Học cách yêu thương và chấp nhận nhau

Chi Mai
Chia sẻ

“Cộng đồng những người có “giới tính đặc biệt” rất mong được mọi người thấu hiểu, khi chúng ta đang được tung hô với rất nhiều câu chuyện tình yêu thú vị, thì họ lại chọn cách yêu thầm lặng. Nếu như cuộc đời được cho đi chỉ từ một ánh mắt. Em luôn hy vọng rằng một ngày nào đó, tất cả mọi người sẽ đón nhận tình yêu đồng giới để làm vơi đi những tổn thương mà ai cũng phải trải qua…”

Cuối cùng, anh cũng có gia đình ở bên

Đó là tâm sự của Minh Huyền (nhân viên ngân hàng – tên nhân vật đã được thay đổi) về người anh trai của mình. “Hồi nhỏ vì anh rất ngoan mà lại học giỏi nên mẹ thương anh nhiều, nhiều đến mức đi đâu mẹ cũng kể về anh như niềm tự hào rất lớn đối với mẹ. Đôi lúc, mẹ cũng hay so sánh rằng tại sao mình là em gái mà lại lười và tiếp thu chậm hơn anh. Từ nhỏ mình đã biết mình thua kém hơn anh nhiều, nhưng chưa bao giờ mình thấy ganh tị với anh đâu, vì anh thiệt thòi quá..., Huyền nhớ lại.

Khi anh trai của Huyền học lớp 9, đi học về đã bị bố mắng một trận vì “bố thấy anh bất thường”. Huyền khi ấy chưa đủ lớn để hiểu bất thường ấy là gì, chỉ biết sau ngày bị bố mắng, anh trai Huyền bị bố giám sát nhiều hơn, anh không được phép thể hiện cảm xúc nhiều, không được yếu mềm và nhất là không được phép mặc quần áo quá sặc sỡ. Khi lớn lên, bố bắt anh phải lựa chọn một ngành nghề thật mạnh mẽ. Anh cũng vâng lời và khi đó, gia đình rất tự hào vì đã có một kỹ sư cầu đường thành thạo 2 ngôn ngữ. Nhưng mãi sau này, Huyền mới biết đó là ngành học mà anh trai mình không hề thích.

Ngày ấy, giới tính thứ 3 còn bị xã hội kỳ thị. Những định kiến của người đời dội vào căn nhà nhỏ, khiến anh bị bố mắng nhiều vì “tính tình y như con gái”. Thậm chí, bố còn nói, anh như thế là một bất hạnh của gia đình. “Sức ép ấy lúc nào cũng đè nặng lên anh, nên khi vừa tốt nghiệp anh đã lựa chọn một nơi làm việc thật xa nhà để tìm lại chính mình”, Huyền chia sẻ. “Anh đi làm xa, cả nhà rất nhớ anh, cô chú cứ gọi hỏi thăm mãi, ở nhà mỗi khi ăn gì ngon mình cũng thấy mẹ buồn. Và cũng từ ngày anh xa nhà, mình thấy bố bắt đầu nhớ anh và gần như không còn mắng nhiều hay sầu não như trước nữa”.

Học cách yêu thương và chấp nhận nhau - 1

Ảnh minh họa

Rồi bỗng một ngày, “mình sẽ không bao giờ quên cuộc điện thoại ngày hôm đó, bố điện thoại khóc với mình, bố khóc to lắm, bố bảo anh đã quỳ xuống xin phép bố để anh được sống thật với giới tính của mình, anh đã tìm được tình yêu đích thực”, Huyền kể. Cô biết, đây chẳng phải chuyện dễ dàng gì với gia đình, và với cả anh. “Sau cái hôm đó, gia đình mình phải mất một thời gian rất dài để chạm mặt nhau, bố mẹ ngày nào cũng khóc”.

Mãi đến sau này, Huyền mới thấy bố vui vẻ lại như trước, rồi bố bắt đầu cởi mở hơn với “bạn” của anh. “Vào khoảnh khắc này, mình nhận ra hạnh phúc là khi cả gia đình yêu thương và thấu hiểu nhau”.

Huyền nhớ từng có lần có cô hàng xóm hỏi Huyền: “Nhà mày có thằng anh bị sao đó phải không? Mấy đứa đó ghê lắm”. Nghe người ta nói mà Huyền khóc vì thương anh và chỉ mong những người như cô hàng xóm thấu hiểu, đừng kỳ thị anh như vậy.

 “Giờ đây, anh được thoải mái bày tỏ cảm xúc, được sống vì mình, mình hy vọng sẽ có nhiều người thấy được những tổn thương của anh và không làm đau bố mẹ của mình nữa. Mình chỉ muốn nói việc có một giới tính đặc biệt không phải là căn bệnh và ai cũng xứng đáng được có tình yêu. Mình không thể thay đổi quan điểm của xã hội nhưng mình luôn mong rằng xã hội sẽ đón nhận những người như anh mình nhiều hơn, để ai cũng có quyền được yêu và hạnh phúc với tình yêu của mình. Thật may vì cuối cùng, gia đình, bố mẹ mình vẫn đứng về phía chúng mình, bảo vệ hạnh phúc cho anh”, cô tâm sự.

Gia đình nên làm gì khi biết con đồng tính?

Cộng đồng người đồng tính thường được gọi là LGBT bao gồm đồng tính luyến ái nữ (gọi là les), đồng tính luyến ái nam (gọi là gay) hay song tính luyến ái. Gay là người đàn ông có cảm xúc hoặc ham muốn với một người đàn ông khác. Song tính luyến ái là người có cảm xúc hoặc ham muốn với cả nam và nữ. Việc dẫn đến đồng tính có thể bắt nguồn từ nguyên nhân sinh học, cũng có thể là nguyên nhân tâm lý học.

Học cách yêu thương và chấp nhận nhau - 2

Ảnh minh họa

Xã hội đang ngày một cởi mở hơn tới các vấn đề liên quan đến giới tính và bình đẳng giới. Đồng tính, song tính hay những xu hướng tính dục khác đều không phải là điều dị biệt hay một căn bệnh. Tuy nhiên, chính sự không thấu hiểu và định kiến của gia đình, xã hội là một trong những nguyên nhân khiến thanh thiếu niên thuộc cộng đồng này dễ rơi vào trầm cảm hay gặp các vấn đề về tâm lý. Theo các chuyên gia, những người LGBT phải chịu nhiều tổn thương và nguy cơ về sức khỏe tâm thần hơn so với dân số chung. Trong số 35.000 người trẻ trong cộng đồng LGBT tham gia khảo sát cấp quốc gia tại Việt Nam trong năm 2021, 42% từng cân nhắc tới việc tự sát. Nguyên nhân có thể bởi việc ý thức giá trị bản thân thấp và tình trạng rối loạn sức khỏe tinh thần. Công khai giới tính là một cuộc đấu tranh tâm lý rất vất vả của người đồng tính, đặc biệt khi đứng trước gia đình.

Thế nhưng, đứng ở góc độ làm cha mẹ, họ cũng không dễ gì chấp nhận được sự thật này, thậm chí còn có những giày vò, đau khổ. Theo các chuyên gia, vào lúc này, điều cha mẹ nên làm là hãy kiên nhẫn hơn, đứng ở vai trò người đồng hành, tạo trải nghiệm cho con để con xác định đúng xu hướng tính dục của mình, để chắc chắn con không theo xu hướng nhất thời. Khi phát hiện các biểu hiện của con, cha mẹ nên tìm đến các chuyên gia để được hỗ trợ thay vì tra cứu thông tin tràn lan, thiếu kiểm chứng.

Để có thể giúp trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn này, bố mẹ cần yêu thương và chấp nhận những sự thay đổi đó của con, cho dù đó là điều bố mẹ không mong muốn. Khoa học đã chứng minh đồng tính không phải là bệnh, cũng không phải là một hiện tượng bất ổn về tâm lý. Đồng thời, phụ huynh cũng cần tự cung cấp cho mình các kiến thức về giới tính để hướng dẫn con các kỹ năng nhận thức, thấu hiểu và tự bảo vệ bản thân.

Bên cạnh đó, chính các con cũng phải “chuẩn bị” tinh thần thật nghiêm túc, đầy đủ trước khi quyết định công khai với bố mẹ. Hiện nay, tại Việt Nam, có rất nhiều các tổ chức hỗ trợ cho người đồng tính bao gồm cả tư vấn, cung cấp kiến thức và có các buổi sinh hoạt nhóm để giúp bạn trẻ hiểu rõ về bản thân, tránh những lầm tưởng hay kỳ thị về chính mình. Đây cũng là yếu tố quan trọng để các bạn thuyết phục bố mẹ mình. Tất cả các bậc cha mẹ đều mong muốn những điều tốt nhất cho con mình, mong con được hạnh phúc, khỏe mạnh và bình an.

Chia sẻ

Chi Mai

Tin cùng chuyên mục

Tìm lại bữa cơm nhà

Tìm lại bữa cơm nhà

Ngày đầu tiên của năm mới, cả nhà bà gồm hơn 10 thành viên cùng tề tựu đông đủ bên mâm cơm nhà. “Cháu mời bà ăn cơm”, “Cháu chúc bà năm mới vui vẻ”... Bà Hạnh nghe tiếng con cháu líu ríu bên tai mà cảm động muốn rơi nước mắt.