Không có niềm hạnh phúc nào lớn hơn khoảnh khắc một sinh linh nhỏ bé cất tiếng khóc chào đời. Nhưng đối với nhiều phụ nữ, khoảnh khắc ấy lại là điểm khởi đầu cho một hành trình đầy nước mắt, lo âu và thậm chí là những ý nghĩ tiêu cực đến rợn người.
Trầm cảm sau sinh – dù đã được y học thế giới cảnh báo từ lâu – vẫn là một cái bóng âm thầm len lỏi trong nhiều gia đình Việt Nam, nơi kỳ vọng và áp lực đôi khi lớn hơn cả tình yêu thương.
Lan, một người mẹ trẻ tại Hà Nội, chia sẻ: "Tôi từng nghĩ sinh con xong sẽ vui lắm. Nhưng rồi tôi không thể ngủ, mất cảm giác với con, và thậm chí không muốn ôm con. Tôi thấy mình như một người mẹ thất bại."
Theo một nghiên cứu của Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), khoảng 20–30% phụ nữ Việt Nam có dấu hiệu trầm cảm sau sinh, nhưng rất nhiều trường hợp bị bỏ qua vì quan niệm: “Sinh xong mệt là bình thường".
Trầm cảm sau sinh là một dạng rối loạn tâm thần có thể xuất hiện trong vòng một năm đầu sau khi sinh. Người mẹ có thể cảm thấy buồn bã, dễ cáu gắt, mất ngủ, mất niềm vui sống, thậm chí có ý nghĩ làm hại bản thân hoặc con mình.
Theo nghiên cứu trên hơn 12.000 phụ nữ được công bố bởi BMC Psychiatry (tạp chí khoa học mở, được đánh giá bởi các chuyên gia, chuyên về lĩnh vực tâm thần học, tập trung vào các lĩnh vực như rối loạn sức khỏe tâm thần, can thiệp lâm sàng và nghiên cứu tâm lý xã hội), khoảng 10,2% phụ nữ xuất hiện dấu hiệu trầm cảm sau sinh được phát hiện qua thang đánh giá Trầm cảm sau sinh Edinburgh (EPDS) tại thời điểm 2 tháng sau sinh. Nghiên cứu khác tại Lebanon cũng chỉ ra tỷ lệ lên tới 12,8%.
Đáng nói, những phụ nữ có tiền sử rối loạn trầm cảm, sinh non, sinh con ngoài ý muốn, hoặc không có ý định nuôi con bằng sữa mẹ là những nhóm nguy cơ cao hơn.
Ở Việt Nam, hình ảnh người mẹ thường bị lý tưởng hóa một cách cực đoan. Phụ nữ sau sinh không chỉ “vượt cạn” mà còn phải vượt mọi định kiến, từ chuyện chăm con, giữ gìn hình thể, đến phục vụ gia đình nội ngoại.
Trong khi đó, mạng xã hội lại vô tình trở thành nơi lý tưởng hóa hình ảnh “mẹ bỉm sữa hoàn hảo”: xinh đẹp, con bụ bẫm, nhà cửa gọn gàng. Điều này khiến nhiều bà mẹ thực tế rơi vào cảm giác tự ti, thất bại, và không đủ tốt.
Không chỉ mẹ, người cha cũng có thể trầm cảm sau sinh – đó là điều ít người biết. Các nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng 10% đàn ông có dấu hiệu trầm cảm sau khi vợ sinh con, chủ yếu vì áp lực tài chính, thay đổi vai trò trong gia đình, thiếu ngủ và khủng hoảng tâm lý.
Tại nhiều quốc gia phát triển, phụ nữ sau sinh được sàng lọc trầm cảm định kỳ, có tư vấn tâm lý, nhóm hỗ trợ, đường dây nóng… Nhưng tại nhiều quốc gia khác, hệ thống hỗ trợ bài bản cho mẹ sau sinh gần như vắng bóng. Tất cả gần như đặt lên vai người mẹ, trong khi điều họ cần nhiều nhất đôi khi chỉ là một cái ôm, một câu hỏi giản đơn: “Em ổn không?”.
Không ít vụ việc thương tâm xảy ra, khi người mẹ trong cơn khủng hoảng đã tổn hại bản thân hoặc con mình. Dư luận bàng hoàng, nhưng rồi nhanh chóng lãng quên.
Thực tế, trầm cảm sau sinh hoàn toàn có thể điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm: bằng tâm lý trị liệu, dùng thuốc (khi cần) và đặc biệt là sự thấu hiểu và đồng hành của người thân.
Đã đến lúc cần thay đổi cách nhìn nhận. Trầm cảm sau sinh không phải yếu đuối, không phải “ở nhà chăm con mà than”. Đó là một bệnh lý tâm thần, cần được hỗ trợ đúng cách.
Bởi một đứa trẻ khỏe mạnh cần một người mẹ khỏe mạnh. Và một người mẹ khỏe mạnh, cần một gia đình, một cộng đồng không chỉ yêu thương – mà còn hiểu và đồng hành cùng cô ấy trên hành trình làm mẹ.