Áp lực làm “phụ nữ hoàn hảo”

Chi Mai
Chia sẻ

Một người phụ nữ được xã hội cho là hoàn hảo khi vừa có sự nghiệp thăng tiến, vừa có khả năng chăm sóc gia đình, chồng con. Tuy nhiên, theo thời gian, xã hội đánh giá lại vai trò giới và những tiêu chuẩn nêu trên trở thành kỳ vọng phi thực tế, thậm chí là áp lực không cần thiết đối với nhiều phụ nữ.

Những nỗi khổ tâm khi cố gồng gánh

Dậy sớm đi chợ - nấu ăn sáng - đưa con đi học - đi làm, chiều về đón con - nấu cơm - tắm gội cho con - giặt giũ rồi lại cắm đầu làm việc tới khuya… Vòng quay chóng mặt đó khiến nhiều chị em mệt mỏi, trong đó có chị Thùy Dương.

Là một chuyên viên điều tra xã hội học, công việc của chị Dương phụ thuộc vào những đợt điều tra hoặc nghiệm thu đề tài. “Chủ yếu là mình vẫn thu xếp thời gian làm việc nhà, đưa đón con được nhưng sẽ có lúc rất bận”. Những lúc bận ấy, chị phải “điều” bà ngoại từ quê ra vì chồng chị gần như không có trách nhiệm trong việc nhà.

“Chồng mình làm ngân hàng, tuần tiếp khách khoảng 1- 2 buổi. Còn lại thì cứ khoảng 5 giờ chiều là tan sở. Nhưng sau đó anh đi chơi thể thao tới 9-10 giờ tối. Gần như không đón con, cũng không cùng vợ cho con ăn, chơi với con. Về nhà thì anh chơi game, hoặc đeo tai nghe, vợ con làm gì thì tùy”, chị Dương kể.

Những cơm áo gạo tiền, rồi việc nhà, việc cơ quan khiến chị Dương càng thêm mệt mỏi. Hầu như ngày nào cũng 10-11 giờ đêm chị mới được nghỉ ngơi. Tắm giặt xong, người đã bơ phờ, chị chỉ muốn ôm con đi ngủ. Chuyện chồng chị rửa bát, quét nhà, chăm con… dường như là việc rất hiếm khi xảy ra. “Tôi cũng từng ý kiến, rằng cả hai đều có công việc, mức độ bận rộn cũng ngang nhau, mà tại sao việc nhà anh không san sẻ cùng tôi. Nhưng anh bảo, việc nhà là những việc linh tinh, là việc vặt nên có gì mà mệt nhọc!”.

Áp lực làm “phụ nữ hoàn hảo” - 1

Ảnh minh hoạ

Cũng khổ tâm như chị Dương, nỗi khổ của chị Mai Hoa (phường Tứ Liên, quận Tây Hồ) là sự mặc định từ gia đình: Vừa đi làm, vừa nuôi con được. “Thậm chí, đi làm thì lương phải cao, nuôi con thì con phải giỏi”, chị Hoa than thở. Nhà chị có 3 bạn thì bạn út bị chậm phát triển, con không được nhanh nhẹn và tiếp thu như các bạn nên cần bố mẹ chăm kỹ hơn. “Vì thế mà mình định nghỉ việc ở nhà 1- 2 năm, khi nào cảm thấy con theo được nhịp phát triển thì mình sẽ đi làm lại. Nhưng chồng lại không đồng ý. Mình cũng phân tích là nếu mình nghỉ thì thu nhập chồng vẫn đủ tiêu pha cho cả nhà. Cùng lắm, lấy tiền tiết kiệm ra tiêu tạm một vài năm, chứ con chậm như vậy, không dành cho con nhiều thời gian thì sau này hối hận. Nhưng chồng vẫn nhất quyết không chịu”, chị Hoa cho hay.

Theo quan điểm của chồng chị Hoa, chị vẫn phải đi làm. “Anh nói nuôi con không có gì đến mức phải kỹ như thế cả. Đẻ ra thì khắc lớn được. Hiện tại mình vẫn vừa đi làm và chăm con, nhiều lúc áp lực công việc, rồi con cái, đối nội đối ngoại, quan hệ xã hội, mình cảm thấy hơi đuối”.

- Cũng có người khen mình giỏi có thể làm được như vậy. Nhưng thật sự một hành trình dài, đến giờ này mình cũng muốn được xả hơi một thời gian. Vì cứ đi làm về lại sấp ngửa cơm nước, rồi dậy dỗ con học hành. Bạn út này lại rất chậm, sau này có thể phải đưa đón con học thêm chỗ khác nữa. Mình sợ không kham nổi. Thật sự nhiều lúc chỉ mong được chồng san sẻ, mà khó quá!.

Khi kết hôn trở thành rào cản phụ nữ thăng tiến

Anh Bùi Minh Đức, Thạc sỹ Truyền thông chia sẻ rằng, “mỗi lần thấy bạn bè kết hôn, tôi không chỉ vui vì thấy bạn bè đã tìm được niềm hạnh phúc cho cuộc đời, dù ngắn hay dài; tôi cảm phục sự dũng cảm của các bạn vì dám chấp nhận những khó khăn thách thức đang chờ đợi”. Bởi trong thị trường việc làm cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, những câu chuyện chị em bị cắt hợp đồng khi đang trong giai đoạn thai sản, không tái ký hợp đồng sau khi nghỉ sinh, khó tìm việc khi nhà tuyển dụng hỏi đã có con chưa, hay kể cả nam giới có gia đình không thể tập trung 100% cho công việc… không hiếm gặp. Kết hôn, sinh con lại trở thành một rào cản.

Chị Hoài Thương, làm việc trong ngành công tác xã hội, nhớ lại: “Năm 24 tuổi, mình quay lại làm việc, đi phỏng vấn câu hỏi đặt lên hàng đầu là có con nhỏ thì làm thế nào để không ảnh hưởng đến công việc. Sau phỏng vấn, cùng là đi làm nhưng con ốm thì phụ nữ luôn là người nghỉ phép trông con. Hơn nữa, các cuộc họp ngoài giờ làm việc, về trễ đều được gia đình coi rằng không hợp lý. Trong mắt gia đình và xã hội, phụ nữ phải tròn vẹn nghĩa vụ chăm sóc con cái và gia đình, là vấn đề đặt lên trên hết. Tuy nhiên, khi họ thua thiệt hơn về sự nghiệp, tài chính... không ai thương họ cả kể cả người chồng. Là phụ nữ hay nam giới thì đều không thể từ bỏ sự nghiệp. Nhưng gặp khó khăn khi vừa làm việc vừa chăm con nhỏ thì phụ nữ vẫn phải nỗ lực nhiều hơn...” - cô nói.

Áp lực làm “phụ nữ hoàn hảo” - 2

Ảnh minh hoạ

Mới đây, chị Nguyễn Hà Vi (29 tuổi, sống tại quận Đống Đa) nộp đơn ứng tuyển vào vị trí chuyên viên pháp chế của một doanh nghiệp lớn. Cô được đánh giá cao về trình độ học vấn và kinh nghiệm nên được phòng nhân sự của tập đoàn trao đổi luôn về lương, nội quy và các chế độ phúc lợi. Đến đây, mọi thứ khiến Vi băn khoăn. “Vì họ hỏi kỹ hơn đến chuyện kết hôn và sinh con của tôi. Về kế hoạch khi nào định sinh con, sinh mấy con, đồng thời nếu đi làm thì phải ký cam kết trong 3 năm tới đây sẽ tạm dừng lại kế hoạch sinh con”. Cuối cùng, Vi không chọn đi làm ở công ty này vì không thấy thoải mái khi phải cam kết về kế hoạch sinh sản. “Phụ nữ sinh con không phải là điều xấu để phải cam kết như vậy”.

Một khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO và Navigos Search (công ty cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao) cho thấy 74% chủ lao động tin rằng nữ giới phải gánh vác nghĩa vụ gia đình, hạn chế sự đóng góp của họ vào các mục tiêu của công ty. Họ cũng xác nhận “khả năng làm việc ngoài giờ” là một trong các yếu tố quyết định sức cạnh tranh của ứng viên. Và cũng trong báo cáo này, 31% ứng viên nữ được hỏi về kế hoạch sinh con trong buổi phỏng vấn. “Có gia đình” bị xem là rào cản của ứng viên nữ do họ cần dành thời gian cho gia đình và con nhỏ, thay vì dễ linh động theo đòi hỏi công việc.

Mặc dù Bộ luật Lao động (2019) và Luật Bình đẳng giới (2006) của Việt Nam nghiêm cấm các hành vi phân biệt giới tính tại nơi làm việc, thị trường lao động vẫn tồn tại những rào cản trong việc lựa chọn ứng viên. Bởi lẽ, doanh nghiệp cũng có áp lực về kế hoạch đảm bảo nhân sự liên tục.

“Nhiều lúc mình cảm thấy phụ nữ sao mà khổ thế. Lấy chồng, sinh con, làm tốt vai trò của người vợ, người mẹ mà vẫn phải có công ăn việc làm ổn định, kiếm ra tiền. Đang nuôi con mọn, tìm một công việc đã rất khó khăn rồi, lương cao thì hiếm hoi lắm. Mình chỉ mong “gái có công, chồng chẳng phụ”, mong chồng hiểu và thông cảm cho nỗi vất vả của vợ. Có như vậy, chị em phụ nữ còn có điểm tựa mà cố gắng chứ!”, chị Mai Hoa chia sẻ.

Chia sẻ

Chi Mai

Tin cùng chuyên mục

Phục dựng di ảnh để tri ân các liệt sĩ

Phục dựng di ảnh để tri ân các liệt sĩ

Nhiều tấm hình liệt sĩ đã rách nát, không còn nguyên vẹn, thậm chí chỉ còn vài chi tiết nhưng cũng bị phủ mờ bởi thời gian, nhưng với sự tâm huyết, tỉ mỉ, Lê Văn Phúc (Phúc Lê, sinh năm 1989, ở Phú Xuyên Hà Nội, trưởng nhóm Tình nguyện viên Phục dựng ảnh liệt sĩ Màu Hoa Đỏ và Phó trưởng nhóm những bạn trẻ phục dựng ảnh Skyline) đã phục dựng bức ảnh chân dung rõ nét. Gần 5 năm...

Những “hạt giống vàng” tham gia xây dựng đất nước

Những “hạt giống vàng” tham gia xây dựng đất nước

Thanh niên chính là nhân tố then chốt, góp phần thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và phát triển bền vững của dân tộc. Điều này cũng tạo nên nhiều cơ hội và những thách thức cho những cán bộ làm công tác Đoàn – Hội trong việc định hướng, dẫn dắt thế hệ thanh niên, sinh viên Việt Nam trong kỷ nguyên mới, chuyển mình trong nhiều hoạt động kết nối, phát triển thế hệ sinh viên trẻ...