Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm nay có chủ đề:“Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi”. Đây là thông điệp chính thức được Văn phòng Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam công bố và được Bộ Y tế đưa vào Kế hoạch truyền thông dân số nhằm đẩy mạnh nhận thức cộng đồng về vai trò, quyền lợi và trách nhiệm trong vấn đề sinh sản.
Mức sinh giảm ảnh hưởng tới cơ cấu, quy mô dân số
Theo Bộ Y tế, sau khi Pháp lệnh dân số năm 2003 được ban hành, mức sinh trong nước có biểu hiện tăng lên (TFR từ 2,12 năm 2003 lên 2,23 năm 2004). Nhiều ý kiến cho rằng Điều 10 của Pháp lệnh Dân số năm 2003 đã làm cho người dân lầm tưởng có thể sinh số con theo ý muốn, và đây là nguyên nhân dẫn đến mức sinh tăng.
Nhằm hoàn thiện các chính sách về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, ngày 27/12/2008, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số. Theo đó, quy định “Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc sức khoẻ sinh sản: (1) Quyết định thời gian và khoảng cách sinh con; (2) Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định…”. Nhờ đó, xu thế giảm sinh được duy trì. Việt Nam đã khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số, đạt mức sinh thay thế sớm hơn 10 năm so với mục tiêu đề ra và tiếp tục duy trì cho đến nay.
Chi cục trưởng Chi cục Dân số, Trẻ em và phòng chống tệ nạn xã hội thành phố Hà Nội Vũ Duy Hưng phát biểu tại hội nghị Nâng cao hiệu quả về công tác tuyên truyền về dân số, trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay, mức sinh của nước ta đã xuất hiện xu hướng xuống thấp và rất thấp ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đô thị hóa cao. Việt Nam luôn duy trì mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) trong gần 20 năm liên tục từ năm 2002 đến 2020, nhưng trong 2 năm gần đây (năm 2023-2024), mức sinh con ở Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu giảm nhanh hơn. Năm 2023, tổng tỉ suất sinh của Việt Nam là 1,96 con/phụ nữ và con số này giảm tiếp xuống còn 1,91 con/phụ nữ vào năm 2024. Đặc biệt, mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, xu hướng sinh rất ít con đã xuất hiện tại các đô thị. Hai vùng, với 21 tỉnh vẫn duy trì ở mức thấp hơn mức sinh thay thế là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, tỉnh Tiền Giang có tổng tỉ suất sinh trong 6 năm từ 2014 -2019 là: 1,75 con/phụ nữ - 1,62 con - 2,0 con - 1,99 - 1,68 - 1,82. Địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước là TP Hồ Chí Minh, từ năm 2015-2019 là: 1,45 con/phụ nữ - 1,24 - 1,36 -1,33 - 1,35. Trong khi đó, để duy trì vững chắc mức sinh thay thế, bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con, trên phạm vi cả nước.
Mức sinh giảm ảnh hưởng tới cơ cấu, quy mô dân số, làm suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tăng nhanh quá trình già hóa dân số... Nếu không có những điều chỉnh chính sách, những giải pháp kịp thời để đưa mức sinh tăng trở lại đạt mức sinh thay thế, tương lai dân số Việt Nam giảm dần..., làm chậm quá trình phát triển của kinh tế-xã hội của đất nước.
Tại Hà Nội, mặc dù tổng tỷ suất sinh (TFR) vẫn đang duy trì ở mức sinh thay thế, tuy nhiên có xu hướng giảm dần những năm gần đây. Theo tính toán của Chi cục Dân số Hà Nội, TFR của Hà Nội giai đoạn từ năm 2020 tới năm 2023 đang giảm từ 2,1 (năm 2020) xuống còn 2,06 (năm 2023). Để duy trì tổng tỉ suất sinh, Thành phố và ngành Y tế Thủ đô đã có nhiều nỗ lực để tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về việc đảm bảo tỉ lệ sinh với mỗi gia đình là sinh đủ 2 hai con. Bên cạnh đó, mỗi người dân, hộ gia đình, và các bạn trẻ ở độ tuổi kết hôn cần xác định và nhận thức rõ, đây còn là trách nhiệm của mình với gia đình và với xã hội…
Sửa luật để “kích cầu” mức sinh ở một số địa phương
Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số tại phiên họp chiều 3/6 và có hiệu lực ngay khi được thông qua. Theo Pháp lệnh mới, mỗi cặp vợ chồng, cá nhân được quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh con phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cá nhân, cặp vợ chồng trên cơ sở bình đẳng. Cũng theo quy định vừa được thông qua, cặp vợ chồng, cá nhân có quyền và nghĩa vụ bảo vệ sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến sức khỏe sinh sản.
Ông Vũ Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số, Trẻ em và Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội (thuộc Sở Y tế Hà Nội), theo quy định mới tại Pháp lệnh Dân số được sửa đổi, các cặp vợ chồng được quyền quyết định thời điểm sinh con, số lượng con và khoảng cách giữa các lần sinh, căn cứ vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và khả năng nuôi dạy con của từng cá nhân, cặp vợ chồng, trên cơ sở bình đẳng. Việc triển khai quy định mới này cũng cần phù hợp với từng địa phương và điều kiện từng gia đình.
Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê qua các năm tính đến năm 2024.
Ở Hà Nội, hiện Thành phố đang bước vào giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”. Đây là thời điểm thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Những năm gần đây, nhận thức của người dân Thủ đô về chính sách dân số đã có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ các gia đình sinh đủ hai con ngày càng tăng, chất lượng dân số cũng được cải thiện rõ rệt.
Song trên thực tế, mức sinh thay thế của Hà Nội hiện nay mặc dù được duy trì tuy nhiên chưa bền vững, chưa đạt mốc 2,10 con/phụ nữ. Tỷ số giới tính khi sinh đã được kiểm soát, giảm dần hàng năm nhưng vẫn còn cao so với quy luật tự nhiên do nhiều nơi một bộ phận nhân dân vẫn chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề bởi các định kiến giới… “Trước đây, chúng ta tuyên truyền là mỗi gia đình sinh từ một đến hai con. Bây giờ, chúng ta tuyên truyền là hãy sinh đủ hai con. Với riêng Hà Nội, ngoài tổ chức các hoạt động truyền thông cung cấp thông tin về hệ lụy của vấn đề mức sinh thấp, Thành phố cũng sẽ truyền thông, vận động nam, nữ thanh niên “không kết hôn muộn, kết hôn trước tuổi 30, không sinh con muộn và sinh đủ 2 con trước 35 tuổi”. Đây là thông điệp rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe sinh sản của phụ nữ” - Chi cục trưởng Chi cục Dân số, Trẻ em và Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội Vũ Duy Hưng cho biết thêm.
Hưởng ứng ngày dân số thế giới 11/7, Cục Dân số phối hợp với Văn phòng Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ mít tinh cấp quốc gia vào ngày 11/7/2025 tại Hà Nội, đồng thời chỉ đạo Chi cục Dân số/Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Phòng Dân số và các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch truyền thông hưởng ứng ngày Dân số Thế giới. Ngày Dân số Thế giới là dịp để mỗi quốc gia nhìn lại những nỗ lực trong lĩnh vực dân số, từ đó thúc đẩy những hành động cụ thể, bền vững vì chất lượng cuộc sống của người dân hôm nay và các thế hệ mai sau. Năm nay, khẩu hiệu tuyên truyền quan trọng như: “Sinh con là quyền – Nuôi dạy con tốt là trách nhiệm”, “Không mang thai ở tuổi vị thành niên vì sức khỏe, tương lai và hạnh phúc của chính bạn”, “Không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống để bảo vệ giống nòi”, “Dân số khỏe – Gia đình hạnh phúc – Đất nước phồn vinh”... nhằm hướng đến việc nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo quyền sinh sản và thúc đẩy phát triển bền vững.
Tại Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Dân số, Trẻ em và Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố Hà Nội Vũ Duy Hưng nhấn mạnh, với thông điệp là trao quyền tự quyết về sinh sản, Hà Nội đang tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà Nước về công tác dân số: “Pháp lệnh số 07/2025/UBTVQH15 sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Pháp lệnh Dân số: bỏ quy định sinh 1 hoặc 2 con, vợ chồng tự quyết định số con và thời gian sinh con. Tăng cường tư vấn sinh sản an toàn, có trách nhiệm, giúp mỗi cặp vợ chồng có đầy đủ thông tin để chủ động lựa chọn thời điểm sinh, số con và khoảng cách sinh phù hợp”.