Mỗi khi bạn chống lại sự thôi thúc lấp đầy khoảng trống bằng những lời nói không cần thiết, bạn thể hiện sự trưởng thành tâm lý mà nhiều người không bao giờ đạt được.
1. Khi bạn bị kích động về mặt cảm xúc
Tất cả chúng ta đều từng trải qua tình huống này. Đó có thể là khi bạn bị sếp chỉ trích trước mặt các đồng nghiệp. Nhịp tim bạn tăng nhanh, má bạn đỏ lên và luồng năng lượng phòng thủ quen thuộc đang dâng trào, lời nói như sẵn sàng bật ra.
Nghiên cứu tâm lý cho biết những cảm xúc mạnh mẽ tạm thời chiếm đoạt tư duy lý trí của chúng ta. Hạch hạnh nhân – trung tâm cảm xúc của bộ não – kích hoạt ngay lập tức trong khi vỏ não trước trán (chịu trách nhiệm đưa ra quyết định sáng suốt) tụt lại phía sau. Trong cơn "lũ" cảm xúc này, bất cứ điều gì bạn nói ra rất có thể sẽ làm cho tình hình trở nên tệ hơn.
"Điều chỉnh cảm xúc thông qua khoảng dừng" là một kỹ thuật mạnh mẽ, trong đó sự im lặng trong khoảnh khắc tạo ra khoảng trống giữa kích thích và phản ứng. Khoảng trống nhỏ này cho phép bộ não lý trí của chúng ta bắt kịp với phản ứng cảm xúc.
Nhớ rằng mọi lời nói trong cơn giận đều trở thành một phần vĩnh viễn trong lịch sử mối quan hệ của bạn. Vì vậy, hãy chọn im lặng cho đến khi bạn có thể nói một cách khôn ngoan.
2. Khi bạn không có đầy đủ thông tin
Bản chất con người là đưa ra giả định nhưng như câu ngạn ngữ nổi tiếng: "Giả định là mẹ của mọi sai lầm".
Giữ im lặng trong khi thu thập đầy đủ thông tin giúp ngăn chặn sự lan truyền của thông tin sai lệch, duy trì uy tín của bạn như một người nói có căn cứ thay vì theo cảm tính, giúp bạn đưa ra quyết định tốt hơn trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.
Sự im lặng trong những khoảnh khắc này không có nghĩa là im lặng vĩnh viễn mà là tạm thời cho đến khi bạn có đủ dữ kiện để đóng góp một cách có ý nghĩa. Cuối cùng, khi bạn lên tiếng, lời nói của bạn sẽ mang sức nặng của sự suy nghĩ chín chắn thay vì những suy đoán bộc phát.
3. Sau khi đặt một câu hỏi quan trọng
Khi bạn vừa đặt một câu hỏi quan trọng, dù đó là về mối quan hệ của bạn, việc tăng lương hay bất kỳ vấn đề nào khác, bạn sẽ cảm thấy thôi thúc phải làm rõ thêm hoặc làm dịu đi câu hỏi của mình. Nhưng điều bạn nên làm lúc này là chống lại sự thôi thúc đó.
Sự im lặng kéo dài sau khi đặt những câu hỏi quan trọng thường mang lại những câu trả lời trung thực và chi tiết nhất. Đây là kỹ thuật tâm lý thường được các chuyên gia thực thi pháp luật, nhà trị liệu, giáo viên và những nhà đàm phán lành nghề sử dụng.
Khi đối mặt với sự im lặng, đa phần mọi người cảm thấy buộc phải giải thích thêm ngoài câu trả lời ban đầu. Mỗi từ bổ sung thường đưa họ đến gần hơn với những suy nghĩ và cảm xúc chân thật của mình.
4. Khi ai đó đang đau buồn
Vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời, chúng ta đều cảm thấy lo lắng về cách nói chuyện với người đang trải qua quãng thời gian đau buồn. Theo các chuyên gia, lúc này chúng ta không cần nói bất cứ điều gì, chỉ cần hiện diện ở đó. Trong những khoảnh khắc mất mát sâu sắc, có những lời với ý an ủi nhưng lại khiến người nghe thấy có vẻ sáo rỗng hoặc thậm chí gây tổn thương.
Sự hiện diện của bạn chính là sự an ủi lớn nhất bạn dành cho ai kia, như một cách thừa nhận thực tế cơ bản rằng một số nỗi đau không thể chữa lành, chỉ có thể chia sẻ.
Khi một người bạn quan tâm phải đối mặt với mất mát to lớn, hãy nhớ rằng sự im lặng đồng hành mang lại điều mà lời nói không thể. Đó là sự thừa nhận sâu sắc rằng bạn sẵn lòng bước vào nỗi đau của họ mà không cố gắng xóa bỏ nó.
5. Trong các cuộc đàm phán quan trọng
Sự im lặng có chiến lược có thể là một công cụ tâm lý mạnh mẽ trong đàm phán. Đa phần mọi người cảm thấy sự im lặng trong các bối cảnh giao dịch vô cùng khó chịu và thường đưa ra những nhượng bộ đơn giản chỉ để kết thúc sự khó chịu đó.
Những nhà đàm phán bậc thầy hiểu rõ động lực này và cố tình tạo ra khoảnh im lặng. Họ trình bày rõ ràng lập trường của mình, sau đó kiên nhẫn chờ đợi trong khi duy trì ngôn ngữ cơ thể thư giãn và cởi mở. Áp lực tâm lý dồn lên đối tác, dẫn đến việc họ có thể nhượng bộ trước.
Học cách thoải mái với sự im lặng trong đàm phán cần có sự luyện tập nhưng sẽ mang lại cho bạn những phần thưởng đáng kể. Hãy bắt đầu với những tình huống nhỏ để có thể xây dựng khả năng chịu đựng của bạn đối với những khoảnh khắc căng thẳng này.
6. Khi ai đó đang chỉ trích bạn
Không ai thích bị chỉ trích ngay cả khi đó là sự chỉ trích mang tính xây dựng. Phản ứng mặc định của chúng ta thường là nhảy thẳng vào chế độ phòng thủ hoặc tấn công lại hoặc giải thích tại sao ý kiến của đối phương sai.
Nhưng phản ứng ban đầu của chúng ta đối với sự chỉ trích thường cản trở chúng ta nhận ra giá trị tiềm năng của nó. Dù một số lời chỉ trích có thể thực sự không công bằng nhưng việc lập tức bác bỏ tất cả phản hồi tiêu cực sẽ tạo ra những điểm mù trong sự tự nhận thức của chúng ta.
Theo các nhà tâm lý học, việc giữ im lặng khi bị chỉ trích sẽ ngăn chặn sự leo thang thành một cuộc tranh cãi không hiệu quả; cho bạn thời gian để tách phản ứng cảm xúc khỏi sự đánh giá lý trí và thể hiện sự trưởng thành, cởi mở, giúp "vô hiệu hóa" người chỉ trích.
7. Khi đối mặt với những bình luận xúc phạm
Nếu bạn là người có ý thức mạnh mẽ về công lý, bạn sẽ thấy rất khó để giữ im lặng khi ai đó đưa ra một bình luận xúc phạm. Tuy nhiên, việc trực tiếp thách thức những nhận xét xúc phạm thường kích hoạt sự phòng thủ hơn là sự suy ngẫm. Đối phương cảm thấy bị xấu hổ trước công chúng và càng cố chấp hơn thay vì xem xét lại quan điểm của chính mình.
Giữ im lặng không có nghĩa là bạn đồng tình mà theo các nhà tâm lý học, đó có thể là một cách rõ ràng để thể hiện sự không tán thành. Đối với những bình luận mang tính phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, phân biệt đối xử với người khuyết tật hoặc gây hại khác, sự im lặng của bạn không phải sự chấp nhận thụ động mà là sự kháng cự tích cực thông qua việc từ chối tham gia.
8. Khi lời nói chỉ phục vụ cái tôi của bạn
Theo các nhà tâm lý học, động lực sửa lỗi người khác của chúng ta thường xuất phát từ nhu cầu của cái tôi hơn là sự quan tâm thực sự đến sự thật. Bằng cách khiến người khác "sai", chúng ta cảm thấy như mình đã trở nên "đúng". Vì vậy, khi những tình huống này xảy ra, bạn hãy tự hỏi mình: mục đích của việc sửa lỗi đó là gì?
Giữ im lặng về những sai sót nhỏ khi chúng không ảnh hưởng đến ý nghĩa của câu chuyện thể hiện trí tuệ cảm xúc và giúp ích cho mối quan hệ của bạn. Nó cho thấy bạn coi trọng sự kết nối hơn nhu cầu phải đúng. Khác biệt quan trọng này tạo nên sự thành công lâu dài của mối quan hệ.