Nàng dâu khái tính

M.Ngọc
Chia sẻ

Linh vẫn luôn nghĩ, mình sẽ không cậy nhờ gì ở nhà chồng. Cô thích sự tự lập, tự chủ để có thể “kê cao gối lên mà ngủ”.

Vì vậy, mặc dù Linh về làm dâu đã hơn 10 năm, nhưng bà Hoan, mẹ chồng Linh, lúc nào cũng có cảm giác Linh giống khách hơn là con mình. Mỗi lần về nhà chồng chơi, Linh lúc nào cũng ứng xử một cách vô cùng lịch sự.

“Dạ thưa mẹ, con đưa các cháu đến chơi”; “Cảm ơn mẹ đã giúp con trông các cháu”, ‘Con rất áy náy vì hôm nay phải đi làm nên lại quấy quả mẹ”, “Mẹ thông cảm cho con ạ”...

Bà Hoan biết, Linh luôn cảm kích vì trước bất kỳ việc gì dù nhỏ cô nhận được từ nhà chồng. Nhưng, vì Linh thường trực mấy từ “dạ thưa”, “cảm ơn”, “xin lỗi”, “áy náy”, “thông cảm”... làm bà Hoan thấy mình và con có khoảng cách sao đó.

Bà nhớ hồi Linh mới về làm dâu, nhìn cách Linh rất cẩn thận thưa gửi với mình, bà Hoan còn cười xòa bảo: “Con lịch sự, lễ phép với bậc trên thế là tốt và đúng rồi. Tuy nhiên, giờ đây chúng ta đã là người một nhà rồi, con cứ thoải mái nhé. Đôi khi mình cứ xuề xòa một chút lại tạo cảm giác thân tình”. Thế rồi, bà còn chủ động “làm mẫu” cho con dâu khi lần đó bà nấu cho con ít cá kho để mang về nhà. Bà bảo: “Linh, mẹ kho được con cá ngon lắm, mang về cho chồng con ăn. Hai đứa bận rộn, khéo còn không có thời gian vào bếp”. Cầm hộp cá mẹ đưa cho, Linh vẫn không ngớt dạ thưa, con đã làm phiền mẹ rồi, con không nấu cho bố mẹ bữa nào, lại còn bắt bố mẹ phải phục vụ, chăm lo cho chúng con. Mẹ làm con áy náy lắm ạ. Nghe con nói xong, bà Hoan đang vui bỗng nhiên “rén” lại như kiểu mình đang làm khó cho các con. Rồi mấy hôm sau, Linh mang sang biếu bà hộp chè, bảo là có đồng nghiệp ở cơ quan biếu nhưng không uống. Còn bà Hoan thì biết Linh muốn báo đáp việc bà kho cá giúp cho nhà mình.

Với hai con cũng vậy, Linh luôn dạy các con phải lễ phép với bà, rồi sang nhà bà phải ngoan ngoãn, không được chạy nhảy, xâm phạm không gian riêng tư của bà. Các cháu biết quy tắc lễ nghi vậy bà cũng mừng, song bà lại nghĩ, về nhà với bà thì các cháu có thể thoải mái một chút. Các cháu cứ chạy nhảy, ca hát, nhà có bừa thêm một tẹo thì bà càng vui. Nhưng vì mẹ không cho phép nên lúc nào hai cháu cũng chỉ dám nem nép ngồi ở phòng khách, sợ làm ảnh hưởng tới bà và không gian sống của bà.

Nàng dâu khái tính - 1

Ảnh minh họa

Bà Hoan thường mua nhiều đồ ăn cho các cháu xếp trong tủ lạnh, đợi ngày cháu đến để lấy cho các cháu ăn. Nhưng mà 5 thì 10 họa, cháu mới ăn một chút của bà vì đã được mẹ dặn “thích ăn gì thì về mẹ mua, không được ăn đồ của bà”. Nếu bà có mời thì cũng phải gọi cho con dâu xin phép, được đồng ý thì các cháu mới dám ăn. Còn hôm nào bà rủ các cháu sang ăn cơm với bà, chúng sẽ lại tòng teng xách theo túi thức ăn do mẹ chuẩn bị sẵn để “góp” cùng cơm của bà.

Bà nhớ từng nói với con dâu: “Mẹ không giàu nhưng cũng chẳng tới mức nghèo khó. Của cải, tiền bạc của mẹ trước sau cũng để lại cho các con, cháu hết chứ mẹ có mang đi được đâu, nói gì đến vài ba món đồ ăn nho nhỏ cho các cháu. Vì thế, các con, cháu sang chơi, ăn được gì cứ ăn, có phải vì vài món đó mà mẹ cho rằng các con cháu ăn bám mẹ đâu”. Song, con dâu bà vẫn một mực thưa: “Dạ, con không có ý đó. Nhưng, con dậy các cháu phải có ý thức, không lấy đồ của người khác, dù là người thân quen”.

Thái độ của con dâu như vậy khiến bà cũng ngại, muốn làm gì cho các con đều phải nhìn trước ngó sau. Mua cho các cháu cái áo, bà sợ con dâu không nhận nên bỏ luôn vào cặp cho cháu. Nào ngờ tối đó, con dâu gọi sang, nói bà lần sau không cần làm vậy vì “cháu đã có mẹ các cháu lo”. Bà phải thuyết phục mãi, con dâu mới miễn cưỡng nhận rồi lại tìm cớ để mua lại “trả” bà hộp cao xoa bóp. Các con đi công tác, bà nhận trông cháu thay con. Thế mà ngày đưa con đến nhà bà, con dâu còn “đèo bòng” thêm mấy bịch thức ăn đã chuẩn bị sẵn để hạn chế nhất việc bà phải tiêu tốn tiền cho con mình.

Gần đây, gia đình con trai bà Hoan xảy ra một việc lớn. Hai vợ chồng con làm ăn thất bát, nợ một khoản tiền nên âm thầm đi cầm cố sổ đỏ để vay tiền trả nợ. Bà Hoan không hay gì, cho đến khi nghe một người quen của vợ chồng con nói chuyện thì sự đã rồi. Vì việc này mà bà buồn, đâm ra đổ bệnh nặng. Bà bỏ ăn một ngày trời, cứ nằm trên giường suy nghĩ miên man.

Nàng dâu khái tính - 2

Ảnh minh họa

Hôm sau, biết tin mẹ ốm, vợ chồng con trai, con dâu tức tốc qua thăm. Nghe tiếng con bước lại gần, bà vẫn nằm quay mặt vào tường, rơm rớm nước mắt.

- Mẹ ơi, mẹ ốm sao vậy ạ. Mẹ ốm lâu chưa? Sao mẹ không gọi cho chúng con tới ạ. Mẹ làm cho chúng con áy náy thấy mình có thiếu sót với mẹ quá ạ. Linh nói.

Bà Hoan vẫn không nói gì khiến các con thêm hoảng.

- Mẹ ơi, mẹ mệt quá hay là chúng con có gì sơ suất khiến mẹ phiền lòng. Có gì mẹ chỉ bảo cho chúng con sửa chữa ạ.

Nghe con dâu nói đến đây bà mới từ tốn quay người lại. Lúc này, hai mắt bà đã đỏ hoe, bà vừa nói vừa khóc:

- Mẹ chẳng dám gọi các con vì mẹ sợ các con vì mẹ mà vất vả. Mẹ tự lo thân thôi.

- Chết, sao mẹ lại nói vậy. Chúng con là phận con, sao lại nghĩ chăm sóc bố mẹ lúc ốm đau là gánh nặng được ạ.

- Vậy có bao giờ các con nghĩ mẹ cũng là mẹ của các con, bà của các cháu không? Các con gặp chuyện, các con cũng không cho mẹ cơ hội giúp đỡ, đồng hành cùng các con. Mẹ còn sống đây mà các con lại phải cầm cố nhà để trả nợ, thử hỏi làm mẹ có thấy vui không?

Linh lúc này đã hiểu ra vấn đề, vội nắm lấy tay bà Hoan thanh minh:

- Dạ, mẹ cho con thưa chuyện. Thực lòng, con không dám lấy tiền của mẹ. Đó là tiền mẹ dành dụm cả đời, giờ cần để dưỡng già. Mẹ thông cảm cho con. Chúng con sẽ tự lo liệu được.

Bà Hoan lắc đầu:

- Thế thì con xem, chúng ta là người nhà để làm gì. Mẹ liệu có thể an tâm tiêu tiền dưỡng già cho bản thân không khi biết các con còn khó khăn, đang phải lo trả nợ. Bình thường, con không muốn làm phiền mẹ, mẹ buồn nhưng cố bỏ qua. Nhưng khi con gặp nạn lớn, con cũng ứng xử với mẹ như vậy. Thôi thì từ nay, mình đừng coi nhau là mẹ con nữa.

Câu nói của bà Hoan khiến Linh sững người nhưng dường như vẫn chưa thông hoàn toàn, bà Hoan lại tiếp tục nói:

- Không phải lúc nào sống sòng phẳng cũng là tốt con ạ. Và sự sòng phẳng không phải lúc nào cũng đem lại cho người ta sự thanh thản. Mẹ sẽ không thể vui khi con sòng phẳng mà không nhờ đến sự giúp đỡ của mẹ khi khó khăn. Và con cũng sẽ buồn khi mẹ sòng phẳng không cần con chăm lúc mẹ ốm. Con xem, dù có sòng phẳng thế nào, thì con cũng chẳng bao giờ trả hết ân tình của cha mẹ được. Các con có tự nhiên được sinh ra, lớn lên không. Vậy con chọn đi? Đã là người thân thì sẵn sàng hy sinh cho nhau, nhận phần thiệt thòi về mình mà vẫn thấy hạnh phúc, con ạ.

Linh ôm lấy bà Hoan, run run: Vâng, mẹ ơi, con đã hiểu rồi.

Bà Hoan cũng ôm lấy con dâu rồi nói: “Mai con cầm tiền của mẹ đi trả nợ cho người ta rồi lấy sổ đỏ về, con nhé”...

Chia sẻ

M.Ngọc

Tin cùng chuyên mục

Tầm soát hôn nhân

Tầm soát hôn nhân

Giống như việc thăm khám sức khoẻ định kỳ, tầm soát ung thư… hôn nhân cũng cần được thăm khám và tầm soát.

Vợ anh không xấu

Vợ anh không xấu

Cơ quan Tuấn tổ chức gặp gỡ nhân dịp ngày thành lập, mời toàn thể vợ chồng con cái cán bộ cùng tham dự. Mọi người ai cũng hồ hởi đăng ký, chỉ riêng Tuấn là ngại ngần. Rồi Tuần báo cáo: “Em chỉ đi một mình. Vợ em đang đi công tác vắng nên không đến được. Thật là tiếc”.

Cái phúc của người già

Cái phúc của người già

Ông nội tôi có một người bạn thân là ông Thức. Hai ông đã đi bên nhau gần trọn cuộc đời. Mối lương duyên đó bắt đầu từ khi hai ông còn là những đứa trẻ chăn trâu thò lò mũi xanh, tới khi đã lên lão...

Chồng... nhạt

Chồng... nhạt

Tôi tin là nhiều phụ nữ đang có câu hỏi này. Hôn nhân phải chăng đã làm nhạt nhẽo đi người chồng đã từng là mặn nồng, đã từng là ngọt ngào của họ.

Bạn được quyền hạnh phúc dù bạn bao nhiêu tuổi

Bạn được quyền hạnh phúc dù bạn bao nhiêu tuổi

Hôm rồi, một nữ bạn đọc hỏi: U70 có quyền hạnh phúc lần nữa hay không? Tôi tin, dù bạn bao nhiêu tuổi, bạn vẫn được quyền hạnh phúc. Ngày hạnh phúc 20/3, hãy cùng bàn về chủ đề hạnh phúc ở tuổi xế chiều.

Mẹ chồng ưa sắp đặt

Mẹ chồng ưa sắp đặt

Dưới mái nhà chung, tình yêu thương của bà Lan dành cho con trai bỗng trở thành sợi dây trói buộc, khiến nàng dâu ngột ngạt. Những bữa cơm gia đình, những buổi tối cuối tuần trở nên nặng nề bởi sự kiểm soát và những lời trách móc.