Vào vai con gái Bảy Theo (Thái Hòa) trong phim điện ảnh Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối, nữ diễn viên Khánh Ly gây ấn tượng với vẻ đẹp đậm chất điện ảnh cùng diễn xuất tinh tế.
Nữ diễn viên trẻ Khánh Ly là 1 trong những gương mặt nổi bật của dàn sao Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối – bộ phim đang đứng Top 1 phòng vé Việt với doanh thu hơn 81 tỷ đồng (theo Box Office Vietnam). Sở hữu vẻ đẹp cá tính với làn da nâu, gương mặt góc cạnh, Khánh Ly đảm nhận vai nữ du kích Cấm, là con gái của Bảy Theo (Thái Hòa). Cấm mang trong mình tình yêu nước, không sợ gian khổ, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ khiến khán giả không khỏi rơi lệ.
XEM VIDEO: Khánh Ly duyên dáng tại buổi ra mắt phim Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối.
Nhân dịp bộ phim ra rạp, ngôi sao sinh năm 1999 được mệnh danh “nữ diễn viên bí ẩn nhất Địa Đạo” đã có những chia sẻ chân thành với phóng viên chúng tôi về hậu trường ghi hình gian khó, đầy tinh thần quả cảm.
- Trong quá trình đóng Địa Đạo, Khánh Ly có những kỷ niệm và gặp khó khăn gì?
Điều đáng nhớ nhất có lẽ là quá trình chúng tôi được tập huấn ở trường bắn Phú Mỹ Hưng. Từ lúc bắt đầu biết tin được chọn vào dự án, mọi người đã phải chuẩn bị khăn gói lên đường. Cảm giác rất thú vị khi được dọn đồ tới ở cùng nhau vì các anh chị em phải tạm rời xa cuộc sống ở Sài Gòn, bắt đầu tìm hiểu về Củ Chi cũng như cách sinh hoạt, chiến đấu của những người bộ đội. Có đủ buổi tập huấn dài hạn lẫn ngắn hạn, qua đó chúng tôi dần hiểu được hơn về nhịp thở, hơi thở của vùng đất này.
Thật ra đúng là du kích thì sẽ đánh bản năng nhưng ekip Địa Đạo rất yêu thương, tạo điều kiện hết sức cho diễn viên để chúng tôi học được những bài học đầu tiên trong quân sự như lăn lê bò toài, ném chọi lựu đạn hoặc cầm súng chuẩn tác phong chuyên nghiệp nhất.
Khi di chuyển lên trên Củ Chi, bác Chuyên (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên – PV) cũng nhắc diễn viên bỏ điện thoại, tránh sử dụng mạng xã hội và trở về nguyên thủy nhất có thể. Chúng tôi không biết chiến tranh là gì nên rất tò mò vì nghe nói mình sẽ được sử dụng súng thật, bắn đạn thật rồi được học tất cả những gì liên quan tới quân sự. Lần đầu vào môi trường quân ngũ có trải nghiệm rất mới mẻ. Chúng tôi ăn ngủ cùng nhau không biết ngại, giống như thân từ đời thuở kiếp nào vậy đó. Thật sự rất vui.
Sinh sống ở đó cũng không thiếu thốn mấy, chỉ không có nhiều sinh hoạt vui chơi giải trí thôi. Nhưng khi bước vào môi trường tập huấn, chúng tôi gần như quên mất đi điện thoại hay những thứ mạng xã hội bên ngoài. Chúng tôi chỉ có 1 vòng tròn với nhau thôi. Ăn ngủ đúng 6 giờ là gọi dậy, đi học quân sự mà học những cái vừa vui vừa khó.
Những ngày đầu rất luống cuống, cầm cây súng 5-6 kg mà đứa này đưa lên đứa kia đưa xuống. Khi học chọi lựu đạn lúc đầu cũng chưa chuẩn, có lúc cầm trái lựu đạn giả mà chọi trúng đồng đội. May là trong đội có những bạn từng đi nghĩa vụ quân sự nên rất rành, chỉ ngược lại cho những bạn chưa biết. Ban ngày chưa hiểu cái gì thì tối về tiếp tục hướng dẫn lại cho nhau. Tối đến, nguyên một đám đi bộ vòng vòng ở khu đó kiếm quán sinh tố uống, đàn hát với nhau.
Có những ngày rách cả tay chân luôn, bởi vì chúng tôi chưa quen với những động tác tập huấn, ví dụ như cảnh bò lết dưới đất bị cát, gai đâm vào trong quần áo dính đầy người. Nhưng cả đám vẫn rất lì, hôm sau lại mặc cái áo tay dài để tiếp tục tập luyện. Lúc đó cũng không biết động lực ở đâu, dù khó khăn như thế nào vẫn vượt qua một cách hồn nhiên. Khi về Sài Gòn, ai cũng kiểu không cam lòng bởi vì đang quá vui.
Những khó khăn trong quá trình tập huấn đến từ bài tập mà chúng tôi phải làm chứ thật ra những kỷ niệm vui nhiều hơn. Chưa kể các cô chú, anh chị bộ đội rất thương chúng tôi. Ăn uống ở trên môi trường quân đội rất ngon. Chúng tôi được hỗ trợ hết mình, từ đó càng dốc sức cho vai diễn.
- Đảm nhận vai con gái của Thái Hòa, Khánh Ly gặp áp lực gì và vượt qua như thế nào?
Thật ra ban đầu tôi cũng không áp lực gì đâu. Vì ngày được gọi lên đoàn phim, tôi còn không biết mình trúng vai Cấm, chỉ biết được gọi lên để gặp thôi.
Lúc lên đoàn, tôi không gặp “bố” Thái Hòa mà gặp diễn viên Quang Tuấn. Lúc đó bác Chuyên mới chỉ sang anh Tuấn, bảo với tôi: “Đây, bố của mày đấy. Thấy sao?”. Tôi nhìn sang anh Quang Tuấn rồi nói tôi cũng thấy anh đóng phim nhiều lần rồi mà chưa bao giờ gặp ở ngoài đời. Tôi nghĩ trong đầu: “Anh này làm bố mình chắc cũng được”.
Xong bác Chuyên đưa một phân đoạn để tôi với anh Tuấn diễn. Đúng ngay đoạn Cấm chạy vào báo: “Ba ơi ba! Bọn Mỹ bơm nước vào địa đạo”. Diễn thử xong, bác Chuyên mới hỏi anh Tuấn thấy như thế nào thì anh Tuấn khen tôi: “Con bé dễ thương quá”. Anh mới quay qua hỏi tôi bao nhiêu tuổi, tôi bảo tôi 24. Anh Tuấn la lên nhưng bác Chuyên bảo: “Thế thì tao thành công rồi! Nhìn nó rất trẻ đúng không?”. Bác còn bảo tôi là con gái của anh Tuấn đấy.
Thế là tôi vẫn mặc định trong đầu như vậy rồi đi về vì nghĩ anh Quang Tuấn sẽ vào vai Bảy Theo. Thật ra lúc đó bác Chuyên cũng không nói rõ là đã chọn tôi hay chưa.
Trong khoảng tháng 10, tôi được gọi lên lại. Lúc này tôi mới thấy cái bàn có tên của tất cả diễn viên ở trên đó và có cả kịch bản. Khi ấy tôi mới biết mình được chọn vai. Nhưng sốc hơn nữa khi vào bàn nhìn lên mới biết “bố” Thái Hòa là bố của mình chứ không phải anh Quang Tuấn.
Thay vì cảm giác áp lực, tôi lại rất thích thú. Tôi biết “bố” Thái Hòa cũng qua nhiều dự án. Tôi từng nghĩ liệu có cơ hội một ngày nào đó được đóng làm con của bố hay không.
Và bản thân tôi thấy mình may mắn vì dự án này có rất nhiều bậc tiền bối đi trước từ "bố" Thái Hòa, anh Quang Tuấn tới đạo diễn Bùi Thạc Chuyên rất chuyên nghiệp. Cả chị Hồ Thu Anh là 1 trong những người tôi rất thích từ gương mặt, phong cách thời trang, tôi cũng biết chị qua một vài dự án.
Tôi nghĩ đây là lợi thế, không có gì phải áp lực cả. Tôi tin sự chuyên nghiệp của tất cả mọi người sẽ dẫn dắt mình đi vào dự án này một cách tốt nhất.
- Là 1 diễn viên trẻ, Khánh Ly lấy chất liệu, cảm hứng từ đâu để hoàn thành tốt vai diễn của mình?
Quay trở lại thời điểm casting, tôi nhớ lúc đó bác Chuyên chỉ chụp chúng tôi thôi. Bác bảo nhìn thử các hướng đi để "bắt" đôi mắt vì đối với bác, đôi mắt trong thời chiến rất trong trẻo. Bác nói đó là những đôi mắt chỉ suy nghĩ tới ngày hòa bình, ngày ngừng chiến tranh và tìm thấy tự do. Trong đôi mắt đó sẽ ánh lên những tia hy vọng, nhìn phải thật sáng.
Thật sự khi chúng tôi được chọn vào vai diễn này, tôi nghĩ đôi mắt đứa nào cũng có điều mà bác Chuyên mong muốn. Để lấy cảm hứng vào phim thật sự rất khó bởi vì thế hệ chúng tôi sống ở thời bình, không trải qua chiến tranh. Nhưng mà chúng ta đã được học rất nhiều những bài học về lịch sử, về sự mất mát cũng như hy sinh. Tôi nghĩ chất liệu duy nhất mà chúng tôi có là tinh thần và lòng yêu nước.
Khi được sống ở dưới Củ Chi, chúng tôi đã nhiều lần trò chuyện với những con người ở dưới đó - những người đã đi qua tháng ngày thăng trầm của việc chiến đấu để giữ được mạng sống cho tới ngày hôm nay. Tất cả đều có chung một thứ, đó là tình yêu nước. Và tình yêu đó thắp lên ngọn lửa hy vọng ở trong đôi mắt.
- Khánh Ly từng chia sẻ mình là diễn viên cuối cùng của đoàn đóng vai trong trạng thái ướt nhẹp, bạn có thể giải thích rõ hơn về điều này?
Nếu ai đã coi Địa Đạo chắc chắn sẽ biết Cấm có 1 phân đoạn lội khi bị bọn Mỹ bơm nước vào địa đạo. Lúc này Cấm lội đi để tìm ba kêu cứu cho đồng đội Ba Hương và Út Khờ.
Thời điểm đó đã sát ngày đóng máy. Và tôi là người quay phân đoạn này cuối cùng vào khoảng hơn 2 giờ sáng. Rất đáng nhớ vì xung quanh toàn là nước thôi, tôi còn phải lội qua hầm chữ U mà không được diễn tập trước, phải khéo léo phối hợp với các anh thiết kế, tổ máy để ra được một phân cảnh "đắt" như vậy. Sau khi hoàn thành, người tôi cũng ướt nhẹp.
- Khánh Ly nghĩ gì về kết cục hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ của nhân vật Cấm?
Về kết cục hy sinh của Cấm khi tuổi đời còn rất trẻ, nó phản ánh một nỗi đau của thời chiến. Những đứa trẻ thay vì được cầm bút đã phải học cách cầm súng. Khi đọc kịch bản, tôi cảm giác nghẹn lòng và càng quyết không để bản thân làm đạo diễn thất vọng.
Nhân vật này đại diện cho một thế hệ trẻ vì đất nước mà đứng lên chiến đấu. Vốn chiến tranh là thứ không ai muốn cả. Hòa bình mới là điều mà chúng ta yêu.
Chúng tôi cầm kịch bản rõ ràng biết nhân vật của mình mất lúc nào. Nhưng giữa thời chiến, chỉ cần 1 giây thôi, mới nhìn đây, quay qua có thể đã hy sinh rồi chứ đừng nói là sống được lâu như Cấm ở trong phim.
Khi bắt đầu phân tích nhân vật, bản thân tôi thấy rõ ràng ở trong phim, đạo diễn không cho Cấm bắn bất kỳ ai cả. Cũng không có cảnh em ấy chiến đấu hay đối kháng trực tiếp với lính Mỹ. Cái đó chỉ là cuộc chiến nội tâm của Cấm và là cuộc chiến mà Cấm đã học theo mọi người xung quanh, thậm chí là ba của mình.
Nói cách khác, Địa Đạo không có bất kỳ tình huống nào mà con nít phải đánh nhau hay giết chóc. Tôi nghĩ chi tiết đó giống như thông điệp mà đạo diễn muốn gửi gắm tới khán giả, rằng thế hệ trẻ xứng đáng được hưởng hạnh phúc, phải được hưởng độc lập tự do, được đi học, đến trường, được ấm no, sống trong tình yêu thương.
Trong phim có câu “Chiến tranh mà”. Quả thật sự chết chóc, lưu vong có thể diễn ra bất kỳ khi nào. Và cái chết của Cấm cũng thực sự rất đau đớn cho Bảy Theo. Nó nói lên thực trạng thời chiến, gia đình hay tình yêu như thế nào đi chăng nữa thì tất cả đều phải đặt ở dưới nhiệm vụ thiêng liêng cao cả của Tổ quốc. Vì phải có hy sinh mất mát mới đánh đổi được hòa bình sau này.
- Thái Hòa đã truyền đạt những kinh nghiệm của mình cho Khánh Ly như thế nào?
“Bố” Hòa là một người rất nhiều kinh nghiệm. Nhưng cách của bố làm việc sẽ không truyền đạt hay chỉ dẫn cái gì quá cao siêu. Trong quá trình làm việc cùng nhau, tôi thấy “bố” dễ thương lắm.
Chúng tôi thảo luận và trao đổi với nhau gần như không có khoảng cách của đồng nghiệp. “Bố” giúp tôi thâm nhập vai diễn một cách trơn tru, từ việc nói chuyện tìm hiểu sở thích ngoài đời rồi đi vào vai diễn hồi nào mình không hay luôn.
Có điều tôi nhớ nhất ở “bố” Hòa là tác phong chuyên nghiệp thể hiện ngay cả trong giây phút “bố” hỗ trợ bạn diễn. Khi đã xong những phân đoạn của “bố”, “bố” vẫn sẽ diễn như lúc đang quay trực diện vậy.
Ngay cả trong lúc “bố” mệt nhất, do ở dưới hầm thiếu oxy và đông người, thì từ cú quay đầu tiên tới cuối cùng, “bố” vẫn sẽ làm hết mình với những gì bản thân có. Thực sự đó là điều mà lớp trẻ chúng tôi rất nể và tự nhủ con đường làm nghề của mình sau này cũng phải như thế.
- Thái Hòa từng chấp nhận giảm 1 nửa cát-xê khi đóng Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối, còn với Khánh Ly thì như thế nào?
Hồi đầu chúng tôi cũng không biết “bố” giảm cát-xê đâu, tới lúc đọc báo thì mới hay. Tôi nghĩ việc “bố” nói giảm cát-xê là 1 phần thôi còn tâm huyết “bố” để vào phim thì tính không biết bao nhiêu cho đủ. Nhiều khi tự hỏi “bố” có lỗ tiền cát-xê đó không tại vì đội trưởng đội du kích Bảy Theo lúc nào cũng "đứng mũi chịu sào" mua hết cái này cái kia cho chúng tôi ăn. Thật sự rất quý tình cảm của “bố”.
Với dự án Địa Đạo lần này, tôi chỉ là diễn viên trẻ. Tôi vẫn cần cát-xê để sống nhưng đó không phải là thứ đặt lên hàng đầu. Bản thân tôi chỉ mong muốn tìm kiếm cơ hội làm nghề, để được cống hiến hết mình, được đến gần hơn với khán giả. Vậy nên tôi cũng nói với các anh chị bên sản xuất là đề xuất thù lao bao nhiêu thì tôi nhận bấy nhiêu.
- Sau phim Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối, mối quan hệ bố - con của Thái Hòa và Khánh Ly như thế nào? Có vẻ như bạn cũng rất thân thiết với bà xã anh Thái Hòa?
Không phải chỉ một mình tôi đâu, gần như cả đội chúng tôi luôn, ai cũng thân với chị “Gấu” (cách gọi thân thương bà xã Thái Hòa) và “bố” Hòa cả.
Chúng tôi vẫn giữ liên lạc, chơi với nhau, đi ăn uống, thậm chí cả đội còn đi du lịch xa nữa. Không biết sợi dây vô hình này đến từ ai và lúc nào, nhưng tôi nghĩ 3 người đứng đầu giữ liên kết này là bác Chuyên, “bố” Hòa - chị “Gấu” với chị Thu Anh.
Có những ngày đã quay xong hết rồi, chúng tôi vẫn đi cà phê để nói chuyện với nhau và ôn lại quá trình đã qua. Cũng có khoảng thời gian chúng tôi bị gọi ngược trở lại phim trường vì có những phân đoạn cần quay lại. Tôi nghĩ đó cũng là 1 trong những cách gắn kết chúng tôi tới tận thời điểm này.
Và “bố” Hòa thật sự y chang như cái cách của Bảy Theo, có nghĩa là lo hết cho tất cả mọi người luôn. Lúc nào cũng suy nghĩ chúng tôi có thiếu ăn, thiếu uống, thiếu mặc gì không, rồi lúc nào cũng muốn gặp lại chúng tôi. Cả đám cũng hay qua nhà “bố” để ăn uống, nói chuyện. Chúng tôi chăm sóc nhau như một gia đình. Có cái gì thì người này cũng sẽ tâm sự, giúp đỡ người kia.
Sau bộ phim này tôi có thêm nhiều người đồng chí ở bên cạnh, rất dễ thương và hết mình không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống. Đây là điều rất đáng quý.
- Nhiều khán giả dự đoán Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối sẽ đạt mốc doanh thu trăm tỷ, Khánh Ly thì như thế nào? Bạn có kỳ vọng mình sẽ gia nhập câu lạc bộ diễn viên trăm tỷ không? Vì sao?
Doanh thu là con số mình không dự đoán được trước, nếu được càng nhiều thì càng tốt. Nếu phim đạt được 100 tỷ thì thật sự quá tốt, mà thật sự phải cả 1.000 tỷ luôn bởi vì chúng tôi biết rằng đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã tâm huyết với dự án này ra sao.
Tất cả mọi người từ trên xuống dưới, từ các anh chị lo phục trang make-up tới tổ làm thiết kế, quay phim... những người đã đứng sau bộ phim này thật sự phải gọi là anh hùng. Chúng tôi là diễn viên được hưởng thành quả vinh quang phía trước còn ở phía sau là sự hy sinh thầm lặng của bao con người.
Doanh thu cao phụ thuộc nhiều yếu tố nhưng điều chúng tôi mong muốn thật sự là tác phẩm sẽ đi vào lòng công chúng vì Địa Đạo không chỉ là một bộ phim, đó là lịch sử những gì chiến tranh đi qua và để lại. Nó là điều rất đáng tự hào của mỗi con người Việt Nam nói chung và mỗi người con Củ Chi nói riêng được góp mặt vào dự án này.
Còn tôi không đặt nặng kỳ vọng doanh thu trăm tỷ đâu vì theo quan điểm làm nghề của tôi, mỗi vai diễn là một linh hồn, cuộc đời và nhân cách khác. Chỉ mong sau phim này tôi lại tiếp tục có thêm dự án, lại được làm nghề và cống hiến. Đó là niềm hạnh phúc nhất với chính mình rồi.
- Khánh Ly có sợ việc nghệ sĩ “chết vai” hoặc đóng khung hình ảnh sau thành công của Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối?
Đây là vai diễn đầu tiên của tôi nên không có gì để sợ cả. Tôi nghĩ mình cứ tiếp tục khám phá, lao về phía trước học hỏi, trải nghiệm, còn việc vấp ngã hay thu quả ngọt là những thứ xét sau. Dù thế nào, kết quả sẽ xứng đáng với những gì mình đã bỏ ra.
Nếu sau phim này có ai mời tôi tiếp tục đóng phim chiến tranh, tôi vẫn sẽ đóng vì tôi biết mỗi nhân vật có một cuộc đời. Mình không phải sợ “chết vai” vì tôi biết mình có đủ vũ khí để "chơi". Tôi chỉ sợ khán giả không thích tôi thôi.
- Khi xem phim Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối, bố mẹ và bạn bè của Khánh Ly phản ứng như thế nào?
Tôi nghĩ mẹ ở trên trời rất tự hào vì mẹ tôi đã mất rồi, không coi được bộ phim này. Đó cũng là điều tôi cảm giác tiếc nuối bởi vì bây giờ mình đã làm được điều thật sự mong muốn mà mình từng tâm sự với mẹ.
Còn bạn bè của tôi thì tự hào về tôi lắm. Tụi nó mừng vì tụi nó cũng biết hành trình tôi trải qua như thế nào nên rất mong chờ.
- Từng theo học ngành tâm lý giáo dục tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM, tại sao Khánh Ly lại quyết định rẽ hướng sang nghệ thuật?
Trước đó tôi thích nghệ thuật nhưng mình không đủ chiều cao để thi vào trường sân khấu, gia đình cũng không có ai ủng hộ. Tôi cũng nghe nhiều lời khuyên. Lúc đó tôi nghĩ mình phải sống thực tế một chút, kiếm công việc, ngành nghề học sau đó còn kiếm tiền. Vậy nên tôi mới quyết định đăng ký thi đại học sư phạm ngành tâm lý học giáo dục.
Thật ra chính xác tôi học được có 6 tháng thôi rồi đam mê vẫy gọi, rất nhiều những tín hiệu xung quanh khiến tôi quyết định rẽ hướng. Tôi bèn suy nghĩ nếu bây giờ không làm thì sau này có hối hận không, rồi tôi quyết định nghỉ học, đi tìm chân lý nghệ thuật.
- Kế hoạch hoạt động nghệ thuật sắp tới của Khánh Ly như thế nào?
Thực ra tôi là một freelancer (người làm nghề tự do – PV) nên cũng không có kế hoạch gì cụ thể. Nhưng bản thân tôi vẫn đang tích cực đi casting. Sau vai diễn này, tôi rất may mắn nhận được nhiều lời mời thử vai nữa. Tôi sẽ chuyên tâm cho những dự án mới vì bản thân tôi cũng rất mong muốn con đường làm nghề được tiếp tục tỏa sáng.
Cám ơn Khánh Ly vì những chia sẻ!