Giữa lòng Sài Gòn có phiên chợ họp duy nhất tháng cuối năm, bán 1 món hàng vẫn tồn tại hơn nửa thế kỷ

H.M
Chia sẻ

Chợ lá dong tại ngã ba Ông Tạ, TP. Hồ Chí Minh, đã tồn tại hơn nửa thế kỷ và luôn nhộn nhịp vào dịp cận Tết, khi người dân tấp nập mua lá để gói bánh chưng.

Vào khoảng từ ngày 15 đến 29 tháng Chạp, chợ lá dong tại ngã ba Ông Tạ (trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình, TP.HCM) lại trở nên nhộn nhịp, tràn ngập những bó lá dong xanh mướt và dây lạt phục vụ nhu cầu gói bánh chưng ngày Tết. Chợ lá dong nằm trên đoạn đường Cách Mạng Tháng Tám giao với Phạm Văn Hai, phường 7, quận Tân Bình, và chỉ họp duy nhất một lần mỗi năm vào những ngày trước Tết, thu hút đông đảo người dân TP. Hồ Chí Minh.

Giữa lòng Sài Gòn có phiên chợ họp duy nhất tháng cuối năm, bán 1 món hàng vẫn tồn tại hơn nửa thế kỷ - 1

Theo các tiểu thương bán lá dong tại đây, chợ lá dong Ngã ba Ông Tạ ban đầu được hình thành để đáp ứng nhu cầu mua lá dong gói bánh chưng ngày Tết của người dân. Qua thời gian, khu chợ tự phát này đã phát triển và tồn tại đến nay, hơn nửa thế kỷ.  

Cả đoạn đường dài khoảng 500m từ Trường THCS Tân Bình đến UBND phường 7, quận Tân Bình, phủ đầy màu xanh của lá dong và tấp nập cảnh mua bán, tạo nên không khí Tết rộn ràng mà người qua đường cũng dễ dàng cảm nhận.  

Dù được gọi là chợ, nhưng chợ lá dong này lại rất đặc biệt vì chỉ họp một lần duy nhất mỗi năm vào những ngày cận Tết Nguyên đán, từ ngày 21 đến 28 tháng Chạp. Chợ thường bắt đầu đông đúc từ 5 giờ sáng và kéo dài đến tối muộn trong suốt các ngày họp. Trên vỉa hè tại khu vực Ngã ba Ông Tạ, dọc hàng trăm mét đường, người mua và người bán tấp nập. Các tiểu thương đã chuẩn bị hàng từ trước, bày bán đủ loại lá dong, lá chuối, dây lạt, khuôn bánh chưng và các vật dụng khác phục vụ cho việc gói bánh chưng, bánh tét.

Giữa lòng Sài Gòn có phiên chợ họp duy nhất tháng cuối năm, bán 1 món hàng vẫn tồn tại hơn nửa thế kỷ - 2

Hầu hết lá dong, dây lạt và khuôn bánh chưng tại đây được các tiểu thương thu mua từ Đồng Nai, Lâm Đồng, huyện Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) và một số tỉnh phía Bắc, đáp ứng nhu cầu gói bánh chưng của người dân TP. Hồ Chí Minh. Lá dong được chọn mua từ nhà vườn ở huyện Hóc Môn (TP.HCM), huyện Gia Kiệm (Đồng Nai), Hà Nội,… Ưu điểm của các loại lá dong này có màu xanh óng, lá dai, tròn to nên được mọi người ưa chuộng.

Giá lá dong gói bánh chưng khá đa dạng, tùy kích cỡ mà dao động từ 30.000 đồng đến 120.000 đồng mỗi bó 50 lá. Dây lạt có giá 10.000 đồng/bó hoặc 3 bó/20.000 đồng, trong khi khuôn bánh chưng có giá từ 20.000 đến 40.000 đồng tùy kích thước. Lá chuối dùng để gói bánh tét và các loại bánh khác cũng được bán với giá khoảng 20.000-25.000 đồng/kg.

Riêng khu vực đường Phạm Văn Hai (phường 5), gần chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, giá lá dong nhỉnh hơn so với khu vực Cách Mạng Tháng Tám. Tại đây, lá dong được bán với giá từ 60.000 đến 120.000 đồng/bó 50 lá, khuôn bánh từ 30.000 đến 40.000 đồng/cái. Khu vực này còn bày bán quả gấc để nấu xôi, với giá khoảng 50.000-60.000 đồng/kg. Ngoài lá dong, chợ còn có lá chuối, dây lạt, khuôn gói bánh.

Giữa lòng Sài Gòn có phiên chợ họp duy nhất tháng cuối năm, bán 1 món hàng vẫn tồn tại hơn nửa thế kỷ - 3

Hầu hết các chủ sạp đều là người lớn tuổi, sinh sống trong khu vực này. Theo đó, chợ có từ trước giải phóng nhưng quy mô rất nhỏ, chỉ phục vụ nhu cầu là người dân trong khu vực Ông Tạ (hầu hết là người các tỉnh miền Trung, miền Bắc di cư vào). Sau này, chợ ngày càng phát triển và hiện đã rất quen thuộc dịp Tết với đông đảo người dân.

Dù mỗi năm chỉ họp 1 phiên duy nhất nhưng người dân TP HCM gần như ai cũng biết chợ lá dong này. Với nhiều người dân TPHCM, chợ lá dong Ông Tạ là nét văn hoá đặc trưng dân dã của thành phố, do chợ nằm ở ngay mặt tiền đường lớn đông người qua lại.

Chia sẻ

H.M

Tin cùng chuyên mục

Giữa lòng xứ Huế có khu chợ nổi độc đáo chỉ họp lúc mờ sương, tan chợ trước khi mặt trời lên

Giữa lòng xứ Huế có khu chợ nổi độc đáo chỉ họp lúc mờ sương, tan chợ trước khi mặt trời lên

Không có những câu bệu treo lủng lẳng trên đầu thuyền, không có những mặt hàng đa dạng như chợ nổi miền Tây, và cũng chẳng nhiều khách du lịch ngược xuôi qua lại nườm nượp, nhưng một góc chợ nổi trên Phá Tam Giang (thuộc xã Quảng Lợi, Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) này vẫn có nét độc đáo không nơi nào có.