8 bước đơn giản để người trẻ vừa chi tiêu, vừa tiết kiệm, vừa tận hưởng

Bảo Anh.
Chia sẻ

Dưới đây là những mẹo đơn giản, thực tế giúp người trẻ hình thành thói quen quản lý tiền tốt để cảm thấy tự tin hơn với túi tiền của mình.

1. Nâng cao hiểu biết tài chính

Quản lý tiền là một kỹ năng và bạn càng học thì sẽ càng thành thạo hơn. Dưới đây là danh sách những thuật ngữ tài chính cơ bản để bạn bắt đầu làm quen.

Ngân sách (Budget): Kế hoạch bạn lập ra để chi tiêu và tiết kiệm tiền, giúp bạn không tiêu quá số tiền mình kiếm được.

Thu nhập (Income): Số tiền bạn nhận được từ công việc, học bổng hay quà tặng.

Chi phí (Expenses): Những khoản bạn chi ra như mua sắm, hóa đơn, dịch vụ.

Tiền tiết kiệm (Savings): Khoản tiền bạn để dành cho tương lai. Tiết kiệm đều đặn giúp bạn sớm đạt được các mục tiêu tài chính.

Lãi suất (Interest): Tiền lời bạn nhận được khi gửi tiết kiệm hoặc khoản tiền phải trả thêm khi vay nợ.

Nợ (Debt): Số tiền bạn đang nợ người khác, ví dụ như vay ngân hàng hay dùng thẻ tín dụng.

Thẻ tín dụng (Credit card): Loại thẻ cho phép bạn chi tiêu bằng tiền vay. Nếu không trả đủ đúng hạn, bạn sẽ bị tính lãi.

Dư nợ thẻ tín dụng (Credit card balance): Tổng số tiền bạn đang nợ trên thẻ tín dụng, không trả đủ mỗi tháng sẽ bị tính thêm lãi suất.

Điểm tín dụng (Credit score): Thước đo cho thấy bạn có uy tín khi vay tiền hay không. Điểm càng cao, khả năng bạn được duyệt vay càng lớn.

Ghi nợ tự động (Direct Debit): Hình thức thanh toán định kỳ tự động từ tài khoản ngân hàng, giúp bạn không quên đóng các khoản phí.

Thẻ ghi nợ (Debit card): Thẻ liên kết trực tiếp với tài khoản ngân hàng, bạn chỉ chi tiêu trong phạm vi số tiền mình đang có.

Khoản vay (Loan): Tiền bạn vay và phải trả lại, thường kèm lãi suất. Có thể dùng cho học phí đại học hoặc mua sắm lớn.

Bạn không cần trở thành chuyên gia ngay lập tức, hãy học từ từ, theo nhịp độ riêng của bạn. Càng hiểu biết nhiều, bạn sẽ càng tự tin hơn khi ra quyết định liên quan đến tiền bạc.

Mẹo nhỏ: Hãy theo dõi các tài khoản mạng xã hội chuyên chia sẻ mẹo tài chính đơn giản, thực tế dành cho người trẻ.

2. Biết rõ tiền của mình đi đâu

8 bước đơn giản để người trẻ vừa chi tiêu, vừa tiết kiệm, vừa tận hưởng - 1

Bước tiếp theo để quản lý tài chính là xác định chính xác tiền của bạn đang được dùng vào việc gì. Hãy thử ghi lại toàn bộ các khoản chi tiêu trong một tuần, hoặc sử dụng một ứng dụng quản lý chi tiêu để theo dõi giúp bạn.

Bạn có thể sẽ bất ngờ khi thấy những khoản nhỏ như đồ ăn vặt hay ly cà phê mỗi sáng cộng dồn lại nhanh đến mức nào. Nhưng một khi bạn đã biết mình đang tiêu tiền vào đâu, bạn sẽ đưa ra được những lựa chọn thông minh hơn về nơi có thể cắt giảm và cách tiết kiệm hiệu quả hơn.

Ví dụ: Hãy tưởng tượng mỗi sáng bạn mua một ly cà phê giá 30 nghìn đồng. Nghe có vẻ không đáng kể nhưng hãy xem nó cộng dồn ra sao khi một tuần chi 210 nghìn đồng, một tháng chi 900 nghìn đồng cho việc uống cà phê. Nghĩ tiếp đến những món ăn vặt, đồ uống hay những khoản chi nhỏ khác trong ngày và bạn sẽ thấy rõ tiền của mình đang đi đâu.

3. Lập ngân sách và kiên trì

Lập ngân sách không cần phải phức tạp. Hãy bắt đầu bằng cách tính xem bạn có bao nhiêu tiền mỗi tháng, tiếp theo liệt kê các khoản chi tiêu cố định và những khoản thiết yếu khác. Sau đó, tính xem bạn có thể tiết kiệm được bao nhiêu. Có một khoản tiền dự phòng luôn rất hữu ích cho những lúc khẩn cấp hoặc những khoản chi lớn sau này.

Mẹo nhỏ: Hãy thử áp dụng quy tắc 50-30-20: Dành 50% thu nhập cho các nhu cầu thiết yếu, 30% cho các khoản mong muốn và 20% cho tiết kiệm hoặc trả nợ.

Việc lập ngân sách sẽ giúp bạn kiểm soát chi tiêu và từng bước xây dựng được khoản tiết kiệm ổn định.

4. Bắt đầu tiết kiệm, dù là số tiền nhỏ

Tiết kiệm có thể đơn giản hơn bạn nghĩ. Hãy bắt đầu bằng việc để dành một khoản nhỏ mỗi tuần hoặc mỗi tháng vào tài khoản tiết kiệm. Tốt nhất là thiết lập chuyển khoản tự động vào tài khoản tiết kiệm để bạn không cần phải nhớ hay suy nghĩ quá nhiều mỗi tháng.

Điều quan trọng là đều đặn. Chỉ cần tiết kiệm 20 nghìn hoặc 50 nghìn thường xuyên cũng có thể giúp bạn đạt được những mục tiêu lớn hơn như: một chiếc điện thoại mới, chiếc xe đầu tiên, hay thậm chí một khoản dự phòng khi có việc gấp.

5. Đặt ra mục tiêu tài chính cho bản thân

8 bước đơn giản để người trẻ vừa chi tiêu, vừa tiết kiệm, vừa tận hưởng - 2

Bạn muốn dùng tiền vào việc gì? Đặt ra các mục tiêu tiết kiệm và chi tiêu cụ thể sẽ giúp bạn chủ động hơn và khiến quá trình quản lý tiền trở nên thú vị hơn nhiều.

Hãy bắt đầu với những mục tiêu nhỏ và dễ đạt được như tiết kiệm 2 triệu đồng vào cuối tháng hoặc để dành tiền mua một đôi giày thể thao mới, vé đi lễ hội với bạn bè. Có mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn kiên định và có động lực hơn.

Về chi tiêu, hãy nghĩ đến những cách để dùng tiền hiệu quả hơn. Bạn có thể đặt hạn mức tiêu mỗi tuần, giảm bớt đồ ăn ngoài hoặc thử thách bản thân chỉ dùng tiền mặt để kiểm soát thói quen tiêu dùng.

Mẹo nhỏ: Ghi mục tiêu của bạn ra giấy và đặt ở nơi dễ thấy như bàn học, gương hoặc hình nền điện thoại.

6. Vay tiền thông minh

Hãy cố gắng tránh các khoản vay không cần thiết, đặc biệt là thẻ tín dụng lãi suất cao, thẻ mua hàng trả góp, vay nóng hay dịch vụ “mua trước – trả sau”. Dù những lựa chọn này có vẻ hấp dẫn, nhưng phí và lãi suất có thể tăng nhanh chóng nếu bạn không kiểm soát được, khiến bạn lâm vào cảnh nợ nần.

Tốt nhất, hãy dùng thẻ ghi nợ hoặc thẻ trả trước cho các khoản chi tiêu hàng ngày để tránh vay mượn mà bạn khó có khả năng trả lại.

7. Tiết kiệm khi tiêu dùng

Rất nhiều website hiện nay cung cấp dịch vụ hoàn tiền khi bạn mua hàng qua ứng dụng hoặc nền tảng trung gian. Điều này giúp bạn lấy lại một phần tiền đã chi. Nếu bạn là sinh viên, bạn còn có thể tiết kiệm nhiều hơn nhờ thẻ giảm giá sinh viên. Nhiều cửa hàng và trang mua sắm online cung cấp ưu đãi độc quyền cho sinh viên, từ 10% đến 30%.

Lưu ý: Đừng để các chương trình giảm giá hoặc hoàn tiền khiến bạn tiêu quá tay. Chỉ nên mua khi thực sự cần và vẫn nằm trong ngân sách.

8. Học hỏi về tiền khi bạn lớn lên

8 bước đơn giản để người trẻ vừa chi tiêu, vừa tiết kiệm, vừa tận hưởng - 3

Hành trình tài chính của bạn chỉ mới bắt đầu và có rất nhiều cách để tiếp tục học hỏi như:

Khám phá các nguồn online: Các trang web cung cấp nhiều mẹo và công cụ về quản lý tài chính, từ vay sinh viên cho tới tiết kiệm mua nhà.

Tận dụng thư viện hoặc trường học: Nhiều trường và thư viện có sách hoặc tổ chức hội thảo về tài chính cá nhân. Tìm hiểu xem nơi bạn học hoặc sinh sống có những nguồn tài liệu đó không.

Dùng app tài chính: Có rất nhiều ứng dụng thân thiện với giới trẻ giúp bạn lập ngân sách, đặt mục tiêu và theo dõi chi tiêu trực tiếp từ điện thoại.

Tìm hiểu về đầu tư: Đầu tư nghe có vẻ to tát nhưng bắt đầu với những kiến thức cơ bản sẽ giúp bạn tự tin hơn. Tìm hiểu về tài khoản tiết kiệm, cổ phiếu dễ hiểu hoặc các kênh đầu tư phù hợp với người mới bắt đầu.

Bằng cách học dần theo thời gian, bạn sẽ xây dựng được mối quan hệ lành mạnh với tiền bạc và hướng đến một tương lai tài chính vững chắc.

Chia sẻ

Bảo Anh.

Tin cùng chuyên mục

9 cách đầu tư vào bản thân mang lại hiệu quả cao nhất

9 cách đầu tư vào bản thân mang lại hiệu quả cao nhất

Tài sản giá trị nhất bạn sở hữu không phải là nhà cửa, xe hơi hay tiền bạc mà là chính bạn. Đầu tư vào bản thân mang lại lợi nhuận kép trong suốt cuộc đời bạn, ảnh hưởng đến hạnh phúc, các mối quan hệ và sự ổn định tài chính của bạn.

8 cách đơn giản để sống một cuộc đời hạnh phúc và an vui

8 cách đơn giản để sống một cuộc đời hạnh phúc và an vui

Hạnh phúc không phải đích đến mà là một hành trình. Và giống như mọi hành trình khác, điều quan trọng không nằm ở điểm cuối mà là cách bạn di chuyển. Nghệ thuật hạnh phúc là khả năng tìm thấy niềm vui trong những điều giản dị, hài lòng với khoảnh khắc hiện tại và lựa chọn sự tích cực ngay cả khi đối mặt với nghịch cảnh.

7 câu nói này chứng tỏ ai đó đang thầm đánh giá bạn rất cao

7 câu nói này chứng tỏ ai đó đang thầm đánh giá bạn rất cao

Chính trong những câu nói hàng ngày, những cuộc trò chuyện có vẻ bình thường, chúng ta tìm thấy những biểu hiện sâu sắc nhất của sự quý mến. Cho dù đó là thừa nhận phán đoán của bạn, coi trọng ý kiến hay đơn giản là lời nhắc giữ gìn sức khỏe, những câu này nói lên rất nhiều về việc ai đó đánh giá cao bạn như thế nào.