Trong 8 tình huống này, lựa chọn của người trưởng thành, khôn ngoan là không để mình bị cuốn vào vòng xoáy của những cuộc tranh luận vô nghĩa, gây lãng phí thời gian và năng lượng.
1. Tranh cãi về những sai lầm trong quá khứ
Một trong những chìa khóa để "trưởng thành" chính là học hỏi từ quá khứ. Tất cả chúng ta đều mắc sai lầm và đó chỉ là một phần của con người. Nhưng quan trọng là một số người trong chúng ta có thói quen đào xới những lỗi lầm cũ và coi chúng như vũ khí trong các cuộc tranh luận hiện tại. Bạn có từng ở trong tình huống đó, là người phải hứng chịu trò đổ lỗi này không?
Những người trưởng thành không lãng phí thời gian tranh cãi về những sai lầm trong quá khứ. Họ hiểu rằng đó là chuyện đã rồi. Họ biết giá trị của việc tập trung vào các giải pháp cho hiện tại và tương lai thay vì mãi day dứt về quá khứ.
Nếu bạn thấy mình mắc kẹt trong vòng lặp của những sai lầm và đổ lỗi trong quá khứ, đã đến lúc phải lùi lại một bước, nhận ra rằng loại tranh cãi này là vô ích và rất hao tổn năng lượng.
2. Tranh luận ai là người có lỗi nhiều hơn
Tâm lý học nói rằng những người trưởng thành không lãng phí thời gian tranh cãi ai là người có lỗi nhiều hơn. Họ hiểu vấn đề không phải là thắng hay thua trong một cuộc tranh luận mà là tìm ra giải pháp và khôi phục sự hài hòa.
Vì vậy, thay vì chơi trò đổ lỗi, họ tập trung vào việc hiểu quan điểm của đối phương để đi đến điểm chung. Sự thay đổi trọng tâm này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và năng lượng mà còn củng cố các mối quan hệ. Đó chắc chắn là một cách thông minh hơn để xử lý những bất đồng.
3. Tranh cãi để chứng minh mình đúng
Nhà bác học vĩ đại Albert Einstein từng nói: "Kẻ yếu đuối trả thù. Người mạnh mẽ tha thứ. Người thông minh bỏ qua".
Bạn đã bao giờ thấy mình trong một cuộc tranh cãi mà bạn chỉ quan tâm đến việc chứng minh quan điểm của mình chưa? Tình huống này khá phổ biến khi một cuộc tranh cãi bắt đầu từ điều nhỏ nhặt và trước khi bạn nhận ra, nó đã leo thang thành một cuộc tranh luận nảy lửa khi đôi bên cố gắng chứng minh mình đúng.
Những người trưởng thành không lãng phí thời gian tranh cãi chỉ để chứng minh mình đúng. Họ hiểu rằng việc đúng không phải lúc nào cũng là điều quan trọng nhất. Việc cố bằng mọi cách để chứng minh mình đúng đó có thực sự đáng giá thời gian của bạn không? Hay năng lượng của bạn sẽ được sử dụng tốt hơn ở nơi khác?
4. Tranh cãi về niềm tin cá nhân
Bạn có biết bộ não con người được "lập trình" tự nhiên để giữ vững niềm tin khi chúng đã hình thành, ngay cả khi đối mặt với bằng chứng mâu thuẫn? Đó là hiện tượng "bất hòa nhận thức".
Tất cả chúng ta đều có những niềm tin, giá trị và ý kiến riêng được hình thành qua nhiều năm kinh nghiệm, bài học và ảnh hưởng. Chúng là một phần không thể thiếu của con người chúng ta và đóng vai trò quan trọng trong việc định hình thế giới quan.
Hãy tưởng tượng bạn đang tranh cãi gay gắt để cố gắng thay đổi niềm tin cá nhân đã ăn sâu vào tâm trí ai đó. Thật sự thất vọng và lãng phí thời gian phải không?
Những người trưởng thành hiểu rõ điều này. Họ không lãng phí thời gian tranh cãi về niềm tin cá nhân vì họ hiểu sự phức tạp vốn có và sự vô ích của việc cố gắng thay đổi quan điểm đã ăn sâu vào tâm trí người khác.
5. Tranh cãi về những lựa chọn lối sống khác nhau
Tất cả chúng ta đều từng gặp người sống một cuộc sống hoàn toàn khác với mình. Có thể họ ăn chay trong khi bạn thích ăn thịt, hoặc có thể họ thích chạy bộ vào sáng sớm trong khi bạn lại là một "cú đêm".
Những khác biệt trong lựa chọn lối sống này có thể trở thành mảnh đất màu mỡ cho những cuộc tranh cãi vô nghĩa. Ai đó có thể cố gắng bảo vệ lựa chọn của mình hoặc thuyết phục người kia rằng cách của họ tốt hơn.
Những người trưởng thành không lãng phí thời gian tranh cãi về lựa chọn lối sống khác nhau. Họ hiểu và tôn trọng việc mỗi người đều có quyền sống theo cách họ cho là phù hợp, miễn điều đó không gây hại cho người khác.
6. Tranh cãi về chuyện tầm phào và tin đồn
Sự thật là những chuyện tầm phào và tin đồn có thể lan nhanh như cháy rừng và trước khi bạn nhận ra, bạn có thể thấy mình đã vướng vào một cuộc tranh cãi hoàn toàn dựa trên lời đồn đại. Người trưởng thành tránh xa những cuộc thảo luận như vậy. Họ hiểu tranh cãi về những thông tin chưa được xác minh hoặc lời đồn đại cá nhân không chỉ vô nghĩa mà còn có thể làm tổn hại đến các mối quan hệ và danh tiếng.
Họ biết giá trị của giao tiếp rõ ràng, thẳng thắn và thích dựa vào sự thật hơn là tin đồn. Nếu họ cần thảo luận về điều gì đó quan trọng, họ sẽ trực tiếp giải quyết vấn đề với người liên quan thay vì bị cuốn vào những chuyện tầm phào.
7. Cằn nhằn về những chuyện vặt vãnh
Tất cả chúng ta đều đã có những ngày mà ngay cả điều nhỏ nhặt nhất cũng có thể gây ra cuộc tranh cãi phải không? Có lẽ bạn đời đã không đậy nắp kem đánh răng hoặc đồng nghiệp để cốc của họ trên bàn làm việc của bạn… Những chuyện vặt vãnh này đôi khi có thể phình to thành những cuộc tranh cãi lớn hơn, chiếm nhiều thời gian và năng lượng của chúng ta hơn mức chúng đáng có.
Người trưởng thành học cách không bận tâm đến những chuyện nhỏ nhặt. Họ hiểu rằng cuộc sống quá ngắn ngủi và quá quý giá để lãng phí vào những cuộc tranh cãi đó. Họ biết chúng chỉ là một phần của cuộc sống và chọn cách bỏ qua. Thay vào đó, họ tập trung sự chú ý và năng lượng của mình vào những điều thực sự quan trọng như củng cố các mối quan hệ, phát triển cá nhân và duy trì sự bình yên trong tâm trí.
8. Hơn thua về việc ai thành công hơn
Trong thế giới hối hả này, chúng ta thật dễ bị cuốn vào cuộc đua so sánh thành công của mình với người khác, xem ai đạt được nhiều hơn, ai có công việc tốt hơn hoặc ai kiếm được nhiều tiền hơn.
Nhưng những người trưởng thành không lãng phí thời gian tranh cãi về việc ai thành công hơn ai. Họ hiểu rằng thành công mang tính chủ quan và khác nhau ở mỗi người. Mỗi người đều có tốc độ riêng, hành trình riêng và thay vì lãng phí thời gian so sánh, cạnh tranh, người khôn ngoan tập trung vào sự phát triển cá nhân và hạnh phúc của mình. Họ ăn mừng thành tựu của người khác và sử dụng chúng như nguồn cảm hứng thay vì nhiên liệu cho những cuộc cãi vã.