Sau khoảng 6 tháng viết Email qua lại, anh Yamaguchi về Việt Nam chơi 1 tuần và lúc này chị Ngọc Dung đã quyết định kết hôn với anh, dẫn anh về quê ra mắt gia đình.
Ngày trước, chị Nguyễn Thị Ngọc Dung (47 tuổi, quê Long Khánh, Đồng Nai) làm việc trong một công ty Nhật Bản. Ở tuổi 32, cái độ tuổi mà bạn bè, người yêu cũ đã lập gia đình hết rồi nhưng chị vẫn một mình lẻ bóng nên một người em đồng nghiệp đã giới thiệu cho chị Dung một trang web hẹn hò để “nghiên cứu”.
“Khi đó cô ấy hỏi tôi: ‘Chị Dung có người yêu chưa?’. Tôi cũng hồn nhiên trả lời: ‘Chị hiện giờ không có người yêu nhé!’. Vậy là cô nàng đồng nghiệp ấy đã gợi ý: ‘Em thấy có một trang web hẹn hò, người ta vào tìm hiểu kết bạn với nhau, rồi cũng có người kết hôn với nhau, chị Dung có muốn vào tham gia thử không?’. Tôi đồng ý: ‘Vậy em gửi cho chị nghiên cứu thử nha’”, chị Ngọc Dung bồi hồi nhớ lại.
Sau đó, đồng nghiệp gửi link trang web hẹn hò cho chị. Đó là một trang web hẹn hò quốc tế, người tham gia có đầy đủ quốc tịch khác nhau. Chị Ngọc Dung cũng đăng ký và có rất nhiều người gửi Email xin làm quen, nhưng chị không vừa ý vì đa số họ đều đang độc thân nhưng đã từng đã kết hôn, có con.
Sau vài tuần tham gia nhưng không tìm được đối tác vừa ý nên chị đã đăng xuất ra khỏi trang web hẹn hò đó. Bẵng đi một thời gian, khoảng vài tháng sau, trong lúc buồn, chị Dung nhớ đến trang web hẹn hò đó nên lại đăng nhập vào và lần này chị đã được “thần tình yêu” soi chiếu.
“Lúc đầu khi đăng ký web hẹn hò, mình viết biết ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Trung, nhưng sau khi đăng nhập lại, mình bổ sung thêm vào hồ sơ thêm tiếng Nhật. Khoảng 1 tuần sau, mình nhận được Email của ông xã mình bây giờ là anh Yamaguchi Yoshikazu.
Anh ấy lúc đó tìm kiếm người biết tiếng Nhật, và anh vừa ý với hồ sơ của tôi nên đã viết Email cho tôi. Còn tôi, sau khi kiểm tra hồ sơ của anh, tôi cũng vừa ý vì anh chưa từng kết hôn. Anh hơn tôi 12 tuổi, cũng không quá nhiều nên tôi bắt đầu viết Email trả lời”, chị Dung chia sẻ.
Sau khoảng 6 tháng viết Email qua lại, anh Yamaguchi về Việt Nam chơi 1 tuần và lúc này chị Ngọc Dung đã quyết định kết hôn với anh, dẫn anh về quê ra mắt gia đình.
Biết chị muốn kết hôn với chồng Nhật quen qua mạng, gia đình chị không ai có ý kiến gì. Ngược lại, gia đình anh Yamaguchi cũng không phản đối. Tuy nhiên, mẹ chị Ngọc Dung lại lo lắng, khuyên chị nên suy nghĩ thật kỹ vì bà không nỡ gả con gái đi xa, cũng sợ chị lấy chồng nhiều tuổi không hạnh phúc.
Lúc đó, chị Ngọc Dung giải thích rằng bây giờ chị đã 34 tuổi, nếu không kết hôn thì khả năng sẽ không lấy được chồng. Nghe chị nói vậy, mẹ không ý kiến gì nữa và đồng ý cho hai người tiến tới với nhau.
Sau lần ra mắt đó, cứ khoảng 6 tháng là anh lại về Việt Nam 1 lần. Sau 2 năm yêu xa, cả hai kết hôn.
“Khi còn trẻ, tôi rất thích đi coi bói, xem tử vi. Có một lần tôi đi xem tử vi, thầy tử vi nói rằng: ‘Cuộc đời của cô sẽ được sao Hồng Loan chiếu qua 2 lần, một lần là năm 34 tuổi, và một lần là năm 38 tuổi. Nếu cô bỏ qua cơ hội 2 lần này thì cô sẽ không có cơ hội để kết hôn được. Mà lần năm 34 tuổi sáng hơn lần năm 38 tuổi’. Nên tôi hiểu rằng anh chính là nhân duyên của tôi, đúng thời điểm, không đến quá sớm, cũng không đến quá muộn.
Mà trên hết, anh mang tới cho tôi cảm giác an toàn, nên tôi mới quyết định lấy anh làm chồng. Thuở yêu đương bồng bột, rung động đã qua hết rồi, không còn quá trẻ để thử rồi lại sai để sửa nữa, nên với tôi được an toàn là cảm giác an ổn nhất”, chị Ngọc Dung chia sẻ lý do lấy chồng Nhật ở tuổi 34.
Giống như bao người khác, khi mới sang Nhật Bản, chị Ngọc Dung cũng cảm thấy rất buồn, nhớ Việt Nam vì chưa đi làm, không có phương tiện đi lại. 8 tháng sau, chị mới xin được việc làm và sau đó đi học lái xe hơi. Tới khi lái được xe, chị mới thực sự cảm thấy hòa nhập được vào cuộc sống nơi đây và yêu thích cuộc sống ở Nhật Bản.
Hiện nay, gia đình chị đang định cư tại thành phố Matsusaka (tỉnh Mie, thuộc miền Trung của Nhật Bản). Vợ chồng chị có với nhau một bé trai 9 tuổi, cuộc sống gia đình vô cùng hạnh phúc, viên mãn.
“Anh xã tôi tính rất điềm đạm, từ tốn. Còn tôi thì chỉnh chu, cầu thị, ham học hỏi nên trong hôn nhân chưa từng xảy ra mâu thuẫn lớn. Thỉnh thoảnh, hai vợ chồng chỉ nói qua nói lại vài câu về những chuyện vặt vãnh thôi, vì chồng rất chiều và nhường nhịn tôi.
Có khi tôi bận việc, đi công tác hay đi chơi, đi du lịch cùng bạn bè, đồng nghiệp cả tháng trời, anh cũng sẵn sàng ở nhà lo việc nhà cửa, chăm sóc con cái. Ngược lại, khi chồng cần tôi giúp đỡ trong công việc, tôi cũng hăng hái, hỗ trợ hết mình”, chị Ngọc Dung bày tỏ.
Về phía gia đình chồng, chị cũng có mối quan hệ rất tốt, được mọi người yêu thương, quý trọng. Hai cô chồng và thím chồng thường xuyên cho chị đồ ăn, quần áo mặc, thậm chí thỉnh thoảng lại nhét tiền tiêu vặt vào túi của chị. Trong khi đó, vợ chồng chị được bố mẹ chồng cho mảnh đất 10.000m2 để vừa ở, vừa cho thuê.
Chia sẻ về bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình, chị Ngọc Dung nói: “Thực ra, sống ở Nhật cũng không cần có nhiều bí quyết gì để giữ gìn hạnh phúc gia đình lắm đâu, vì ở đây không có nhiều cám dỗ, ít hàng quán, sau giờ làm là mọi người tranh thủ về nhà để nghỉ ngơi, không la cà. Lúc rảnh thì hai vợ chồng tôi và con trai ngồi lại trò chuyện với nhau, nói những câu chuyện đã xảy ra trong ngày như thế nào”.
Dẫu vậy, chị cũng có 3 lời khuyên:
- Thứ nhất, trong hôn nhân với tôi, quan trọng là sự hỗ trợ qua lại trong công việc, cuộc sống. Giúp đối phương giảm tải gánh nặng nếu có.
- Thứ hai, hai vợ chồng đến từ môi trường, nền văn hóa hoặc thói quen khác nhau thì điều quan trọng là tôn trọng và không cố gắng thay đổi người kia theo ý mình. Nên tôn trọng thế giới quan của nhau.
- Thứ ba, hãy nhớ rằng không ai hoàn hảo. Hãy học cách tha thứ và rút kinh nghiệm từ những sai lầm sẽ giúp cả hai trưởng thành hơn trong cuộc sống gia đình.
Ngoài ra, chị Ngọc Dung thích trồng rau, nấu ăn, nên chị thường xuyên dùng những nguyên liệu sạch từ vườn để nấu những món ăn ngon để đãi gia đình. Chị thường xuyên nấu các món ăn Việt Nam, vì chồng và con trai của chị cũng như mẹ chồng đều thích món ăn Việt. “Khi thì tôi nấu món Việt, khi thì nấu món Nhật để đổi khẩu vị cho gia đình. Vì thế, gia đình rất là hào hứng về bữa ăn. Và đó cũng là một trong những cách để tôi giữ lửa cho gia đình”, chị Ngọc Dung chia sẻ.
Một số món ăn Việt chị Dung thường nấu.