Nền tảng xây dựng gia đình hạnh phúc

Bài và ảnh: Trâm Anh
Chia sẻ

Bình đẳng giới là việc nam, nữ có quyền, nghĩa vụ và cơ hội được hưởng thụ lợi ích như nhau trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Từ trong chính gia đình, nếu mỗi thành viên cùng chia sẻ công việc nhà và chăm sóc con cái sẽ là sự cần thiết để tạo ra một gia đình hạnh phúc, nơi mọi thành viên đều có thể phát triển và sống một cách cân bằng, góp phần xây dựng xã hội phát triển bền vững.

Việc nhà chính là việc của mình

Áp lực công việc, chi tiêu cho gia đình hàng ngày, chuyện học hành và giáo dục con cái… từng chỉ dồn hết lên vai người vợ. Nhưng giờ đây, nhiều nam giới đã ý thức rõ về vai trò của mình trong gia đình. Gia đình anh Đồng Ngọc Hùng - Chủ tịch công đoàn Trường THPT Cổ Loa (huyện Đông Anh) vinh dự là một trong 100 gia đình công nhân viên chức, người lao động Thủ đô tiêu biểu được Liên đoàn Lao động TP Hà Nội biểu dương. Ở cơ quan, anh Hùng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Huyện ủy Đông Anh tặng Giấy khen, LĐLĐ TP tặng Bằng khen… Mặc dù công việc chuyên môn bận rộn nhưng xác định vai trò của người chồng, người cha trong gia đình, khi về nhà, anh Hùng dành thời gian quan tâm, chia sẻ với vợ trong việc xây dựng, tổ chức cuộc sống gia đình. Anh Hùng cho biết “Có xắn tay vào làm, chủ động san sẻ việc nhà cùng vợ con, tôi mới thấu hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống gia đình. Với quan niệm tích cực trong việc tổ chức cuộc sống nên gia đình tôi luôn sống trong không khí vui vẻ, hòa thuận, đầm ấm, hạnh phúc. Vợ chồng tôi có 2 con và đến nay các cháu đều đã trưởng thành”.

Nền tảng xây dựng gia đình hạnh phúc - 1

Hai vợ chồng anh Phúc - chị Kim Anh luôn sát cánh bên nhau.

Để có được niềm vui và hạnh phúc với cuộc hôn nhân hơn 20 năm như hiện nay, anh Hoàng Tấn Phúc (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) - một trong các gia đình được quận Long Biên biểu dương thực hiện tốt chính sách dân số có 2 con gái chăm ngoan học giỏi chia sẻ rằng, “không nên phân biệt cháu trai, cháu gái. Sinh được con là diễm phúc, nuôi con khỏe, ngoan, thành đạt là hạnh phúc không còn gì hơn”. Quả thật, gia đình anh Phúc - chị Kim Anh luôn tràn ngập niềm vui, tiếng cười từ những “trái ngọt” là hai cô con gái học rất giỏi của anh chị. Còn với riêng anh Phúc, chị Kim Anh – vợ anh kể rằng, anh là con trai trưởng của dòng họ. “Nhưng khi vợ sinh con thứ hai là gái, anh không những không nặng nề về tư tưởng mà còn động viên chị sinh được con là may mắn, kén chọn đi lựa giới tính con làm gì. Quan trọng là mình sinh con ra, chăm sóc được cho con đầy đủ, dạy con học hành nên người”. Thường ngày, anh phụ giúp vợ và thường xuyên cùng vợ vào bếp nấu ăn. Anh Phúc đặc biệt yêu quý 2 cô con gái của mình, đi ra ngoài thấy có đồ gì đẹp, anh nghĩ ngay tới con gái và 2 con gái cũng hay tâm sự, chia sẻ với bố như người bạn để được “bố tư vấn” (như cách nói của các cô bé). Bây giờ, anh Phúc luôn tự hào với anh em nội ngoại và bạn bè về 2 công chúa nhà mình. Nhờ có hai con gái ngoan và học giỏi nên nhiều năm liền, gia đình anh, chị đều được nhận Giấy khen gia đình hiếu học và gia đình văn hóa tiêu biểu của phường, Quận. Cũng nhờ có hai cô con gái giờ đã lớn lại biết chăm lo việc gia đình giúp bố, mẹ nên vợ chồng anh có thêm nhiều thời gian dành cho nhau trong các chuyến du lịch xa, tình cảm vợ chồng ngày càng thêm gắn bó.

Thấu hiểu để cùng hạnh phúc

3 thế hệ với 12 thành viên chung sống dưới một mái nhà, công việc và lối sống riêng của mỗi người đều có những cái khác nhau nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Vinh Quy (Tổ dân phố số 7, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) luôn hòa thuận, gắn kết. Chia sẻ về bí quyết vun đắp tổ ấm lớn hạnh phúc, bà Nguyễn Thị Vinh Quy cho biết, phương châm ứng xử của các thành viên trong gia đình là tôn trọng, yêu thương bình đẳng và sẵn sàng sẻ chia. Khoảng cách thế hệ là điều không hề dễ dàng để có thể duy trì được hạnh phúc, hòa khí và thấu hiểu lẫn nhau. Muốn vậy, mỗi người đều phải vừa nghĩ đến hạnh phúc cá nhân, vừa nghĩ đến những người xung quanh. Con cháu luôn tôn trọng và tạo điều kiện để ông, bà “sống vui - sống khỏe - sống có ích”, không hề trói buộc vào việc nhà. Ngược lại, ông bà cũng rất hiểu các con đi làm rất vất vả, chịu không ít áp lực từ cuộc sống rồi công việc, nên luôn luôn có cách để động viên, trợ giúp con khi cần thiết và lắng nghe những điều các con góp ý cho mình, giúp các con bớt đi những lo toan đang đè nặng.

Nền tảng xây dựng gia đình hạnh phúc - 2

Vợ chồng chị Hương Giang và 2 con trai.

Còn với chị Nguyễn Hương Giang, một thợ handmade thì kể rằng, sau 4 năm nay, những bữa cơm gia đình đầy đủ thành viên mới hiện diện mỗi ngày trong gia đình chị, sau những biến cố lớn về kinh tế và kéo theo sau đó là rất nhiều những khó khăn phát sinh. “Vợ chồng mình sấp ngửa với việc kiếm tiền trả nợ, mở mắt ra mỗi ngày đều là câu hỏi làm gì để có tiền, gánh nặng kinh tế đè lên vai và rồi bắt đầu thiếu dần những bữa cơm bên các con. Nghĩ tới những tháng ngày cứ nhìn hai con thì mình lại lén khóc vì mong muốn mang lại những điều tốt nhất cho con lúc đó quá khó thực hiện”.

Cuộc sống đánh đổi thời gian và sức khoẻ để kiếm tiền đỉnh điểm kéo dài trong hai năm khiến anh chị rệu rã về sức khoẻ, về tinh thần, con cái cũng đã tới tuổi dậy thì. “Rồi chợt mình nhận ra nếu cứ như thế này rồi cuộc sống tiếp theo có ổn không. Những bữa cơm thưa thớt, những điều không vui vì áp lực bủa vây, có những hôm dọn mâm đủ cả nhà nhưng bữa ăn không mấy vui vẻ. Thật may là hai vợ chồng mình đã cùng ngồi lại với nhau để sắp xếp lại cuộc sống, để dung hoà mọi thứ”. Họ nhận ra, cần phải chấp nhận bỏ đi một vài mục tiêu để nhẹ gánh và có thời gian cho con cái, gia đình. Chị Giang thấy thật sự may mắn vì đã kịp nhận ra trước khi mọi thứ tệ hơn. “Bây giờ thì gia đình được quây quần đầy đủ các thành viên trong các bữa ăn, bố mẹ đồng hành được cùng con trong những giai đoạn quan trọng. Những bữa ăn được chuẩn bị cùng nhau mỗi người mỗi việc, tiếng cười đùa nhiều hơn, cả nhà gần gũi nhau hơn và hạnh phúc hơn. Đúng là cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, sẽ vẫn còn khó khăn, vất vả, nhưng càng trong hoàn cảnh đó, mình càng cần phải nhận ra điều gì quan trọng trong cuộc đời mình”, chị nói.

Chia sẻ

Bài và ảnh: Trâm Anh

Tin cùng chuyên mục

Bảo vệ giá trị văn hóa làng xã ở Thủ đô

Bảo vệ giá trị văn hóa làng xã ở Thủ đô

Làng Việt cổ truyền là một tế bào xã hội của người Việt. Mỗi ngôi làng đều có một truyền thống văn hóa riêng cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên, làng truyền thống ở Thủ đô hiện nay đang biến dạng trước những tác động của kinh tế, xã hội và của quá trình đô thị hóa khốc liệt. Bảo tồn các di sản văn hóa của làng Việt truyền thống trong bối cảnh xã hội...