Gắn liền với làng Trầu xưa bên dòng sông Lô và mang đậm dấu ấn thời đại Hùng Vương, chợ Dầu không chỉ là điểm giao thương mà còn là mạch kết nối giữa quá khứ và hiện tại – nơi lưu giữ nét văn hóa truyền thống của người dân vùng Đất Tổ.
Không mang dáng vẻ bề thế hay hào nhoáng, chợ Dầu lặng lẽ nằm giữa lòng thành phố Việt Trì, nép mình trong khuôn viên nhỏ trên con đường Trần Phú, dưới bóng râm của những tán cây xanh mát. Dẫu khiêm nhường là thế, nơi đây lại lưu giữ cả một miền ký ức đầy thương nhớ mà bất cứ ai xa quê cũng mong một lần được trở về.
Chẳng rõ từ khi nào, chợ Dầu đã trở thành một cái tên quen thuộc, gợi nhắc sự thân thương và gần gũi trong lòng người dân. Mảnh đất này vốn nằm trong khu vực kinh đô Văn Lang từ thuở các Vua Hùng dựng nước. Ngày xưa, nơi đây gọi là làng Trầu, tọa lạc ven dòng sông Lô hiền hòa, thuận lợi cả về đường thủy lẫn đường bộ. Với vị trí chiến lược, làng cổ này từng được quốc gia Văn Lang chọn làm kho lưu trữ lương thực. Làng Trầu trồng nhiều trầu không, vì thế chợ Dầu đã trở thành nơi cung ứng lá trầu cho các tỉnh trung du, đồng bằng và kể cả kinh thành Thăng Long xưa kia.
Thời xưa, chợ Dầu họp ngay ven bờ sông Lô, trên đồi Mỏ Cú. Về sau, chợ được chuyển đến địa điểm mới trên đường Trần Phú, thuộc phường Dữu Lâu, nhưng cái tên "chợ Dầu" vẫn được giữ lại như một cách tưởng nhớ đến làng Trầu ngày trước. Khu vực xung quanh chợ phát triển mạnh nghề thủ công, đặc biệt là chế biến nông sản, nên vào mỗi phiên chợ, không khí buôn bán nơi đây vô cùng nhộn nhịp. Người dân các vùng lân cận như Hùng Lô, Phượng Lâu, Kim Đức thường mang những sản vật địa phương đến chợ để bán, từ rau giống, hạt giống đến nông sản, thực phẩm, dụng cụ canh tác, hàng thủ công,... Chợ họp theo phiên cố định, cứ mỗi mười ngày lại có bốn phiên. Dù có sự đổi thay theo thời gian, chợ Dầu vẫn giữ được phong vị xưa cũ, làm nên nét cuốn hút riêng khiến bất kỳ ai ghé qua cũng yêu mến. Mỗi khi đến phiên, người cần gì cũng có thể tìm thấy thứ mình muốn mua.
Những người gắn bó lâu năm với nơi đây đều nhận thấy rằng chợ Dầu ngày nay đã đổi khác, mặt hàng đa dạng và phong phú hơn. Tuy vậy, với nhiều người, đến chợ không chỉ để mua sắm. Như bà Đào Thị Vinh – hiện đã nghỉ hưu – vẫn giữ thói quen ghé chợ vào ngày phiên, đôi khi chỉ để dạo chơi, ngắm nhìn và hoài niệm về không khí náo nhiệt của chợ xưa.
Dữu Lâu không chỉ có chợ Dầu mà còn là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa quý báu, đồng hành cùng sự phát tích của Hát Xoan và tín ngưỡng thờ Hùng Vương. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích vật thể quan trọng như: đình Bảo Đà, đình Hương Trầm, đình Dữu Lâu, đình Quế Trạo, miếu Dữu Lâu – những nơi thờ tự các bậc có công với đất nước như Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn, Quý Minh đại vương… Mỗi năm, các lễ hội truyền thống được tổ chức tại đây như một cách giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời đáp ứng đời sống tinh thần và tâm linh của người dân địa phương.
Đặc biệt, trong những ngày tháng Ba âm lịch – mùa Giỗ Tổ Hùng Vương – không khí tại Phú Thọ lại càng thêm linh thiêng và náo nức. Người dân từ khắp mọi miền đất nước đổ về Đền Hùng để thành kính dâng hương, tưởng nhớ công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước. Trong dòng người hành hương ấy, không ít người cũng tìm đến chợ Dầu để cảm nhận hơi thở của một vùng quê cổ kính, như một lát cắt sống động của đời sống văn hóa dân gian đất Tổ. Chợ Dầu, vì thế, không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, mà còn là điểm dừng chân gợi nhớ ký ức và kết nối tinh thần dân tộc – nhất là trong dịp trọng đại của cả nước: ngày Quốc giỗ.
Dẫu cuộc sống ngày càng hiện đại, những phiên chợ quê dần thưa vắng, và người ta bắt đầu chuộng các siêu thị khang trang, đầy đủ tiện nghi. Nhưng trong ký ức của người dân Việt Trì cũng như nhiều thế hệ khác, hình ảnh giản dị của một phiên chợ quê như chợ Dầu vẫn luôn sống động và không dễ phai mờ. Câu ca "Miếng trầu là đầu câu chuyện" vẫn như một biểu tượng đẹp của đời sống văn hóa người Việt. Dù làng Trầu nay đã đổi thay nhiều, nhưng sắc đỏ thắm của miếng trầu gắn liền với mối duyên trăm năm vẫn đậm đà tình làng nghĩa xóm, thủy chung bền chặt.
Ngày nay, chợ Dầu không còn là phiên chợ xưa nguyên vẹn, nhưng đã trở thành điểm giao thương nhộn nhịp, góp phần vào sự phát triển của thành phố Việt Trì. Mỗi độ cuối năm, khi nhu cầu trầu cau tăng mạnh, những người bán hàng nơi đây gần như không có phút nghỉ tay. Dẫu đô thị hóa đang diễn ra từng ngày, nhịp sống hiện đại len lỏi vào từng ngõ ngách, nhưng phiên chợ Dầu với nét truyền thống lâu đời vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của vùng đất Tổ thiêng liêng.