Ngày ấy - bây giờ của 6 mỹ nhân phim chiến tranh Việt Nam vang bóng một thời

Yến Nguyễn
Chia sẻ

Dàn mỹ nhân của những bộ phim kinh điển của Việt Nam, từng gây ấn tượng với biết bao thế hệ bây giờ ra sao?

Thúy An – phim Cánh đồng hoang (1979)

Trong Cánh đồng hoang (1979) – bộ phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam, khán giả không khỏi ấn tượng với vai diễn Sáu Xoa của nghệ sĩ Thúy An, khi bà đã thể hiện nổi bật hình ảnh người phụ nữ nông dân hồn hậu, dũng cảm; sẵn sàng đương đầu với lửa đạn quân thù. Diễn xuất của bà có nội tâm sâu lắng, mềm mại, tinh tế; đem lại ấn tượng sâu đậm về hình ảnh người phụ nữ Việt thời chiến.

Ngày ấy - bây giờ của 6 mỹ nhân phim chiến tranh Việt Nam vang bóng một thời - 1

Sau thành công vang dội của những phim như Biệt động Sài Gòn, Cánh đồng hoang, nghệ sĩ Thúy An tiếp tục tỏa sáng với những vai diễn được khán giả và giới chuyên môn đánh giá cao như Mùa gió chướng, Mùa nước nổi, Vùng gió xoáy...

Sự nghiệp thành công nhưng đời tư của Thúy An khá trắc trở. Năm 30 tuổi, bà giã từ nghề diễn vì chồng là đạo diễn, NSND Hồng Sến qua đời. Sau đó, bà đưa con gái qua Lào để mở tiệm kinh doanh trang sức.

Ở nơi xứ người, bà gặp một Việt kiều sinh sống tại Đức. Sau đó, bà với con gái sang trời Âu định cư. Hiện nghệ sĩ có cuộc sống bình yên bên chồng con. Thi thoảng, Thúy An vẫn về Việt Nam nhưng chủ yếu đế gặp gỡ gia đình và khá ít xuất hiện trước truyền thông. 

NSƯT Ngọc Thu – phim Mẹ vắng nhà (1980)

Mẹ vắng nhà được chuyển thể từ tác phẩm Người mẹ cầm súng của nhà văn Nguyễn Thi. Trong bộ phim này, NSƯT Ngọc Thu thủ vai chị Út Tịch và 5 đứa con thơ trong bối cảnh chiến tranh đang trong những tháng ngày khốc liệt.

Khi đó mới chỉ khoảng 23 tuổi, nhưng Ngọc Thu lại thể hiện thành công hình ảnh người mẹ miền Nam vừa cầm súng chiến đấu vừa chăm lo cho con. Đó là vai diễn có diễn xuất nội tâm dung dị, sâu sắc, không hề khoa trương, thể hiện được hình ảnh cao đẹp của người phụ nữ Việt.

Ngày ấy - bây giờ của 6 mỹ nhân phim chiến tranh Việt Nam vang bóng một thời - 2

Ở tuổi xế chiều, NSƯT Ngọc Thu đã chấp nhận lui vào hậu trường chăm sóc gia đình, con cái, làm tròn thiên chức để chồng mình, NSND Bùi Bài Bình theo đuổi con đường nghệ thuật. Gần đây bà mới tái xuất trên sóng truyền hình với phim Hoa sữa về trong gió nhận và nhận về nhiều tình cảm của khán giả.

NSND Như Quỳnh – phim Mối tình đầu (1980)

Phim Mối tình đầu lấy bối cảnh tại thành phố Sài Gòn trước năm 1975, khi cuộc chiến sắp chấm dứt với những câu hỏi day dứt về sự lựa chọn lẽ sống của những người trẻ tuổi. NSND Như Quỳnh vào vai Diễm Hương có người yêu là sinh viên Ba Duy (NSND Thế Anh đóng). Nhưng cuộc tình không thành khi Diễm Hương buộc phải lấy tên cố vấn Mỹ (Robert Hải đóng) để cứu cha.

Tác phẩm được khán giả yêu thích bởi tính chân thực, cũng như về sự lựa chọn lối sống của những người trẻ tuổi khi cuộc chiến sắp kết thúc, NSND Như Quỳnh dù là người con miền Bắc nhưng khiến khán giả say mê khi thể hiện trọn vẹn tâm hồn của miền Nam.

NSND Như Quỳnh có sự nghiệp rực rỡ. Những tác phẩm như: Đến hẹn lại lên, Đêm miền yên tĩnh, Số đỏ, Gánh hàng hoa, Đông Dương, Xích lô, Mùa hè chiều thẳng đứng… khiến bà trở thành ngôi sao hàng đầu của màn ảnh Việt, được bao thế hệ yêu mến.

Ngày ấy - bây giờ của 6 mỹ nhân phim chiến tranh Việt Nam vang bóng một thời - 3

Ở tuổi 70, bà có có cuộc sống gia đình hạnh phúc với chồng là nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo. Bà vẫn được mời vào tham gia các bộ phim truyền hình hot như: Đừng bắt em phải quên, Hương vị tình thân, Hành trình công lý… cũng như khiến các hậu bối nể phục vì tình yêu nghề dù tuổi đã cao.

NSƯT Lê Vi – phim Truyện cổ tích cho tuổi 17 (1988)

Ra đời năm 1988, Truyện cổ tích cho tuổi 17 như một làn gió mát thổi vào điện ảnh Việt Nam - một bộ phim về chiến tranh không khói súng, phim đã giành được nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có 4 giải Bông sen Vàng.

NSƯT Lê Vi vào về An, một cô bé 17 tuổi đầy mộng mơ yêu một chiến sĩ ngoài mặt trận tên Thái chưa một lần gặp mặt mà chỉ nhặt được lá thư rơi của anh gửi về cho gia đình. Câu chuyện tình yêu đầy mộng mơ của cô gái mới lớn được đặt trong khung cảnh thực của thời chiến với những nỗi đau và sự hy sinh, qua diễn xuất của NSƯT Lê Vi, đã hoàn toàn chinh phục khán giả.

Ngày ấy - bây giờ của 6 mỹ nhân phim chiến tranh Việt Nam vang bóng một thời - 4

Lê Vi sau này còn được yêu mến qua các bộ phim như: Cây bạch đàn vô danh, Đèn vàng, Hai phía chân trời... Ngoài ra, cô cũng từng là nghệ sĩ múa nổi tiếng ở Việt Nam nhưng sau đó, cô theo chồng sang Pháp và có cuộc sống bình yên, hạnh phúc.

Cyril Lapointe - chồng Lê Vi từng đến Hà Nội nghiên cứu về hội họa và công tác tại Viện Viễn Đông bác cổ. Anh chính là "ông Tây" đã thuê nhà của gia đình NSƯT Lê Vân mà Lê Vân có nhắc tới trong cuốn tự truyện của mình.

Mỹ Duyên – phim Lưỡi dao (1995)

Lưỡi dao là bộ phim điện ảnh Việt Nam về đề tài chiến tranh được thực hiện năm 1995, do Lê Hoàng làm đạo diễn. Mỹ Duyên đóng vai Nguyệt -  cô gái trẻ mồ côi hiền lành nhưng chịu nhiều bất hạnh trong thời loạn lạc. Thành công từ vai diễn giúp cô ghi tên mình vào hàng ngũ diễn viên nữ trẻ nổi bật thập niên 90. Mỹ Duyên cũng là gương mặt được đạo diễn Lê Hoàng ưu ái mời cộng tác qua nhiều dự án phim khác của anh. 

Mỹ Duyên mang đến một Nguyệt đầy chân thực, gần gũi, khiến khán giả dễ dàng đồng cảm. Nét diễn tự nhiên, kết hợp với ánh mắt giàu biểu cảm và ngôn ngữ cơ thể tinh tế, giúp cô khắc họa rõ nét một cô gái trẻ phải trưởng thành trong nghịch cảnh. Những cảnh đòi hỏi cảm xúc mạnh, như khi Nguyệt đối mặt với mất mát hay sự thay đổi lớn trong cuộc đời, được cô xử lý một cách tròn trịa, chạm đến trái tim người xem.

Ngày ấy - bây giờ của 6 mỹ nhân phim chiến tranh Việt Nam vang bóng một thời - 5

Sau Lưỡi dao, Mỹ Duyên tiếp tục khẳng định tên tuổi ở cả 2 mảng điện ảnh lẫn truyền hình. Ngoài đóng phim, cô còn được mời tham gia làm mẫu ảnh, đóng kịch, diễn thời trang và múa... Năm 2007, cô được trao danh hiệu NSƯT. 

Hồng Ánh – phim Người đàn bà mộng du (2005)

Trong bộ phim Người đàn bà mộng du (2003), Hồng Ánh đã để lại dấu ấn sâu đậm với vai Quỳ, một nữ quân y mắc chứng mộng du, luôn bị ám ảnh bởi mối tình cũ. Diễn xuất của cô được đánh giá cao nhờ khả năng lột tả nội tâm phức tạp, từ nỗi đau chiến tranh đến sự giằng xé giữa hiện tại và quá khứ. Bằng lối diễn chân thực và tinh tế, Hồng Ánh không chỉ truyền tải trọn vẹn cảm xúc của nhân vật mà còn mang về giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 14, khẳng định tài năng vượt trội trong sự nghiệp diễn xuất.

XEM VIDEO: Giọng hát của Hồng Ánh trong phim Người đàn bà mộng du.

Ngày ấy - bây giờ của 6 mỹ nhân phim chiến tranh Việt Nam vang bóng một thời - 6

Hiện nay, ở tuổi 48, Hồng Ánh sống một cuộc đời bình yên và hạnh phúc bên người chồng – nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Sơn – sau hơn 15 năm kết hôn. Dù không có con chung, cặp đôi vẫn khiến công chúng ngưỡng mộ bởi tình cảm mặn nồng và sự thấu hiểu lẫn nhau.

Hồng Ánh tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật, tham gia diễn xuất, đạo diễn và sản xuất phim, đồng thời tích cực trong các hoạt động bảo vệ môi trường và động vật. Cô tận hưởng cuộc sống giản dị, chăm sóc thú cưng và hoa cỏ tại căn hộ chung cùng chồng, luôn giữ tinh thần lạc quan và sáng tạo.

Trong chương trình “Nửa thế kỷ phim Việt Nam về chiến tranh” tại Liên hoan phim Châu Á - Đà Nẵng lần thứ Ba (DANAFF III), từ ngày 29/6 – 5/7, hơn 20 phim Việt Nam về chiến tranh sản xuất sau đổi mới sẽ được trình chiếu, nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Các tác phẩm nổi bật gồm: Cánh đồng hoang, Mẹ vắng nhà, Mối tình đầu, Chuyện cổ tích cho tuổi 17, Lưỡi dao, Người Đàn bà mộng du… cùng rất nhiều phim đặc sắc khác.

Chia sẻ

Yến Nguyễn

Tin cùng chuyên mục