Chợ quê hiếm hoi còn sót lại giữa lòng Quảng Bình: Chân chất, mộc mạc khiến ai đi xa cũng nhớ về

H.M
Chia sẻ

Ẩn mình bên dòng sông Gianh hiền hòa, chợ Họa của làng Thổ Ngọa không chỉ là nơi trao đổi buôn bán mà còn là không gian thấm đẫm hồn quê, lưu giữ trọn vẹn nét văn hóa đặc trưng của một vùng đất từng vang danh trong tứ danh hương của phủ Quảng Trạch xưa.

Khi nhắc đến văn hóa làng Thổ Ngọa – một ngôi làng nhỏ thuộc phường Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) – người ta không thể không nghĩ đến chợ Họa, tên gọi có thể xuất phát từ sự nhầm lẫn trong cách phát âm xưa kia giữa “Ngọa” và “Họa”. Khu chợ này nằm ven một nhánh sông Gianh, được người dân địa phương gọi là “rào”, nơi buôn bán đủ mọi mặt hàng.

Đặc biệt, tại đây có rất nhiều sản phẩm mang dấu ấn quê nhà và các vùng lân cận như: nón lá, mắm ruốc, thúng, mủng, nong, nia, rổ, rá, bánh đa... cùng với vô số loại thủy sản và hải sản tươi sống đánh bắt từ chính dòng sông quê. Chợ Họa chính là nơi thể hiện một cách rõ ràng bản sắc văn hóa đặc trưng của mảnh đất từng góp mặt trong tứ danh hương trứ danh xưa kia của phủ Quảng Trạch: “Sơn, Hà, Cảnh, Thổ”.

Chợ quê hiếm hoi còn sót lại giữa lòng Quảng Bình: Chân chất, mộc mạc khiến ai đi xa cũng nhớ về - 1

Thời điểm chính xác chợ được hình thành vẫn còn là một điều đang được các bậc cao niên trong làng – những người luôn trăn trở và yêu quý văn hóa quê hương – cố gắng tìm hiểu và nghiên cứu. Tuy nhiên, trong sách Đại Nam nhất thống chí đã từng có ghi: “Chợ Thổ Ngõa ở huyện Bình Chính, họp hai buổi, phần lớn là bán tôm cá, hàng quán đông đúc.” Ngày trước, đình chợ được xây kiên cố với ba gian mái ngói. Ngay giữa chợ có một cái giếng, gọi là giếng Chợ, tuy gần con sông lớn nhưng nước lại trong vắt và ngọt mát quanh năm.

Dù quy mô không lớn, nhưng nhờ vị trí thuận lợi về đường thủy, chợ xưa lại rất sầm uất. Ngoài các sản vật của làng, người ta còn buôn bán thêm những sản phẩm từ các vùng lân cận như Thọ Đơn, Lộc Điền hay các xã thuộc huyện Tuyên Hóa với những đặc sản như cam, bưởi, nong, nia, bánh đa, bánh đúc… làm phong phú thêm cho khu chợ quê mộc mạc.

Chợ quê hiếm hoi còn sót lại giữa lòng Quảng Bình: Chân chất, mộc mạc khiến ai đi xa cũng nhớ về - 2

Điểm nổi bật nhất tại chợ Họa là khu chợ nón và khu chợ hải sản. Trước đây, chợ nón thường bắt đầu từ khi trời còn tờ mờ tối, người mua phải dùng đèn pin để xem kỹ sản phẩm. Khu vực này lúc nào cũng tấp nập; người mua, người bán đều là dân trong làng, gặp nhau là trò chuyện rôm rả. Chợ nón trở nên lung linh giữa ánh đèn le lói, với những chồng nón trắng nổi bật bên các quầy hàng bán lá nón, vành, kim, cước... Chợ nón thường tan khi mặt trời vừa ló dạng.

Ngày nay, chợ nón không còn diễn ra quá sớm như trước mà thường bắt đầu vào khoảng 9 - 10 giờ sáng, nhưng không khí buôn bán vẫn luôn nhộn nhịp. Nơi sôi động nhất vẫn là bến thuyền – hay còn gọi là chợ cá. Tuy nhiên, không chỉ có cá, tại đây còn bày bán nhiều loại trái cây như chuối, mít, dứa... được treo lên các cọc cao hoặc xếp đầy thuyền chờ cập bến để bán cho khách đi chợ Họa.

Khung cảnh mua bán tại bến sông gợi nhớ đến hình ảnh chợ nổi quen thuộc của miền Tây Nam Bộ. Khi thuyền cập sát bờ, từng chủ hàng sẽ nhanh chóng chuyển hàng hóa lên bến, và ngay lập tức đã có người đợi sẵn để mua.

Chợ quê hiếm hoi còn sót lại giữa lòng Quảng Bình: Chân chất, mộc mạc khiến ai đi xa cũng nhớ về - 3

Ngoài các loại cá nhập từ nơi khác như cá thu, cá bớp, phần lớn hải sản ở chợ Họa là do người dân địa phương đánh bắt từ dòng sông quê. Để có được những mẻ cá tươi rói đưa vào chợ mỗi sáng, người dân làm nghề chài lưới phải dầm sương dãi gió suốt đêm. Những con cá còn tươi nguyên, quẫy đạp trong thúng tròn là thành quả của biết bao nhọc nhằn. Người dân nơi đây đánh bắt chủ yếu theo hình thức nhỏ lẻ, có bao nhiêu đem ra chợ bán bấy nhiêu, nhờ đó mà người làng luôn được thưởng thức những món hải sản tươi sạch, chất lượng cao cho bữa ăn hàng ngày.

Trong bữa cơm truyền thống của người Thổ Ngọa, thường không thể thiếu món canh chua nấu từ quả chay, dưa muối hay rau nhà kết hợp cùng tôm, cá cơm, cùng với món cá kho “một lả”. Dù là bữa ăn đơn sơ nhưng lại cung cấp đầy đủ dưỡng chất thiết yếu cho con người.

Chợ quê hiếm hoi còn sót lại giữa lòng Quảng Bình: Chân chất, mộc mạc khiến ai đi xa cũng nhớ về - 4

Chợ Họa cũng là nơi quy tụ đủ các món bánh, cháo được xem như đặc sản địa phương: bánh chì, bánh xèo, bánh cuốn, bánh ít, bánh gai, bánh mật, bánh trôi, cháo canh... Tất cả đều được làm thủ công bởi đôi bàn tay khéo léo của các mẹ, các chị. Nhiều món đã trở nên quen thuộc với thực khách như bánh cuốn bà Bông, bánh xèo bà Hòe, bánh đa chị Quế... Góc hàng ăn của chợ luôn rực đỏ những bếp than hồng, lan tỏa hương thơm ngào ngạt của các món như cháo canh cá, bún sả thịt bò, bánh cuốn nhân tôm... như một lời mời không thể chối từ.

Với người dân Thổ Ngọa, chợ không chỉ là nơi giao thương buôn bán mà còn là không gian lưu giữ vẻ đẹp chân chất, thân thương của quê hương. Ngoài những ki-ốt mái che của tiểu thương, còn có nhiều khoảng đất trống dành cho người dân bán hàng rong. Họ mang theo những sản vật tự tay hái, trồng từ vườn nhà như mớ rau, buồng chuối, vài quả cau, lá trầu... giá cả phải chăng, nhiều khi còn biếu không cho người quen. Chợ lúc nào cũng rộn ràng tiếng nói cười, chuyện gia đình, chuyện làng xóm, chuyện mùa màng, làm ăn… cứ thế nối dài, gắn kết cộng đồng thêm bền chặt.

Với không ít người, chợ Họa giống như một Thổ Ngọa thu nhỏ. Và mỗi khi xa quê, họ lại thổn thức nhớ về nơi ấy – nơi có bến thuyền chợ cá, có mùi thơm thân quen từ gian hàng ăn, có nụ cười thân tình ẩn sau vành nón lá. Dù thời gian trôi qua, cuộc sống có nhiều thay đổi, thì chợ Họa vẫn luôn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc, là một phần không thể tách rời trong bức tranh văn hóa đặc trưng của quê hương Thổ Ngọa.

Chia sẻ

H.M

Tin cùng chuyên mục

Khu chợ 300 tuổi giữa lòng Phan Thiết, bao nhiêu năm vẫn sầm uất bậc nhất thành phố bởi cái gì cũng có

Khu chợ 300 tuổi giữa lòng Phan Thiết, bao nhiêu năm vẫn sầm uất bậc nhất thành phố bởi cái gì cũng có

Tọa lạc bên dòng sông Cà Ty thơ mộng, Chợ Lớn Phan Thiết không chỉ là trung tâm thương mại sầm uất nhất thành phố biển mà còn là di sản văn hóa với hơn 300 năm lịch sử. Từ những gian hàng hải sản tươi rói mỗi sáng sớm đến các món ăn đặc sản đậm đà hương vị địa phương, khu chợ truyền thống này vẫn giữ vững vai trò là trái tim kinh tế và linh hồn văn hóa ẩm thực của Bình...

Khám phá nơi được mệnh danh "Bali thu nhỏ" ở Việt Nam, sở hữu rạn san hô tuyệt đẹp, choáng ngợp với khung cảnh biển xanh, cát trắng

Khám phá nơi được mệnh danh "Bali thu nhỏ" ở Việt Nam, sở hữu rạn san hô tuyệt đẹp, choáng ngợp với khung cảnh biển xanh, cát trắng

Với phong cảnh thiên nhiên hữu tình và vẻ đẹp nguyên sơ hiếm có, hòn đảo nhỏ nằm ở phía Nam thành phố đảo Phú Quốc - đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch. Nơi đây được mệnh danh là “Bali thu nhỏ” nhờ vào làn nước trong xanh, bãi cát trắng mịn và đặc biệt là những rạn san hô rực rỡ chỉ cách mặt nước chưa đầy một mét.

Chợ quê giữa lòng xứ Huế hút khách nhờ giá cực rẻ: Có đến 3 phiên chợ một ngày, bán đủ thứ bạn cần

Chợ quê giữa lòng xứ Huế hút khách nhờ giá cực rẻ: Có đến 3 phiên chợ một ngày, bán đủ thứ bạn cần

Giữa miền cát trắng ven biển Thừa Thiên Huế, chợ Vinh Thanh hiện lên như một nhịp sống rộn ràng giữa làng quê yên bình. Không chỉ là nơi giao thương của người dân địa phương, ngôi chợ đặc biệt này còn họp đến ba phiên mỗi ngày, phản ánh rõ nét văn hóa sinh hoạt đặc trưng của một vùng quê vừa giáp biển, vừa kề đầm phá.

Sinh viên không ai không biết khu chợ này - "thiên đường ẩm thực" nổi tiếng và sầm uất bậc nhất Thủ đô

Sinh viên không ai không biết khu chợ này - "thiên đường ẩm thực" nổi tiếng và sầm uất bậc nhất Thủ đô

Giữa lòng quận Cầu Giấy náo nhiệt, chợ Nghĩa Tân không chỉ là nơi mua bán sầm uất mà còn là một mảnh ghép đặc sắc trong bức tranh văn hóa Hà Nội. Với khu ẩm thực bình dân hút khách, không khí nhộn nhịp từ sáng đến tối, nơi đây đã trở thành điểm hẹn quen thuộc của người dân Thủ đô.