Phát huy tinh thần cùng tiến từ phong trào “Bình dân học vụ số”

Giang Nam
Chia sẻ

“Bình dân học vụ số” không chỉ là một phong trào, mà còn mang trong mình sứ mệnh khai sáng kỹ năng số cho mọi tầng lớp Nhân dân - giống như phong trào “Bình dân học vụ” năm xưa từng góp phần xóa nạn mù chữ, nâng bước tri thức cho cả dân tộc.

Trong kỷ nguyên số, thiếu hụt kiến thức công nghệ chẳng khác nào trở thành người đứng bên lề cuộc sống hiện đại. Chính vì vậy, phong trào này được xem như chiếc chìa khóa mở cánh cửa tri thức số, trao cho mỗi người năng lực để hòa nhập, làm chủ công nghệ, để không ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình tiến vào thời đại mới.

Lan tỏa tinh thần học tập

Năm 2025, Hà Nội đang chứng kiến sự lan tỏa mạnh mẽ của tinh thần “học để số hóa”. Phong trào “Bình dân học vụ số” cũng vì thế mà đã thấm sâu đến từng khu phố, thôn xóm, từng tổ dân phố… nơi mọi người cùng nhau học hỏi, hỗ trợ nhau tiếp cận công nghệ. Từ đó, hình thành một cuộc vận động rộng lớn, thôi thúc toàn dân thi đua học tập, để “Bình dân học vụ số” thực sự trở thành điểm tựa giúp công nghệ gần gũi, thân thiện và phục vụ cuộc sống mỗi gia đình, mỗi cộng đồng.

Phong trào “Bình dân học vụ số” tại Hà Nội đang từng bước xóa nhòa khoảng cách thế hệ, thu hẹp rào cản công nghệ, mang tri thức số đến gần hơn với mọi người dân. Không có bục giảng, không giáo án bài bản, những lớp học của phong trào này có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu: Một góc quán cà phê, nhà văn hóa khu phố, vỉa hè, hay thậm chí tại một gian hàng nhỏ trong chợ dân sinh. Ở đó, không có sự phân biệt thầy trò theo lối truyền thống. Người “thầy” có thể là sinh viên công nghệ thông tin, đoàn viên thanh niên, nhân viên văn phòng hay chỉ đơn giản là một người trẻ có chút hiểu biết về điện thoại thông minh và sẵn sàng sẻ chia.

Phát huy tinh thần cùng tiến từ phong trào “Bình dân học vụ số” - 1

Ông Đinh Ngọc Sơn, cựu giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho cán bộ, hội viên phụ nữ (Ảnh chụp tháng 3 năm 2025)

Những kiến thức tưởng như rất đơn giản: Cách bật 4G, tạo email, sử dụng ví điện tử, tra cứu dịch vụ công trực tuyến... lại mở ra cả một thế giới mới đối với những người lần đầu tiếp xúc công nghệ. Và chính sự kiên nhẫn, tận tình của người hướng dẫn đã tiếp thêm tự tin để họ bước qua nỗi ngại ngùng ban đầu, làm chủ những tiện ích của thời đại số.

Tiêu biểu như tại khu dân cư số 9, phường Nghĩa Đô, ông Đinh Ngọc Sơn, cựu giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã mở lớp công nghệ miễn phí cho người cao tuổi ngay tại nhà riêng. Lớp học nhỏ, ấm cúng, với phương pháp “cầm tay chỉ việc” đã giúp những học viên lớn tuổi làm quen với điện thoại thông minh, ứng dụng ngân hàng, VNeID, dịch vụ công trực tuyến. Mỗi lớp chỉ khoảng 20 người để đảm bảo hướng dẫn tận tình, có sinh viên tình nguyện từ các trường đại học lân cận tham gia hỗ trợ, tạo nên nhịp cầu nối liền hai thế hệ. Sau hơn một tháng, lớp học đã tổ chức ba khóa, gần 60 học viên, và nhiều người từ chỗ chưa biết bật điện thoại nay đã tự tin gọi video, thanh toán hóa đơn hay đăng ký dịch vụ công.

Cũng trên tinh thần sẻ chia ấy, tại phường Xuân Đỉnh, bà Nguyễn Thị Tho (57 tuổi), tiểu thương tại chợ cóc, lần đầu làm quen với điện thoại cảm ứng. Từ đôi bàn tay quen cầm chiếc cân đồng, cuốn sổ ghi nợ thủ công, bà bắt đầu tập gõ từng phím ảo. Người hướng dẫn bà là Linh, một sinh viên trọ cùng tòa nhà đã kiên nhẫn chỉ cho bà cách mở Zalo, tạo tài khoản ngân hàng số, tra cứu giá cả, chụp ảnh sản phẩm để bán hàng qua mạng. Chỉ sau một buổi, từ chỗ lúng túng loay hoay, bà Tho đã đăng được hình ảnh mẹt rau lên nhóm cư dân, một bước nhỏ nhưng đầy ý nghĩa trên hành trình đến với thế giới số.

Không chỉ riêng bà Tho, ông Nguyễn Văn Thành (61 tuổi, phường Phú Lương), một cựu công nhân nhà máy nay đã về hưu, hiện bán nước chè tại vỉa hè. Mong muốn cập nhật kiến thức y tế và đặt lịch khám online, ông Thành đã được hướng dẫn cách sử dụng ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”, quét mã QR trên toa thuốc và truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia. “Hóa ra học công nghệ cũng như học chữ ngày xưa, từ từ rồi sẽ hiểu, thấy mình như trẻ lại,” ông Thành chia sẻ với nụ cười lạc quan.

Với những người dân như bà Tho, ông Thành, việc biết tra cứu thông tin y tế, chụp ảnh sản phẩm hay thanh toán bằng mã QR không chỉ là bước tiến trong kỹ năng sống, mà còn là minh chứng cho tinh thần học tập suốt đời và sự hòa nhập vào xã hội số.

Phát huy tinh thần cùng tiến từ phong trào “Bình dân học vụ số” - 2

Từ phong trào “Bình dân học vụ số”, kỹ năng số của cán bộ, công chức, người dân từng bước được nâng cao.

Giúp người dân nhận biết các hành vi lừa đảo

Phong trào “Bình dân học vụ số” được phát động tại Hà Nội với mục tiêu rõ ràng và giàu tính nhân văn: “Thành phố Hà Nội – Bình dân học vụ số – Toàn dân, toàn diện, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới”. Đây không chỉ là một khẩu hiệu, mà đã và đang trở thành hành động cụ thể, lan tỏa đến từng ngõ phố, từng cộng đồng dân cư.

Chuyển đổi số không còn là khái niệm trừu tượng mà đã hiện hữu trong đời sống bằng những việc làm thiết thực, gần dân: Triển khai hệ thống wifi miễn phí ở nhiều điểm công cộng; tổ chức các lớp phổ cập kỹ năng số; hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến; thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh; và đặc biệt, hướng dẫn người dân bảo vệ thông tin cá nhân, nâng cao ý thức an toàn trên không gian mạng.

Phong trào không chỉ giúp người dân làm quen với công nghệ, mà còn khơi dậy tinh thần học hỏi, ý thức chủ động thích ứng với thời đại số, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại và giàu tính nhân văn.

Thực tế, từ phong trào “Bình dân học vụ số”, kỹ năng số của người dân từng bước được nâng cao, góp phần hình thành ý thức chủ động và khả năng tự bảo vệ trên môi trường số. Những nguyên tắc tưởng như đơn giản nhưng mang ý nghĩa sống còn đã được khắc sâu vào tâm trí các hội viên, người dân: Không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, số tài khoản, mật khẩu qua điện thoại, tin nhắn, đường link lạ; luôn xác minh thông tin từ nhiều nguồn trước khi chuyển tiền; kích hoạt bảo mật hai lớp trên các tài khoản số... Chính những kiến thức, kỹ năng này đã giúp người dân tự tin hơn khi tham gia môi trường số, từng bước hạn chế rủi ro bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Một ví dụ sinh động cho hiệu quả của phong trào “Bình dân học vụ số” là trường hợp ông Đinh Văn Liệu, xã Hòa Xá. Cách đây chưa lâu, ông nhận được cuộc gọi từ một đối tượng tự xưng là cán bộ điện lực, thông báo rằng gia đình ông chưa thanh toán tiền điện và yêu cầu ông cung cấp thông tin cá nhân, đồng thời chuyển tiền ngay để tránh bị cắt điện. Tuy nhiên, nhờ những kỹ năng an toàn trên môi trường số đã được phổ biến qua phong trào, ông Liệu lập tức cảnh giác. Nhận thấy giọng điệu của đối tượng có phần hăm dọa, ông chủ động tra cứu thông tin, tham khảo ứng dụng trí tuệ nhân tạo, rồi liên hệ với lực lượng chức năng địa phương để xác minh. Chính sự tỉnh táo và chủ động ấy đã giúp ông bảo vệ an toàn thông tin cá nhân, không để kẻ gian thực hiện hành vi lừa đảo.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Mai, phường Nghĩa Đô cũng từng suýt trở thành nạn nhân của trò lừa đảo trên không gian mạng. Một hôm, bà nhận được tin nhắn kèm đường link lạ thông báo trúng thưởng từ một chương trình mua sắm trực tuyến. Nội dung tin nhắn yêu cầu bà nhấp vào link và điền thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để nhận thưởng. Ban đầu có chút tò mò, nhưng nhờ những buổi tập huấn kỹ năng số tại tổ dân phố, bà Mai kịp thời nhận ra dấu hiệu bất thường. Bà không mở link, lập tức hỏi ý kiến con cháu, đồng thời báo cho tổ dân phố để cảnh báo mọi người. Nhờ vậy, bà đã tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị đánh cắp thông tin và tài sản, đồng thời góp phần lan tỏa ý thức cảnh giác trong cộng đồng.

Có thể khẳng định, phong trào “Bình dân học vụ số” đã góp phần thiết thực vào việc phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số cho người dân, với tinh thần cách mạng, toàn dân, toàn diện. Phong trào hiện thực hóa phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau” trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Mỗi người dân, dù ở nông thôn hay thành thị, dù là tiểu thương, công nhân hay cán bộ hưu trí, đều được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để áp dụng vào cuộc sống hằng ngày. Từ đó, chủ động nắm bắt, tận dụng và khai thác hiệu quả những thành quả của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, giàu tính nhân văn trong thời đại mới.

Chia sẻ

Giang Nam

Tin cùng chuyên mục

Học sinh phổ thông mở trại hè cho các em nhỏ

Học sinh phổ thông mở trại hè cho các em nhỏ

Học Trại hè khoa học Science Camp là hoạt động thường niên dành cho các em nhỏ từ 6-13 tuổi được tổ chức bởi Society of Open Science (SOS), câu lạc bộ khoa học lớn nhất của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Qua các mùa hoạt động, trại hè đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều gia đình mỗi năm.

Những tấm gương bình dị tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc

Những tấm gương bình dị tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc

Những năm qua, phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc của thành phố Hà Nội đã phát triển rực rỡ với nhiều kết quả nổi bật. Hàng trăm những mô hình, cách làm hay đảm bảo an ninh trật tự, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, cùng lực lượng công an chung tay giữ gìn sự bình yên của Thủ đô.

Tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân

Tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân

Ngày 1/7/2025, cùng với cả nước, 126 xã, phường mới hình thành sau sắp xếp tại Hà Nội chính thức vận hành theo mô hình chính quyền 2 cấp. Thái độ phấn khởi và thuận lợi khi đến làm thủ tục hành chính tại xã, phường mới của Nhân dân đã cho thấy sự tận tâm, trách nhiệm của các cán bộ công chức làm việc tại bộ máy chính quyền mới trong phục vụ Nhân dân.

Cô gái Việt được vinh danh trong Forbes 30 Under 30 châu Á

Cô gái Việt được vinh danh trong Forbes 30 Under 30 châu Á

Tạp chí Forbes Asia vừa công bố danh sách 30 Under 30 châu Á năm 2025, vinh danh 30 cá nhân dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nổi bật trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương trên 10 lĩnh vực khác nhau. Trong danh sách năm nay, Jenny Huỳnh (tên thật là Huỳnh Việt Hoàng Vy) là một trong hai đại diện đến từ Việt Nam, được xướng tên ở hạng mục Truyền thông, Tiếp thị và Nội dung số.

Hà Nội nỗ lực nâng cao chất lượng dân số

Hà Nội nỗ lực nâng cao chất lượng dân số

Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; chú trọng giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số… là những mục tiêu mà Hà Nội nỗ lực thực hiện trong thời gian qua.