Ở nhà, bà tôi vẫn là người đi chợ, còn chiều tối thì mấy mẹ con tôi thay phiên nhau nấu cơm. Có lần tôi thấy mẹ thưa với bà: “Hay mẹ để con đi chợ luôn cho tiện, mẹ nghỉ ngơi hoàn toàn đi mẹ”.
Nhưng, bà nội tôi bảo: “Không, mẹ vẫn muốn đi chợ con ạ”.
Mẹ tôi lại thưa: “Vậy thì mẹ đừng đi chợ hàng ngày. Mẹ vào siêu thị, mua một lần cho cả tuần cho nhanh”.
Bà tôi cười: “Đi chợ dân sinh mỗi ngày cũng có nhiều thú vui”.
Thú vui của bà tôi chính là đi mua hàng của các cô, các chị ở chợ. Một lần, bà nhớ món canh cua, cà pháo nên bà đi chợ để mua cua nấu với mướp, rau đay. Tuy nhiên, khi đi ngang qua hàng đậu đũa, chị bán hàng đon đả: “Bà mua giúp cho cháu ít đậu chứ cháu ế quá. Bán được đậu thì cháu mới có tiền mua ít thịt cho mấy đứa ở nhà”. Bà tôi liền mua một túi to đậu cho chị bán hàng và nhà tôi phải ăn liền 2 bữa mới hết đậu.
Lần khác, cô bán dưa lê mời bà tôi: “Bà mua cho cháu cân dưa nhà trồng, cháu bán rẻ cho bà”. Giá dưa của cô đúng là rẻ hơn thật, và bà mua cho cô 3kg. Nhưng về tới nhà, nhìn chỗ dưa lê, mẹ tôi cam đoan là... bà bị cân thiếu ít nhất là 5 lạng.
Bà tôi cười hiền: “Cô bán dưa này không phải người bán quen ở chợ. Mẹ cũng đoán là cô ý dễ cân điêu vì người ta đi ngay chứ không ở đây để bị mình phát hiện ra”.
Ảnh minh họa
“Mẹ biết là cân điêu mà sao mẹ lại còn mua?”, mẹ tôi hỏi
“À, thôi giúp đỡ người ta một chút con ạ. Cô ấy chắc cũng cần đồng rau, đồng mắm nuôi con nên mới phải làm vậy. Không chào giá rẻ thì khó hút khách, mà bán rẻ thật thì không có lãi. Mẹ nghĩ cuối cùng mình cũng chẳng thiệt gì nên thôi, giúp nhau con ạ”.
Cái lý của bà tôi là vậy. Thương người bán hàng nên nhiều khi đi chợ, bà tôi rất ít mặc cả, chấp nhận cả việc nhận chút thiệt thòi về mình. Biết là nải chuối còn hơi non, nếu chín ăn cũng không ngọt nhưng bà vẫn mua vì bảo không bán được cho mình thì chắc còn lâu cô ấy mới bán được chuối. Chẳng thế mà thi thoảng tôi lại thấy có người gõ cửa nhà tôi nhờ “bà mua giúp cháu nốt chỗ tôm/rau/củ quả này để cháu về nhà cho sớm”.
Mẹ tôi biết bà nội tốt tính, thương người nên ngay cả khi trong nhà lăn lóc mấy quả bưởi chua do bà mua về, mẹ cũng không phàn nàn gì. Bởi, gắn với quả bưởi chua có thể là câu chuyện của cô bán hàng nào đó đang cần tiền đóng học cho con... Mẹ chỉ dặn bà là bây giờ người lừa đảo nhiều nên bà cũng cẩn thận hơn. Bà nội tôi cười bảo lại: “Ừ, mẹ cũng làm gì có nhiều tiền để mà họ lừa. Nếu có lừa của mẹ thì cũng chỉ lấy được mấy chục bạc đồng rau, đồng mắm của mẹ thôi. Nhiều lúc mẹ nghĩ, có khi mình tin sai một chút còn hơn là cẩn thận quá mà lại không giúp đỡ được người đang khó khăn thật”.
Bà tôi bao năm nay vẫn cứ sống như thế. Tôi thì chưa đủ lớn để có thể trải nghiệm về luật nhân quả, sống thiện sẽ hưởng lại sự lành. Tôi chỉ thấy là mỗi lần bà tôi đi chợ, ai ai cũng yêu mến, lễ phép chào hỏi bà từ xa và khi được bà mở hàng thì cả buổi chợ đó sẽ buôn may bán đắt.