Con trai lấy vợ, mẹ làm dâu

Thu Giang
Chia sẻ

Lẽ thường, con trai lấy vợ thì mẹ có thêm con dâu, được lên chức mẹ chồng. Ấy vậy nhưng ở nhà bà, từ ngày con trai cưới vợ, bà giống như quay lại thuở đầu làm dâu.

- Mẹ à, bao nhiêu lần con bảo mẹ là nhà con không ăn kiểu thịt kho giống như ở quê, sao mẹ cứ nấu món này thế. Mai mẹ cứ làm thịt luộc cho con, vừa đơn giản lại tốt cho sức khỏe – cô con dâu vừa nói vừa đứng lên khỏi bàn ăn khiến bà không khỏi áy náy.

- Vì là chồng con thích ăn món này nên mẹ cứ theo thói quen nấu, từ mai mẹ sẽ để ý hơn. Hôm nay, con ăn tạm vậy nhé – bà vẫn cố gắng nhỏ nhẹ với con dâu.

- Con đang theo chế độ ăn kiêng nên không ăn được, mẹ với chồng con ăn đi, con gọi đồ ăn bên ngoài rồi, lát họ ship đến, con ăn sau - con dâu bà nói rồi rời khỏi bàn ăn ra phòng khách lướt điện thoại chờ ship mang đồ ăn theo chế độ giảm cân tới.

Trong này, bà cầm bát xới cơm cho con trai những mong nó nói hộ bà một câu cho con dâu bớt giận, nhưng con trai bà vẫn vô tư ngồi ăn, chẳng để ý gì đến tâm tư của mẹ. Thương con, chẳng nỡ làm bữa ăn của con trai mất ngon, bà dằn lòng xuống ăn cho xong bữa cơm tối muộn. Đây không phải là lần đầu tiên bà ăn cơm trong tâm trạng này, nó diễn ra thường xuyên từ ngày con dâu trở thành một thành viên trong gia đình. Bà những mong trở thành một bà mẹ chồng tốt, hiện đại chẳng nỡ bắt bẻ, gò ép con dâu theo nếp nhà chồng. Thay vào đó, bà để con dâu tự do sống với ý thích của mình, miễn sao hai vợ chồng con trai hòa hợp hạnh phúc là được. Thậm chí, bà còn cố gắng “sửa mình” để theo kịp nếp sống hiện đại của vợ chồng con, nhất là cách sống của con dâu mình.

Vợ chồng bà chỉ có duy nhất một đứa con trai là Hoàng. Từ lúc sinh con ra, ông bà xem Hoàng là lẽ sống của cuộc đời họ. Vậy nên, họ luôn dành cho con những thứ đẹp đẽ nhất, chỉ cần con sống hạnh phúc, mọi thứ khác đối với ông bà đều là… chuyện nhỏ. Đó cũng lý do họ chấp nhận để Hoàng cưới một cô vợ thành phố, từ nhỏ đến lớn được nuôi dạy theo kiểu “tiểu thư” chỉ biết ăn rồi học, mọi thứ khác đều có bố mẹ và giúp việc lo cho. Ngày đầu về ra mắt bố mẹ chồng tương lai, Mai - vợ Hoàng đã thật thà nói với bà rằng sau này mà lấy Hoàng thì cô chẳng biết “làm dâu”, bởi chẳng biết làm việc nhà, nội trợ, chỉ biết đến công ty làm việc kiếm tiền. Công ty nơi Mai làm việc lại do gia đình thành lập do bố làm giám đốc, mẹ làm phó giám đốc nên cô đi làm cũng chẳng áp lực nhiều.

Con trai lấy vợ, mẹ làm dâu - 1

Ảnh minh họa

Nói là vậy, nhưng ai cũng thầm công nhận bố mẹ Mai đã truyền thụ con gái năng khiếu kinh doanh nên Mai kiếm tiền rất giỏi. Hàng tháng, Mai phát triển số lượng đơn hàng lớn mang lại thu nhập không ít cho công ty. Ngày đó, bà nghĩ chẳng có ai hoàn hảo cả, được mặt này thì khuyết mặt kia nên chuyện Mai không biết làm việc nhà, quán xuyến việc nội trợ trong gia đình, bà bỏ qua.

“Nó làm ra tiền thì nó thuê giúp việc nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa cũng ổn, miễn sao nó chăm sóc chồng tốt, vợ chồng sống hạnh phúc bên nhau là được” – bà nói với chồng khi ông vẫn còn lăn tăn về cô con dâu tương lai vụng về chuyện bếp núc.

Cũng nhờ sự bỏ qua mọi thứ đó của bà mà đám cưới của Hoàng và Mai diễn ra suôn sẻ. Mai về làm dâu chưa được ba tháng thì bố chồng phát hiện bệnh hiểm nghèo và qua đời ngay sau đó. Từ ngày ông mất, Mai đón mẹ chồng về sống cùng vợ chồng cô ở thành phố. Mai tính toán, mẹ chồng là người dễ tính, nhà cô lại có giúp việc thì chuyện sống chung chẳng vấn đề gì. Bà là người cẩn thận, khéo chăm cháu, sau này cô sinh con, có bà quản giúp việc chăm sóc con cho mình thì sẽ tốt hơn rất nhiều.

Từ ngày sống chung với vợ chồng con trai, bà không ngờ cái sự “phiên phiến”, bỏ qua mọi khuyết điểm của con dâu từ bà lại khiến Mai sống ngày càng ỷ lại và nhất nhất theo ý mình, chẳng để ý đến tâm tư, cảm nhận của mẹ chồng. Phần bà, cứ mải chiều theo sở thích, cách sống của con dâu mà tự đổi ngôi vị trí với con dâu từ lúc nào không hay. Người thân của bà thỉnh thoảng ở quê ra chơi, hay hàng xóm cạnh nhà hàng ngày chứng kiến nếp sống nhà bà đều bảo bà đang “làm dâu” của Mai chứ không phải là Mai đang làm con dâu của bà. Ai đời, mẹ chồng mà lúc nào cũng phải đoán ý con dâu để lựa cách sống, cách ứng xử hàng ngày trong gia đình, đối đãi với họ hàng nội ngoại. Rồi thì, có con dâu nào mà chuyện gì cũng chỉ nhất nhất theo ý mình, chẳng để ý đến bổn phận nghĩa vụ làm dâu của mình đối với mẹ chồng. Mỗi lần mẹ chồng làm không đúng theo ý mình là lập tức càm ràm, giận dỗi, khó chịu ra mặt.

Khi Mai sinh con, thân hình tăng cân quá khổ khiến cô phải tích cực giảm cân. Mai thuê một huấn luyện viên dinh dưỡng, hàng ngày thiết kế thực đơn ăn uống, luyện tập. Chuyện luyện tập thì chẳng liên quan nhưng chuyện ăn uống thì liên tục “đụng chạm” đến bà, vậy nên quan hệ mẹ chồng-nàng dâu bị đẩy lên căng thẳng từ lúc nào không hay. Từ ngày Mai ăn kiêng, thực đơn ăn uống của gia đình cô chỉ xoay quanh món luộc, hấp không dầu mỡ. Các món ăn yêu thích của bà và con trai dần ít xuất hiện trên mâm cơm. Ban đầu, Hoàng và bà chiều Mai còn ăn theo cô nhưng sau đó thì ngán ngẩm, nuốt không trôi cơm. Vậy nên, đến bữa, bà dặn cô giúp việc cứ nấu riêng cho Mai, còn các món ăn của bà và con trai thì để tự bà nấu. Hoàng ủng hộ phương án này, vì anh sẽ lại được ăn uống thoải mái theo ý thích của mình, nhất là các món ăn ngon do mẹ nấu.

Con trai lấy vợ, mẹ làm dâu - 2

Ảnh minh họa

Tưởng như vậy là đã chiều con dâu, nhưng không ngờ Mai cho rằng mẹ chồng làm thế là chia rẽ chuyện ăn uống đồng nhất của hai vợ chồng. Cô đang huấn luyện cho chồng ăn theo chế độ tốt cho sức khỏe như mình thì mẹ chồng lại chuyển hướng khiến kế hoạch của cô không thuận lợi. Cực chẳng đã, bà lại quay về chế độ cả nhà ăn theo thực đơn của con dâu. Bữa cơm đôi khi thật khó nuốt vì những món luộc nhạt nhẽo, thiếu dầu mỡ lừa vị giác, nhưng bà cũng phải cố gắng. Tuy nhiên, là người mẹ thương con, bà chẳng nỡ nhìn con trai ăn kham khổ theo. Thế là thỉnh thoảng, bà lại “giả vờ quên” thực đơn ăn kiêng của con dâu mà bảo giúp việc nấu các các món theo ý mình để con trai đổi bữa. Đây cũng là nguyên nhân thỉnh thoảng, Mai lại khó chịu, dằn hắt bà về chuyện ăn uống trong gia đình.

Hết chuyện ăn uống lại đến chuyện nuôi con. Mai thuộc loại kỹ tính trong chuyện nuôi con. Cái gì cô cho là tốt cho con thì mọi người phải nhất nhất theo cô, không ai được chăm con theo cách ngược lại, dù đó là mẹ chồng. Thằng cháu đích tôn của bà đến tuổi ăn dặm, bà lựa gạo ngon ở quê để xay nấu bột cho cháu, nhưng con dâu bà chỉ muốn sử dụng mấy lọ thực phẩm ăn dặm của “tây” và cho đó là thực phẩm vừa tốt, vừa đủ dinh dưỡng. Có lần, bà nếm thử thứ bột ăn sẵn đấy thấy nó cũng nhạt nhẽo như mấy thứ đồ ăn kiêng của con dâu mà thương cháu vô cùng. Nhà hàng xóm cũng có cháu bằng tuổi cháu bà, thế là bà nghĩ cách mang mấy cân gạo ngon nghiền thành bột mang sang cho cháu nhà hàng xóm. Thỉnh thoảng, đến bữa ăn của cháu hàng xóm, bà lại bế cháu mình sang chơi để “ăn chực” đổi bữa. Thấy cháu ăn cháo của nhà xóm ngon lành, bà lại càng thương cháu mình hơn. Đúng là đồ ngon, đồ sạch mà cháu mình chẳng được ăn, toàn ăn mấy thứ đồ công nghiệp đóng hộp sẵn.

Con trai bà thuộc dạng dĩ hòa vi quý, chẳng muốn vợ mất lòng, cũng không muốn mẹ suy nghĩ nên mỗi lần con dâu có chuyện với bà là nó lại im lặng hoặc nhỏ nhẹ bảo bà đừng chấp nhất con dâu làm gì. Thái độ nó như vậy nên bà cũng chẳng làm to chuyện lên được, cứ nhẫn nhịn, chiều lòng con dâu cho qua mọi chuyện. Cứ thế, bà sống cảnh “làm dâu” của chính con dâu mình.

Chia sẻ

Thu Giang

Tin cùng chuyên mục

Những nỗi đau từ bạo lực giới

Những nỗi đau từ bạo lực giới

Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang xảy ra không chỉ Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới, là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ sự ổn định, bền vững của gia đình và trật tự an toàn xã hội và vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người.