Khu chợ "vang bóng một thời" giữa lòng phố cổ: Từng là khu chợ sầm uất bậc nhất, nay vắng khách đến thảm thương

H.M
Chia sẻ

Nằm ở trung tâm phố Hàng Da, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, chợ Hàng Da đích thực là một biểu tượng về văn hoá và lịch sử trên mảnh đất thủ đô.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, thủ đô Hà Nội vẫn luôn là nơi giao thương sầm uất với nhiều ngôi chợ lâu đời đã gắn liền với bao thế hệ như chợ Đồng Xuân, chợ Long Biên, chợ Hôm,… Khác với các khu chợ tiếp đón hàng trăm lượt khách mỗi ngày ấy, chợ Hàng Da vẫn lặng lẽ đợi chờ những “người muôn năm cũ” dù nằm giữa lòng phố cổ tấp nập người qua lại.

Khu chợ "vang bóng một thời" giữa lòng phố cổ: Từng là khu chợ sầm uất bậc nhất, nay vắng khách đến thảm thương - 1

Hình ảnh chợ Hàng Da (Hàng Da Plaza) hiện tại.

Với mức đầu tư tới gần 250 tỷ đồng, Hàng Da Plaza là mô hình kết hợp chợ truyền thống với trung tâm thương mại hiện đại hoạt động từ cuối năm 2010. Nhìn ngắm vẻ ngoài khang trang của Hàng Da Plaza, nhiều người không khỏi bồi hồi khi nhớ về chợ Hàng Da cũ từng là nơi rộn ràng người mua, kẻ bán. 

Nằm ở trung tâm phố Hàng Da, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, chợ Hàng Da đích thực là một biểu tượng về văn hoá và lịch sử trên mảnh đất thủ đô. Trước khi nói về chợ Hàng Da, không thể không điểm qua vài nét về con phố cùng tên. Vào thời Nguyễn, khu phố này thuộc thôn Yên Nội, tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương. Người dân trong làng gọi đây là phố Thầy Bói vì trước cửa đền Tam Thánh (hay đình Vũ Du) có nhiều người hành nghề bói toán, thường ngồi chờ khách đến lễ chùa. Đến cuối thế kỷ 19, các lái buôn bắt đầu mua da trâu, bò về khu phố Yên Thái và ngõ Tạm Thương để chế biến thành da khô và bán ngay tại một khu đất rộng đối diện, nơi có vài chiếc lều được dựng lên kiểu chợ làng.

Khu chợ "vang bóng một thời" giữa lòng phố cổ: Từng là khu chợ sầm uất bậc nhất, nay vắng khách đến thảm thương - 2

Khu chợ dưới lòng đất giữa trung tâm phố cổ vào một ngày cuối tuần.

Đầu thế kỷ 20, người Pháp cải tổ thành phố và đổi tên phố này thành Rue des Cuirs, nghĩa là "phố da" trong tiếng Việt. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, phố Hàng Da chưa có các cửa hàng sản xuất và bán đồ da như các phố Hàng Điếu hay Hà Trung. Thực tế, chỉ có một số người Hoa kiều sở hữu các xưởng thuộc da ở ngoại thành, nơi họ xây dựng kho chứa nguyên liệu, bao gồm da tự thuộc, da từ Nhà máy Thuộc da Thuỵ Khuê hoặc da nhập khẩu. Những thợ thủ công từ các khu khác thường lui tới nơi đây mua nguyên liệu về chế tác sản phẩm. Tới năm 1937, chợ Hàng Da được xây dựng nhưng bên trong có rất ít tiểu thương bán đồ da mà hầu hết kinh doanh thực phẩm và tạp hoá. Nhưng phải đến 8 năm sau, khi Nhật đảo chính Pháp, Hàng Da mới chính thức trở thành tên của khu phố.

Khu chợ "vang bóng một thời" giữa lòng phố cổ: Từng là khu chợ sầm uất bậc nhất, nay vắng khách đến thảm thương - 3

Khu vực bán giày secondhand ở chợ Hàng Da.

Người Hà Nội vẫn thường xao xuyến mỗi lần nhắc về khu chợ Hàng Da cũ, trước khi xây thêm tòa nhà 5 tầng chuẩn xu hướng đô thị hoá vào năm 2010. Thật không ngoa khi đặt cho ngôi chợ này cái danh “thiên đường mua sắm” vào thời kỳ đó khi chỉ cần bước vào chợ là thấy bạt ngàn sản phẩm với bốn khu: khu bán thực phẩm tươi sống, khu bán đồ ăn, khu bán quần áo và khu cho các loại tạp hóa khác. Người ta vẫn hay kháo nhau rằng đi mua đồ ở chợ Hàng Da phải bước thật chậm rãi, đến khi thấy chắc chắn ưng ý thì mới dừng lại để hỏi giá vì nếu không mua mà đã vội vàng hỏi thì không chừng sẽ bị chủ sạp hàng buông vài lời “sát thương” hay thậm chí là đốt vía ngay trước mặt. Dù đi chợ Hàng Da phải mang theo một “tinh thần thép” là thế nhưng ở thời điểm những năm 2000, nơi đây luôn là một trong những ngôi chợ nhộn nhịp, đông đúc người mua kẻ bán nhất thành phố. 

Khu chợ "vang bóng một thời" giữa lòng phố cổ: Từng là khu chợ sầm uất bậc nhất, nay vắng khách đến thảm thương - 4

Một góc nhỏ cuối chợ là nơi các tiểu thương bày bán đa dạng các loại thực phẩm khô.

Khi có quyết định xây dựng Hàng Da Plaza, chợ bị dỡ bỏ để tu sửa lại, nhiều tiểu thương dứt áo ra đi và không quay trở về khi chợ Hàng Da đã khoác lên mình một tấm áo mới. Hàng Da Plaza tiện nghi và hoành tráng không dành cho những ai đã vốn quen thuộc với những ngôi chợ truyền thống huyên náo, ồn ào tiếng của kẻ mặc cả, người bớt giá, mộc mạc, dân giã nhưng gần gũi và thân thuộc. Thêm vào đó, việc bố trí các khu vực của chợ hay Hàng Da Plaza cũng chưa hợp lý, cổng chính nằm khuất một góc phố, khu chợ lại ở dưới lòng đất tạo cảm giác bí bách, không tiện lợi để mua sắm. 

Khu chợ "vang bóng một thời" giữa lòng phố cổ: Từng là khu chợ sầm uất bậc nhất, nay vắng khách đến thảm thương - 5

Một tiểu thương thân thiện giới thiệu các mẫu quần áo mùa đông mới nhập về tại chợ Hàng Da.

Những năm gần đây, chợ chủ yếu chỉ còn bán đồ secondhand, một góc phía cuối chợ bán thực phẩm, đồ khô, gốm sứ,... Lượt khách tới thăm không nhiều, phần lớn là du khách từ nước ngoài vì sự hiếu kỳ với một khu chợ dưới lòng đất nên ghé qua. So với các khu chợ bán quần áo “si” khác như chợ Đông Tác, các món đồ ở chợ Hàng Da có phần nhỉnh hơn cả về chất lượng lẫn giá cả. Việc phải cạnh tranh với những khu chợ khác cũng như không còn sức hút với khách hàng khiến các tiểu thương tại đây phải đối mặt với tình trạng ế ẩm, vắng khách, nhiều chủ sạp còn không mở cửa vì biết sẽ chẳng có ai ghé mua.

Khu chợ "vang bóng một thời" giữa lòng phố cổ: Từng là khu chợ sầm uất bậc nhất, nay vắng khách đến thảm thương - 6

Dãy kios bán đồ gốm sứ với đa dạng mẫu mã, xuất xứ từ gốm Bát Tràng tới gốm Nhật,...

Cô Phượng, một tiểu thương đã kinh doanh ở chợ Hàng Da hơn 20 năm chia sẻ: “Nhớ cái thời ngày xưa, sáng nào cô cũng phải dậy sớm bày hàng ra bán thì giờ ngủ đến trưa, tới chợ vẫn chẳng có “ma” nào. Dăm ba tháng lại có bên báo nào đó đưa tin, đăng ảnh về cảnh chợ vắng khách, nên lại càng chẳng có ai tới mua đồ hay sao ấy. Giờ cô cũng có tuổi, đã gắn bó với nơi này lâu nên cũng cố cầm cự vì chẳng biết đi đâu chứ như nhiều người từng bán hàng ở đây giờ họ qua nơi khác kinh doanh hết rồi.”

Khu chợ "vang bóng một thời" giữa lòng phố cổ: Từng là khu chợ sầm uất bậc nhất, nay vắng khách đến thảm thương - 7

Một tiểu thương giấu tên dí dỏm nói: “Con viết bài để khách tới đây mua đồ nhiều hơn nhé!”

Khu chợ "vang bóng một thời" giữa lòng phố cổ: Từng là khu chợ sầm uất bậc nhất, nay vắng khách đến thảm thương - 8

Hình ảnh bác Thuỷ chờ đợi những vị khách đầu tiên ghé qua dù đã gần giờ trưa.

Họ hay ngày cả chúng ta cũng đều có quyền hy vọng về một phương hướng phù hợp để giải quyết thực trạng đáng buồn của ngôi chợ truyền thống nhiều năm tuổi. Thời thế thay đổi, dù chợ Hàng Da không còn giữ được vị thế của một chốn mua sắm tấp nập bậc nhất thủ đô như những ngày hoàng kim nhưng trong trái tim những con người từng gắn bó với cái nét “chợ búa” rất mực “Hà Nội” ấy vẫn sẽ luôn khắc ghi kỷ niệm về một thời chợ Hàng Da xưa cũ, giản dị mà thân thương. 

Chia sẻ

H.M

Tin cùng chuyên mục

Khu chợ được mệnh danh là "chợ nhà giàu" giữa lòng phố cổ Hà Nội: Thiên đường ẩm thực bán "cơm nhà" cho người lười

Khu chợ được mệnh danh là "chợ nhà giàu" giữa lòng phố cổ Hà Nội: Thiên đường ẩm thực bán "cơm nhà" cho người lười

Ẩn mình giữa những con phố cổ kính của Hà Nội, chợ Hàng Bè không chỉ là một địa chỉ quen thuộc với người dân Thủ đô mà còn là điểm đến độc đáo thu hút nhiều du khách. Nổi tiếng với những món ăn đặc sản đậm đà hương vị truyền thống và không khí sầm uất đặc trưng, khu chợ nhỏ này lưu giữ những nét văn hóa chợ xưa của Hà Nội.

Giữa lòng Sài Gòn có khu chợ mệnh danh "thiên đường đồ cũ", có thể tìm thấy những món đồ tưởng như "tuyệt chủng"

Giữa lòng Sài Gòn có khu chợ mệnh danh "thiên đường đồ cũ", có thể tìm thấy những món đồ tưởng như "tuyệt chủng"

Giữa lòng Sài Gòn náo nhiệt, chợ Nhật Tảo từ lâu đã được biết đến như một thiên đường dành cho những người đam mê săn lùng đồ cũ. Nơi đây không chỉ là chốn giao thoa giữa những món đồ điện tử, đồ gia dụng và phụ kiện cổ điển, mà còn là kho báu đầy bất ngờ với mức giá vô cùng "hạt dẻ". Đến với chợ Nhật Tảo, bạn sẽ được hòa mình vào không gian mua sắm...

Điểm danh 5 quán cafe trang trí Giáng sinh sớm ở Hà Nội, các "nàng thơ" chụp ảnh ai cũng như công chúa

Điểm danh 5 quán cafe trang trí Giáng sinh sớm ở Hà Nội, các "nàng thơ" chụp ảnh ai cũng như công chúa

Giáng sinh đang đến gần, và Hà Nội dần ngập tràn trong không khí rộn ràng của mùa lễ hội. Những quán cà phê không chỉ là nơi để thưởng thức đồ uống mà còn trở thành điểm đến lý tưởng với những góc trang trí đậm chất Giáng sinh. Từ ánh đèn lấp lánh, cây thông trang hoàng lộng lẫy đến những góc check-in đầy màu sắc, các quán cafe này sẽ mang đến cho bạn một không gian ấm áp,...

Khu chợ gắn liền với làng nghề có lịch sử ngàn năm: Chỉ bán một mặt hàng nhưng chất lượng hàng đầu cả nước

Khu chợ gắn liền với làng nghề có lịch sử ngàn năm: Chỉ bán một mặt hàng nhưng chất lượng hàng đầu cả nước

Giữa lòng thủ đô phồn hoa phố thị, một làng nghề truyền thống vẫn tồn tại bao đời nay. Nói đến làng dệt tơ lụa đẹp và nổi tiếng tại Việt Nam, chúng ta không thể không nhắc đến cái tên làng lụa Vạn Phúc. Làng lụa Vạn Phúc là điểm đến hấp dẫn dành cho những ai muốn tìm hiểu về nét đẹp văn hóa lụa gấm Hà Nội.