Kết hôn được 10 năm, tôi từng nghĩ rằng mình là người phụ nữ may mắn nhất khi có một người chồng yêu thương, gia đình chồng hết lòng quan tâm. Thế nhưng, mọi thứ thay đổi chỉ vì tôi không thể sinh con.
Khi bạn bè tất bật thức đêm chăm con, tôi và chồng lại tự do vi vu khắp mọi miền đất nước. Khi đồng nghiệp dốc tiền bạc cho con học lớp giáo dục sớm, vợ chồng tôi lại thoải mái mua sắm, tận hưởng cuộc sống không bị ràng buộc.
Thế nhưng, đằng sau những tháng ngày tưởng chừng viên mãn ấy là nỗi đau không ai hiểu được. Chúng tôi đã cố gắng trong suốt 10 năm để có con nhưng mọi nỗ lực đều vô ích.
Tôi và anh là mối tình đầu của nhau, yêu nhau từ thời đại học, cùng xây dựng hạnh phúc từ 2 bàn tay trắng. Nhưng 10 năm qua, hạnh phúc đó bị bào mòn bởi sự trống trải khi không có tiếng cười trẻ thơ. Sau nhiều lần thăm khám, kết quả như một cú sét đánh: Chồng tôi hoàn toàn khỏe mạnh, còn tôi mắc hội chứng suy buồng trứng sớm, khả năng mang thai rất thấp.
Nhìn ánh mắt chồng đầy thất vọng và những lời an ủi từ gia đình 2 bên, tôi vừa đau khổ vừa cảm thấy có lỗi. Tôi ép mình uống thuốc bắc, chịu những mũi tiêm đau đớn, làm mọi cách để tăng khả năng mang thai. Nhưng dù nỗ lực thế nào, kết quả vẫn không thay đổi. Cả nhà chồng dần mất hy vọng, mẹ chồng bắt đầu tỏ thái độ lạnh nhạt. Chồng tôi, người từng nói rằng con cái không quan trọng, cũng dần thay đổi. Anh hay về muộn, chìm trong rượu để quên đi áp lực từ gia đình.
Cả gia đình chồng bắt đầu tỏ ra khó chịu khi mãi mà tôi không có bầu. (Ảnh minh họa)
Một ngày, mẹ chồng bất ngờ tìm gặp riêng tôi, quỳ xuống cầu xin tôi ly hôn. Bà nói rằng bà vừa được chẩn đoán mắc ung thư giai đoạn cuối, không còn sống được bao lâu. Bà mong tôi nhường lại cơ hội cho con trai bà có một đứa con để nối dõi.
Tôi bàng hoàng, nhìn chẩn đoán ung thư trong tay bà mà nước mắt rơi không ngừng. Dù nghi ngờ, tôi vẫn không thể phủ nhận sự đau khổ trong lời nói của bà. Tôi kể lại với chồng, nhưng anh chỉ im lặng, không còn ôm tôi như trước mà nói rằng tôi quan trọng hơn tất cả. Lúc đó, tôi hiểu mình không còn lý do để níu kéo nữa.
Ngày ly hôn, tôi ra đi tay trắng, mang theo cảm giác tội lỗi và đau đớn. Chồng tôi ôm tôi khóc, nhưng cuối cùng vẫn ký vào giấy ly hôn dưới áp lực của mẹ.
Chỉ 3 tháng sau, tôi nhận được tin chồng cũ đã tái hôn. Người vợ mới của anh mang theo một cậu con trai khoảng 5 tuổi, được anh giới thiệu là con ruột của mình. Nhìn những bức ảnh từ lễ cưới, tôi chết lặng khi thấy đứa trẻ giống chồng cũ đến kỳ lạ. Và mẹ chồng, người từng nói mình mắc bệnh nặng, giờ đây tươi cười rạng rỡ, không chút dấu hiệu của bệnh tật.
Hóa ra, tất cả chỉ là một màn kịch. Họ lừa tôi ly hôn để đón con riêng của chồng cũ về nhà. Nỗi đau và sự uất nghẹn dâng tràn trong tôi, nhưng tôi không thể làm gì ngoài nuốt nước mắt vào trong.
Dù rời bỏ cuộc hôn nhân đau buồn ấy, tôi vẫn mang trong mình nỗi ám ảnh khi không thể làm mẹ. Sau những lần thăm khám sau này, bác sĩ khẳng định bệnh suy buồng trứng sớm của tôi khả năng mang thai tự nhiên gần như không còn. Ban đầu, tôi suy sụp, cảm giác mình là người phụ nữ không trọn vẹn. Nhưng rồi, tôi nhận ra rằng làm mẹ không phải là điều duy nhất tạo nên giá trị của một người phụ nữ.
Tôi bắt đầu tập trung chăm sóc sức khỏe, tìm lại niềm vui trong công việc và những mối quan hệ mới. Tôi cũng cân nhắc đến việc nhận con nuôi, dẫu con đường phía trước còn dài và khó khăn, tôi tin rằng bản thân có thể vượt qua, bởi cuối cùng, hạnh phúc là điều mà mỗi người phải tự tạo nên cho chính mình.
Bài tâm sự được gửi từ độc giả có email: trongvang…@gmail.com
Suy buồng trứng sớm ở phụ nữ là gì?
Suy buồng trứng sớm (Premature Ovarian Failure - POF) là tình trạng chức năng của buồng trứng bị suy giảm hoặc ngừng hoạt động trước tuổi 40, dẫn đến giảm hoặc ngừng sản xuất hormone sinh dục nữ (estrogen) và trứng. Đây là một rối loạn nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tổng thể và tâm lý của phụ nữ.
Phụ nữ mắc suy buồng trứng sớm thường gặp phải các triệu chứng sau:
- Kinh nguyệt không đều hoặc ngừng kinh: Chu kỳ kinh nguyệt trở nên không ổn định hoặc ngừng hoàn toàn.
- Các triệu chứng mãn kinh sớm: Nóng bừng, đổ mồ hôi ban đêm, mất ngủ, khô âm đạo và giảm ham muốn tình dục.
- Vấn đề về sinh sản: Khó mang thai hoặc vô sinh.
- Tâm lý không ổn định: Căng thẳng, lo âu, trầm cảm do sự thay đổi hormone và áp lực từ việc không thể mang thai.
- Các vấn đề sức khỏe khác: Loãng xương, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch do thiếu hụt estrogen kéo dài.