Bố mẹ hãy hiểu cho con

Chi Mai
Chia sẻ

Vừa cất xe vào nhà, chị Liên nhận được thư báo gửi qua bưu điện. Chị thấy hơi lạ vì lâu nay, nhà chị có bao giờ nhận được thư kiểu này đâu. Chị hít một hơi thật sâu rồi mới dám xé phong bì.

Bên trong là một tờ thông báo của trường đại học nơi con trai chị đang học. Đập ngay vào mắt chị Liên là 2 chữ “cảnh cáo”. Tim chị bỗng đập nhanh hơn, chị cố gắng đọc hết những gì viết trong tờ giấy. Cuối cùng, chị biết được, cậu con trai mà chị hết lòng chăm sóc, kỳ vọng, đã bỏ quá nhiều tín chỉ và bị nhà trường cảnh cáo. Nếu còn tiếp tục tình trạng này, trường sẽ ra quyết định đình chỉ học đối với con chị.

Tin này đến với chị như sét đánh ngang tai. Rồi lát nữa chồng chị về, chị biết ăn nói thế nào để anh không sốc. Chị không tha thiết cơm nước gì nữa, cầm ngay điện thoại gọi cho cậu con trai. Mới sáng nay, hai mẹ con vẫn nhắn tin với nhau, cậu vẫn bảo mẹ là hôm nay đi học cả ngày. Thì ra là nó nói dối…

Dũng - con trai chị bắt máy. Mẹ con vừa chào nhau thì cậu đã nhanh chóng bảo đang bận học, thầy đang giảng bài để cúp máy. Nhưng chị Liên - lòng như lửa đốt, chỉ muốn làm rõ nguyên nhân. “Mẹ biết hết rồi, trường vừa gửi giấy báo về nhà đây, tại sao con nghỉ học nhiều thế?”, chị hỏi con. Đầu dây bên kia im lặng một lúc, rồi bảo: “Giờ con đang bận, tối về con sẽ nói chuyện với bố mẹ”.

Từ giờ đến tối, chị sẽ phải nghĩ ra cách nói làm sao để chồng chị khi biết chuyện không làm ầm lên. Vì chị chắc chắn, biết tin này, chồng chị sẽ rất tức giận. Dũng không chỉ là con trai, mà với anh chị, nó còn là nguồn sống, là cả bầu trời đầy tự hào.

Bố mẹ hãy hiểu cho con - 1

Ảnh minh họa

Từ bé, Dũng đã được bố mẹ định hướng là một học sinh giỏi toàn diện. Thế nên, với lợi thế đều là giáo viên, vợ chồng chị Liên nhanh chóng rèn con vào nếp. Ngoài những buổi học chính, học thêm ở trường, cả khu tập thể này đã quá quen với nếp sinh hoạt của nhà chị. 8h kém 15 tối, Dũng ngồi vào bàn, làm các bộ đề do bố mẹ tự soạn hoặc xin được của đồng nghiệp, của các thầy cô có uy tín. Vợ chồng chị Liên nếu không bận việc thì ngồi hai bên kèm con trai. Cứ thế đến khoảng 11 giờ đêm mới thấy đèn học phòng Dũng tắt. Dũng cũng thông minh, sáng dạ, nên suốt những năm cấp 1, cấp 2, cậu dành được rất nhiều danh hiệu: Học sinh Giỏi các cấp trường, huyện, tỉnh…

Không phụ lòng bố mẹ, học xong lớp 9, Dũng thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh. Trường cách nhà hơn 20km nên sau khi bàn tính, vợ chồng chị Liên quyết định gửi con ở nhà một người chú họ gần trường. Gia đình chú thím cũng có một cậu con trai đang học ở trường chuyên này, nên chị Liên càng tin tưởng gửi gắm…

Năm đầu tiên ở trường chuyên, Dũng đạt học sinh xuất sắc và có học bổng. Vợ chồng chị Liên tự hào lắm, vui lắm vì quả ngọt này xứng đáng với những nỗ lực mà anh chị dạy con. Nhưng sang các năm tiếp theo, thành tích của Dũng giảm dần. Từ học sinh xuất sắc thành học sinh giỏi, rồi có khi là học sinh tiên tiến. Chị Liên lo lắm. Hỏi thầy giáo chủ nhiệm, anh chị biết được Dũng có dấu hiệu chểnh mảng, chán học. Những môn lợi thế của Dũng cũng xuất hiện nhiều điểm kém. Vợ chồng chị sốt ruột, tra khảo rồi mắng con một trận. “Bố mẹ không bắt con phải làm gì, chỉ cần chú tâm học hành. Mà giờ con mang cái bảng điểm bết bát này về, con muốn bôi tro trát trấu vào mặt bố mẹ à?”.

Sau đợt bị mắng đó, Dũng đã chú ý học hành hơn, kết quả khá dần. Nhưng cùng với đó, cậu lầm lì, ít nói hơn mỗi khi về nhà. Trong bữa cơm cuối tuần có đầy đủ các thành viên, bố mẹ có hỏi thì Dũng mới nói. Mà chị Liên với chồng cũng chỉ hỏi con chuyện học, chứ không hỏi xem con vui chơi thế nào, bạn bè ra sao… Chờ bố mẹ ngừng hỏi là Dũng ăn nhanh rồi về phòng, đóng cửa.

Trường đại học bây giờ mà Dũng đang theo học, cũng là lựa chọn của vợ chồng chị Liên cho con trai. Cho rằng cậu còn non nớt, chưa trải đời nên anh chị không hỏi ý kiến con. Dũng dường như biết mình có ý kiến cũng như không nên đồng ý. Cậu thi đỗ. Và theo học đến giờ là năm thứ 2 thì xảy ra chuyện này.

Ngẫm lại mọi điều đã qua, chị Liên trào nước mắt. Chị không hiểu mình hết lòng với con, không bắt nó phải khổ sở, phải mó tay vào bất cứ việc gì, chỉ phải học thôi, mà nó vẫn phụ lòng chị như thế. Tại sao con nhà người ta nghèo khó, không có tiền đi học thêm đó đây, phải nai lưng ra đỡ đần bố mẹ, mà vẫn học thành tài?

Bố mẹ hãy hiểu cho con - 2

Ảnh minh họa

Không ngoài dự đoán, chồng chị Liên rất buồn bã khi biết tin. Mâm cơm dọn ra mà hai vợ chồng chẳng buồn ăn. Tối hôm đó, Dũng không hề gọi điện hay về nhà nói chuyện với bố mẹ như đã hứa. Lòng anh chị càng nặng trĩu. Đêm trắng, họ cố tìm ra lý do vì sao, từ lúc nào mà con trai mình “hỏng”. Phải chăng là từ lúc rời xa gia đình đi học trường chuyên, không bị bố mẹ quản thúc nghiêm ngặt đã khiến cậu bé ra nông nỗi này?

Trời còn chưa sáng, chồng chị Liên đã đánh xe lên chỗ con trai trọ học để nói chuyện. Sau cả chục cuộc điện thoại chỉ đổ chuông mà không ai nghe, cuối cùng Dũng cũng bắt máy, đồng ý gặp bố. Hai bố con ăn sáng, uống cà phê rất bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra để Dũng được thoải mái bày tỏ. Rồi Dũng cũng chia sẻ, cậu không thích trường đại học này, ngành học bố mẹ chọn cho, Dũng không thấy hứng thú. “Con không muốn học ở đây nữa”, Dũng bảo bố, nhưng không nhìn về phía bố.

Nghe con nói vậy, anh rất giận, muốn lao vào mắng mỏ con. Nhưng rồi, anh nhớ tới đây đó từng xảy ra trường hợp con trẻ vì bị bố mẹ ép uổng mà chống đối bằng việc bỏ nhà ra đi, rồi tệ hại hơn là tự vẫn.

- Bố mẹ cho con ôn thi lại, năm sau con muốn học trường con thích. Thực sự, con đã cố gắng học tiếp để bố mẹ vui lòng, nhưng rồi con nghĩ, làm vậy thì sẽ thật uổng phí thời gian. Con xin lỗi, mấy chục năm qua, con đã cố gắng làm theo lời bố mẹ, nhưng giờ, con muốn làm theo lời của chính mình mách bảo. Bố mẹ hãy hiểu cho con...

Từng lời con nói, lại nhìn thấy dáng vẻ buồn bã, thiểu não của con khiến cơn giận của anh tan biến. Thay vào đó, anh lờ mờ nhận ra, có lẽ là mình đã sai rồi.

- Thôi được rồi, chuyện này phải bàn kỹ. Giờ con thu xếp đồ đạc để về nhà. Cứ về nghỉ ngơi mấy hôm… đã nhé.

Dũng về nhà nghỉ ngơi, cũng là lúc anh chị tập trung suy nghĩ về tương lai của con. Tối đó, anh nói với chị:

- Thôi em ạ, cuộc đời của con sau này phải do con quyết định. Mình có sống thay, cảm nhận thay con được đâu. Chỉ cần con tử tế, sống tốt, vui vẻ, hạnh phúc... âu cũng là mãn nguyện rồi. Em đừng mắng con, trách con nữa nhé. Mình thử chấp thuận lời đề nghị của con xem sao.

Ngày hôm sau, khi nghe bố mẹ nói về quyết định của mình, lần đầu tiên, chị thấy gương mặt con không còn buồn nữa.

Chia sẻ

Chi Mai

Tin cùng chuyên mục

Anh đã biết sai rồi

Anh đã biết sai rồi

Tối đó, đợi cho chồng cơm nước xong xuôi, ngồi thảnh thơi ngoài phòng khách xem đá bóng, My mới thủng thẳng “rót” vào tai chồng: “Anh à, tuần này em có việc phải về muộn. Anh chịu khó về đón các con và cơm nước, lau dọn nhà cửa thay em nhé”.

Mẹ chồng “đoảng”

Mẹ chồng “đoảng”

Mỗi năm chỉ về quê chơi vài ngày, chị Cúc cũng biết mẹ chồng là người rất đoảng và bừa bộn. Thế nhưng, chị không biết được mức độ như thế nào cho đến khi sống chung…

5 giải pháp giúp con thích học

5 giải pháp giúp con thích học

Có nhiều em nhỏ chán học, không hẳn là do các em lười hay không muốn tìm hiểu kiến thức mới. Dưới đây là bí quyết để cha mẹ giúp con thích học...