Kết hôn 15 năm, ông bố 3 con chia sẻ về “trụ cột gia đình: “Đàn ông là không được gục ngã”

Cẩm Tú
Chia sẻ

Nhìn lại chặng đường hơn một thập kỷ làm chồng, làm bố, anh Sơn vẫn giữ nguyên quan điểm đàn ông nên là trụ cột của gia đình.

Đàn ông là không được gục ngã.

Xưa hay nay, đã sinh ra là phận đàn ông thì phải chịu nhiều áp lực, vừa phải có kinh tế vừa phải tinh tế. Cả tuổi trẻ phải lo học hành, xây dựng sự nghiệp, kiếm tiền, tìm chỗ đứng trong xã hội, hơn 30 tuổi mà không có gì trong tay thì người đời lại đánh giá.

Khi có gia đình rồi thì trở thành trụ cột, trên vai là cả vợ con, cuộc sống cơm áo gạo tiền, con ốm vợ đau, đối nội đối ngoại 2 bên gia đình cũng phải lo cho chu toàn. Rồi phải biết quan tâm lãng mạn, nhớ ngày sinh nhật của vợ, kỷ niệm yêu đương rồi ngày cưới các thứ. Một cái quan trọng không kém nữa là cứng chỗ cần cứng, mềm chỗ cần mềm. Có thể ngồi xuống để nhặt rau, nhưng mà khi cần thiết cũng phải biết đứng lên rửa bát”.

Kết hôn 15 năm, ông bố 3 con chia sẻ về “trụ cột gia đình: “Đàn ông là không được gục ngã” - 1

Vợ chồng anh Sơn đã kết hôn được 15 năm.

Những dòng chia sẻ hài hước của anh Phan Hồng Sơn (quê Nghệ An, kỹ sư xây dựng, hiện đang sinh sống ở Hà Nội) trong một hội nhóm cùng loạt ảnh chụp lại những lúc anh làm việc nhà từ nấu cơm, rửa bát, chăm con, đưa vợ đi làm,… đã nhanh chóng nhận được sự chú ý của mọi người. Nhiều người nhận xét anh vừa chăm chỉ, đảm đang, giỏi kiếm tiền lại tâm lý, hài hước, đồng thời ngưỡng mộ về hạnh phúc của gia đình anh.

Bên cạnh đó, bài viết cũng khiến nhiều phải suy ngẫm thêm về 4 từ “trụ cột gia đình” trong thời nay. Liệu đàn ông có nhất thiết phải là trụ cột gia đình, đàn ông là không được gục ngã?

Kết hôn 15 năm, ông bố 3 con chia sẻ về “trụ cột gia đình: “Đàn ông là không được gục ngã” - 2

Anh Sơn không ngại việc nhà, từ việc nấu cơm hay rửa bát, dọn dẹp,... anh đều làm.

Chủ nhân bài viết là anh Hồng Sơn cho biết, anh và vợ là chị Đặng Thị Huệ (quê Hải Dương, là kỹ sư xây dựng) quen nhau khi cả hai đến nhà thầy chủ nhiệm lớp đại học (lúc đó anh đã ra trường). Khi đó, anh đến gặp thầy để trao đổi công việc, còn chị Huệ đang được thầy hướng dẫn làm đồ án tốt nghiệp.

Từ cuộc gặp gỡ đó, đến nay cả hai đã gắn bó bên nhau 17 năm, gồm 2 năm yêu và 15 năm cưới. Kết tinh tình yêu của anh chị là 3 đứa con đáng yêu, 2 gái và 1 trai.

Kết hôn 15 năm, ông bố 3 con chia sẻ về “trụ cột gia đình: “Đàn ông là không được gục ngã” - 3

Tổ ấm hạnh phúc của gia đình anh Sơn.

Trong gia đình, vợ chồng anh “nhìn việc mà làm”, mỗi người một việc. Vợ chăm con, tắm rửa cho con, dạy con học bài,… còn anh Sơn thích nấu ăn nên sẽ làm đầu bếp cho cả nhà. Anh cũng chẳng ngại những việc khác như rửa bát, quét nhà, cọ nhà vệ sinh hay sửa quạt, thay bóng đèn,…

Nhiều người đàn ông quan niệm rằng, đàn ông là không vào bếp, chuyện bếp núc là của phụ nữ. Nhưng tôi nghĩ, đó là do họ không làm được hoặc ngại làm nên mới viện lý do như thế, bởi tôi thấy đa số đầu bếp giỏi là đàn ông.

Còn với tôi, tôi thích nấu cơm, làm việc nhà và coi đó là một cách để xả stress, thư giãn áp lực công việc và cuộc sống. Hơn nữa, mình làm việc nhà, dành nhiều thời gian cho gia đình thì sẽ biết cách trân trọng tổ ấm của mình hơn, tình cảm vợ chồng thắm đượm hơn, con cái cũng nhìn đó mà noi gương bố mẹ để sau này có cuộc sống vững vàng, hiểu được hạnh phúc và giá trị gia đình là như thế nào”, anh Sơn chia sẻ.

Kết hôn 15 năm, ông bố 3 con chia sẻ về “trụ cột gia đình: “Đàn ông là không được gục ngã” - 4

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là anh chỉ chăm chăm vào việc kiếm tiền, làm việc nhà mà phó mặc con cái cho vợ. Anh quan niệm, vợ chồng phải cùng nhau nuôi dạy con, nhưng mỗi người sẽ dạy những cái khác nhau.

Anh bày tỏ: “Người xưa có câu: Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Vì thế theo tôi, để dạy con cần phải có công cha và nghĩa mẹ. Công cha ở đây là những việc kiếm tiến, mua đất xây nhà, sửa chữa đồ đạc, bày cho con sự bản lĩnh, sự chịu trách nhiệm của việc mình làm, biết đọc tình huống...

Còn nghĩa mẹ là những bữa ăn, giấc ngủ là tấm áo manh quần, nhưng viên thuốc khi ốm đau, là tình thương của người mẹ khi con bị lỗi lầm hay là cha mắng… Bao năm qua, vợ chồng tôi cứ thảo luận rõ ràng với nhau và phân chia công việc như vậy”.

Kết hôn 15 năm, ông bố 3 con chia sẻ về “trụ cột gia đình: “Đàn ông là không được gục ngã” - 5

Và, nhìn lại chặng đường hơn một thập kỷ làm chồng, làm bố, anh Sơn vẫn giữ nguyên quan điểm đàn ông nên là trụ cột của gia đình. Trong khi đó, người vợ là nóc nhà của gia đình. Trụ cột là để giữ chắc ngôi nhà, tạo nền móng vững chắc cho cả gia đình trước phong ba bão tố, còn nóc nhà sẽ bao bọc, che mưa che nắng cho tổ ấm.

“Tôi lao ra đường, sẵn sàng đương đầu với thử thách, chông gai để kiếm tiền về nuôi sống gia đình, lo cơm áo gạo tiền. Bởi theo tôi, đàn ông nói hay đến đâu đi chăng nữa mà để vợ con mình nheo nhóc, vợ không ra vợ, con không ra con, như thế thì cũng cần phải xem lại.

Nhưng để tôi kiếm được tiền mang về nhà thì cũng cần có sự hỗ trợ của ‘nóc nhà’ là vợ. Ngoài đi làm kiếm tiền như chồng, vợ tôi còn chu toàn cho con cái nữa, nhờ đó tôi mới yên tâm đi kiếm tiền được, vì tôi là dân xây dựng, phải đi công trình nhiều mà”, anh Sơn chia sẻ.

Và dù là “trụ cột” hay “nóc nhà”, điều cần thiết nhất để một gia đình hạnh phúc chính là hai vợ chồng cần phải tôn trọng nhau, sống tình nghĩa, vợ chồng chung sức chung lòng.

Chia sẻ

Cẩm Tú

Tin cùng chuyên mục

“Cưa” lại vợ mình

“Cưa” lại vợ mình

Vân hiểu rõ quyết định kết hôn của Hoàng không bắt nguồn từ tình yêu, nhưng cô đã chấp nhận lựa chọn này. Bởi lẽ trong thâm tâm, Vân tin rằng Hoàng là người đàn ông tốt, hơn nữa, anh xuất thân từ một gia đình nền nếp gia phong.

Tấm gương của con

Tấm gương của con

Hôm đó cô giáo nhắn tin cho tôi thông báo con trai sử dụng tài liệu trong khi làm bài kiểm tra 15 phút. Do là lần đầu con mắc lỗi nên cô tha thứ nhưng cô muốn tôi nhắc nhở, phân tích thêm để con hiểu về sai phạm của mình.