mục