Chung tay đẩy lùi bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em

Bài và ảnh: QUỲNH AN
Chia sẻ

Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, diễn đàn trẻ em…, xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả nhằm tăng cường quyền năng trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, hướng đến một không gian công cộng an toàn, thân thiện hơn cho phụ nữ và trẻ em gái.

Những địa chỉ an toàn, thân thiện cho phụ nữ, trẻ em gái

Phường Long Biên (quận Long Biên) có tốc độ đô thị hóa rất cao, kinh tế phát triển khá mạnh, đời sống văn hóa tinh thần và vật chất của nhân dân ngày càng được nâng cao. Đây cũng là phường có tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội đảm bảo; công tác trẻ em và phụ nữ luôn được quan tâm. Nhiều năm liền trên địa bàn phường không xảy ra các vụ việc nổi cộm về xâm hại, bạo hành phụ nữ và trẻ em. Chính vì vậy, phường Long Biên được Hội LHPN TP Hà Nội lựa chọn triển khai mô hình “Tổ dân phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em” năm 2024.

Mô hình “Tổ dân phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em” gồm các tiêu chí như: Cơ sở hạ tầng có đủ hệ thống chiếu sáng, không gian công cộng, sân chơi, nhà văn hoá… phù hợp với nhu cầu của phụ nữ và trẻ em; hệ thống an ninh, phòng cháy chữa cháy đảm bảo an toàn, các dịch vụ công như giáo dục, y tế, nước sạch… được đảm bảo; người dân đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau; cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp; có quy ước khu dân cư; nhiều năm liền không xảy ra bạo lực học đường, xâm hại phụ nữ trẻ em… Các cơ chế hỗ trợ, bảo vệ trẻ em được đảm bảo; các mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, CLB Phụ nữ và pháp luật… hoạt động hiệu quả…

Chung tay đẩy lùi bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em - 1

Hội LHPN Hà Nội truyền thông hưởng ứng ngày quốc tế trẻ em gái năm 2024.

Song song với việc triển khai mô hình “Tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em” tại khối quận (Long Biên và Hà Đông) năm 2024, Hội LHPN Hà Nội triển khai đồng thời mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ, trẻ em” tại khối huyện. Năm 2024, Hội LHPN TP Hà Nội đã triển khai ra mắt mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ, trẻ em” tại xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức và xã Nhị Khê, huyện Thường Tín. Mô hình có cơ cấu tổ chức gồm: Ban Chỉ đạo mô hình, tổ tư vấn chuyên sâu cho người bị bạo lực và người gây ra bạo lực tại cộng đồng và nhóm gia đình nòng cốt ở cộng đồng.

Tính từ năm 2020 đến nay, mô hình “Làng quê an toàn” được Hội LHPN TP Hà Nội triển khai tại 4 xã gồm: Xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên), xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ), xã Kim Hoa (huyện Mê Linh), xã Nghĩa Hương (huyện Quốc Oai) và nhân rộng mô hình tại 3 xã: Xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức), xã Hát Môn  (huyện Phúc Thọ), xã Nhị Khê (huyện Thường Tín). Mô hình “Tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em” được duy trì tại phường Tứ Liên (quận Tây Hồ), phường Phương Canh (quận Nam Từ Liêm) và nhân rộng mô hình tại phường Long Biên (quận Long Biên), phường Phú La (quận Hà Đông) với việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ, nam giới và cộng đồng tham gia chia sẻ các vấn đề hiện nay tại địa phương ảnh hưởng đến sự an toàn của phụ nữ và trẻ em; chăm sóc, giáo dục và bảo vệ con em trong gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ...; duy trì hoạt động nhóm tuyên truyền pháp luật, hoà giải mâu thuẫn; tăng cường sự phối hợp tham gia của các tổ chức đoàn thể địa phương để sẵn sàng xử lý kịp thời các vấn đề nổi cộm, mâu thuẫn xảy ra trên địa bàn…

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Lê Thị Thiên Hương: Các mô hình là sự thể hiện rõ nét trên thực tế về một môi trường sống an toàn, nơi phụ nữ và trẻ em được phát huy tối đa năng lực, khả năng sáng tạo, khả năng tiếp cận tới các không gian, địa điểm an toàn, không có bạo lực, xâm hại, tăng cường sự tự tin trong quá trình tham gia hoạt động tại địa phương nhằm thúc đẩy sự phát triển cộng đồng, xã hội. Huy động sự tham gia chủ động và cụ thể của nam giới vào quá trình triển khai hoạt động mô hình nhằm đảm bảo tính bền vững, thành công của mô hình.

Chung tay đẩy lùi bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em - 2

Các đại biểu khánh thành mô hình điểm “Tổ dân phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại Tổ dân phố số 7, phường Long Biên, quận Long Biên.     Ảnh: Phạm Công

Vì mục tiêu thực hiện bình đẳng giới

Bên cạnh đó, với chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã có nhiều hoạt động thực hiện bình đẳng giới và phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em như tuyên truyền kiến thức phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình cho cán bộ, hội viên phụ nữ; tuyên truyền giáo dục văn hóa ứng xử trong gia đình; trang bị kỹ năng xử lý tình huống, nhận diện những hành vi có nguy cơ và không an toàn đối với phụ nữ, trẻ em.

Thực hiện Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2026” năm 2024, Hội LHPN Hà Nội tổ chức 03 buổi tập huấn kiến thức, kĩ năng cho đội ngũ giáo viên, học sinh về giới tính, phòng, chống xâm hại, bạo lực học đường tại các trường học; 02 chương trình “Gia đình hạnh phúc, không bạo lực” tại quận Ba Đình, huyện Ứng Hòa; 02 chương trình truyền thông về di cư an toàn, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại – hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình tại Phú Xuyên và Quốc Oai; tổ chức 03 buổi tuyên truyền về phòng, chống xâm hại, bạo lực học đường cho học sinh thông qua phiên tòa giả định; 01 Hội thi “Tuyên truyền viên về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em”; 01 sự kiện truyền thông “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường, xây dựng trường học an toàn, thân thiện” tại trường THCS Cao Viên với sự tham gia của gần 2.000 học sinh.

Thành Hội và các cấp Hội đã thực hiện có hiệu quả Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề liên quan đến đến phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2017-2027 và Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022-2026”; phối hợp với Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam triển khai hiệu quả Dự án “Tự tin là chính mình” và mô hình “Thành phố an toàn, thân thiện đối với trẻ em gái” tại 12 đơn vị quận huyện. Mô hình là sự thể hiện rõ nét về một môi trường sống an toàn, nơi phụ nữ và trẻ em được phát huy tối đa năng lực, khả năng sáng tạo, khả năng tiếp cận tới các không gian, địa điểm an toàn, không có bạo lực, xâm hại, tăng cường sự tự tin trong quá trình tham gia hoạt động tại địa phương nhằm thúc đẩy sự phát triển cộng đồng, xã hội. Huy động sự tham gia chủ động và cụ thể của nam giới vào quá trình triển khai hoạt động mô hình nhằm đảm bảo tính bền vững, thành công của mô hình.

Các cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu quy định pháp luật về phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em”, “Tìm hiểu về dịch bệnh Covid-19 và tác động đến phụ nữ và trẻ em gái”, “Tìm hiểu pháp luật về đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình”, cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” với chủ đề “Chung tay vì môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái”, “Xây chắc nếp nhà”, cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của bạn”, cuộc thi “Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em qua hình thức video, clip”, cuộc thi “Nhà báo tương lai với thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em”... đã thu hút hàng ngàn cán bộ, hội viên, phụ nữ, các em học sinh, sinh viên, nhân dân trên địa bàn Thủ đô, các tỉnh/thành và nước ngoài tham gia, gửi đến thông điệp về bình đẳng giữa nam và nữ, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, hãy lên tiếng khi bị xâm hại, bạo lực…

Chia sẻ

Bài và ảnh: QUỲNH AN

Tin cùng chuyên mục

Bảo vệ giá trị văn hóa làng xã ở Thủ đô

Bảo vệ giá trị văn hóa làng xã ở Thủ đô

Làng Việt cổ truyền là một tế bào xã hội của người Việt. Mỗi ngôi làng đều có một truyền thống văn hóa riêng cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên, làng truyền thống ở Thủ đô hiện nay đang biến dạng trước những tác động của kinh tế, xã hội và của quá trình đô thị hóa khốc liệt. Bảo tồn các di sản văn hóa của làng Việt truyền thống trong bối cảnh xã hội...

Những tấm gương vượt lên số phận

Những tấm gương vượt lên số phận

Bằng ý chí và nghị lực phi thường, những người khuyết tật đã không chịu đầu hàng số phận, vượt lên mọi khó khăn, hoà nhập cộng đồng, trở thành những người có ích cho xã hội.

Tạo cơ hội để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Tạo cơ hội để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Người khuyết tật (NKT) là một trong các nhóm đối tượng yếu thế, được quan tâm trong những hoạt động của Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, giải pháp được chú trọng là tạo thêm nhiều cơ hội để NKT tự tin hòa nhập...