Hôn nhân giống như nồi canh hầm lâu, vị ngon hay dở tùy thuộc vào sự phối hợp giữa nguyên liệu và thời gian.
Gần đây, một người làm việc phòng đăng ký ly hôn đã phát hiện ra một hiện tượng thú vị. Đó là các cặp đôi đến làm thủ tục ly hôn hầu như không nhìn nhau lấy một lần, chứ đừng nói là ngồi ăn cùng một bữa cơm.
Ngược lại, những cặp vợ chồng già tóc đã bạc phơ, lại luôn dễ dàng bắt gặp họ cãi vã trong chợ vì… một quả dưa chuột, nhưng họ không quên mua cho nhau một chiếc bánh ngọt trên đường về. Từ đó có thể thấy, sự thật của hôn nhân thường ẩn giấu ở nơi đậm mùi “cơm áo gạo tiền” nhất, chính là trên bàn ăn.
Ảnh minh họa
Im lặng khi ăn: Tín hiệu đỏ của hôn nhân đang nguội lạnh
Một nghiên cứu của giáo sư tâm lý Lý Mẫn (Trung Quốc) cùng cộng sự theo dõi 500 cặp đôi đã chỉ ra rằng, những cặp vợ chồng cùng ăn ít nhất 3 bữa mỗi tuần có mức độ hài lòng trong hôn nhân cao hơn đến 42%. Vậy mà trong thực tế, cảnh tượng bữa tối ở nhiều gia đình hiện nay là chồng cắm mặt vào điện thoại lướt video ngắn, vợ bận nhắn tin trả lời công việc, con cái vừa ăn vừa xem phim. Lối sống này đang âm thầm ăn mòn cảm xúc gia đình.
Người bạn thân của tôi, khi ly hôn năm ngoái đã thở dài: “Lần cuối cùng bọn mình ăn cơm tử tế với nhau chắc là lúc tổ chức đầy tháng cho con. Sau đó anh ấy lúc nào cũng bảo bận, còn mình thì cũng chẳng muốn đợi, ai nấy tự đặt đồ ăn. Một ngày kia, mình chợt nhận ra, đến việc anh ấy thích ăn cay hay ăn ngọt cũng không nhớ nổi nữa”.
Sự lạnh nhạt trên bàn ăn, đôi khi lại là chất độc ngấm chậm của hôn nhân.
Khác biệt khẩu vị: Vừa có thể hủy diệt, vừa có thể nuôi dưỡng tình yêu
Tôi có một cô bạn, hồi mới cưới, cô ấy hay nấu những món thanh đạm như rau luộc, nhưng chồng cô ấy lại thích những món đậm đà như xào, kho. Họ cãi nhau suốt, thậm chí từng đòi ly thân. Nhưng rồi cả hai đã thử dung hòa và giờ đây, bàn ăn của họ vừa có món xào, vừa có món luộc, đúng khẩu vị của hai vợ chồng.
Tuy nhiên, không phải khác biệt nào cũng có thể dung hòa. Vợ chồng chú Mạnh và dì Lý sống gần nhà tôi đã sống chung 20 năm, một người mê ớt, người kia chỉ cần ngửi đã hắt hơi, đành phải nấu ăn riêng suốt hai thập kỷ. Đến ngày kỷ niệm đám cưới vàng, họ lại chọn… ra tòa ly hôn.
Trong tâm lý học, lý thuyết sức hút từ sự tương đồng cũng áp dụng với khẩu vị. Nếu khác biệt quá lớn và không thể dung hòa, tình cảm sẽ như vết thương bị rắc muối, chạm vào là đau.
Ảnh minh họa
Cãi nhau trên bàn ăn: Khi cảm xúc trở thành vũ khí
Trước khi ly hôn, đồng nghiệp tôi gần như ngày nào cũng “chiến tranh” với vợ trong bữa cơm. Vợ chê anh nấu mặn, anh lại nói cô quá kén ăn. Một lần, con lỡ tay làm đổ bát canh, cả hai quay sang đổ lỗi cho nhau là dạy con không đến nơi đến chốn. Những cuộc “đấu khẩu” trên bàn ăn thực chất chỉ là hệ quả của áp lực tích tụ từ công việc, con cái, cuộc sống.
Một chuyên gia tư vấn hôn nhân cho biết, nhiều cặp vợ chồng mang cả căng thẳng công việc, lo âu nuôi con lên bàn ăn, khiến chỉ một chuyện nhỏ cũng có thể bùng nổ thành xung đột. Thậm chí, có đôi chỉ vì một quả quýt mà cãi nhau gay gắt, điều này cho thấy tình cảm của họ đã rạn vỡ từ rất lâu.
Cùng nấu ăn: Bí quyết giữ lửa tình yêu
Có một cặp vợ chồng đã sống bên nhau 30 năm. Mỗi ngày, điều họ mong đợi nhất chính là được cùng nhau vào bếp. Chồng thái rau, vợ đứng bếp, tiếng cười lan trong mùi dầu mỡ. Họ còn có một “nghi thức nhỏ”, đó là mỗi thứ tư là ngày “bữa tối sáng tạo”, tức cả hai sẽ luân phiên nấu món đặc sản quê hương của đối phương. Chính sự duy trì nếp sống giản dị ấy đã khiến những ngày bình thường trở nên đặc biệt.
Nghiên cứu cho thấy, các cặp đôi cùng nhau nấu ăn có mức độ hài lòng trong mối quan hệ cao hơn 30%. Bởi trong lúc nấu ăn, sự phối hợp về cơ thể và ánh mắt có thể kích hoạt các tế bào thần kinh phản chiếu của não, từ đó tạo nên sự đồng cảm. Như khi bạn đang thái hành, người kia đưa cho bạn chiếc khăn giấy, sự ăn ý ấy đôi khi còn ấm áp hơn cả trăm lời yêu.
Ảnh minh họa
Nghệ thuật thỏa hiệp trên bàn ăn: Yếu tố định đoạt độ dài hôn nhân
Chuyện của chị họ tôi khiến nhiều người ấm lòng. Anh rể bị gout nên không ăn hải sản, chị họ mỗi lần nấu đều để riêng phần hải sản ra.
Chị thì không tiêu hóa được lactose, anh chủ động không dùng sữa. Tủ lạnh nhà họ chia hai ngăn rõ ràng, một bên là thực phẩm ít purine, bên còn lại là thực phẩm không chứa lactose. Những sự nhường nhịn ấy chính là biểu hiện cụ thể của tình yêu.
Nhưng thỏa hiệp không thể đến từ một phía. Hôn nhân tốt là một hành trình song phương, giống như canh bếp – lửa quá lớn thì cháy, quá nhỏ thì nhạt.
Bí quyết giữ lửa của những cặp đôi hạnh phúc: Bắt đầu từ bàn ăn
- Ba bữa tối “tắt điện thoại” mỗi tuần: Gác công nghệ sang một bên, chia sẻ chuyện nhỏ trong ngày.
- Một lần hẹn “nhà hàng bất ngờ” mỗi tháng: Thay phiên chọn địa điểm, biết đâu khám phá ra sở thích mới của nhau.
- Một bữa “kỷ niệm hồi ức” mỗi năm: Nấu lại thực đơn buổi hẹn đầu tiên, để trái tim lại bồi hồi như thuở mới yêu.
- Những món ăn “đặc biệt” khi người kia ốm: Một bát cháo, một gói mì còn ý nghĩa hơn ngàn món quà xa xỉ.
Hôn nhân giống như nồi canh hầm lâu, vị ngon hay dở tùy thuộc vào sự phối hợp giữa nguyên liệu và thời gian. Những cặp đôi đi đến cuối đời, không phải vì tình yêu dữ dội, mà là vì mỗi ngày đều có mặt trong bữa ăn của nhau. Lần tới ngồi vào bàn ăn, hãy thử bỏ điện thoại xuống, nhìn người đối diện, biết đâu bạn sẽ nhận ra tình yêu sâu đậm nhất, luôn nằm trong từng bát cơm, chén canh.