Tận dụng lợi thế của công nghệ số, ngày nay, Tết cổ truyền đã có thêm nhiều màu sắc mới mẻ, đa dạng, phong phú, từ công tác chuẩn bị cho đến hoạt động vui xuân, đón Tết, du xuân.
Nhu cầu Sắm Tết online tăng cao
Cách đây chục năm về trước, bà Hoà (ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã rục rịch sắm Tết ngay từ đầu tháng Chạp. Tầm đó, chồng bà Lan đã lượn khắp các vườn đào ở Nhật Tân để lựa chọn một cây đào thế đẹp, đặt cọc trước, rồi đợi đến 20 Tết sẽ mang về nhà. Còn bà Hoà thì lên kế hoạch mua sắm, sửa sang dọn dẹp lại căn nhà, bày biện các vật dụng sao cho hợp lý… để chuẩn bị năm mới thật đủ đầy, tươm tất…
Thế nhưng 5 năm trở lại đây, mọi công việc chuẩn bị Tết của gia đình bà Hoà bỗng nhiên đơn giản, nhẹ tênh, không mất quá nhiều công sức và thời gian như trước. Bà mỉm cười: Nhà tôi có hai con dâu, các con nhận trách nhiệm sắm sửa Tết cho mẹ bày biện. Tôi cứ sợ các con làm đến tận 27, 28 Tết mới được nghỉ thì lấy đâu ra thời gian mà sắm Tết. Thế mà chỉ trong 2 ngày, các con đã mua sắm đủ cả.
Bà Hoà nói, mua sát Tết, nên đồ ăn lúc nào cũng tươi ngon. Chưa kể, các con chỉ mua đủ dùng trong 2 ngày, vì mồng 2 Tết đã có người bán đồ ăn rồi. “Lúc đó, mua mới sẽ tươi ngon hơn”, bà nói.
Theo kế hoạch, con dâu cả có nhiệm vụ đặt bánh kẹo, mứt Tết, ẩm thực… Con dâu bà vừa đi làm vừa lên các trang thương mại điện tử, các cửa hàng trực tuyến trên facebook, chợ cư dân… để đặt hàng và có dịch vụ giao hàng tận nhà, bà Hoà chỉ việc nhận đồ. Cô con dâu còn lại thì đăng ký đặt mua bánh chưng, giò me, giò bò, gà ủ muối,… đến các món ăn nguội như xúc xích Đức, bánh mì đen Nga, chân giò lợn đen Tây Ban Nha…
Nét đẹp của Tết cổ truyền vẫn cần được lưu giữ trong xã hội hiện đại.
Cuối năm, công việc kinh doanh của gia đình chị Dương Bích Lệ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) luôn bận rộn. Năm nào cũng vậy, muốn sắm Tết, vợ chồng chị cũng phải để đến ngày cuối cùng của năm âm lịch. Vừa dọn nhà, vừa sắm đồ phục vụ mấy ngày Tết nên gần như cả ngày hôm đó, gia đình chị đều phải tất bật từ sáng sớm đến tối muộn mà không có thời gian nghỉ ngơi. Mấy năm gần đây, nhờ việc mua sắm online, nên việc chuẩn bị Tết đối với gia đình chị Lệ đã thư thái hơn nhiều. Năm nay, chị có thêm thời gian để trang trí nhà cửa, đưa con đi chợ Tết.
Trước đây, việc chuẩn bị Tết thường được lên kế hoạch và được lo từ sớm. Không khí tất bật mua sắm Tết tới dọn dẹp nhà cửa đón Tết, đều khiến nhiều người thấy mệt mỏi và áp lực. Giờ đây, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, đã hỗ trợ đắc lực cho việc “lo Tết” của đại đa số người dân. Họ chỉ cần ở nhà, thông qua chiếc điện thoại thông minh truy cập các trang mua sắm trực tuyến, trang mạng xã hội của người bán hàng là có thể thoải mái chọn lựa các mặt hàng ẩm thực, quà Tết, bánh kẹo hết sức phong phú ngày Tết và được giao hàng tận nhà. Nếu không tin tưởng mua hàng trên mạng, người dân có thể mua hàng từ những người bán hàng mình quen biết ngoài đời thực. Những người bán hàng truyền thống tại các chợ dân sinh giờ đây cũng chuyển đổi số mạnh mẽ khi tiếp cận với các hình thức quảng bá qua mạng, giao hàng tại nhà. Từ những sản phẩm mang hương vị Tết truyền thống như: Bánh chưng, giò, gà, mứt... đến những thứ có xuất xứ từ khắp nơi trên thế giới đều có thể đặt mua và được giao đến tận nhà. Thậm chí, nhiều người còn đặt vé xem phim, đặt vé tàu, vé máy bay du lịch sau Tết một cách thuận lợi dễ dàng.
Chia sẻ về hoạt động bán hàng online của mình, chị Minh Nguyệt (Nhật Tân, Hà Nội), một tiểu thương bán quất đào cho biết, hàng năm, chị đăng các cành đào, quất qua mạng facebook, zalo cá nhân và trên trang nhóm chung cư nơi chị đang sống. Khi mọi người đặt hàng, chị bắt đầu ship trực tiếp tận nhà cho khách. “Giá đào, quất đã kèm theo phí ship. Dù có đắt hơn ngoài chợ một chút, nhưng khách hàng không phải bê vác vất vả, bảo quản nụ tốt, lại được phục vụ tận tình, nên ai cũng thích”, chị nói. Còn chị Nguyễn Xuyến, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội, chủ cửa hàng bán bánh chưng, giò, chả… cho biết, nhu cầu đặt bánh chưng Tết qua các năm ngày càng tăng cao. So với vài năm trước, nhu cầu tăng gấp đôi, gấp ba nhưng chủ yếu là đặt hàng qua facebook, zalo…
“Cầu nối” tình thân mọi lúc, mọi nơi
Tết đến, xuân về là lúc mọi người đều mong muốn được sum vầy bên gia đình. Thế nhưng, không ít người do đặc thù công việc hay đang sống và làm việc xa nhà nên không thể về đón Tết cùng gia đình. Nhờ công nghệ số, họ đã được đón Tết xa nhà nhưng vẫn cảm nhận không khí ấm áp tình thân, khiến họ vơi đi cảm giác trống trải khi thiếu vắng người thân bên cạnh vào thời khắc đầu năm mới.
Chị Nguyễn Thị Vân, một người Việt Nam đang định cư ở Cộng hoà Séc cho biết, mặc dù xa quê, nhưng cộng đồng người Việt ở Séc đều giữ thói quen đón Tết cổ truyền của dân tộc. Trong các gia đình, họ vẫn có bàn thờ tổ tiên, thờ Phật. Trong bữa cơm Tất niên chào đón năm mới vẫn sẽ có món bánh chưng, dưa hành, canh măng mọc hay món giò lụa… và gọi điện về quê chúc Tết bạn bè, người thân, gia đình. Những năm đầu mới sang định cư, chị rất nhớ nhà, nhất là vào dịp Tết. Khi đó, công nghệ số chưa phát triển nên chị chỉ có thể gọi điện thoại cho người thân nhưng cũng rất hạn chế vì giá cước điện thoại quốc tế đắt đỏ. Giờ đây công nghệ số phát triển, chỉ cần có kết nối internet là chị có thể gọi video chat với mọi người mọi lúc, mọi nơi. Được nghe giọng nói, nhìn thấy khuôn mặt của những người thân, nhìn không khí chuẩn bị đón Tết nơi quê nhà khiến chị cảm thấy ấm áp hơn nhiều.
Công nghệ số giúp tiết kiệm thời gian mua sắm Tết của nhiều gia đình.
Nhà có các anh em, con cháu ở xa, nên mỗi khi Tết đến, bà Nguyễn Thị Mây (ở Hưng Yên) đều livestream hoạt động trong những ngày Tết để mọi người cùng được cảm nhận. Thậm chí, bà còn lập nhóm gia đình, ở đó, mỗi người chụp ảnh, quay lại cảnh chuẩn bị Tết tại nơi mình sinh sống. Như em gái bà là Nguyễn Thị Mận đang ở Long An thì chụp lại vườn thanh long trĩu quả cùng cây mai vàng rực rỡ; em gái út Nguyễn Thị Mười ở Đức gửi hình ảnh tuyết rơi trắng xoá, cùng với mâm cơm đậm “hương vị quê hương”, có đủ bánh chưng, giò xào, canh măng mọc…; người cháu trai ở Anh thì chụp ảnh vẫn đang đến trường nhưng tổ chức Tết cùng những sinh viên người Việt… Tất cả đều gửi cho nhau lời chúc mừng năm mới sức khoẻ, ý nghĩa nhất.
Với các ứng dụng trao đổi thông tin đa phương tiện miễn phí như viber, facebook, zalo được tích hợp âm thanh, hình ảnh, video cực kỳ phong phú, sinh động đã cho ra đời một loại hình chúc Tết mới - “thiệp điện tử” và nhanh chóng được chia sẻ không chỉ ngày Tết Nguyên đán mà còn trong các ngày lễ khác như: Tết dương lịch, ngày Phụ nữ Việt Nam, ngày 8/3… Đó thật sự là tiện ích kết hợp tuyệt vời truyền thống tốt đẹp có từ xa xưa mà công nghệ hiện đại mang đến.
Tết Nguyên đán là một trong những ngày lễ lớn của Việt Nam. Tết luôn mang trong mình những giá trị vô cùng ý nghĩa và nhân văn bởi những khoảnh khắc đoàn viên, sum họp và gắn kết. Từ khi có công nghệ phát triển, cuộc sống vật chất và tinh thần của chúng ta cũng thay đổi theo, Tết truyền thống vì thế cũng thay đổi theo hướng thích ứng và phù hợp. Công cụ 4.0 giải quyết được vấn đề khoảng cách thông tin liên lạc, giao tiếp, giao lưu xã hội; kết nối thương mại điện tử, tiện ích giải trí. Công nghệ bổ trợ, giúp mỗi người có thời gian bên nhau hơn, tôn vinh giá trị truyền thống tốt đẹp của Tết cổ truyền.
Nhưng công nghệ không thể thay thế hoàn toàn các giá trị nhân văn, sự sẻ chia, cảm nhận của từng cá nhân trong không khí Tết vui tươi, đầm ấm bên gia đình. Cảm xúc của Tết phải được đón nhận, cảm thụ trực tiếp qua cử chỉ, hành động. Giá trị đích thực của Tết truyền thống là gia đình sum họp, anh em quây quần, lời chúc Tết từ chính trái tim.
Do đó, hãy khiến Tết “đậm đà” hơn bằng những ứng xử của mỗi cá nhân. Sự giao thoa, hoà trộn giữa Tết truyền thống và Tết hiện đại, sẽ làm cho Tết có nhiều phong vị mới. Mỗi lời chúc Tết dù online hay offline cũng hãy bằng cả tấm lòng để ai đọc cũng thấy được tình cảm mà người gửi dành trọn trong đó. Và nếu không vì lý do bất khả kháng, hãy cố gắng dành thời gian đón Tết trực tiếp cùng người thân.