Nhân rộng hiệu quả từ mô hình điểm tại Hà Nội

HỒNG NHUNG (thực hiện)
Chia sẻ

Tổ chức Plan International tại Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình hợp tác tại Hà Nội từ năm 1997. Phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô đã có buổi trò chuyện với bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý tác động Chương trình và đối tác, tổ chức Plan International tại Việt Nam, một trong những đơn vị đồng hành với Hội LHPN Hà Nội về những kết quả mà Hà Nội đã đạt được trong xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái.

Thưa bà, Việt Nam là một trong những quốc gia được quốc tế đánh giá cao trong việc đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua. Tuy nhiên, định kiến giới, bạo lực trên cơ sở giới; xâm hại phụ nữ trẻ em vẫn còn xảy ra.  Bà có thể đánh giá về thực trạng này?

Bà Lê Quỳnh Lan: Từ khi thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), xếp hạng của Việt Nam trên thế giới về bình đẳng giới tăng từ vị trí 83 lên 72 trên tổng số 146 quốc gia (theo số liệu năm 2023 về chỉ số khoảng cách giới tính toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới). Việt Nam đã phê duyệt và triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025 và Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030.

Tuy nhiên,  xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, và trẻ em gái vẫn còn gặp khó khăn và thách thức. Theo số liệu của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội năm 2022 cho thấy, có 82 vụ việc/110 bị cáo về tội xâm hại tình dục trẻ em. 6 tháng đầu năm 2023, Tòa án 2 cấp thành phố thụ lý 81 vụ/81 bị cáo xâm hại tình dục trẻ em.

Nhân rộng hiệu quả từ mô hình điểm tại Hà Nội - 1

Bà Lê Quỳnh Lan

Kết quả khảo sát về an toàn nơi công cộng đối với phụ nữ, trẻ em gái, người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBTI) của tổ chức Plan International Việt Nam và vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thực hiện tháng 7/2023  cho thấy, có 30,1% phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy không an toàn ở một số địa điểm công cộng nơi họ đang sinh sống, giảm gần một nửa so với cuộc khảo sát năm 2021 (59,8%) nhưng vẫn cao hơn +2,6 điểm phần trăm so nam giới và trẻ em trai (27,5%).

Nạn nhân của các hành vi QRTD nơi công cộng và/hoặc trên phương tiện công cộng chủ yếu là phụ nữ, chiếm 75,3%; và tiếp đến là trẻ em gái, chiếm 52,1%.

Phản ứng phổ biến của các nạn nhân là tìm sự hỗ trợ của người xung quanh hoặc bỏ đi. Có tới 29,7% nạn nhân lựa chọn cách im lặng chịu đựng và không làm gì trước các hành vi quấy rối tình dục. Đáng chú ý, khi phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối tình dục đề nghị hỗ trợ thì có tới 2,7% phản ứng bằng cách "đổ lỗi cho nạn nhân".

Những con số trên cho thấy, cần nhiều nỗ lực hơn nữa của các cơ quan ban ngành, tổ chức xã hội trong việc nâng cao năng lực phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng của cộng đồng, người dân và tiếp tục cải thiện các dịch vụ hỗ trợ an toàn đối với phụ nữ và trẻ em gái nơi công cộng

Nhân rộng hiệu quả từ mô hình điểm tại Hà Nội - 2

Các em học sinh huyện Đông Anh tham gia xây dựng thành phố an toàn.

 Tổ chức Plan International đã triển khai nhiều hoạt động tại Hà Nội. Bà đánh giá như thế nào về những kết quả mà Thành phố đã đạt được trong xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái thời gian qua?

Bà Lê Quỳnh Lan: Tổ chức Plan International tại Việt Nam đã triển khai các chương trình hợp tác tại Hà Nội từ năm 1997. Với sự ủng hộ từ các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, sự tham gia tích của của các đơn vị đối tác như Thành Hội phụ nữ, Hội LHPN huyện Đông Anh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Điều hành giao thông đô thị Hà Nội, các mô hình dự án nhằm ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, phòng ngừa xâm hại trẻ em đã được triển khai thành công. Đây cũng là mô hình điểm để nhân rộng ra các tỉnh thành khác.

Cụ thể, mô hình “Trường học an toàn thân thiện và bình đẳng” đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào hướng dẫn Quốc gia và Tổ chức quốc tế Plan International tại Việt Nam nhân rộng ra 5 tỉnh miền Bắc và miền Trung. Mô hình “Thành phố an toàn với em gái” được TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng học hỏi, nhân rộng.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội đã công nhận sự thành công của mô hình phòng tham vấn trong trường học và nhân rộng ra toàn bộ hệ thống các trường của Thủ đô. Cùng với đó, với sự chỉ đạo của Hội LHPN TP Hà Nội, mô hình xây dựng huyện an toàn cho trẻ em gái tại Đông Anh đã được nhân rộng ra nhiều quận, huyện nội thành của Hà Nội.

Đặc biệt, mô hình “Không gian công cộng an toàn với em gái” đã nhận được sự tham gia và ủng hộ của người dân và chính quyền địa phương các quận, huyện tại Hà Nội. Hệ thống camera an ninh đã được Sở Giao thông Hà Nội chỉ đạo và lắp đặt trên các tuyến xe buýt, nhằm tăng cường sự an toàn của em gái.

Sự cởi mở và ủng hộ của lãnh đạo chính quyền cho việc thí điểm các mô hình phòng ngừa xâm hại, bạo lực với phụ nữ và trẻ em là tiền đề và là cơ sở để Hà Nội tiếp tục củng cố các cam kết đưa Hà Nội thành một thành phố đáng sống, mô hình mẫu cho một môi trường thành phố an toàn, thúc đẩy bình đẳng giới.

Nhân rộng hiệu quả từ mô hình điểm tại Hà Nội - 3

Những thông điệp ý nghĩa do các em học sinh gửi tới cộng đồng.

Theo bà, cần làm gì để xây dựng một môi trường sống an toàn cho phụ nữ, đặc biệt là trẻ em gái?

Bà Lê Quỳnh Lan:

 Trẻ em gái lớn lên ở môi trường gia đình, trường học, cộng đồng và hiện nay là cả không gian mạng nữa. Do vậy, trong cả 4 môi trường trên, đều cần được xây dựng là môi trường an toàn cho trẻ em.

Đối với các bậc cha mẹ, việc tự trang bị kiến thức về kỹ năng nuôi dạy con không dùng bạo lực và là tấm gương trong việc không sử dụng bạo lực bằng lời nói hay bằng hành động trong xử lý mâu thuẫn trong  gia đình, tại cộng đồng, sẽ là một cơ sở vững chắc cho việc tạo ra một môi trường gia đình an toàn cho trẻ em. Bên cạnh đó, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần tạo cơ hội để trẻ em được chia sẻ các quan ngại, lo lắng cũng như những khó khăn mà trẻ gặp phải trong quan hệ với bạn bè, thầy cô và những người lớn xung quanh, đồng thời, luôn quan sát các thay đổi ở con để kịp thời phát hiện và hỗ trợ nếu trẻ đối mặt với rủi ro hoặc đã bị xâm hại. Đối với trẻ em, các bạn cũng cần tự trang bị cho mình các kiến thức, kỹ năng trong phòng ngừa xâm hại, bạo lực với trẻ em. Và quan trọng nhất, các em cần được biết các em có quyền được lớn lên an toàn trong gia đình, được học tập trong môi trường an toàn, do vậy, có bất cứ rủi ro nào liên quan đến sự an toàn của bản thân các em, các em cần lên tiếng để nhận được sự giúp đỡ từ cha mẹ, thầy cô hoặc người lớn mà em tin cậy.

Đối với thầy cô và các nhà trường, bên cạnh vai trò giáo dục, cung cấp kiến thức cho học sinh, việc tạo ra một môi trường học tập an toàn, nơi đó học sinh, thầy cô cùng nhau xây dựng các chuẩn mực về ứng xử và thực hành các chuẩn mực đó cũng là một ưu tiên quan trọng. Mô hình phòng tham vấn tâm lý trong trường học cần tiếp tục được đầu tư, hỗ trợ để trở thành một địa chỉ tin cậy cho mọi học sinh, thầy cô và cả cha mẹ trong việc phòng ngừa và ứng phó với xâm hại, bạo lực với trẻ em.

Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức xã hội, các nỗ lực cần tiếp tục được đầu tư cho nhân rộng các  mô hình ngăn ngừa và ứng phó với xâm hại trẻ em tại trường học, cộng đồng, trên không gian mạng để giảm thiểu tối đa các vụ việc xâm hại, bạo lực với trẻ em và tăng số lượng trẻ em là nạn nhân được tiếp cận các dịch vụ trợ giúp tâm lý xã hội một cách kịp thời, chuyên nghiệp nhằm giúp phục hồi sớm các tổn thương do các hành vi xâm hại gây ra với các em.

 Xin cảm ơn bà!

Chia sẻ

HỒNG NHUNG (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Bảo vệ giá trị văn hóa làng xã ở Thủ đô

Bảo vệ giá trị văn hóa làng xã ở Thủ đô

Làng Việt cổ truyền là một tế bào xã hội của người Việt. Mỗi ngôi làng đều có một truyền thống văn hóa riêng cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên, làng truyền thống ở Thủ đô hiện nay đang biến dạng trước những tác động của kinh tế, xã hội và của quá trình đô thị hóa khốc liệt. Bảo tồn các di sản văn hóa của làng Việt truyền thống trong bối cảnh xã hội...

Những tấm gương vượt lên số phận

Những tấm gương vượt lên số phận

Bằng ý chí và nghị lực phi thường, những người khuyết tật đã không chịu đầu hàng số phận, vượt lên mọi khó khăn, hoà nhập cộng đồng, trở thành những người có ích cho xã hội.

Tạo cơ hội để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Tạo cơ hội để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Người khuyết tật (NKT) là một trong các nhóm đối tượng yếu thế, được quan tâm trong những hoạt động của Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, giải pháp được chú trọng là tạo thêm nhiều cơ hội để NKT tự tin hòa nhập...