Thực hiện tốt an toàn lao động là động lực để người lao động tích cực thi đua lao động sáng tạo, thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Người lao động mong muốn được làm việc trong môi trường an toàn
Trong lễ phát động Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân 2025, chị Ninh Thị Loan - công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) bày tỏ vinh dự khi được đại diện cho gần 5.000 công nhân lao động của công ty phát biểu tại sự kiện.
Với đặc thù công việc nặng nhọc, độc hại, dễ xảy ra tai nạn nghề nghiệp trong quá trình làm việc, công nhân Urenco đều nhận thức rõ: đảm bảo an toàn vệ sinh lao động là trách nhiệm và nghĩa vụ của cả người lao động, người sử dụng lao động và toàn xã hội.
“Khi đang phát biểu về chủ đề này tại đây, tôi xúc động và bồi hồi nhớ lại câu chuyện buồn vì chỉ cách đây 5 ngày thôi, một đồng nghiệp của chúng tôi, 53 tuổi, không may bị tai nạn trên chính cung đường làm việc hàng ngày của mình vào lúc nửa đêm và chị đã ra đi mãi mãi, do một thanh niên đã uống rượu và chưa có giấy phép lái xe đâm trực diện”, chị Loan xúc động nói.
Ở một số công ty, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) luôn được đặt lên hàng đầu, bởi đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Tại Công ty CP K.I.P Việt Nam, công tác đảm bảo ATVSLĐ là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài. Công ty đã chủ động phối hợp với bộ phận chuyên môn triển khai nhiều hoạt động thiết thực, sát thực tế sản xuất.
Trong đó, nổi bật là các chương trình tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho người lao động về quy trình sản xuất an toàn, kỹ năng nhận diện rủi ro, cách sử dụng trang thiết bị bảo hộ đúng quy chuẩn và phản ứng kịp thời khi xảy ra sự cố. Các buổi diễn tập phương án phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ được tổ chức định kỳ, giúp người lao động luôn chủ động trong mọi tình huống, góp phần hạn chế tối đa rủi ro tai nạn lao động.
Bên cạnh đó, Công ty còn phát động các phong trào thi đua như: "Tổ sản xuất an toàn", "Tuyến sản xuất xanh - sạch - đẹp", khuyến khích người lao động tích cực phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, đồng thời đảm bảo an toàn trong từng công đoạn. Những mô hình tổ đội sản xuất tiêu biểu, không để xảy ra tai nạn lao động được biểu dương, khen thưởng kịp thời, tạo khí thế thi đua sôi nổi và lan tỏa ý thức trách nhiệm trong toàn doanh nghiệp.
Chị Ninh Thị Loan công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco).
Tại buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách chuyên đề “Tuyên truyền phổ biến pháp luật về An toàn vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội” do Báo lao động Thủ đô tổ chức mới đây, nhiều lao động bày tỏ quan tâm đến Luật An toàn vệ sinh lao động. Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi, Phó Trưởng khoa An toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp (Trường Đại học Công đoàn) cho biết:
Quyền lợi của người lao động được quy định rất nhiều trong trong công tác ATVSLĐ, theo đó người lao động được đảm bảo an toàn, trang bị các trang thiết bị ATVSLĐ và cung cấp thông tin về ATVSLĐ. Trong việc cung cấp thông tin, người lao động sẽ được thông báo về môi trường làm việc của mình.
Nếu như trong quá trình làm việc, người lao động phát hiện ra các yếu tố có thể gây nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng thì người lao động có quyền rời bỏ khỏi nơi làm việc mà không vi phạm. Người lao động chỉ quay lại nơi làm việc khi mà công ty, cán bộ an toàn kiểm tra, thông báo nơi làm việc đã an toàn. Ngoài ra, người lao động cũng có quyền khiếu nại tố cáo nếu như phản ánh của họ không được giải quyết.
Trả lời ý kiến của chị Phạm Thị Vinh, Công ty TNHH MTV vườn thú Hà Nội về việc lập kế hoạch ATVSLĐ, chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi khẳng định: Hằng năm, người sử dụng lao động phải xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động cùng với kế hoạch sản xuất kinh doanh. Thông thường trong khoảng tháng 11-12 của năm đó là phải lập kế hoạch. Việc lập kế hoạch ATVSLĐ phải dựa trên các căn cứ sau đây: Đánh giá rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc; việc kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp; kết quả thực hiện công tác ATVSLĐ năm trước; Nhiệm vụ, phương hướng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và tình hình lao động của năm kế hoạch; kiến nghị của người lao động, của tổ chức công đoàn và của đoàn thanh tra, đoàn kiểm tra. Đối với các công việc phát sinh trong năm kế hoạch thì phải bổ sung nội dung phù hợp vào Kế hoạch ATVSLĐ.
Tăng cường các hoạt động thiết thực, hiệu quả
Thời gian quan, thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động nhằm tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Các hoạt động về an toàn, vệ sinh lao động đã góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, an toàn lao động và phòng chống cháy nổ trên địa bàn thành phố.
Thực tế cho thấy, đối với mỗi công nhân lao động, bên cạnh việc không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện kỹ năng tay nghề để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc thì đoàn viên, người lao động cũng cần nắm rõ những kiến thức pháp luật, chế độ chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình. Với những lao động trực tiếp, đặc biệt là lao động trong ngành xây dựng thì việc tìm hiểu, nắm bắt và thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn, vệ sinh lao động là hết sức cần thiết để phòng ngừa, xây dựng môi trường làm việc an toàn và bảo vệ cho chính mình và đồng nghiệp.
Người lao động nghe “Tuyên truyền phổ biến pháp luật về An toàn vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội” do Báo Lao động Thủ đô tổ chức
Trong buổi lễ phát động Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân 2025 diễn ra tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình khẳng định, trong suốt quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển của đất nước, giai cấp công nhân luôn luôn là lực lượng quan trọng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững. Chính những cống hiến bền bỉ, trí tuệ và sức lao động của người lao động đã góp phần làm nên những thành tựu đáng tự hào của Việt Nam. Mỗi giọt nước mắt, mỗi việc làm của các anh chị em công nhân đều góp phần vào công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, giúp đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình khẳng định, phát triển giai cấp công nhân, đẩy mạnh đào tạo nghề, hỗ trợ người lao động nâng cao tay nghề là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta với nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể; qua đó vừa thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, vừa tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia vào các ngành công nghiệp mới, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan công nghệ số và trí tuệ nhân tạo. Các cấp, các ngành, các địa phương đang nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu chiến lược đề ra là phải bảo đảm mọi người lao động đều có cơ hội phát triển, được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để theo kịp xu thế phát triển toàn cầu.
Phó Thủ tướng đề nghị mỗi doanh nghiệp phải thực sự xem người lao động là tài sản quý giá nhất; mỗi công đoàn cơ sở phải thực sự là “người bạn đồng hành” tin cậy, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho công đoàn viên. Mỗi người lao động cần chủ động học hỏi, rèn luyện kỹ năng, tăng cường kỷ luật, không ngừng đổi mới, sáng tạo và yêu lao động như yêu chính cuộc sống của mình.
Với mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo thế và lực để đất nước tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức công đoàn, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể công đoàn viên, người lao động tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho toàn xã hội, nhất là người sử dụng lao động và người lao động về an toàn, vệ sinh lao động; đẩy mạnh đào tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là kỹ năng số và khả năng thích ứng với công nghệ mới…