Mới đây, NSƯT Thanh Loan đã có những tiết lộ về vai diễn ni cô Huyền Trang sau 40 năm phim Biệt Động Sài Gòn ra mắt.
Cine 7 - Ký Ức Phim Việt là chương trình thực hiện sứ mệnh đưa các tác phẩm kinh điển của điện ảnh nước nhà đến gần hơn với mọi thế hệ khán giả. Trong tập phát sóng mới nhất về tác phẩm Biệt Động Sài Gòn nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, NSƯT Thanh Loan - người vào vai ni cô Huyền Trang đã có những chia sẻ hết sức chân thực về quá trình khắc họa nhân vật mang tính biểu tượng này sau gần 4 thập kỷ ra mắt bộ phim.
NSƯT Thanh Loan là khách mời trong tập phát sóng về phim Biệt Động Sài Gòn của chương trình Cine 7 - Ký Ức Phim Việt.
Biệt Động Sài Gòn – tác phẩm đi cùng năm tháng
Biệt Động Sài Gòn là bộ phim kinh điển về đề tài chiến tranh, phát hành năm 1986 do nhà biên kịch Lê Phương và nhà báo Nguyễn Thanh viết kịch bản, hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất, đạo diễn Long Vân thực hiện. Phim tái hiện chân thực những chiến công của lực lượng biệt động trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vào sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968. Qua 4 tập: Điểm Hẹn, Tĩnh Lặng, Cơn Giông và Trả Lại Tên Cho Em, thước phim kể về những cuộc đấu trí căng thẳng và các trận chiến ác liệt của đội biệt động Sài Gòn, với nhân vật chính Tư Chung – Tư lệnh trưởng biệt động, cùng đồng đội như Ngọc Mai, Sáu Tâm, Huyền Trang và Năm Hòa.
1 trong những phân cảnh ấn tượng trong Biệt Động Sài Gòn.
Biệt Động Sài Gòn không chỉ nổi bật với các cảnh hành động kịch tính mà còn khắc họa sâu sắc tình đồng đội, lòng quả cảm và trí tuệ của các chiến sĩ biệt động - điển hình là nhân vật ni cô Huyền Trang do NSƯT Thanh Loan thể hiện. Trong phim, Huyền Trang đóng giả ni cô trong chùa để che giấu hoạt động tình báo, thầm lặng chuyển giao thông tin quan trọng của đội biệt động ngay giữa lòng Sài Gòn đầy hiểm nguy trong thời kỳ chiến tranh.
Nhân vật ni cô Huyền Trang được lấy cảm hứng từ nguyên mẫu ni trưởng Diệu Thông – một người phụ nữ Việt Nam kiên cường, bất khuất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Vai diễn này cũng giúp NSƯT Thanh Loan trở thành biểu tượng văn hóa trong điện ảnh nước nhà.
Tạo hình của NSƯT Thanh Loan trong vai ni cô Huyền Trang.
Sau gần 40 năm, Biệt Động Sài Gòn vẫn là tác phẩm sống mãi với thời gian, không chỉ là ký ức sống động về một thời kỳ đấu tranh của ông cha ta, mà còn là "ngọn lửa" tiếp tục truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ ngày nay. Bộ phim dường như đã trở thành thông lệ khi được phát lại mỗi dịp tháng 4 hằng năm để hoà vào không khí hào hùng của dân tộc nhân ngày Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước.
Vén màn vai diễn ni cô Huyền Trang sau gần 40 năm ra mắt Biệt Động Sài Gòn
Chia sẻ về cái duyên với vai diễn ni cô Huyền Trang, NSƯT Thanh Loan nói: “Thời gian đó, tôi đang ở Truyền hình An ninh. Trong một chuyến đi công tác ở thành phố Hồ Chí Minh, anh Trịnh Thái có gặp tôi và bảo là trong này đương quay bộ phim Biệt Động Sài Gòn. Nhưng nhân vật chính là ni cô Huyền Trang thì vẫn chưa tìm được diễn viên nào theo ý của đạo diễn.
Tôi nghe thế thì bảo anh cho em đọc kịch bản. Khi tôi đọc thì thấy kịch bản rất hay và tôi đã nhận lời. Dù tôi cũng không ngờ bộ phim quay lâu thế, suốt 4 năm trời."
Được biết, Biệt Động Sài Gòn bấm máy vào năm 1982, mất 1 năm để tìm được người phù hợp cho vai ni cô Huyền Trang và phải tới 4 năm sau bộ phim mới hoàn thành. Khi ấy NSƯT Thanh Loan đã có con nhỏ nên bà phải mang theo con từ Hà Nội, thậm chí đi nhờ máy bay quân sự vào miền Nam để quay phim.
Ngoài ra, để hoá thân vai diễn một cách trọn vẹn, dàn sao Biệt Động Sài Gòn phải gặp gỡ, trò chuyện với những nguyên mẫu nhân vật ngoài đời thực, trong đó có Đại tá Tư Chu – nguyên mẫu nhân vật Tư Chung do cố nghệ sĩ Quang Thái thể hiện, nguyên mẫu nhân vật Năm Hoà (bí danh K9) do cố nghệ sĩ Bùi Cường thủ vai.
NSƯT Thanh Loan phải vào chùa 1 tuần để học tác phong của người xuất gia.
Riêng với NSƯT Thanh Loan khi chuẩn bị cho vai ni cô Huyền Trang, bà phải vào chùa một tuần để học tác phong của người xuất gia. NSƯT Thanh Loan chia sẻ: "Tôi được vào trong chùa ở 1 tuần lễ, học cách tụng kinh, gõ mõ, niệm Phật. Chúng tôi còn phải đi thực tế để học dáng đi khất thực khoan thai của người tu hành và những bước chân tĩnh, từng bước một".
Để khắc hoạ chiều sâu nội tâm khi thể hiện các cảnh đau buồn của nhân vật Huyền Trang, nữ diễn viên cho biết mình phải nhập tâm vào một cô gái có lòng yêu nước sâu sắc. Nhưng hoàn cảnh trớ trêu, khi đang thực hiện nhiệm vụ giả danh cô vô tình thấy người yêu cũ đi cùng với một người đàn bà đẹp khác. “Lúc ấy mình phải nén đau khổ, tình cảm riêng tư trong lòng lại vì tình yêu nước” - NSƯT Thanh Loan nói.
Ni cô Huyền Trang phải nén đau khổ để không bị lộ thân phận thật.
Xuất thân là người lính cũng giúp NSƯT Thanh Loan thuận lợi khi thực hiện các cảnh hành động. Bà từng ra thao trường bắn súng AK, cầm súng lục bắn rồi nên đã quen với việc sử dụng vũ khí.
Nhắc đến cảnh tra tấn biểu tượng trong phim, nữ nghệ sĩ chia sẻ đây là phân đoạn chỉ được thực hiện một lần, chất liệu duy nhất để bà đóng cảnh giật điện là nghe theo mô tả của đoàn phim. NSƯT Thanh Loan dí dỏm tiết lộ: “Lúc đầu tra trấn thì co chân co tay, đoạn cuối lại đổ nước cho Huyền Trang tỉnh lại nên không thể diễn lần thứ 2 vì đâu có quần áo mà thay nữa”.
Cảnh tra tấn biểu tượng trong phim chỉ được thực hiện một lần.
Về cảnh quay yêu thích nhất, NSƯT Thanh Loan tâm đắc nói: "Trong tập 2 - Tĩnh Lặng, khi Huyền Trang phải đến một ngôi chùa để gặp cấp trên nhưng không biết cấp trên mình gặp ai. Hóa ra đó là Tư Chung - người yêu cũ mà mình luôn tâm niệm là anh đã tập kết ra ngoài Bắc, nay lại trở về đây cùng hoạt động trong mạng lưới đô thành của mình. Tôi rất xúc động khi ngọn nến cứ chảy xuống từng giọt, từng giọt như người khóc.”
Phân cảnh ni cô Huyền Trang gặp lại người yêu cũ Tư Chung (Quang Thái).
Chia sẻ về cảnh quay bản thân thấy khó nhất, NSƯT Thanh Loan kể: “Trích đoạn tôi thấy khó nhất là khi tôi phải nhảy xuống cái đầm đầy hoa súng và đẩy Tư Chung trên thuyền. Một mình tôi phải đẩy con thuyền rất to, máy quay từ trên cao thấy cảnh tôi đẩy thuyền rồi cứ thế xa dần, hút vào trong rừng dừa. Cảnh quay đó rất đẹp”.
Cảnh quay khó nhất đối với NSƯT Thanh Loan.
Có thể nói, dưới sự thể hiện của NSƯT Thanh Loan, ni cô Huyền Trang trong Biệt Động Sài Gòn không chỉ là một vai diễn đơn thuần mà còn là biểu tượng của lý tưởng, trí tuệ và lòng quả cảm của những chiến sĩ biệt động giữa lòng Sài Gòn đầy hiểm nguy. Hành trình hóa thân vào vai diễn của NSƯT Thanh Loan với sự chuẩn bị kỹ lưỡng đã tạo nên một nhân vật sống động và chân thực, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ khán giả Việt Nam.
XEM VIDEO: Ni cô Huyền Trang với nhan sắc gây thương nhớ năm nào. (Nguồn: Nhongayxuaay)
Cuộc sống hiện tại của “ni cô Huyền Trang” sau 40 năm
Ni cô Huyền Trang là vai cuối cùng trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của NSƯT Thanh Loan. Sau đó, bà chuyển sang vai trò phát thanh viên, đạo diễn, Phó Giám đốc Điện ảnh Công an nhân dân. Hiện tại, bà là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam và Ủy viên Ban Chấp hành Hội Điện ảnh Hà Nội.
Nếu có một điều mà nghệ sĩ Thanh Loan luôn trân trọng và cảm thấy bản thân may mắn, đó chính là mái ấm gia đình vẹn tròn. Bà cười nói: "Ơn trời, tôi cũng gặp được may mắn lớn. Có một gia đình hạnh phúc, chồng con đều tốt, luôn tạo điều kiện cho tôi theo đuổi đam mê. Đến tuổi này, tôi chỉ mong có sức khỏe thôi. Có sức khỏe thì mình còn có thể đi đây đi đó, gặp gỡ, giao lưu với bạn bè".
NSƯT Thanh Loan chia sẻ rằng, niềm tự hào lớn nhất không nằm ở những giải thưởng hay vinh danh mà bà đã đạt được trong sự nghiệp, mà chính là 2 người con thành đạt. Đó là cô con gái sinh năm 1975 và cậu con trai sinh năm 1977 - những "trái ngọt" bình dị và quý giá sau một cuộc đời tận tâm cống hiến và hy sinh thầm lặng cho nghệ thuật và gia đình. Giờ đây, khi ánh hào quang rực rỡ đã trở thành những ký ức đẹp đẽ, NSƯT Thanh Loan chọn cho mình một nhịp sống an yên, thư thái.
Khi ánh hào quang rực rỡ đã trở thành những ký ức đẹp đẽ, NSƯT Thanh Loan chọn cho mình một nhịp sống an yên, thư thái