Hạnh phúc đến từ những điều giản dị

Hồng Nhung (thực hiện)
Chia sẻ

Nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc, phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô đã có buổi trò chuyện với chuyên gia tâm lý Vera Hà Anh, Kỷ lục gia, Tiến sĩ tâm lý thực hành tình yêu hôn nhân và gia đình, Giám Đốc Công ty TNHH Tư vấn Tâm lý và Đào tạo Vera về bí quyết để có được hạnh phúc trọn vẹn.

Thưa chuyên gia tâm lý Vera Hà Anh, cơ duyên nào khiến chị trở thành chuyên gia tâm lý thực hành, tư vấn hạnh phúc hôn nhân gia đình?

Chị Hà Anh: Năm 25 tuổi, tôi kết hôn. Giống như những cặp vợ chồng trẻ khác, chúng tôi rất hạnh phúc khi mới bắt đầu cuộc sống hôn nhân. Tuy nhiên, khi tôi sinh đứa con đầu lòng, trước áp lực cuộc sống từ việc chăm sóc con, công việc, tài chính…, hạnh phúc ấy đã bắt đầu có vết rạn. Sau đó, qua thăm khám, tôi được phát hiện mắc trầm cảm. Tôi trở nên thu mình lại, ít nói, ít cười, đầu óc trống rỗng, hay khóc một mình. Vợ chồng tôi càng ngày càng ít giao tiếp với nhau, tôi không còn cảm thấy hạnh phúc nên quyết định ly hôn. Đúng lúc ấy, chồng tôi chủ động rủ cả nhà đi chơi. Các con tôi vui sướng, hạnh phúc lắm, bởi rất lâu rồi, chúng tôi chưa có một ngày vui vẻ như vậy. Nhìn cảnh chồng con vui chơi bên nhau, tôi không cầm được nước mắt.

Trở về từ chuyến đi ấy, tôi gác lại chuyện ly hôn, quyết tâm chữa bệnh. Tôi tìm đến chuyên gia tâm lý để được tư vấn rồi tìm đến các khóa học phát triển bản thân, khóa học tâm lý, tập thiền, tập yoga... Qua đó, tôi đã nhận ra được những sai lầm, thiếu sót mà phụ nữ thường mắc phải trong hôn nhân, từ đó đưa ra giải pháp, bài học để giúp phụ nữ cải thiện tình trạng đổ vỡ hôn nhân.

Chị có thể kể một số câu chuyện cụ thể về việc mình đã giúp đỡ một người hoặc một cặp vợ chồng tìm thấy hạnh phúc trong hôn nhân và cuộc sống?

Chị Hà Anh: Với tôi, mỗi câu chuyện là một hành trình chữa lành đặc biệt, nhưng có một trường hợp khiến tôi nhớ mãi…

Đó là một cặp vợ chồng kết hôn hai năm nhưng luôn trong trạng thái căng thẳng, khắc khẩu và mất kết nối. Áp lực lớn nhất là họ mãi chưa có con, khiến mối quan hệ ngày càng trở nên ngột ngạt. Khi người vợ tìm đến, tôi đã dành thời gian để tìm ra gốc rễ vấn đề – không chỉ là những mâu thuẫn giữa hai vợ chồng mà còn là những tổn thương sâu sắc từ bên trong cô ấy.

Tôi đã đồng hành cùng cô ấy suốt 3 tháng, mỗi ngày bắt đầu từ 5 giờ sáng với các bài tập thực hành và quy trình chữa lành chuyên sâu. Khi nội tâm cô ấy được chữa lành, sự mềm mại và thấu hiểu trong cô ấy được khơi dậy, mối quan hệ vợ chồng cũng thay đổi - họ trò chuyện nhiều hơn, thấu hiểu và yêu thương nhau hơn. Và rồi điều kỳ diệu đã đến: Cô ấy mang thai đúng như mong ước, và em bé ra đời khỏe mạnh, đúng như hình dung của cô ấy trong quá trình chữa lành.

Giờ đây, cô ấy đã thực sự trở thành "nữ hoàng" trong chính ngôi nhà của mình - tự tin, thấu hiểu, và hạnh phúc trong từng khoảnh khắc của cuộc sống.

Hạnh phúc đến từ những điều giản dị - 1

Vợ chồng cần có sự thấu hiểu để duy trì hôn nhân hạnh phúc.

Vậy với cá nhân và gia đình chị, chị đã làm gì để giữ gìn hạnh phúc gia đình và để bản thân luôn cảm thấy hạnh phúc?

Chị Hà Anh: Hạnh phúc gia đình, với tôi, không phải là điều gì xa vời hay phức tạp. Hà Anh luôn tin rằng hạnh phúc bắt đầu từ những điều nhỏ nhất – từ việc cùng nhau đi làm buổi sáng, trò chuyện trên đường đưa con đi học, hay cùng nhau thưởng thức bữa trưa.

Trong gia đình, tôi không cố gắng tạo ra một khuôn mẫu hoàn hảo, mà luôn tận hưởng từng giây phút bên nhau. Hạnh phúc trong hôn nhân không phải là luôn hiểu nhau mà Hà Anh tôn trọng những điểm khác biệt ở đối phương, cả những điểm cộng và điểm trừ của anh ấy.

Với con cái, tôi không chỉ nuôi dạy mà còn đồng hành, lắng nghe và tôn trọng cảm xúc của các con. Buổi tối cả gia đình quây quần bên nhau, trò chuyện, cười đùa – đó là khoảnh khắc mà tôi cảm nhận được sự trọn vẹn nhất.

Nhưng hơn cả việc vun đắp hạnh phúc gia đình, tôi hiểu rằng hạnh phúc thực sự bắt đầu từ việc yêu thương chính mình. Khi bản thân mình tràn đầy yêu thương, sự dịu dàng và cân bằng sẽ tự nhiên lan tỏa đến mọi người xung quanh.

Theo chị, hạnh phúc cần được nhìn nhận như thế nào trong đời sống hiện nay, thưa chuyên gia?

Chị Hà Anh: Tôi nghĩ sẽ không có một quan điểm cố định nào về hạnh phúc, bởi mỗi người sẽ có cách cảm nhận khác nhau, và ngay cả một người cũng có thể thay đổi quan niệm về hạnh phúc theo thời gian.

Hạnh phúc là một trạng thái của tâm hồn, không phải là đích đến mà là hành trình mà mỗi người trải nghiệm theo cách riêng của mình. Với tôi, hạnh phúc không phải là sự hoàn hảo hay không có đau khổ, mà là sự an yên trong nội tâm, sự đủ đầy trong tâm hồn và khả năng yêu thương một cách trọn vẹn.

Trong đời sống hiện nay, khi mọi thứ diễn ra quá nhanh, con người dễ bị cuốn vào guồng quay của công việc, áp lực xã hội và các tiêu chuẩn bên ngoài, hạnh phúc đôi khi bị hiểu lầm là sự sở hữu, đạt được hay hơn thua. Nhưng thật ra, hạnh phúc không đến từ việc có nhiều hơn mà đến từ sự trân trọng những gì mình đang có.

Hạnh phúc cần được nhìn nhận như một sự lựa chọn. Nó không phụ thuộc hoàn toàn vào hoàn cảnh, mà nằm ở cách ta đối diện với cuộc sống. Khi ta biết đủ, biết ơn và sống với lòng yêu thương, ta sẽ cảm nhận được hạnh phúc ngay trong từng khoảnh khắc.

Hạnh phúc đến từ những điều giản dị - 2

Gia đình hạnh phúc của chị Hà Anh

Nhân ngày Quốc tế hạnh phúc, chị có lời khuyên gì để mỗi người có thể xây dựng hạnh phúc của mình, mỗi gia đình có thể duy trì hạnh phúc hôn nhân?

Chị Hà Anh: Trước hết, tôi muốn chia sẻ với các bạn rằng hạnh phúc của mỗi cá nhân điều cần mỗi người tự xây dựng theo cách của riêng mình. Bạn phải tự làm điều đó chứ không thể chờ đợi một ai khác mang đến. Để làm được điều đó, bạn hiểu rõ bản thân, biết mình thực sự cần gì, muốn gì? Học cách trân trọng những gì mà mình đang có và sống đúng với những giá trị mà mình tin tưởng. Học cách buông bỏ những điều tiêu cực, nuôi dưỡng suy nghĩ tích cực và tìm thấy niềm vui trong những điều giản dị hằng ngày cũng là một cách để có được sự bình yên trong tâm hồn.

Còn trong hôn nhân, tôi tin rằng không có bí quyết chung cho tất cả, nhưng với tôi cần phải đáp ứng đủ 7 yếu tố sau:

1. Niềm tin: Hôn nhân bền vững bắt đầu từ niềm tin. Khi bạn tin tưởng người bạn đời, bạn sẽ không để sự nghi ngờ hay lo lắng làm tổn thương mối quan hệ. Niềm tin không chỉ là sự chung thủy mà còn là tin vào khả năng đồng hành, cùng nhau vượt qua khó khăn, xây dựng một cuộc sống tốt đẹp.

2. Biết ơn: Hạnh phúc trong hôn nhân không đến từ những điều quá lớn lao, mà từ việc biết trân trọng những gì đối phương làm cho mình mỗi ngày. Khi bạn biết ơn vì sự hiện diện, vì những yêu thương dù nhỏ bé nhất, bạn sẽ thấy hài lòng và hạnh phúc hơn trong mối quan hệ của mình.

3. Tôn trọng: Tôn trọng không chỉ là phép lịch sự, mà còn là cách giữ gìn tình yêu. Khi bạn tôn trọng suy nghĩ, cảm xúc, không gian riêng của đối phương, bạn đang cho họ cảm giác an toàn trong chính mối quan hệ này. Tôn trọng cũng là chấp nhận sự khác biệt và không áp đặt quan điểm cá nhân lên người còn lại.

4. Chấp nhận: Không ai hoàn hảo, và hôn nhân không phải là hành trình đi tìm sự hoàn hảo. Chấp nhận nghĩa là hiểu rằng người kia cũng có điểm mạnh, điểm yếu, thói quen riêng, quan điểm riêng  và điều quan trọng không phải là thay đổi họ, mà là cùng nhau dung hòa, tìm cách tốt nhất để đồng hành.

5. Lắng nghe: Giao tiếp không chỉ là nói, mà quan trọng hơn là biết lắng nghe. Khi bạn thực sự lắng nghe, bạn không chỉ nghe bằng tai mà còn bằng trái tim, để thấu hiểu điều đối phương muốn chia sẻ. Lắng nghe giúp cả hai tránh được những hiểu lầm không đáng có và tạo ra sự kết nối sâu sắc hơn.

6. Thấu hiểu: Mỗi người đều có những nỗi niềm, những góc khuất mà đôi khi không dễ dàng nói ra. Thấu hiểu là khi bạn đặt mình vào vị trí của người kia, cảm nhận những gì họ đang trải qua, thay vì chỉ nhìn mọi thứ từ góc độ của riêng mình. Khi thấu hiểu, bạn sẽ bớt trách móc, bớt đòi hỏi, và biết cách yêu thương đúng với những gì đối phương cần.

7. Tôn vinh: Ai cũng muốn được công nhận và trân trọng trong chính mối quan hệ của mình. Hãy tôn vinh người bạn đời bằng cách ghi nhận những nỗ lực của họ, thể hiện sự cảm kích thay vì coi đó là điều hiển nhiên. Một lời khen, một cái ôm hay đơn giản là sự trân trọng dành cho đối phương cũng đủ để nuôi dưỡng tình yêu dài lâu.

Trân trọng cảm ơn chị!

Chia sẻ

Hồng Nhung (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Một ngày có nội

Một ngày có nội

Cứ vào cuối tuần, rất đều đặn, bà nội lại bắt xe lên nhà tôi chơi. Nhà tôi và nhà bà ở cách nhau quãng tầm hơn 10km, bà đi qua 2 tuyến xe buýt và đi bộ độ 10 phút là tới.

Học cách sẻ chia

Học cách sẻ chia

Phương thở dài khi lại nhớ đến một danh sách công việc chưa hoàn thành: Rửa chén, nấu cháo cho con, gấp đống đồ phơi từ sáng, lau nhà, chuẩn bị đồ ăn sáng cho ngày mai, kiểm tra bài tập cho bé Na…

Nữ sinh lập dự án giảm định kiến giới

Nữ sinh lập dự án giảm định kiến giới

Đỗ Thị Hồng Phương, sinh viên Trường Đại học Hà Nội đã cùng bạn bè thành lập dự án cộng đồng 4FLAMES nhằm giảm thiểu định kiến giới trong gia đình Việt Nam. Phương mong muốn mang đến cho học sinh, sinh viên những góc nhìn đúng đắn về vấn đề “bất bình đẳng giới trong gia đình” - một vấn đề tưởng chừng như đã cũ nhưng vẫn tồn tại dai dẳng trong xã hội.

Chung tay hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về

Chung tay hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về

Thời gian qua, đã có nhiều hoạt động được triển khai để hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, vừa góp phần để nạn nhân sớm ổn định cuộc sống, sinh kế, hòa nhập cộng đồng, vừa đảm bảo thực hiện tốt các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.