Thanh Hóa có khu chợ tồn tại hơn 500 năm, chỉ họp duy nhất 1 lần trong năm nhưng hút cả nghìn người đổ về

H.M
Chia sẻ

Trải qua hàng trăm năm, chợ Thiều vẫn được gìn giữ như một nét văn hóa đặc sắc của làng Thiều Xá, xã Cầu Lộc nói riêng và của người dân xứ Thanh nói chung.

Là vùng đất có bề dày lịch sử lâu đời, Thanh Hóa sở hữu một nền tảng văn hóa phong phú được vun đắp qua hàng ngàn năm. Nét độc đáo này tạo nên bản sắc riêng biệt, không thể nhầm lẫn của Thanh Hóa và được phản ánh rõ nét nhất qua những phiên chợ nơi đây.

Nằm ở Thiều Huy, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, chợ Thiều là một phiên chợ đặc biệt của xứ Thanh, chỉ họp duy nhất một lần vào ngày 26 tháng Chạp hàng năm, trước thềm Tết Nguyên Đán. Từ sáng sớm, hàng nghìn người dân nô nức kéo về chợ, không quan trọng lời lãi, họ chỉ mong "mua may bán rủi", cầu mong một năm mới bình an, may mắn và thịnh vượng.

Thanh Hóa có khu chợ tồn tại hơn 500 năm, chỉ họp duy nhất 1 lần trong năm nhưng hút cả nghìn người đổ về - 1

Tương truyền rằng, Chợ Thiều có từ khoảng thế kỷ thứ XV, khi tướng quân Lê Phúc Đồng - một vị tướng có tài thao lược dưới thời Lê đem quân đánh giặc trên sông Lèn (một nhánh của sông Mã), đến khúc sông bên chân núi Thiều thì thuyền mắc cạn không thể xuôi dòng. Vị tướng liền lệnh cho ba quân nghỉ ngơi thổi cơm trưa chờ con nước lớn. Khi lên bờ nghỉ chân, tướng quân bắt gặp một cái miếu thờ nhỏ bên chân núi do trẻ mục đồng của làng Thiều Xá dựng lên, ông thắp nén nhang khẩn cầu thần linh xin cho chuyến hành quân được thuận buồm xuôi gió. Nén nhang vừa tàn, tướng quân Lê Phúc Đồng nhìn về phía dòng sông thì vô cùng ngạc nhiên thấy đoàn thuyền mắc cạn đã có thể xuôi dòng. Ông vội cáo từ dân làng rồi hô quân tiến thẳng về cửa Thần Phù đánh giặc. Thắng giặc trở về, tướng quân Lê Phúc Đồng quay lại làng Thiều Xá mở tiệc khoản đãi dân làng. Từ đó, cứ đến ngày này, người dân lại mở hội và họp chợ, tưởng nhớ chiến công năm xưa. Phong tục này vẫn được gìn giữ cho đến ngày nay.

Thanh Hóa có khu chợ tồn tại hơn 500 năm, chỉ họp duy nhất 1 lần trong năm nhưng hút cả nghìn người đổ về - 2

Phiên chợ Thiều bắt đầu từ mờ sáng, khoảng 4 - 5 giờ. Khi màn đêm còn bao phủ thì không khí đã rộn ràng hẳn lên bởi tiếng cười nói, tiếng gọi nhau í ới của người mua kẻ bán. Chợ đông vui nhất là vào khoảng 8 - 9 giờ sáng. Lúc này, dòng người đổ về chợ đông như mắc cửi, chen chúc nhau giữa những gian hàng san sát.

Tuy quy mô không lớn, nhưng chợ Thiều lại là điểm hẹn quen thuộc của người dân khắp vùng quê huyện Hậu Lộc mỗi dịp cuối năm. Các mặt hàng được bày bán ở chợ Thiều cũng mang đậm nét Tết cổ truyền: Bánh trái để dâng cúng tổ tiên, đồ chơi dân gian cho trẻ em, lá dong xanh mướt, sợi giang dai dẻo, hoa tươi rực rỡ,... Tất cả đều là những sản vật "cây nhà lá vườn" do chính người dân làm ra. Trong đó, nhộn nhịp nhất phải kể đến những gian hàng bán lá dong. Bởi với người dân xứ Thanh, nồi bánh chưng xanh thơm chính là hương vị không thể thiếu trong ngày Tết sum vầy.

Thanh Hóa có khu chợ tồn tại hơn 500 năm, chỉ họp duy nhất 1 lần trong năm nhưng hút cả nghìn người đổ về - 3

Thanh Hóa có khu chợ tồn tại hơn 500 năm, chỉ họp duy nhất 1 lần trong năm nhưng hút cả nghìn người đổ về - 4

Dù thời tiết những ngày giáp Tết có rét đậm, nhưng để kịp phiên chợ đặc biệt này, nhiều người dân ở các xã xa như Ngư Lộc, Minh Lộc, Thuần Lộc... vẫn sẵn sàng thức dậy từ 2 - 3 giờ sáng, gồng gánh hàng hóa ra chợ. Và một thói quen đặc biệt của người dân nơi đây, đó là sau khi mua bán xong, ai ai cũng đều lên chùa (chợ họp ngay dưới sân chùa) thắp nén hương thành kính, tạ ơn thần phật. Chính điều này đã góp phần tạo nên không khí ấm áp, thân tình cho phiên chợ, xua tan đi cái lạnh giá của những ngày cuối năm.

Trải qua hàng trăm năm, chợ Thiều vẫn được gìn giữ như một nét văn hóa đặc sắc của làng Thiều Xá, xã Cầu Lộc nói riêng và của người dân xứ Thanh nói chung. Phiên chợ không chỉ là nơi giao thương buôn bán mà còn là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp, góp phần làm nên bản sắc văn hóa độc đáo của quê hương.

Chia sẻ

H.M

Tin cùng chuyên mục

Sức hút về đêm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Sức hút về đêm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Các sản phẩm du lịch đêm sử dụng công nghệ, hướng đến phát triển bền vững trong khai thác và phát huy giá trị di tích được đưa vào khai thác ở Hà Nội nói chung, Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng đã đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành điểm đến hàng đầu của cả nước về phát triển du lịch thông minh.

Loại củ xưa mọc hoang nay là đặc sản chị em săn lùng, cực hiếm nên cứ rao bán là hết sạch

Loại củ xưa mọc hoang nay là đặc sản chị em săn lùng, cực hiếm nên cứ rao bán là hết sạch

Củ niễng là đặc sản của vùng đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt phổ biến ở một số tỉnh như Nam Định, Thái Bình, Hải Dương,... Niễng vốn là một loại củ mọc hoang, gần các khu nước, đầm lầy, góc ao hay ven sông, chỉ rộ vào vào 1 tháng duy nhất mỗi năm. Vừa ngon lại vừa hiếm, nên đó là lý do tại sao dân địa phương cũng phải săn đón khi mùa niễng đến.