Tầm soát hôn nhân

Nhà văn Hoàng Anh Tú
Chia sẻ

Giống như việc thăm khám sức khoẻ định kỳ, tầm soát ung thư… hôn nhân cũng cần được thăm khám và tầm soát.

HÔN NHÂN CỦA BẠN KHOẺ KHÔNG?

Thật tuyệt nếu như nó vẫn “chạy tốt”. Nếu như nó có chút “ho hắng” thì cũng đừng quá lo, chỉ là “ốm thời tiết” vậy thôi, đừng lo lắng! Hôn nhân nào cũng đôi lần “ốm thời tiết” không phải uống thuốc mà tự khỏi thôi.

Giống như sức khoẻ của chúng ta vậy, đôi khi thời tiết xấu hay thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh, từ lạnh sang nóng, chúng ta vẫn ho hắng suốt đó thôi. Đừng lo lắng quá để rồi lại thuốc thang mà nói với nhau những lời kiểu “thuốc đắng giã tật”. Nhiều khi chuyện bé xé to cũng từ việc ta lo lắng quá, suy diễn quá! Nhất là những người vợ. Bởi khi tôi hỏi: “Hôn nhân của bạn khoẻ không?” các ông chồng luôn nháy mắt: Chạy tốt! Kèm theo là “bằng chứng” như tiền lương đưa về cho vợ đầy đủ, vợ vẫn cằn nhằn, mắng chồng đều đặn, không có chiến tranh lạnh. Là đàn ông nghĩ vậy là hôn nhân đang khoẻ. Nhưng phụ nữ thì không nghĩ thế!

Những người vợ nhiều khi kỳ vọng vào hôn nhân phải khoẻ như lực sĩ thì mới là khoẻ, phải lãng mạn như thi sĩ thì mới là yêu, phải tận tâm như bác sĩ thì mới gọi là quan tâm, phải… phải… Nên nhiều người vợ có hôn nhân đạt bằng cử nhân rồi vẫn mơ phải đạt thạc sĩ, tiến sĩ mà muốn chồng mình phải nỗ lực nhiều hơn. Trong khi đàn ông nhiều anh nghĩ rằng hôn nhân chỉ cần biết đọc biết viết, vợ sai gì làm nấy, trời mưa biết chạy ra rút quần áo đã là hoàn thành nhiệm vụ. Phải chăng vì thế mà hôn nhân trong mắt nhiều phụ nữ mãi vẫn chỉ “yếu lắm”, “còn phải cố gắng nhiều”, “dặt dẹo ốm đau mãi thôi”…

Một cuộc hôn nhân khỏe mạnh đôi khi chỉ là rất đơn giản. Như ăn cơm cùng nhau vẫn thấy còn ngon miệng. Còn được bật cười với nhau khi nói chuyện. Còn biết ngày mai chúng ta cần làm gì. Còn đi lại cùng nhau được. Còn thở, dù là thở dài ban ngày nhưng đêm vẫn cho nhau đôi phen thở dốc. Còn giận đấy mà thương đấy. Còn không muốn buông tay, vậy thôi!

Một cuộc hôn nhân khoẻ mạnh là cuộc hôn nhân mà ở đó chúng ta biết rằng nguy cơ “ung thư” luôn có thể xảy đến nhưng không vì thế mà giảm bớt lòng tin dành cho nhau. Kiểm soát chế độ “ăn uống”, “tiếp xúc” của bạn đời, can thiệp điều trị quá mức. Biến hôn nhân đang khoẻ mạnh thành ngạt thở, khiến bạn đời phải đi tìm những “máy trợ thở” ngoài kia…

Hôn nhân khoẻ mạnh bắt đầu từ người vợ nghĩ lành về chồng và người chồng đủ mạnh để vợ mình dựa cậy.

Tầm soát hôn nhân - 1

Ảnh minh họa

TẦM SOÁT UNG THƯ TRONG… HÔN NHÂN

Có đến hơn 100 loại ung thư đã được y học xác định. Trong đó, rất nhiều loại có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Hôn nhân cũng vậy, phát hiện sớm cũng sẽ giúp hôn nhân kéo dài thời gian sống, thậm chí, chữa khỏi hoàn toàn.

Một loại ung thư khiến hôn nhân tử vong khá phổ biến là ung thư lòng tin. Nó có thể tới từ việc người chồng, người vợ ngoại tình (lý do chính). Nhưng nó cũng có thể đến cả khi lời hứa nói ra mà không làm, là khi lời nói với hành động khác nhau, là khi vợ chồng không còn tin tưởng nhau nữa. Một cuộc hôn nhân không còn lòng tin sẽ như đi trên một cây cầu không tay vịn. Bất cứ lúc nào cũng có thể ngã nhào. Hành trình hôn nhân là gì nếu không phải là hành trình chúng ta đắp bồi lòng tin vào nhau? Là “em tin anh” nhiều khi còn giá trị hơn cả câu “em yêu anh” vậy. Là khi người chồng giữ lòng tin ở vợ về mình như một cách giữ gìn sức khoẻ hôn nhân này vậy.

Một loại ung thư nữa là ung thư giao tiếp. Giống như lòng tin, giao tiếp là thành phần quan trọng trong sức khoẻ hôn nhân. Nhiều cặp vợ chồng theo thời gian mà lười giao tiếp, không muốn giao tiếp với nhau nữa. Là khi “nói mãi anh ta chẳng nghe nên chả muốn nói nữa”. Là khi “nói vợ cũng có hiểu đâu nên thôi, chả nói”. Là khi bắt đầu của cam chịu, của chấp nhận, của thế nào cũng được. Không giao tiếp cũng có nghĩa là không thể giải quyết được vấn đề, đẩy mọi vấn đề vào ngõ cụt. Biến những vấn đề xảy ra trong hôn nhân thành “để đó”. Hành trình của một cuộc hôn nhân là gì nếu không phải là một hành trình giao tiếp với nhau mỗi ngày? Là còn muốn nói chuyện cùng nhau. Là còn muốn chia sẻ lòng mình, suy nghĩ của mình với nhau. Sức khoẻ của hôn nhân chính là việc giao tiếp lành mạnh với nhau vậy!

Thêm một loại ung thư nữa là ung thư giá trị. Là người vợ quên đi giá trị của mình, chấp nhận bị chồng đối xử thiếu tôn trọng. Là người chồng đã không giữ được sự tôn trọng của vợ khi mà anh ta đã làm ra những điều tệ hại, khiến vợ hết tôn trọng anh ta. Chúng ta làm sao giữ được hôn nhân khoẻ mạnh khi mà sự tôn trọng dành cho nhau đã chẳng còn kia chứ? Sự thiếu tôn trọng nhau sẽ biến những cuộc cãi vã tệ hại hơn, đẩy ung thư này tiến triển nhanh hơn.

Còn rất nhiều loại ung thư khác mà mỗi cuộc hôn nhân đều có thể “mắc phải” như ung thư tài chính, lối sống... Thậm chí, giáo dục con cái khác nhau cũng tạo ra mầm mống của ung thư. Vì thế, tầm soát ung thư hôn nhân là việc phải làm, cần làm của hai vợ chồng nếu muốn sức khoẻ hôn nhân của mình khoẻ mạnh.

Tầm soát hôn nhân - 2

Ảnh minh họa

ĐỂ HÔN NHÂN ĐỪNG HOÁ BỆNH NHÂN

Tôi vẫn nghĩ: Hôn nhân là hạnh phúc. Không có hạnh phúc thì hôn nhân sẽ thành bệnh nhân.

Các anh chồng ơi, vợ chồng làm cho nhau hạnh phúc đôi khi rất đơn giản. Như cái ôm vợ. Như tay trong tay. Như ánh mắt nhìn vợ đầy âu yếm, khao khát. Như những lời khen dành cho vợ mình. Như những câu tán tỉnh (bớt giùm lời tán phụ nữ ngoài kia mà dành cho vợ mình). Như câu: Để đó, anh lo. Như câu: Có anh đây. Phụ nữ yêu bằng tai mà, nhớ không?

Hôn nhân có thể trở nên hạnh phúc còn là khi ta dành tặng nhau sự phản hồi. Khi mà trong cuộc sống hôn nhân của hai người, nếu một trong hai phát tín hiệu yêu cầu kết nối, đối tác thường xuyên đáp lại thì hạnh phúc sẽ đến. Như khi người chồng trở về nhà với gương mặt hớn hở, người vợ phản hồi bằng sự quan tâm thay vì phản ứng bằng sự nghi kị “hôm nay tán tỉnh được cô nào mà mặt hớn hở thế kia”. Như người vợ xuýt xoa: “Anh ơi, nhìn vợ chồng cái X hạnh phúc chưa này” vốn chẳng phải trách cứ chồng không được như chồng cái X, mà chỉ đơn giản rằng vợ muốn nhận về sự phản hồi từ chồng chứ không phải phản pháo theo kiểu: “Phiền phức quá, em tầm phào vừa thôi. Vợ chồng nó hạnh phúc thì liên quan gì?”. Phản hồi với nhau xin bằng việc coi trọng tín hiệu kết nối của bạn đời, đón nhận nó, tạo ra hạnh phúc từ nó.

Hạnh phúc trong hôn nhân còn có thể là sự đồng cảm, đồng hành với nhau chứ không phải là đường ai nấy đi, thế giới ai người đó quan tâm. Khi đó, chỉ là hai cá thể riêng biệt sống chung trong một nhà chứ không phải là vợ, chồng của nhau nữa rồi.

Bất cứ điều gì xảy ra trong hôn nhân của bạn đều có thể tạo ra hạnh phúc- đó là lựa chọn của bạn chứ không phải sự trông đợi vào bạn đời của mình. Sức khoẻ của hôn nhân đôi khi bắt đầu từ sức khoẻ tinh thần của bạn dành cho hôn nhân này. Phải vì thế mà nhiều người bệnh ung thư cũng khỏi bởi sức khoẻ tinh thần của họ đủ mạnh mẽ.

Vì vậy, đừng coi nhẹ việc tầm soát hôn nhân để rồi kịp thời tìm ra những mầm mống của bệnh mà chữa trị. Đừng để ung thư lan rộng rồi thì hôn nhân vô phương cứu chữa.

Chia sẻ

Nhà văn Hoàng Anh Tú

Tin cùng chuyên mục

Tình già

Tình già

“Mẹ ơi, con xin phép đưa bố lên trông nhà cho vợ chồng con mấy bữa, khi nào ổn thỏa thì con lại để bố về với mẹ, được không ạ?”.

Caramel mùa hè

Caramel mùa hè

Món caramel ấy, dù đã mấy chục năm trôi qua, vẫn còn trong trí nhớ tôi - ngọt đắng đan xen, mềm như lòng bàn tay của bà, và gợi nhớ nhung như một đêm hè.

Tình yêu ngục tù

Tình yêu ngục tù

Chị bảo vì em gái chị yêu nhầm người nên không chỉ cô em gái bị ảnh hưởng mà còn khiến cuộc sống của gia đình chị cũng nơm nớp theo sự đe dọa của người đàn ông yêu ngông cuồng đó.

Làm vợ

Làm vợ

Từ bé được mẹ chiều chuộng, lấy chồng lại được yêu thương, Ngọc kết hôn gần một năm mà chưa từng nấu nổi một bữa cơm cho chồng. Cô tin phụ nữ hiện đại không cần bếp núc để giữ chân đàn ông. Cho đến khi mẹ chồng lên chơi vài ngày, những lời chê trách khiến cô hiểu: Yêu thương, nếu không biết giữ, rồi cũng sẽ nguội lạnh mà rời đi…

Bi kịch từ đứa con sinh thiếu tháng

Bi kịch từ đứa con sinh thiếu tháng

Ngân xuất hiện ở phòng tư vấn với đứa con trai hơn một tuổi kháu khỉnh. Nhìn đứa bé bụ bẫm, dễ thương trong sáng như thiên thần bên người mẹ có học thức, xinh đẹp, không ai nghĩ họ lại là nạn nhân bạo lực gia đình gần hai năm nay.

Yêu sau cưới

Yêu sau cưới

Ngân và Trung cưới nhau qua mai mối khi cả hai đã bước vào độ tuổi mà gia đình không còn muốn con cái "kén cá chọn canh" nữa. Trung khi ấy 30 tuổi, là một người đàn ông thành đạt, trầm tính và chín chắn, đang làm trưởng phòng kỹ thuật tại một công ty lớn. Ngân 28 tuổi, là cô giáo tiểu học hiền lành, chu đáo, sống giản dị và có phần khép kín.

Dặm muối cho hôn nhân

Dặm muối cho hôn nhân

Mai chẳng biết hôn nhân trở nên nhạt nhẽo từ lúc nào, chỉ biết là gần đây, cô và chồng chẳng còn có sự đồng điệu. Những câu chuyện mà người nói cũng nói cho có, còn người trả lời thì trả lời cho xong...

Chọn hiếu hay tình?

Chọn hiếu hay tình?

Cha mất sớm, mẹ ở vậy nuôi tôi. Kinh tế chật vật, cuộc sống khó khăn vất vả, mẹ đã hy sinh và sống vì tôi. Vì thế ngay từ khi còn là một đứa trẻ, tôi đã nguyện sau này bằng bất cứ giá nào cũng sẽ sống cho mẹ nhiều hơn. Thế nhưng đến giờ phút này, tôi cảm thấy cuộc đời mình sẽ gặp nhiều bất hạnh nếu như sống đúng với tâm nguyện ấy.

Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...

Phụ nữ nhẹ dạ và cạm bẫy lừa đảo

Phụ nữ nhẹ dạ và cạm bẫy lừa đảo

Trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, không ít gia đình đang phải đối mặt với những “cơn sóng ngầm” âm thầm phá hoại hạnh phúc. Một trong số đó là tình trạng các chị em nhẹ dạ, trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo tinh vi. Vấn nạn này không chỉ gây tổn thất tài chính mà còn để lại những vết rạn trong hôn nhân, đẩy nhiều cặp đôi đến bờ vực tan...