Có những mẹo chữa cơm nát siêu đơn giản, ai áp dụng cũng thành công, bạn đã thử chưa?
Dám chắc ai cũng từng có ít nhất 1 lần nấu cơm bị nát do lỡ đổ quá nhiều nước. Những lúc đó bạn sẽ chọn cách giải quyết nào? Thay vì bỏ đi hoặc thêm nước vào rồi nấu thành cháo, tôi thường áp dụng 2 mẹo nhỏ dưới đây, chỉ sau 10 phút có ngay nồi cơm ngon dẻo, hạt tơi mềm không nát, nhão.
Sử dụng bánh mì gối
Bánh mì gối được xem là vị cứu tinh cho nồi cơm nát của các chị em.
1. Trước tiên, bạn cho 1 - 2 lát bánh mì gối vào nồi cơm bị nát rồi đậy vung lại.
2. Sau khoảng 5 - 10 phút, bánh mì sẽ hút toàn bộ phần nước thừa trong nồi giúp hạt cơm khô ráo hơn.
3. Mở nắp vung nồi cơm, lấy bánh mì ra rồi xơi cơm tơi lên là có ngay 1 nồi cơm ngon như ý.
Với phần bánh mì gối, bạn có thể ăn kèm với mứt hoặc các loại topping yêu thích như bánh bình thường. Do đó, đừng vứt chúng đi nhé.
Mở nắp vung
Một cách chữa cơm nát truyền thống mà nhiều người vẫn áp dụng đó là mở nắp vung ra.
Thao tác này sẽ giúp cho phần hơi nước trong nồi cơm thoát ra nhiều hơn, tránh đọng lại quá nhiều khiến cơm nát, không ngon.
Sau khoảng 15 phút, bề mặt hạt cơm sẽ khô ráo lại. Lúc này, hãy đậy nắp vung nồi cơm vào và đun tiếp cho tới khi cơm chín dẻo thơm thì tắt bếp.
Ngoài ra, bạn cũng có thể xới cơm ra bát tô để hạt cơm nguội nhanh hơn. Khi cơm nguội đi bề mặt sẽ khô ráo hơn nhiều. Bạn có thể ăn ngay hoặc đem hấp lại để có cơm nóng thưởng thức.
Mẹo đong nước nấu cơm cực chuẩn
Nguyên nhân chính khiến cơm nát là do bạn cho vào đây quá nhiều nước. Vậy có cách nào để đong lượng nước vừa đủ giúp hạt cơm dẻo, tơi mềm hay không?
1. Dùng đốt ngón tay
Cách làm truyền thống mà nhiều người vẫn áp dụng khi nấu cơm là sử dụng ngón tay. Dù lượng gạo nhiều hay ít bạn chỉ cần đảm bảo khoảng cách giữa gạo và nước bằng 1 đốt ngón tay (lóng tay) là đủ.
2. Đong theo tỷ lệ
Tùy vào từng loại gạo mà tỷ lệ gạo - nước sẽ khác nhau. Tuy nhiên, có 1 công thức chung để bạn tham khảo khi nấu cơm là:
- Gạo trắng: Tỷ lệ gạo và nước lần lượt sẽ là 1:1.5, có nghĩa, cứ 1 bát gạo thì bạn đong vào đây 1.5 bát nước.
- Với gạo lứt, bạn nên áp dụng tỷ lệ 1:2, có nghĩa là cứ 1 bát gạo lứt thì cần cho 2 bát nước.
Ngoài ra, nếu quan sát kỹ bạn sẽ thấy bên trong của nồi cơm điện sẽ có các vạch chia nước. Trong sách hướng dẫn sử dụng nồi cơm cũng sẽ có khuyến nghị về tỷ lệ gạo và nước mà nhà sản xuất đưa ra. Hãy tuân thủ theo các hướng dẫn này để có được một nồi cơm ngon.
Cách nấu cơm ngon, dẻo
Để tránh cơm nhão, nát không ngon, bạn có thể tham khảo 5 bước nấu cơm đơn giản sau đây, đảm bảo không bao giờ bị nát.
1. Vo gạo
Nhiều người có thói quen vo gạo thật kỹ để làm sạch toàn bộ cặn bẩn bám trên bề mặt. Tuy nhiên, vo gạo quá kỹ lại khiến cho các dưỡng chất bị bay đi hết. Theo kinh nghiệm của các đầu bếp, bạn chỉ cần vo 2 lần là đủ. Khi vo không chà xát quá mạnh để giữ được các vitamin, khoáng chất trên hạt gạo.
2. Ngâm gạo
Sau khi vo gạo sạch, bạn cho vào đây 1 lượng nước thích hợp rồi ngâm khoảng 30 phút để nước sẽ ngấm từ từ vào bên trong hạt gạo. Khi nấu, cơm chín từ trong ra ngoài, hạt dẻo mềm, thơm ngon.
3. Đong nước
Gạo ngâm xong đem chắt bỏ nước rồi cho vào nồi. Đong 1 lượng nước vừa đủ theo tỷ lệ gạo : nước lần lượt là 1:1.5. Ngoài ra, bạn cũng có thể đo nước bằng 1 đốt ngón tay là được.
4. Thêm giấm ăn
Các đầu bếp lâu năm thường sử dụng giấm ăn khi nấu cơm. Loại gia vị này sẽ là chất xúc tác giúp cơm chín ngon hơn, hạt trắng mềm, dẻo thơm. Đặc biệt, nó còn giúp bảo quản cơm lâu hơn so với thông thường.
5. Dầu mè
Cơm chín, bạn nên cho 1 chút dầu mè vào và đảo thật đều lên. Đây là bí kíp giúp cho hạt cơm căng bóng, mềm dẻo và mùi vị cũng đặc biệt thơm ngon hơn.