Khám phá nét đẹp các làng cổ, di tích bên sông Hồng

Bài, ảnh: Mạnh Sơn
Chia sẻ

Sông Hồng có chiều dài chảy qua Hà Nội khoảng 160km, trong đó có 40km qua nội đô. Dọc theo sông Hồng, hiện vẫn có nhiều điểm di tích văn hóa, làng cổ ghi đậm dấu ấn về Hà Nội để du khách cùng khám phá.

Dấu ấn những làng cổ ven sông Hồng

Nằm cách trung tâm Thủ đô gần 24km, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh không chỉ gắn liền với những truyền thuyết của dân tộc Việt Nam như An Dương Vương định đô xây thành, cùng chiếc nỏ thần Kim Quy bắn một tên hạ hàng trăm tên giặc hay mối tình bi thương và cảm động của Mỵ Châu - Trọng Thủy. Thành Cổ Loa có nhiều tên gọi khác nhau như Loa Thành (thành Ốc), thành Côn Lôn, thành Tư Long, Cửu thành, thành Việt Vương, thành Khả Lũ, Cổ Loa thành. Đến thế kỷ thứ X, thời kỳ Ngô Quyền làm vua, Cổ Loa lại trở thành kinh đô thứ hai. Khu di tích lịch sử thành Cổ Loa trải dài trên địa phận 3 xã Cổ Loa, Việt Hùng, Dục Tú thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội.

Thời Âu Lạc, Cổ Loa tọa lạc tại một vị trí vô cùng đắc địa, nằm trên đỉnh của tam giác sông Hồng, là đầu mối giao thông quan trọng cả đường bộ lẫn đường thủy, là nơi chứng kiến giai đoạn phát triển mới của cư dân Việt cổ. Bởi vậy nơi đây đã được chọn làm kinh đô của nước Âu Lạc từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên và nhà nước của vua Ngô Quyền thế kỷ X sau Công nguyên. Đây là nơi còn lưu giữ hàng loạt di chỉ khảo cổ học quan trọng, phản ánh quá trình phát triển liên tục của dân tộc Việt Nam từ sơ khai qua các thời kỳ.

Bên dòng sông Hồng còn nhiều làng cổ ghi dậm dấu ấn về Thăng Long, Hà Nội. Có thể kể tới làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội nằm bên hữu ngạn sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội khoảng 50km. Đây là làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng di tích lịch sử Văn hóa quốc gia ngày 19/5/2006.

Khám phá nét đẹp các làng cổ, di tích bên sông Hồng - 1

Du khách đến tham quan làng cổ Đường Lâm.

Đến với làng cổ Đường Lâm, du khách sẽ thấy được các nét đặc trưng của một ngôi làng Việt xưa, với cây đa, giếng nước, sân đình, chùa, miếu, đường làng quanh co, ngõ nhỏ, những ngôi nhà gỗ cổ, những bức tường xây bằng gạch đỏ, đá ong hoặc trát bùn. Trong làng cổ vẫn còn bảo tồn lưu giữ các nghề thủ công truyền thống làm kẹo dồi, chè lam… Du khách đến với Đường Lâm sẽ thấy hết sức ấn tượng với kiến trúc cổng làng và đình Mông Phụ. Theo thống kê, làng cổ Đường Lâm có gần 1.000 ngôi nhà cổ, nằm ở các làng Đông Sàng, Mông Phụ, Cam Thịnh. Có nhiều ngôi nhà cổ được xây dựng từ rất lâu đời, tiêu biểu có các ngôi nhà được xây vào năm 1649, 1703,1850… đều được làm bằng vật liệu truyền thống xứ Đoài là đá ong, tre, gỗ xoan, nứa, gạch đất nung, ngói, đất nện, trấu, mùn cưa.

Cũng nằm ven sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km về phía Đông Nam, làng Bát Tràng, xã Bát Tràng, Gia Lâm được du khách biết tới là nơi sản xuất, cung cấp gốm sứ chất lượng, lưu giữ và bảo tồn những nét văn hóa truyền thống lâu đời. Du khách có thể đi đường bộ hay đường sông đến làng gốm Bát Tràng. Nếu đi đường bộ theo đường đê, du khách có thể tận hưởng không khí trong lành, khám phá nét bình yên của làng gốm cổ. Dạo bước trên con đường làng quanh co, du khách thấy ấn tượng với các cửa hàng sản phẩm gốm, những ngôi nhà cổ kính, đơn sơ vương đầy bụi trắng men sứ. Nếu đi bằng đường sông cập vào bến nước cổ, luồn qua những ngõ hẹp của làng gốm trước khi vào phiên chợ sầm uất, du khách vừa ngắm nhìn, chọn mua đồ gốm, thử làm người thợ làm gốm. Đến Bát Tràng, du khách sẽ được khám phá về lò gốm cổ, các di tích gắn liền với sự phát triển của làng gốm Bát Tràng, cùng khám phá về sự đa dạng của các sản phẩm gốm Bát Tràng, du khách có thể tìm hiểu về nghề gốm truyền thống, những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của gốm Bát Tràng.

Nét đẹp và giá trị của các di tích bên sông Hồng

Nằm cách trung tâm Hà Nội 12km về phía Tây, đình Chèm thuộc làng Chèm, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm là ngôi đình uy nghi, cổ kính có niên đại trên 2.000 năm lịch sử. Từ ngàn năm nay, đình Chèm vẫn là nơi thờ cúng tín ngưỡng của người dân ba làng: Làng Hoàng, làng Mạc và làng Chèm. Đình Chèm là nơi thờ Đức Thánh Chèm (hay còn gọi là đức Hy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng). Tương truyền Đức Thánh Chèm sinh vào thời Hùng Duệ Vương mất vào thời Thục An Dương Vương.

Đình Chèm được xây dựng theo lối kiến trúc nội cung ngoại quốc, chắc chắn và công phu. Bao gồm nghi môn ngoại, nghi môn nội. Khu vực chính của đình Chèm gồm tòa tiền tế và tòa đại bái. Hậu cung đình xây liền với nhà đại bái bằng một nhà cầu nhỏ tại gian giữa, khu hậu cung gồm 3 dãy nhà nối liền nhau tạo thành kết cấu kiến trúc kiểu chữ “Công”. Các công trình kiến trúc của đình Chèm được kết cấu bền chắc và bố trí hài hòa trong một tổng thể không gian rộng lớn. Những nếp nhà được làm đăng đối theo trục hoàng đạo Đông Bắc - Tây Nam. Xung quanh những công trình kiến trúc là những cây cổ thụ cành lá sum suê, góp phần tôn thêm vẻ đẹp cổ kính, tôn nghiêm của ngôi đình. Hiện đình Chèm còn lưu giữ được cuốn sách chữ Hán ghi các đạo sắc, lễ nghi, văn tế, 3 đạo sắc phong của các vua Nguyễn phong thần cho ngài Lý Ông Trọng, 4 tấm bia đá, 10 tượng thờ, 8 bức hoành phi câu đối, 2 chuông đồng đúc thời Nguyễn, đặc biệt là hệ thống máng đồng là di vật độc đáo, hiếm có, có niên đại thời Lê, Tây Sơn và Nguyễn.

Khám phá nét đẹp các làng cổ, di tích bên sông Hồng - 2

Khách nghe giới thiệu về nghề làm tương ở làng cổ Đường Lâm.

Rời đình Chèm, du khách có thể dừng chân dâng hương tại đền Cô Bơ - Bến Bạc - địa chỉ văn hóa tâm linh tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Hay qua cầu Chương Dương du khách đến tham quan, dâng hương tại chùa Bồ Đề thuộc phường Bồ Đề, quận Long Biên, còn có tên gọi là “ Thiên Sơn tự” và thăm đền Ghềnh có tên là “ Thiên quang linh từ”. Đền thờ công chúa Lê Ngọc Hân vợ của vua Quang Trung. Đền có các hạng mục chính như: Điện mẫu, điện sơn trang, nhà tổ, nhà khách, khu vực phụ trợ. Trong đền còn lưu giữ được nhiều di vật quý như quả chuông đúc vào đời vua Tự Đức, hai cỗ kiệu được trang trí bằng nghệ thuật chạm trổ, các bức đại tự, cuốn thư, hoành phi, câu đối. Cùng với các di vật quý, di tích đền Ghềnh ngày nay đã trở thành một công trình kiến trúc cổ được đông đảo du khách biết tới. Bên cạnh đó, hàng năm nơi đây còn diễn ra lễ hội đền Ghềnh nổi tiếng với nhiều hoạt động mang nét đặc trưng của vùng đồng bằng sông Hồng.

Xuôi theo dòng sông Hồng, du khách ghé thăm đền Dầm và đền Đại Lộ, huyện Thường Tín, Hà Nội. Đền Dầm còn có tên gọi khác là Xâm Dương Linh Từ thờ Mẫu đệ tam Thoải Cung, một trong tam tòa Thánh Mẫu theo tâm linh người Việt, ghi dấu ấn bởi kiến trúc cổ, cột gỗ và mái ngói cũ đã ngả màu thời gian cùng khuôn viên thoáng đãng. Đền Đại Lộ thờ Tứ Vị Thánh Nương chính là mẹ con Thái Hậu Dương Quý Phi. Đền Đại Lộ nằm trong cụm di tích tâm linh với bốn đền: Chùa Ngọc Minh, đền Mẫu Cửu thờ Mẫu Cửu Trùng Thiên, đền Dầm thờ Mẫu Thoải và đền Đại Lộ. Đền Đại Lộ được xây dựng từ triều Trần, trải qua thời gian nét đẹp của kiến trúc cổ vẫn được bảo tồn. Sự ra đời của hai ngôi đền đều gắn với những người phụ nữ. Đến đây, du khách sẽ cảm nhận rõ hơn cả văn hóa thờ Mẫu đậm nét trong hai ngôi đền này, văn hóa đã trở thành tín ngưỡng của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Cũng trong hành trình xuôi theo dòng sông Hồng, du khách không thể bỏ qua việc khám phá, chiêm ngưỡng, dâng hương tại đền Đa Hòa, Hưng Yên, nơi thờ một trong tứ bất tử của người Việt: Đức thánh Chử Đồng Tử.

Chia sẻ

Bài, ảnh: Mạnh Sơn

Tin cùng chuyên mục

5 hòn đảo được ví "thiên đường nơi hạ giới", chỉ dành cho giới siêu giàu, ở Đông Nam Á góp mặt 1 cái tên

5 hòn đảo được ví "thiên đường nơi hạ giới", chỉ dành cho giới siêu giàu, ở Đông Nam Á góp mặt 1 cái tên

Giữa khung cảnh lộng lẫy của thiên nhiên, các khu nghỉ dưỡng cao cấp ở những vị trí đắc địa, với các đặc quyền bổ sung, đãi ngộ VIP như: biệt thự sang trọng, trị liệu spa, đầu bếp riêng và dịch vụ du thuyền. Dưới đây là 5 hòn đảo như thế, rất ít người trên thế giới có đủ tiền để chi trả.