Sống thiện mỗi ngày thì phúc sẽ tới

QUỲNH AN
Chia sẻ

Đối với người Việt, đi lễ chùa, du xuân đầu năm là nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh để khởi đầu một năm mới trong không khí vui tươi phấn khởi. Nhưng du xuân vui tươi, an toàn, văn minh mới là cái đích mà ai cũng cần hướng đến.

Tránh “thực dụng hóa” lời mong cầu

Trao đổi với Báo Phụ nữ Thủ đô, Đại đức Thích Hải An, Trụ trì chùa Nổ (TX Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) cho biết, đi chùa đầu năm là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta. Tuy nhiên, bên cạnh những người đến chùa với đúng nghĩa lễ Phật, học Chánh pháp, hành thiện tích đức thì cũng không ít người đến chốn cửa thiền làm những điều trái giáo lý nhà Phật, ngược với thuần phong mỹ tục.

Đi lễ chùa đầu năm, có thể bắt gặp không ít cảnh nhốn nháo xô bồ, chặt chém từng bó nhang, nhành hoa, vật phẩm dâng lễ, tranh cướp hoa quả, hứng nước trong hang hay nhét tiền lẻ, xoa tay vào tượng Phật... Nhiều nơi, khói hương, vàng mã nghi ngút, rác vương vãi tại khu di tích. Nhiều đền chùa, nơi thờ tự trở nên quá tải bởi lượng người đến vãn cảnh, thắp hương, cầu tài cầu lộc vào đầu xuân tăng đột biến. Những bãi giữ xe chật ních, nhiều nơi tự ý tăng phí giữ xe vô tội vạ... Một số người đi lễ chùa có quan niệm cho rằng, phải dâng lễ đầy thì Phật mới thương.

Thượng tọa Thích Thanh Huân, Phó Văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Pháp Vân cho rằng, trong giáo lý của Phật giáo không dạy con người tham lam, vậy nên nếu đến cầu tài lộc, thăng quan tiến chức tại chùa là không đúng. Đến chùa chỉ chủ yếu cầu bình an. “Việc cầu xin vốn là nét đẹp văn hóa thể hiện khát vọng của con người trong năm mới. Tuy nhiên, việc cầu xin của số đông hiện nay mới chỉ giới hạn ở phạm vi cá nhân, gia đình mà chưa mở rộng ra cộng đồng, xã hội, thể hiện sự từ bi của đạo Phật. Những gì cầu mong cho bản thân thì cũng nên cầu mong cho gia đình, xã hội. Cầu mong an lành cho số đông mọi người thoát khỏi mọi khổ nạn, trải tình thương đến muôn loài, đến với mọi người. Cầu mong vốn là tốt nên hướng sự yêu thương đến nhiều người hơn, tránh thực dụng hóa” - Thượng tọa Thích Thanh Huân cho biết.

Sống thiện mỗi ngày thì phúc sẽ tới - 1

Ảnh minh họa

Du Xuân, lễ chùa đầu năm sao cho đúng?

Theo Đại đức Thích Hải An, chùa chiền là chốn trang nghiêm, thanh tịnh. Vì vậy khi đến chùa, người đi lễ Phật, du xuân nên chọn trang phục lịch sự, kín đáo nhằm thể hiện sự tôn trọng của mình đối với các bậc thánh thần. Đến dâng hương tại các chùa chỉ được sắm các lễ chay gồm: Hương, hoa tươi, quả chín, oản phẩm, xôi chè… không nên sắm sửa lễ mặn chư cỗ tam sinh (trâu, dê, lợn), thịt mồi, gà, giò, chả… Người đi lễ không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật tại chùa, nếu có lễ này thì chỉ đặt ở bàn thờ thần linh, Thánh Mẫu hay ở bàn thờ Đức Ông. Tiền giấy âm phủ hay hàng mã kiêng đặt ở ban thờ Phật, Bồ Tát. Tiền thật cũng không nên đặt trên hương án của chính điện mà nên bỏ vào hòm công đức.

Đối với các ngôi chùa có cửa tam quan (3 cửa xếp cạnh nhau, với ô cửa lớn nhất ở giữa) thì chúng ta nên bước vào qua cửa Giả Quan (tức cửa bên phải), Cửa Trung Quan (cửa giữa) chỉ dành cho các bậc cao tăng, khoa bảng. Thiên tứ, người bình thường nên tránh bước qua cửa này. Sau khi bước qua cửa chùa, chúng ta nên hành lễ theo thứ tự từ gian bên trái của chùa trước tiên, sau đó đến các gian ở giữa rồi đến gian bên phải, đúng một vòng chùa. Thứ tự này tượng trưng cho đạo lý thuận lẽ tự nhiên (chiều kim đồng hồ) trong Phật giáo.

“Trong khi hành lễ, thắp hương, chúng ta cần lưu ý không đứng ngay chính điện, ngay trước tượng Phật hoặc Tam bảo mà nên đứng chếch sang một bên. Việc này cũng thể hiện sự tôn kính của một người hành lễ đối với Phật tổ và các vị thánh thần. Khi vào chùa, lễ bái tốt nhất là lễ ba ngôi Phật, Pháp, Tăng, do đó người đi lễ nên quỳ xuống, năm vóc gieo đất (trán, hai khuỷu tay, 2 đầu gối sát xuống đất) và cầu khấn mong ước trong tâm trí. Sau khi khấn xong thì lạy 3 lạy” - Đại đức Thích Hải An nói.

Đại đức Thích Hải An hướng dẫn: Khi vào chùa lễ Phật, mọi người nên để tâm mình an nhiên, thảnh thơi, không nên mang quá nhiều mưu cầu về công danh và tài lộc. Riêng suy nghĩ đến chùa cúng nhiều đồ lễ để đức Phật phù hộ là sai, không đúng với giáo lý nhà Phật.

Sống thiện mỗi ngày thì phúc sẽ tới - 2

Ảnh minh họa

Quan trọng hơn, Phật giáo luôn đề cao từ tâm của người học, nên không chỉ khi đến hành lễ trong chùa mà ngay cả trong cuộc sống thường ngày, chúng ta cũng cần phải thực hành nó trong tư tưởng, suy nghĩ. Cuối cùng, sau khi hành lễ, chúng ta cần lưu ý, bỏ tiền và lễ vật tại khu vực hòm công đức (tiền bỏ vào trong hòm). Cần tránh bỏ tiền tại hương án ở chính diện khiến cho cảnh quan trong chùa trở nên bừa bộn và dung tục.

Đại đức Thích Hải An cho biết, nếu chúng ta chỉ cầu phúc, cầu lộc, cầu cuộc sống gia đình êm ấm thuận hòa khi đi chùa mà lại không áp dụng đạo lý khi sống hằng ngày thì dù nỗ lực đến mấy cũng khó đạt được kết quả tốt đẹp. Đạo Phật dạy, trong cuộc sống hằng ngày, những ứng xử và thực hành hằng ngày mới là điều làm nên cuộc sống tốt đẹp hơn. Con cái nên lấy đạo hiếu làm đầu, vì cha mẹ là hai vị Phật lớn nhất trong gia đình. Trong Kinh Nhẫn nhục, Đức Phật đã dạy: “Cùng tột điều thiện không gì hơn hiếu/ Cùng tột điều ác không gì hơn bất hiếu”.

Đối với vợ chồng, muốn hạnh phúc thì nhất định phải biết nhẫn nhịn, bao dung, phải để ý lời ăn tiếng nói hằng ngày, tránh làm tổn thương nhau. “Tu trăm năm mới chung một chuyến thuyền, tu nghìn năm mới nên duyên vợ chồng? Đó là câu nói dân gian về duyên phận nhân sinh, gặp nhau bởi chữ duyên, gắn kết đời bởi chữ nợ, trân quý cơ duyên này cũng chính là trân quý bản thân mình vậy. Mối quan hệ vợ chồng chính là loại quan hệ sâu sắc nhất trong tất cả các loại duyên phận, con người nên trân trọng. Còn đối với những người xung quanh, một trong những điều đức Phật dạy là sự tôn trọng với mọi người, cũng như lời đức Phật căn dặn: “Cung kính đối với người là sự trang nghiêm cho chính mình”.

Nếu muốn quả ngọt, chúng ta nên gieo nhân lành, nếu muốn phước đức rộng lớn, chúng ta nên trồng cây phước đức hàng ngày, hàng giờ, hàng phút, hàng giây. Mỗi ngày, chúng ta lánh dữ làm lành, thực hành ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc… theo chánh pháp, mở rộng lòng từ bi, bao dung, hỉ xả đối với tất cả mọi người. Học cách sống buông bỏ hết những muộn phiền, sầu não hằng ngày, để tìm lại cái chân tâm an lạc ban đầu. Khi chúng ta học tập và thực hành theo đúng chánh pháp thì tài lộc tự nhiên ắt sẽ có, hoa an vui nở rộ trong tâm mình mà dù có đi cầu khấn ở đâu cũng không thể có được” - Đại đức Thích Hải An khẳng định.

Còn theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, người dân cần phân biệt khái niệm đi lễ đầu năm và du xuân đầu năm. Nếu đi lễ thì nặng về tâm linh, còn du xuân thì vãn cảnh là chính. Người đi lễ có thể đến các chùa chiền gần nhà, không cần phải chùa lớn bởi Phật ở đâu cũng là Phật và không nhất thiết phải đi vào đầu năm để chen chúc nhau, dẫn đến tình trạng hỗn loạn, đông đúc. Nếu là du xuân, người du xuân có thể đi vào nhiều ngày khác trong tháng Giêng, có thể đi theo cộng đồng, nhóm gia đình, cơ quan, đến những nơi chưa từng đến, nơi có phong cảnh hữu tình.

Khi đi du xuân, chúng ta cần tỉnh táo để tránh bị “lừa” bởi các thầy bói “dởm” ngồi tại các đình chùa, nơi tham quan di tích. Họ là những người biết nắm bắt tâm lý người khác, nói những điều chung chung “khó” kiểm chứng nhưng lại khiến nhiều người giật mình. Có người vì tin mà bỏ ra mấy chục triệu đồng để lập khóa lễ, có bà vợ “say đắm” vào bói toán, nghe lời thầy bói trốn chồng đi cắt sao giải hạn dẫn đến vợ chồng mâu thuẫn nhau suốt cả mấy tháng đầu năm. “Chúng ta không nên đặt nặng việc cầu xin đầu năm, bởi nếu “xin” được thì chẳng ai phải làm gì cũng có lộc, có tài, có phúc đức cả. Việc may mắn được các “ngài” phù hộ là yếu tố tâm lý.

“Mọi người hãy dành thời gian cho nhau trong những ngày đầu năm mới, cùng nhau tổ chức các buổi sum họp gia đình để gắn kết hạnh phúc. Gia đình êm ấm, hạnh phúc thì tất thảy công việc, sự nghiệp cũng từ đó hanh thông” – chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho biết.

Chia sẻ

QUỲNH AN

Tin cùng chuyên mục

Dành cả cuộc đời cho cuộc chiến chống bệnh truyền nhiễm

Dành cả cuộc đời cho cuộc chiến chống bệnh truyền nhiễm

Tiến sĩ Firdausi Qadri - nhà khoa học người Bangladesh đã dành cả cuộc đời mình cho cuộc chiến chống lại bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là những căn bệnh đang hoành hành ở các quốc gia đang phát triển. Sự cống hiến không mệt mỏi của bà đã được ghi nhận bằng Giải thưởng VinFuture 2024 danh giá - một minh chứng cho những nỗ lực phi thường và tác động sâu sắc mà bà mang lại cho cộng...

Tìm sự bình an, thanh thản trong tâm hồn

Tìm sự bình an, thanh thản trong tâm hồn

Với người Việt, đi lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa tâm linh, mang đậm bản sắc dân tộc. Người dân đi lễ không chỉ cầu nguyện điều may mắn, bình an cho bản thân, gia đình trong năm mới, mà còn là dịp để thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh tại chốn linh thiêng trong tiết xuân.