Dọc sông Đà có phiên chợ họp mỗi tháng 3 lần, nhà ai có gì đều đem ra bán nên đảm bảo tươi sạch

H.M
Chia sẻ

Chợ phiên trên Sông Đà không chỉ đơn thuần là nơi mua bán hàng hóa mà còn là điểm hẹn giao lưu văn hóa mang đậm bản sắc vùng sông nước.

Huyện Phù Yên là một trong sáu huyện của tỉnh Sơn La thuộc diện di dời để xây dựng thủy điện Hòa Bình. Trong đó, tám xã gồm Tường Thượng, Tường Hạ, Tường Tiến, Tường Phong, Tân Phong, Bắc Phong, Nam Phong và Đá Đỏ có dân cư phải tái định cư. Một số người chọn cách sống ven hai bờ Sông Đà, hình thành cộng đồng cư dân sinh sống và mưu sinh trên lòng hồ, với giao thông và giao thương chủ yếu diễn ra trên sông. Chính vì vậy, chợ phiên Sông Đà dần dần hình thành và phát triển.

Dọc sông Đà có phiên chợ họp mỗi tháng 3 lần, nhà ai có gì đều đem ra bán nên đảm bảo tươi sạch - 1

Dọc theo Sông Đà trên địa bàn huyện Phù Yên, chợ phiên diễn ra ba lần mỗi tháng. Cứ cách một đến hai xã lại có một phiên chợ, và các chợ này được tổ chức luân phiên vào các ngày khác nhau. Hầu như xã nào cũng có một khu chợ, thường là tại các bến nước hoặc bến thuyền, nơi tàu bè từ miền xuôi chở hàng hóa lên. Cụ thể, tại xã Nam Phong, chợ họp vào các buổi sáng ngày 3, 13, 23. Chiều cùng ngày, các thuyền di chuyển lên Bắc Phong. Ngày 4, 14, 24, chợ họp tại xã Đá Đỏ. Đến ngày 6, 16, 26, chợ phiên tổ chức tại Tân Phong trước khi lặp lại chu kỳ vào tháng tiếp theo.

Dọc sông Đà có phiên chợ họp mỗi tháng 3 lần, nhà ai có gì đều đem ra bán nên đảm bảo tươi sạch - 2

Chợ phiên thường họp trên những bãi đất rộng sát bến sông hoặc ngay trên thuyền neo đậu, nơi các chủ buôn bắc cầu tạm để khách lên thuyền mua sắm. Vào ngày họp chợ, không khí trở nên rộn ràng với cảnh người mua kẻ bán, thuyền bè tấp nập. Tiểu thương từ nhiều tỉnh thành như Phú Thọ, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hải Phòng, Nam Định đến đây buôn bán. Hàng hóa ở chợ rất đa dạng, từ kim chỉ, thực phẩm khô, nhu yếu phẩm, quần áo, giày dép đến các thiết bị điện tử đắt tiền.

Dọc sông Đà có phiên chợ họp mỗi tháng 3 lần, nhà ai có gì đều đem ra bán nên đảm bảo tươi sạch - 3

Không chỉ có hàng từ miền xuôi đưa lên, chợ phiên còn bày bán sản vật địa phương như rau rừng, cá hồ, vật nuôi... Người dân mang theo buồng chuối, con lợn, con gà, hay ngô sắn để đổi lấy gạo, mắm muối, quần áo, dầu gội… Do địa hình vùng lòng hồ không thích hợp trồng lúa, gạo trở thành mặt hàng quý giá mà hầu như phiên chợ nào bà con cũng phải mua về dự trữ. Chợ chỉ họp trong khoảng hai tiếng, từ 7-9 giờ sáng, nên những ngày có chợ, người dân dậy từ sớm để kịp phiên.

Những xã lân cận như Tường Phong và Tường Tiến thường gộp chung một điểm chợ, thuận tiện cho bà con mua sắm. Ở đây, hàng hóa phong phú, giá cả phải chăng, ai có sản vật gì cũng mang ra trao đổi. Chợ phiên xã Tường Tiến vẫn duy trì theo chu kỳ 10 ngày một lần, vừa là nơi buôn bán, vừa là không gian giao lưu văn hóa của cư dân vùng lòng hồ Sông Đà. Bà con mang những sản vật tự trồng như gà, măng, chuối, đu đủ, sắn, dong, rau rừng hay cá hồ đến bán. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng phối hợp kiểm tra chất lượng hàng hóa nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng.

Dọc sông Đà có phiên chợ họp mỗi tháng 3 lần, nhà ai có gì đều đem ra bán nên đảm bảo tươi sạch - 4

Mặc dù vẫn duy trì ba phiên mỗi tháng, nhưng những năm gần đây, chợ không còn nhộn nhịp như trước. Nguồn cung hàng hóa dồi dào hơn, được đưa thẳng đến các bản làng nên nhu cầu mua sắm tại chợ giảm sút. Trước đây, mỗi phiên chợ có 12-13 thuyền cập bến với khoảng 30-40 hộ thuê ki ốt bán hàng, nay chỉ còn 2-3 thuyền ghé chợ, số người kinh doanh cũng ít dần. Dù vậy, chợ phiên vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống người dân vùng lòng hồ Sông Đà, không chỉ phục vụ nhu cầu giao thương mà còn là nét văn hóa đặc sắc của miền sơn cước. Mỗi người đến chợ không chỉ để mua bán mà còn để gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ niềm vui cuộc sống.

Chia sẻ

H.M

Tin cùng chuyên mục

Du lịch Hải Phòng ngay dịp lễ 70 năm Giải phóng, lưu ngay điểm đến đẹp mê ly và loạt món ăn cực ngon ở vùng đất cảng

Du lịch Hải Phòng ngay dịp lễ 70 năm Giải phóng, lưu ngay điểm đến đẹp mê ly và loạt món ăn cực ngon ở vùng đất cảng

Thành phố hoa phượng đỏ - Hải Phòng bước vào những ngày tháng nhộn nhịp nhất trong năm khi chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng (13/5/1955-13/5/2025) và đón nhận danh hiệu cao quý “Thành phố Anh hùng”. Du khách đến Hải Phòng du lịch khoảng thời gian này chắc chắn sẽ có những ký ức khó quên.

Khám phá ngọn núi vừa đẹp, vừa huyền bí ở Đồng Nai, hút khách du lịch quanh năm, được ví như “Đà Lạt của Đông Nam Bộ”

Khám phá ngọn núi vừa đẹp, vừa huyền bí ở Đồng Nai, hút khách du lịch quanh năm, được ví như “Đà Lạt của Đông Nam Bộ”

Được ví von như Đà Lạt của Đông Nam Bộ khi sở hữu phong cảnh núi non, rừng cây xanh mướt cùng nhiệt độ ôn hòa do có độ cao hơn 800m so với mặt nước biển. Nơi đây xứng đáng dành cho du khách vừa muốn chiêm bái, vừa hoàn mình vào khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, trong lành.