Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động. Tràn dịch khớp gối là tình trạng dịch lỏng tích tụ trong khoang nội khớp và bao hoạt dịch khớp, gây sưng, đau và cứng khớp.
Tràn dịch khớp gối nghiêm trọng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm như chấn thương, vận động quá mức, nhiễm trùng, nguyên nhân toàn thân, thoái hóa khớp…
Nguyên nhân gây tràn dịch khớp gối
Chấn thương đầu gối là nguyên nhân phổ biến nhất gây tràn dịch, bao gồm: Chấn thương dây chằng chéo trước (ACL), rách sụn chêm. Ngoài ra, các chuyển động lặp đi lặp lại khi tập luyện các bộ môn thể thao như chạy bộ, ngồi xổm, nâng vật nặng cũng thường gây đau đầu gối, thậm chí dẫn đến tràn dịch khớp gối.
Thoái hóa khớp gối và một số tình trạng viêm khác có thể gây ra tràn dịch đầu gối. Đây được coi là phản ứng bảo vệ khớp của cơ thể, bao gồm: Bệnh gút, viêm khớp dạng thấp, viêm bao hoạt dịch trước xương bánh chè. Ngoài ra còn có các bệnh lý viêm khớp khác như: viêm khớp cột sống thể ngoại biên, viêm khớp từng đợt, viêm khớp do bệnh lý toàn thân như lupus ban đỏ hệ thống…
U nang Baker, nhiễm trùng cũng có thể gây tràn dịch khớp gối, dẫn đến sưng nề, nóng, đỏ, đau có thể kèm sốt cao.
Ảnh minh họa
Tràn dịch khớp gối nguy hiểm không?
Tùy theo nguyên nhân gây tràn dịch khớp gối mà việc trì hoãn điều trị có thể gây nguy cơ hạn chế vĩnh viễn chức năng khớp và mất xương dưới sụn, tổn thương sụn khớp đặc biệt là tràn dịch khớp gối do nguyên nhân nhiễm trùng.
Đối với tràn dịch khớp gối do viêm khớp nhiễm trùng, tiên lượng xấu thường xảy ra ở các trường hợp: Người bệnh từ 80 tuổi trở lên; nhiễm trùng gây tổn thương hông hoặc vai; bệnh nhân đã được điều trị thích hợp trong 7 ngày và vẫn có kết quả xét nghiệm dịch khớp dương tính; người bệnh đang mắc các bệnh đi kèm (đái tháo đường, nhiễm khuẩn huyết, bệnh thận mãn tính…).
Ngoài ra, cũng tùy theo nguyên nhân mà tràn dịch khớp gối nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng đáng lo ngại như: Mất cơ, u nang Baker, hạn chế vận động, nhiễm trùng huyết. Tràn dịch khớp gối do nguyên nhân nhiễm trùng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng huyết thậm chí dẫn đến tử vong.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bất cứ ai cũng có thể bị đau đầu gối trong vài ngày. Người bệnh nên đi khám bác sĩ nếu các triệu chứng sưng đau không cải thiện sau khi nghỉ ngơi, chườm đá, uống thuốc giảm đau không kê đơn hoặc gặp phải các tình trạng sau: Đầu gối sưng, đỏ, ấm khi sờ vào, đi kèm triệu chứng sốt, ớn lạnh. Bị chấn thương nghiêm trọng ở đầu gối. Không thể gập hoặc duỗi thẳng đầu gối. Không thể đứng hoặc đi lại thoải mái trong một vài phút.
Đối với sưng đau cấp tính, điều trị bao gồm đeo nẹp, chườm lạnh, sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoặc các loại thuốc giảm đau khác. Nếu khớp bị tràn dịch nhiều gây đau, dẫn lưu là phương pháp điều trị hiệu quả. Trước khi dùng kháng sinh, bác sĩ sẽ thu thập mẫu dịch và mang đi xét nghiệm. Việc chỉ định sử dụng steroid tiêm nội khớp sẽ trì hoãn đến khi nhiễm trùng được loại bỏ.
Biện pháp phòng ngừa biến chứng do tràn dịch khớp gối
Tràn dịch khớp gối chủ yếu xảy ra do chấn thương hoặc các tình trạng sức khỏe mạn tính. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả: Tăng cường sức mạnh các cơ xung quanh đầu gối để giảm áp lực lên khớp. Ưu tiên tập các bài tập nhẹ nhàng như thể dục nhịp điệu, bơi lội để tránh gây áp lực lên khớp gối. Duy trì cân nặng khỏe mạnh để tránh tăng áp lực lên khớp gối, dẫn đến tổn thương khớp gối. Tránh các hoạt động đòi hỏi chuyển động lặp đi lặp lại. Thay đổi chế độ ăn ít purin để phòng ngừa cơn gút cấp.