Hình ảnh Bác luôn sáng mãi

Chi Mai
Chia sẻ

Với người trẻ, mặc dù chỉ biết Bác qua các bộ phim tư liệu, bài hát, phương tiện truyền thông, hay qua lời kể của ông bà… thế nhưng họ luôn dành một tình cảm đặc biệt kính trọng đối với Bác.

Cách người trẻ yêu Bác

Năng động và rất sáng tạo, nên Gen Z có rất nhiều cách thể hiện lòng kính trọng và yêu thương tới vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc. Nguyễn Văn Cường (sinh năm 2005, sống tại tỉnh Bắc Ninh) là một TikToker nổi tiếng, được đông đảo giới trẻ biết đến với những video triệu lượt xem quay lại quá trình vẽ các bức tranh từ chữ viết. Một trong những bức tranh nổi tiếng được cậu vẽ là về Bác Hồ. Theo đó, cậu vẽ 3 bức tranh về Bác bằng 3 “chất liệu” đặc biệt: Bức tranh thứ nhất bằng cách ghép nhiều chữ “Bác”, bức thứ hai ghép từ nhiều chữ “Việt Nam” và bức thứ ba được ghép bằng tên 63 tỉnh thành của Việt Nam. Thành quả ấy không chỉ được cộng đồng mạng hết sức hưởng ứng và yêu thích, mà các bức tranh còn được đặt ở vị trí trang trọng trong nhà Cường và “không bán bằng bất cứ giá nào”, để thể hiện tình yêu vô vàn của gia đình với Bác Hồ kính yêu.

Vẽ chân dung Bác Hồ vốn đã khó, chọn “chất liệu” đặc biệt như Cường càng khó hơn, vì phải toát lên được thần thái của Bác. Cường cho biết, mỗi bức tranh phải mất 3-4 tiếng dựng hình bằng các ô vuông, sau đó là đánh bóng và tạo nét bằng cách viết chữ lên. Vẽ vùng nhạt thì Cường phải sử dụng bút chì 2B, còn vùng đậm thì phải sử dụng bút chì 6B - 8B. Càng vẽ càng thêm yêu và kính trọng Bác, nên Cường rất chú tâm, vẽ rất tỉ mỉ, cẩn thận và tập trung cao độ. “Có khi đang vẽ dở mà đến giờ ăn cơm mình cũng quên luôn. Muốn tập trung để hoàn thiện bức tranh một cách ưng ý nhất", Cường cho hay.

Hình ảnh Bác luôn sáng mãi - 1

Bác Hồ với thiếu nhi - ảnh phục chế bởi Viên Hồng Quang.

Có một thời gian, một thước phim tài liệu được phục chế từ đen trắng thành có màu, nội dung về Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn ngày 5/6/1964 với phóng viên thuộc Văn phòng phát thanh truyền hình Pháp (ORTF) đã làm “dậy sóng” cộng đồng mạng... Người xem đều thể hiện sự xúc động khi nhìn thấy hình ảnh Bác rất chân thật, gần gũi và sống động. Đặc biệt, với giới trẻ, nhìn thấy Bác qua thước phim mang màu sắc hiện đại, rõ nét lại càng trào dâng thêm lòng kính yêu.

Người phục chế lại những thước phim quý giá ấy cũng là một người trẻ và rất đam mê những câu chuyện về Bác Hồ, về lịch sử Việt Nam. Anh là Viên Hồng Quang - chàng trai 9X cựu sinh viên khoa Công nghệ Thông tin thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Là một biên tập viên video làm việc tự do, vài năm nay, Quang dành nhiều thời gian cho đam mê phục chế tư liệu hình ảnh. Anh phục chế màu, nâng cao chất lượng hình ảnh bằng phương pháp thủ công và sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, làm phụ đề tiếng Việt cho nhiều tư liệu lịch sử, sau đó chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Ngoài video về Bác Hồ mà Quang từng phục chế đã có đến hàng trăm lượt chia sẻ, có nơi đạt tới 18 triệu lượt xem, anh còn làm video cho bài hát “Em được nghe chuyện Bác Hồ” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Quang ghép nhiều thước phim về Bác khi Bác ở An toàn khu tại Định Hóa, Thái Nguyên năm 1954 để làm thành video này. Với lòng kính trọng, cảm phục và yêu mến, Quang có ý tưởng ghép hiệu ứng âm thanh rừng núi, tiếng giấy tờ loạt xoạt hay từng tiếng gõ máy đánh chữ... để tạo cảm giác chân thực cho video. Bên cạnh phim tài liệu về Bác Hồ, Quang mang đến những hình ảnh sống động, chân thực và sắc nét hơn về các nhân vật lịch sử như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình, Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng, chủ tịch đầu tiên của Hà Nội - bác sĩ Trần Duy Hưng... Anh chia sẻ quan điểm, đây là những tấm gương mình muốn mọi người biết đến, góp một phần nhỏ giúp thế hệ trẻ biết thêm về lịch sử nước nhà.

Nuôi dưỡng lòng kính yêu Bác Hồ

Năm nay mới hơn 2 tuổi, nhưng An Khánh (trú tại phường Yết Kiêu, quận Hà Đông) khiến các cô chú, ông bà xung quanh nhà mình ngỡ ngàng, thích thú vì cậu bé có niềm yêu thích đặc biệt với hình ảnh và những câu chuyện về Bác Hồ.

“Hôm 7/5, khi xem cầu truyền hình trực tiếp lễ duyệt binh kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, lúc thấy hình ảnh Bác Hồ, cháu reo lên sung sướng: “Bác Hồ kìa, Bác Hồ kìa!”. Dù biết cháu còn rất ngây thơ, có thể vẫn còn mơ hồ về Bác, chưa hiểu hết những gì bố mẹ kể, nhưng chúng tôi vẫn thấy xúc động”, chị Hồng Vân, mẹ của An Khánh cho biết.

Hình ảnh Bác luôn sáng mãi - 2

Các bé học sinh mầm non hăng say, chăm chú vẽ về Bác.    Ảnh: NVCC

Vợ chồng chị Vân thường đọc cho con nghe những mẩu chuyện nhỏ về Bác Hồ từ khi con còn bé. “Việc đọc sách cho con giúp con tăng khả năng tập trung, sáng tạo. Lựa chọn những câu chuyện về Bác Hồ để kể cho con là vì chúng tôi thấy những mẩu chuyện này rất dễ hiểu, ngôn ngữ đơn giản. Mỗi khi đọc cho con, bản thân chúng tôi cũng thấy hình ảnh Bác luôn hiện hữu trong tâm trí mình”, chị Vân cho hay. Ngoài kể chuyện, chị Vân cũng hay hát cho con các bài hát về Bác Hồ với thiếu nhi như: Bác Hồ người cho em tất cả, Em mơ gặp Bác Hồ, Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng…

Năm nào cũng thế, cứ vào những ngày tháng 5 lịch sử, trong không khí kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, gia đình chị Phương Mai (trú tại phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) lại cùng nhau trở về Khu di tích lịch sử K9 - Đá Chông (thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì (Hà Nội) - nơi in dấu chân của Bác Hồ kính yêu và là nơi từng ru giấc ngủ ngàn thu của Người… Chị Mai chia sẻ: “Đến với K9 - Đá Chông, chúng tôi không chỉ thăm cảnh quan khu di tích mà còn được hiểu thêm phần nào về Bác - Người vĩ đại mà hết sức giản dị. Tôi đưa các con đến dâng hương tưởng nhớ về Bác, để các cháu ghi nhớ công ơn to lớn mà Người đã cống hiến cho dân tộc và cũng để học tập lối sống khiêm nhường, tiết kiệm, ý chí kiên cường không quản ngại khó khăn của Bác Hồ”.

Cũng với mong muốn đưa hình ảnh Bác Hồ gần gũi, chân thực nhất đến với lớp lớp thiếu niên, nhi đồng anh Phan Văn Minh, Phó trưởng Phòng Tuyên truyền Bảo tàng Hồ Chí Minh trong suốt hơn 10 năm làm thuyết minh viên tại Bảo tàng đã nỗ lực chia sẻ về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ đến du khách, học sinh, sinh viên. Những câu chuyện không chỉ bảo đảm tính chính xác về thông tin mà còn chất chứa trong đó tình cảm, sự kính yêu chân thành với Bác.

Say mê với những hình ảnh, câu chuyện về Bác, anh luôn tranh thủ từng phút để học hỏi các đồng nghiệp đi trước, lên mạng đọc các câu chuyện về Bác, về lịch sử để rút ra những bài học, cách kể chuyện của riêng mình. Đặc biệt, với đối tượng là học sinh, theo anh, cách truyền đạt phải có sự hấp dẫn riêng. Mê mải với công việc “kể chuyện” về Bác Hồ đến các em học sinh, anh Minh còn cùng đồng nghiệp thực hiện công trình thanh niên bằng các chương trình giáo dục với chủ đề “Em yêu Bác Hồ”, “Bác Hồ với thiếu nhi”, “Bác Hồ với thanh niên”...

Mỗi người trẻ hôm nay, có thể tiếp cận về Bác Hồ theo những cách riêng, nhưng tựu chung lại là những bài học, tấm gương sáng ngời về đạo đức Hồ Chí Minh. Sâu sắc hơn ai hết, họ hiểu rằng chính Bác là người đã cho họ được sống trong hòa bình với sự đầy đủ, ấm no, là tấm gương trong học tập và rèn luyện để họ trở thành công dân tốt.

Chia sẻ

Chi Mai

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ Gia Lâm vận động thực hiện “ứng xử đẹp” tại các danh lam, di tích lịch sử

Phụ nữ Gia Lâm vận động thực hiện “ứng xử đẹp” tại các danh lam, di tích lịch sử

Năm 2022, Hội LHPN huyện Gia Lâm thực hiện điểm mô hình Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử kiểu mẫu với không gian thực hiện chính là khu di tích thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan tại xã Dương Xá. Chúng tôi xác định thực hiện thành công mô hình sẽ góp phần khẳng định vai trò của phụ nữ trong xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, thanh lịch, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu Hà Nội và khát vọng...

Từ phụ nữ nhập cư đến nghị sĩ Pháp

Từ phụ nữ nhập cư đến nghị sĩ Pháp

Là nữ nghị sĩ Pháp gốc Việt đầu tiên, bà Stéphanie Đỗ đã viết nên một câu chuyện đầy cảm hứng và kiên định: Không chỉ nỗ lực để thành công trên con đường chính trị của mình mà còn truyền cảm hứng tới nhiều phụ nữ khác để họ tự tin tiến bước trên con đường đã chọn.