Tôi năm nay 64 tuổi. Cuộc đời tôi không có gì đặc biệt khi bản thân chỉ là một người phụ nữ nông thôn bình thường, từng một mình nuôi hai con trai khôn lớn sau khi chồng mất sớm.
Cứ ngỡ tuổi già sẽ được an nhàn một chút, ai ngờ lại có ngày rơi vào cảnh gồng mình chăm 2 nàng dâu sau sinh và hai đứa cháu sơ sinh cùng lúc, đến mức chồng tái hôn cũng bỏ đi không nói một lời.
Câu chuyện bắt đầu từ 1 tháng trước. Con trai cả gọi điện về, giọng ngập ngừng:
– Mẹ à, vợ con sắp sinh rồi. Nhà con nhỏ, bệnh viện thì cách xa. Mẹ cho vợ con về ở cữ ở nhà mình được không?
Tôi chưa kịp trả lời thì mấy ngày sau, đến lượt con trai thứ hai gọi:
– Mẹ ơi, vợ con cũng sắp sinh. Nghe bảo có thể sinh sớm. Mẹ cho nó về nhà mình ở cữ với chị được không?
Tôi ngồi chết lặng. Hai nàng dâu, hai sản phụ, hai đứa trẻ sơ sinh. Tôi cũng đã từng chăm cháu, biết rõ cảnh ở cữ vất vả thế nào. Không chỉ nấu cháo, hầm canh móng giò lợi sữa, còn phải giặt giũ, trông trẻ, thức đêm… tất cả đều đổ lên vai một người.
Tôi vất vả chăm sóc 2 đứa con dâu. (Ảnh minh họa)
Tôi kể lại với người chồng tái hôn của mình. Ông im lặng hồi lâu, rồi lạnh lùng nói:
– Bà coi nhà mình là trung tâm ở cữ chắc?
Tôi nhẹ nhàng đáp:
– Con dâu tôi, cũng là con cháu ông mà. Chúng nó vất vả, mình giúp một tay cũng đâu có gì quá đáng.
Ông không trả lời. Đến sáng hôm sau, khi tôi đang chuẩn bị cháo cho con dâu ăn sáng, thì ông đã dọn đồ bỏ đi. Chẳng nói chẳng rằng, chỉ để lại một tờ giấy nhỏ: “Tôi già rồi, không muốn sống trong cảnh nhà như bệnh viện. Tự bà lo đi”.
Tôi đứng sững giữa gian bếp. Xung quanh là tiếng trẻ con khóc, mùi thuốc xông, tã lót và khăn sữa vứt ngổn ngang. Không còn ai bên cạnh, tôi biết từ giờ chỉ còn lại một mình mình cáng đáng mọi thứ.
Hai nàng dâu đều sinh mổ. Đứa thì đau, nằm nhăn mặt không ngồi dậy nổi. Đứa thì tắc sữa, ngực sưng đau không ngủ được. Tôi ngày nào cũng dậy từ 4 rưỡi sáng, vừa hầm canh, ninh cháo, rồi rửa đồ, giặt tã. Cơm bưng nước rót tận giường, còn phải dỗ hai đứa trẻ thay phiên nhau quấy khóc.
Tôi không có đủ thời gian để thở. Nhiều đêm đang ôm cháu ngủ gật trên ghế, cổ đau cứng mà cũng không dám buông tay vì sợ cháu giật mình khóc. Có hôm vừa pha sữa xong thì con dâu lớn gọi vì đau bụng, tôi đặt bình sữa xuống, chạy lại xoa lưng, thì con dâu thứ hai đã gọi:
– Mẹ ơi, con lạnh, mẹ đắp hộ con cái chăn.
Tôi như bị chia làm ba, chẳng biết nên chạy đi hướng nào trước. Có lúc, tôi cũng muốn buông tay, muốn òa khóc, nhưng rồi nghĩ: ngày xưa một mình tôi nuôi hai con, còn gánh được, giờ sao lại không gánh nổi hai đứa cháu?
Có người bảo tôi dại. Con dâu đẻ thì bên nội phải lo, bà nội tuổi này còn ôm vào người làm gì cho khổ. Nhưng tôi nghĩ khác. Phụ nữ sau sinh mỏng manh, yếu ớt lắm. Nhìn chúng nó nằm run rẩy ôm con mà nước mắt giàn giụa vì đau, tôi không nỡ buông.
Tôi tìm cách hạ sốt cho con dâu bằng khăn ấm, tự học cách xoa bóp gọi sữa trên mạng, nấu chè vằng, đậu đen, rồi đun nước lá trầu xông người, giúp tụi nhỏ mau hồi phục. Mỗi lần nghe một trong hai đứa nói:
– Mẹ ơi, cảm ơn mẹ… nếu không có mẹ chắc tụi con không trụ nổi…
Lòng tôi như được sưởi ấm. Mệt thì mệt thật, nhưng ít ra, tôi biết sự có mặt của mình là quan trọng.
Tuổi già của tôi không có nghỉ ngơi như người khác.(Ảnh minh họa)
Giờ bạn đời tôi đã bỏ đi. Có thể ông không chịu nổi cảnh nhà cửa ồn ào, đảo lộn. Nhưng tôi cũng không trách. Mỗi người một lựa chọn, còn tôi – tôi chọn làm một người mẹ, một người bà, dù là trong thầm lặng.
Tuổi già của tôi không có nghỉ ngơi như người khác, nhưng có đầy ắp tiếng khóc rồi tiếng cười của con cháu. Có những đêm mất ngủ, có những hôm hai đầu gối đau nhức, nhưng tôi vẫn tin: mọi hi sinh này đều đáng.
* Mẹ bầu có tâm sự có thể chia sẻ với chúng tôi qua email: bandoc@eva.vn