Khi con sinh ra, người mẹ này vô cùng hối hận vì thói quen ăn uống không khoa học của mình.
Trái cây, thực phẩm được xem là bổ dưỡng cho sức khỏe mẹ bầu, có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu sử dụng không đúng cách. Câu chuyện dưới đây là lời cảnh tỉnh sâu sắc dành cho bất cứ ai đang hoặc sắp bước vào hành trình làm mẹ.
Cái kết không vui sau những ngày “ăn trái cây thay cơm”
Một sản phụ ở Trung Quốc chia sẻ rằng, trong suốt thai kỳ, chị gần như “sống nhờ” trái cây: sầu riêng ăn buổi chiều, cherry mua theo thùng, táo, chuối, cam, dâu tây, dưa hấu... không loại nào thiếu. "Chỉ tính riêng tiền trái cây, chắc cũng hơn 30 triệu nhân dân tệ (hơn 100 triệu đồng) rồi!", chị kể.
Vì ít vận động, cân nặng của chị tăng vọt từ 49kg lên hơn 70kg. Nguy hiểm hơn, chị còn bị chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ và phải theo dõi sát sao. Khi đến lúc sinh, do thai nhi quá lớn, bác sĩ chỉ định mổ. Em bé chào đời nặng 4,4kg, toàn thân đỏ rực, phù nề như tôm luộc, lập tức được chuyển đến khoa sơ sinh. Kết quả xét nghiệm: bé mắc tiểu đường bẩm sinh. Người mẹ chỉ biết ôm mặt khóc, hối hận không kịp.
Một y tá trực hôm đó thở dài: "Đây là ca thứ ba trong tháng này nhập viện vì mẹ bầu ăn quá nhiều trái cây nhiều đường". Theo Bệnh viện Phụ sản trực thuộc Đại học Y Chiết Giang, tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ đã tăng từ 5% lên đến 17% trong vài năm trở lại đây. Gần 60% trong số đó là do lạm dụng trái cây.
Nguy hiểm nằm ở chỗ trái cây chứa lượng đường tự nhiên cao (fructose), nhưng nếu ăn quá nhiều, đặc biệt là trong thời kỳ insulin nhạy cảm giảm sút do thay đổi hormone thai kỳ, sẽ dễ làm đường huyết tăng vọt, đẩy mẹ và bé vào vòng xoáy biến chứng.
Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng rối loạn chuyển hóa đường huyết lần đầu tiên được phát hiện trong thai kỳ, thường xảy ra từ tuần thứ 24 - 28. Nguyên nhân chính là do sự thay đổi hormone trong thai kỳ làm giảm độ nhạy của insulin, khiến đường huyết tăng cao.
Dù thường không có triệu chứng rõ rệt, nhưng nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời, đái tháo đường thai kỳ có thể gây ra hàng loạt biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi như nguy cơ bị dị tật bẩm sinh, vàng da, suy hô hấp; tăng nguy cơ tiền sản giật, đa ối, băng huyết sau sinh; người mẹ có nguy cơ cao mắc đái tháo đường type 2 trong vòng 5 - 10 năm sau sinh...
4 "vùng cấm" mẹ bầu cần tránh khi ăn trái cây
- Dùng trái cây thay bữa chính: Trái cây không cung cấp đủ đạm và chất béo thiết yếu. Ăn thay cơm có thể khiến cơ thể thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng.
- Sùng bái trái cây ngoại đắt tiền: Sầu riêng, cherry tuy “chanh sả” nhưng chứa lượng đường cực cao.
- Bỏ qua chỉ số đường huyết (GI): Mít, nhãn, dưa hấu có GI cao, dễ làm đường huyết tăng nhanh. Ưu tiên các loại GI thấp như táo, bưởi, bơ, lê.
- Ăn ngay sau bữa chính: Sau ăn, đường huyết đã cao, ăn thêm trái cây khiến đường máu càng tăng nhanh. Tốt nhất nên ăn giữa hai bữa chính (khoảng 10h sáng hoặc 3h chiều).
Bà bầu ăn hoa quả không đúng cách sẽ gây ảnh hưởng cho bản thân và thai nhi.
Theo các bác sĩ, những bà mẹ mang thai nên ăn đa dạng màu sắc trái cây như đỏ, xanh, vàng, tím, trắng, giúp bổ sung nhiều loại vitamin, chất chống oxy hóa. Tổng lượng trái cây mỗi ngày không vượt quá 2 nắm tay. Mỗi lần ăn tối đa 1 nắm tay.
Bà bầu cũng cần tránh xa mứt, trái cây sấy có thêm đường, chúng chứa đường cao gấp 3–5 lần trái cây tươi. Ngoài ra, có thể cắt nhỏ, chia thành hộp riêng để kiểm soát lượng. Có thể làm đá trái cây từ sữa chua và việt quất để “giải thèm” mà không quá tay.
Mang thai không phải là bệnh, nhưng cũng không thể "tự do tuyệt đối". Trái cây là người bạn tốt, nhưng nếu lạm dụng sẽ trở thành "kẻ phản bội ngọt ngào". Nếu bạn đang hoặc chuẩn bị mang thai, hãy bắt đầu thay đổi từ hôm nay: ăn trái cây khoa học, ăn cho hai người, chứ không phải gấp đôi!
Xem thêm video:
Mẹ bầu nên ăn gì trong 3 tháng đầu thai kỳ. (Nguồn video: Sức khỏe và đời sống)