Bà ngoại tôi quyết định tái giá ở tuổi 71 khiến mọi người sững sờ, nhất là mẹ tôi. Tôi là người sống gần ngoại nhiều nhất nên cũng là người duy nhất hiểu được lý do vì sao bà lại quyết định tìm hạnh phúc ở tuổi xế chiều.
1.
Ông bà ngoại tôi chỉ sinh được duy nhất mẹ tôi. Lý do vì sao ông bà không có nhiều con là vì sau khi sinh mẹ tôi thì bà ngoại bị u buồng trứng. Để ngăn chặn nguy cơ ung thư, bà ngoại tôi buộc phải cắt bỏ buồng trứng, nên không còn chức năng sinh sản. Vì mẹ tôi là con một nên ông bà mong muốn khi con lấy chồng sẽ tìm người ở rể. Ai ngờ, mẹ yêu rồi lấy bố tôi là con trai một, nên chuyện ở rể là không thể. Ngày đó, nhiều người khuyên ông bà ngoại lẫn mẹ tôi rằng, bố tôi không đáp ứng được yêu cầu ở rể thì tìm người khác. Bấy giờ, mẹ tôi xinh đẹp nên có nhiều chàng trai đến tìm hiểu, trong số họ cũng không ít người đủ điều kiện để ở rể. Ấy vậy nhưng duyên số buộc chặt nên mẹ tôi chỉ yêu và lấy bố tôi, ngoài ra không để ý đến một ai khác. Ông bà ngoại tôi lúc nào cũng trong tâm thế yêu chiều con vô điều kiện nên chẳng nỡ phản đối duyên con.
Vậy là bố mẹ tôi cưới nhau, sống chung với ông bà nội tôi. Mẹ tôi bấy giờ mang trọng trách dâu trưởng-dâu một nên chẳng thể sống riêng như ý muốn. Vì hai bên đều là con một nên trách nhiệm chăm sóc phụng dưỡng bố mẹ đều phải cân bằng. Thời gian khi ông bà ngoại tôi còn khỏe mạnh, họ tự lo được cuộc sống của mình nên bố mẹ tôi chưa phải lo nghĩ đến chuyện chăm sóc ông bà. Thậm chí, khi họ sinh ra chị em tôi, ông bà ngoại còn phụ một tay chăm sóc cháu, đỡ đần cho các con.
Mẹ tôi cũng là cô con gái hiếu thảo, nhìn thấy cảnh bố mẹ đẻ sống cô đơn hàng ngày, chẳng được vui vầy bên con cháu như bố mẹ chồng nên không đành. Vậy là mẹ bàn với bố tôi cho tôi về sống cùng với ông bà ngoại, vừa là để họ có niềm vui có cháu quây quần hàng ngày, vừa là để vợ chồng nhẹ bớt chuyện chăm sóc đưa đón con đi học hàng ngày. Vậy là tôi được “biệt phái” sang sống cùng ông bà ngoại, cuối tuần lại về bên nhà mình. Cũng may, nhà nội với nhà ngoại gần nhau nên chuyện đi lại giữa hai bên gia đình cũng thuận tiện.
Ảnh minh họa
Vì sống gần gũi ông bà ngoại hàng ngày nên tôi được ông bà yêu chiều hơn em trai. Bù lại, trách nhiệm chăm lo, quan tâm ông bà của tôi cũng nhiều hơn em. Mẹ tôi nắm bắt tình hình của ông bà qua tôi nhiều hơn là hỏi trực tiếp họ. Tôi là con gái lớn nên mẹ lúc nào cũng dặn tôi phải “hiểu chuyện” hơn em trai, biết thay mẹ báo hiếu ông bà khi sống gần họ. Tôi nghe lời mẹ nhưng cũng yêu ông bà thật sự nên càng lớn tôi càng để ý đến việc chăm sóc, quan tâm ông bà nhiều hơn.
Năm tôi lên cấp 3 thì sức khỏe của ông ngoại tôi yếu dần do căn bệnh tim. Sau đó không lâu, ông qua đời. Bà ngoại góa chồng ở tuổi 60. Vắng ông, cuộc sống của hai bà cháu tôi lại càng gắn chặt với nhau hơn. Tôi học xong cấp 3, đỗ đại học đi học xa nhà. Đây là thời gian tôi sống xa bà ngoại. Học xong đại học, tôi đi làm, rồi có bạn trai. Thời gian tôi dành cho bà ngoại hầu như không còn. Có chăng là những cú điện thoại gọi về thông báo với bà hôm nay không ăn cơm nhà, tuần này đi chơi với công ty, ngày nghỉ tuần kia có kế hoạch đi chơi với bạn trai… Mỗi lần nghe điện thoại của tôi xong, giọng bà ngoại cũng trầm buồn hẳn đi. Rồi tôi bỗng phát hiện bà ngoại cũng thưa dần các cuộc điện thoại mà tôi thường hay bảo là “phiền phức” bởi những câu chuyện dặn dò, hỏi thăm “không đâu” của bà. Ban đầu tôi, tưởng bà giận dỗi tôi nhưng hóa ra bà tìm được “bạn mới” để bầu bạn hàng ngày.
2.
“Bạn mới” của bà là ông Hùng hàng xóm mới chuyển về sát nhà bà ngoại. Tôi nghe bà kể, nhà ông Hùng trước đây ở trên phố lớn. Vợ chồng ông sống cùng với con cháu trên đó, nhưng mấy năm sau khi vợ ông Hùng mất, ông chán cảnh sống cô đơn trong ngôi nhà vắng vẻ. Bởi con cháu đi học, đi làm cả ngày đến đêm khuya mới về. Ông Hùng có mong muốn tìm một mảnh đất ở quê, xây ngôi nhà nhỏ, có mảnh vườn hàng ngày ra vun xới cây cối cho vui. Mấy người con nhà ông Hùng có điều kiện kinh tế, cũng muốn có một ngôi nhà vườn ở quê để cuối tuần về thay đổi không khí. Thế là họ tìm mua đất làm nhà ngay sát nhà bà ngoại tôi. Căn nhà vườn xinh xắn được xây dựng, có nhiều phòng rộng rãi để con cháu ông Hùng cuối tuần về thăm ông và “đổi gió”. Thời gian đầu, cuộc sống của ông Hùng đúng như dự định, con cháu ông cũng thích thú với việc cuối tuần về quê chơi với ông, với bố, lại có vườn tược để trồng rau sạch, có cả ao cá để phục vụ thú vui câu cá của mấy cậu con trai, cháu trai. Nhìn cuộc sống rộn ràng nhà ông Hùng vào dịp cuối tuần ai cũng mơ ước.
Ảnh minh họa
Ấy vậy nhưng, cuộc sống vui vầy đầm ấm ấy chỉ diễn ra với ông Hùng chưa đầy nửa năm. Những cuộc đoàn tụ cuối tuần của con cháu thưa dần vì đứa nào cũng bảo bận, rồi thì có kế hoạch đi du lịch, hội họp đủ thứ hội nhóm. Thành ra, một mình ông Hùng “bơi” trong căn nhà và mảnh vườn rộng. Ông có thời gian nên gieo trồng đủ loại rau sạch để con cháu về cắt mang ra phố ăn. Thế nhưng chẳng đứa nào chịu về nên sợ rau già, tiếc của, ông cắt mang cho hàng xóm. Khổ nỗi hàng xóm ở quê nhà ai cũng có vườn tự trồng rau được nên ông cho cũng chẳng ai lấy. Vậy nên, bà tiếc công sức của ông lại làm người tốt cắt ra chợ bán giúp ông. Tiền chẳng được nhiều, nhưng hai người xem đó là niềm vui tuổi già.
Mỗi lần tôi về nhà, gọi mãi chẳng thấy bà ngoại đâu, chạy sang nhà ông Hùng tìm thì y như rằng bà đang ở đó, cũng xắn quần gieo hạt giống trồng rau giúp ông. Hôm nào, bà không sang thì tôi lại thấy ông Hùng xuất hiện ở nhà bà ngoại, đang giúp bà tôi sửa lại cái chuồng gà, đóng lại đinh cho mấy cánh cửa tủ bếp bị xệ. Từ ngày có sự xuất hiện của ông Hùng, tôi mải việc, hay đi đâu chơi với đồng nghiệp cũng thấy thoải mái, chẳng lo nhiều cho bà. Thậm chí những ngày bà bị cảm, ốm, tôi không phải nghỉ làm, hoặc đi làm mà lo ngay ngáy cho bà ở nhà một mình như trước, vì đã có ông Hùng để “nhờ vả”. Từ lúc nào, tôi cũng xem ông Hùng như một người thân tin cậy trong gia đình để thỉnh thoảng nhờ chở bà ngoại tôi đi công chuyện chỗ này, chỗ kia. Có lần, tôi còn đùa bảo hay bà cứ thổi cơm chung để ông Hùng ăn cùng cho vui. Đằng nào, có bữa hai bà cháu ăn, có bữa chỉ có một mình bà ăn vì tôi bận việc bên ngoài, bên đó ông Hùng cũng ăn một mình. Nói vui thế, ai ngờ ông bà đồng ý thật. Thế là, tháng nào ông Hùng cũng đưa tiền góp gạo, thức ăn để bà ngoại tôi thổi cơm chung. Có tháng, ông đưa cả lương cho bà tôi, bảo cứ dùng chi chuyện ăn uống cho ông, thừa thiếu thế nào cuối năm tính toán lại.
Con cháu ông biết chuyện ông có người thổi cơm hộ lại càng mừng. Lần nào về quê, họ cũng sang nhà bà ngoại tôi ríu rít chuyện trò cứ như thể người thân. Cô con gái của ông Hùng còn lấy số điện thoại của bà tôi, hàng ngày gọi hỏi thăm tình hình ăn uống, sức khỏe của ông. Họ còn dặn bà chuyện ông bị bệnh này, bệnh kia, kiêng ăn đồ ăn lạnh, dị ứng với đồ cay để bà biết tránh cho ông ăn những thực phẩm đó. Ban đầu, tôi có phần không thích cách đối xử đó của họ đối với bà tôi, vì thấy họ đang xem bà tôi như người giúp việc của bố họ. Nhưng sau đó thì tôi thay đổi suy nghĩ, con cháu ông đang xem bà tôi như “như bà nội, bà ngoại” và “bạn tri kỷ của bố”. Họ cũng tôn trọng, quan tâm bà tôi cả lời nói lẫn hành động. Những món quà chăm sóc về sức khỏe mà họ tặng bà tôi gần như thường xuyên, rất chu đáo. Nhất là những khi bà ngoại tôi đau ốm, chẳng những ông Hùng quan tâm chăm sóc mà con cháu họ cũng thăm nom nhiệt tình.
Vậy nên khi bà ngoại tôi thông báo quyết định tái giá với ông Hùng thì tôi không bất ngờ. Bà muốn có người bên cạnh lúc xế chiều là vì để tôi không phải bận tâm cho bà, yên tâm đi lấy chồng, lo cho hạnh phúc của mình; để mẹ tôi không nặng lòng lo cho mẹ già sống một mình khi mẹ không thể đón bà về sống cùng để làm tròn chữ hiếu. Suy cho cùng, bà ngoại cũng vì con cháu mà “tái giá” ở tuổi xế chiều.